Pháp tịnh hoá chướng ngại siêu việt - Cúng dường Hoả Tịnh
Con người hiện đại đang đối xử thật tàn tệ với thiên nhiên. Dù là ở các quốc gia phát triển hay đang phát triển, chúng ta đều gây ô nhiễm trầm trọng tới bầu không khí, nguồn nước, đất đai và nhiều tài nguyên khác của môi trường sống. Điều này dẫn đến hậu quả tất yếu là các thảm họa xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới với tần suất ngày càng dày đặc hơn. Thật dễ dàng nhận ra hàng ngàn năm trước con người không phải đương đầu với nhiều thảm họa như vậy. Tuy người ta vẫn quen gọi là “thảm họa thiên nhiên”, song thực chất nếu nhìn nhận đúng bản chất, đó chính là những thảm họa tạo nên bởi con người.
Chúng ta cần biết mọi chúng hữu tình, từ loài người, động vật, thậm chí đến các loài ngã quỷ đều chịu ảnh hưởng từ sự ô nhiễm môi trường. Ý nghĩa của nghi quỹ cúng dàng Hỏa tịnh là đem lại lợi ích cho chúng sinh hữu tình nhờ vào việc tịnh hóa môi trường, giúp tịnh hóa không khí, nguồn nước,... nhờ đó các chúng sinh sẽ bớt khổ đau và được giải thoát. Song song với sự tịnh hóa bên ngoài, chúng ta cũng thực hành tịnh hóa những nhiễm ô bên trong tâm mình. Cả tâm và cảnh đều cần được tịnh hóa.
Nghi quỹ Hỏa tịnh không chỉ có ý nghĩa tôn giáo mà còn bao hàm ý nghĩa tâm linh. Đó là sự nâng đỡ trên con đường thực hành Bồ đề tâm tìm cầu chân hạnh phúc. Nhờ sự tịnh hóa những nhiễm ô bên trong và bên ngoài, chúng ta sẽ ân hưởng chất lượng cuộc sống và cùng chung vai sát cánh dựng xây một thế giới hạnh phúc tốt đẹp hơn.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã truyền dạy rằng việc thực hành các công hạnh còn quan trọng hơn cả những hoạt động tôn giáo thuần túy. Những công hạnh có thể là cứu giúp người, chữa bệnh, phân phát thuốc men, chu cấp đồ ăn, quần áo, hỗ trợ giáo dục hay các hoạt động nhân đạo khác hướng tới những cảnh đời khốn khó. Tôi xin khuyến thỉnh tất cả học trò, đệ tử và tất cả những ai có lương tâm cùng nỗ lực tham gia các hoạt động hướng thiện và không quên tầm quan trọng của việc thực hành thiện hạnh xã hội và các hoạt động cứu trợ nhân đạo khác.
Tất cả chúng ta đều có tâm chí thành, có niềm tin sâu sắc vào Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng và Tam Căn bản: Bản tôn, Không Hành, Hộ pháp. Tuy vậy, chúng ta vẫn cần phải có niềm tin không thoái chuyển vào Quy luật Nghiệp. Nghiệp có nghĩa là những hoạt động, những hành động thiện và bất thiện. Niềm tin cần được trưởng dưỡng song song với việc thực hành trì niệm chân ngôn và thực hành nghi quỹ.
Khi Đức Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật chuyển bánh xe pháp, thuyết giảng về Tứ Diệu Đế, đây chính là một thiện hạnh để hướng đạo mọi người thực hành bằng hành động cụ thể. Bạn cần biết nếu có một giáo lý không được truyền giảng trên nền tảng hiểu biết về Quy luật của Nghiệp thì đó sẽ không phải là chính pháp. Phật pháp rất nhiệm màu và đặc biệt luôn được gắn liền với các hoạt động hay hành động, gọi là Nghiệp. Đây là một chủ đề rất đặc biệt của Phật pháp.
Tôi xin lấy ví dụ, có những người hành nghề săn bắt. Chúng ta cảm thấy xót thương và buồn thay cho họ phải sống trôi lăn cùng với những nghiệp bất thiện, tổn hại các chúng sinh khác để làm kế sinh nhai. Điều này thật đáng tiếc, song giờ đây, việc họ phải vướng vào nghiệp bất thiện đó là do nghiệp nhân từ các đời trước đã bắt đầu trổ quả trong hiện đời. Vì thế, là Phật tử và hành giả thực hành Phật pháp, chúng ta phải luôn tránh các nghiệp bất thiện, từ bỏ việc làm gây tổn hại cho chúng sinh, thay vào đó chúng ta nên dành trọn 24 giờ mỗi ngày để quan tâm, giúp đỡ mọi loài. Đây là điểm cốt yếu trong lời thuyết giảng của Đức Phật và cũng là điều mấu chốt trong pháp thực hành Đại từ bi của Truyền thừa Drukpa.
Nói tóm lại, tất cả chúng ta phải nỗ lực hết mình vì cuộc sống này thật ngắn ngủi và quý giá vô cùng. Chúng ta có quyền làm chủ và tự quyết định vận mệnh cuộc đời. Hãy tìm lý tưởng sống ý nghĩa, cùng tích lũy thiện nghiệp, từ bỏ việc não hại người khác và các hành vi tổn hại môi trường. Đấy là tất cả những gì tôi muốn chia sẻ.
(Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa giảng pháp tại Chùa Hà Tiên, Vĩnh Phúc, tháng 11/ 2011)
- 491
Viết bình luận