Những lưu ý trong thực hành sau khi thụ nhận quán đỉnh ở cấp độ đầu tiên | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Những lưu ý trong thực hành sau khi thụ nhận quán đỉnh ở cấp độ đầu tiên

Theo các thứ lớp Tantra của Kim Cương thừa sẽ có những cấp độ quán đỉnh khác nhau. Cấp độ Tantra đầu tiên là Quán đỉnh Bình cho phép bạn được tự quán tưởng mình là Đức Phật hay vị Bản tôn thiền định. Kể từ lúc này, Khẩu của bạn cần luôn trì chân ngôn với tiếng trì giống như một chuỗi âm thanh liên tục. Kim Cương thừa còn được gọi là Mantrayana (Chân ngôn thừa), theo đó “man” có nghĩa là “tâm”, “tra” có nghĩa thực sự là “hộ trì”. Bởi vậy, Kim Cương thừa là dùng quán tưởng chân ngôn để hộ trì tâm bạn khỏi những khái niệm thông thường mang tính nhị nguyên. Bạn cũng được giới thiệu về Tính không sau khi đã đón nhận sự gia trì từ tâm của Bản tôn, để thông qua đó phá bỏ những suy nghĩ chấp trước thông thường và đạt được những bản tính phi thường của các Bản tôn.

Ở cấp độ đầu tiên, ý nghĩa chính của Quán đỉnh Bình là sự cho phép bạn thực hành, trên hết là sự cho phép bạn quán tưởng, trì chân ngôn và thiền định về những Bản tôn nhất định.

Đầu tiên là Quán đỉnh Thân. Với việc thọ nhận quán đỉnh Thân, bạn được Thượng sư cho phép thực hành quán tưởng và đồng thời được gieo chủng tử giác ngộ hay sự khai thị về tính không của vạn pháp. Chúng ta dùng từ “khai thị” vì quán đỉnh ở đây giống như một hạt giống đưa bạn đến sự hiểu biết rốt ráo rằng không có gì thật tồn tại như chúng đang hiển hiện. Và từ hạt giống đó, sự thực hành của bạn sẽ được nở rộ để dẫn tới hiểu biết toàn giác hay sự giác ngộ.

Sau đó là quán đỉnh Khẩu. Quán đỉnh Khẩu không chỉ tịnh hóa những nghiệp bất tịnh của khẩu mà còn cho phép bạn trì tụng chân ngôn. Và khi trì tụng chân ngôn, bạn được khai thị đến tính không của âm thanh để cởi bỏ thái độ bám chấp và định kiến với âm thanh, chẳng hạn như phản ứng trước những lời khen chê…

Khi nhận quán đỉnh về Ý, có thể nói bạn đang hòa nhập tâm Thượng sư vào tâm của mình, thông qua đó bạn sẽ hiểu ra rằng mọi xúc tình phiền não, mọi suy nghĩ cũng như mọi hành vi bất thiện đều không tồn tại giống như chúng đang hiển hiện. Đó là bởi đặc tính của tâm có thể chứa được vô số xúc tình, do đó xúc tình quyết định trạng thái tâm, còn bản chất ban sơ của tâm không hề có bất cứ tính chất nào như vậy. Bản chất của tâm vốn thanh tịnh, trong sáng, bất nhị và hoàn hảo, song chúng ta không nhận ra bản chất đó vì những tập khí cố hữu và những quan niệm của chúng ta phản ánh thành sự ghen tỵ, sân giận hoặc xúc tình bên ngoài. Nói tóm lại, pháp quán đỉnh Tâm dẫn nhập bạn tiếp cận với bản chất thật của tâm. Sau khi thọ pháp, bạn đón nhận sự gia trì và được phép thiền định về tính không, về pháp Đại Thủ Ấn Mahamudra hay an trụ trong tự tính tâm của mình.

Trong giai đoạn này, bạn có thể thắc mắc về kết quả quán tưởng hay nghi ngờ về thực tại của Bản tôn tuyệt đối trong thân mình và đặt những câu hỏi như: “Liệu mỗi khi quán tưởng tự thân là Phật, tôi có thực sự trở thành Bản tôn tuyệt đối hay không?”. Trên thực tế, bạn không nên tiếp cận vấn đề dưới góc độ đó lúc này bởi việc quán tưởng về Bản tôn chỉ là cấp độ đầu tiên, cấp độ thứ hai quan trọng hơn là bạn cần hiểu được ý nghĩa sâu xa đằng sau việc quán tưởng đó.

Trong Đại thừa nói rằng khi bạn là một người bình thường, Bậc Thầy của bạn sẽ xuất hiện dưới các hình tướng thông thường; khi đã là Bồ tát từ Địa thứ Nhất tới Địa thứ Tám, bạn sẽ nhìn Bậc Thầy của mình trong hình tướng Báo thân. Khi bạn là Bồ tát ở Địa thứ Tám, Thượng sư của bạn sẽ là Pháp thân. Tương tự như vậy trong Kim Cương thừa, khi còn là hành giả mới tu tập, bạn phải thực hành quán tưởng. Khi đã đến cấp độ cao hơn, bạn hiểu rằng sự quán tưởng giống như sự phản chiếu của ánh trăng dưới nước. Bởi vì chúng ta hiểu rằng mọi thứ chúng ta thấy đều giống như ánh trăng dưới nước, tuy tồn tại nhưng lại không có thực chất.

Chẳng hạn, bông hoa này tồn tại, và tất nhiên là bông hoa đang ở đây, tôi có thể thấy và chạm vào nó. Nhưng theo duyên hợp mà nói việc thấy được bông hoa cần rất nhiều nhân duyên hợp lại như: phải cần một con người có khả nhận thức và nhìn thấy, chưa kể bông hoa đó có thực sự là hoa như nó là hay không! Bông hoa phải nhờ các bộ phận khác nhau hợp lại như cuống hoa, đài hoa, cánh hoa, nhụy hoa... thì mới có một thứ gọi là “bông hoa” xuất hiện. Bởi vậy, nếu bạn không quán sát thì nó đang tồn tại, nếu bạn thực sự quán sát thì bông hoa này không tồn tại như vẻ bề ngoài của nó. Để hiểu được điều đó, chúng ta cần quán sát như vậy.

Tương tự như khi trì chân ngôn, chúng ta nghe thấy tiếng âm thanh, âm thanh này không phải chỉ là một âm thanh, mà nó có rất nhiều nhân duyên hợp lại mới có thể tạo thành âm thanh như: cần phải có con người có khả năng nói, có vòm họng, lưỡi, môi, răng... nhờ những duyên này mới phát ra được một chuỗi âm thanh và ngay cả chuỗi âm thanh này cũng chỉ là những làn sóng âm ba dao động liên tục. Cũng như vậy, bất cứ thứ gì xuất hiện trong tâm chỉ là duyên hợp và chỉ là tư tưởng sinh diệt. Bởi vậy, hãy cứ để mặc mà không phóng chiếu ngụy tạo về chúng.

(Trích ấn phẩm “Bản tôn – Chân ngôn – Trí tuệ”

Nhà xuất bản Tôn giáo, 2011)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6334652
Số người trực tuyến: