Phước báo hiện tiền (Trích "Truyện cổ Phật giáo" - HT. Thích Minh Chiếu) | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Phước báo hiện tiền (Trích "Truyện cổ Phật giáo" - HT. Thích Minh Chiếu)

PHƯỚC BÁO HIỆN TIỀN

Ngày xưa ở xứ Hòa Na, dân chúng phần nhiều tín ngưỡng Phật giáo. Có vợ chồng chàng Kế Sa La cũng nhờ ảnh hưởng tinh thần ấy, mà nổi tiếng đôi vợ chồng hiền đức.

Nhà Kế Sa La rất nghèo, hằng ngày phải vất vả hai sương một nắng, tranh đấu với bát cơm manh áo; nhưng vợ chồng vẫn vui vẻ hòa thuận, an phần trong cảnh thanh bần, không bao giờ vì tiền tài danh vọng, mà làm hoen ố tấm lòng trong sạch của đôi vợ chồng. Ngoài ra, chàng lại không quên đem chính pháp mà mình đã hiểu biết, khuyến khích mọi người trở về đường thiện.

Thuở ấy, miền ngoại ô xứ Hòa Na vừa bị mất mùa, lại thêm dịch bệnh, nên dân chúng miền ấy đói và chết rất nhiều. Các nhà hảo tâm trong xứ hiện thời, hoặc chung hoặc riêng, đến chùa tổ chức nhiều cuộc bố thí. Trước nhờ các Tăng sĩ cầu nguyện cho những kẻ vừa bỏ mình vì tật dịch được siêu thoát và dịch bệnh đương hoành hành mau chấm dứt; sau đem các phẩm vật phân phát cho các nạn nhân đói khổ.

Vì vất vả theo sinh kế, vả lại cũng ít lui tới các phương xa, nên nạn tật dịch đói kém hoành hành ở ngoại ô, vợ chồng Kế Sa La không hay biết gì cả. Theo lệ thường, sáng nào Kế Sa La cũng cùng vợ chia nhau đến các nhà điền chủ để làm mướn. Nhưng lạ thay, sáng nay Kế Sa La đi một đoạn đường lại gặp những vị trưởng giả, khăn áo chỉnh tề, theo sau là những gia nhân hì hục mang gánh gạo cơm mền áo… Gặp hai ba phen như thế, Kế Sa La không ngớt ngạc nhiên, dừng lại hỏi. Chàng mới biết vùng ngoại ô đang bị nạn và những bậc trưởng giả này đem các phẩm vật đến chùa để mở cuộc bố thí. Thương xót những người gặp hoạn nạn, lại thêm tủi cho số phận nghèo nàn của mình; trong khi đồng bào đang lâm cơn đói khổ mà mình không có một quan tiền, một đấu gạo, một viên thuốc đỡ đần. Càng nghĩ chàng càng đau đớn sầu tủi! Trong trí chàng hiện ra nhiều dấu hỏi: làm thế nào có tiền để giúp đồng bào? Và chàng nguyện rằng: nếu làm cách nào có tiền gạo để bố thí dù thân bị đọa đày suốt đời chàng cũng vui lòng đổi lấy. Ðến đây, Kế Sa La không còn thiết gì đến ăn làm nữa, lủi thủi về nhà.

Tối đến vợ chàng về, thấy chồng mặt mày ủ rũ, ngồi một mình thở ngắn than dài, chị vợ lo sợ hỏi chồng, nhưng chàng tìm cớ thối thoát không trả lời, vì chàng biết trước rằng nếu đem sự thật nói với vợ, đã không ích gì mà lại gieo thêm cho vợ mối sầu tủi như mình. Nhưng sau hai ba lần thiết tha gạn hỏi của vợ, Kế Sa La không nỡ giấu giếm mới đem đầu đuôi câu chuyện thuật lại vợ nghe. Vợ chàng không kém gì chàng, cũng sầu, cũng tủi, cũng thở than như chàng! Sau một hồi suy nghĩ, chị vợ hăng hái nói: "Nếu chàng bằng lòng, thiếp sẽ đến giúp việc cho các nhà phú hộ, thế nào cũng nhận đặng một số tiền, để làm việc bố thí". Kế Sa La không tán thành, và chàng không nỡ để cho vợ, nữ nhi yết ớt, một mình đem thân  làm tôi đòi cho nhà người.

Chị vợ lại nói: Hay là cả chúng ta đều đến ở giúp việc cho một nhà đại phú, trước nhận được một số tiền lớn để bố thí, sau có thể giúp đỡ nhau trong những việc nặng nề.

Ý kiến này được Kế Sa La hoan hỷ tán đồng. Thế là sáng hôm sau, đôi vợ chồng Kế Sa La lên đường đến một nhà đại phú ở cạnh  làng, xin giúp việc và nhận trước một số tiền. Vốn nghe vợ chồng Kế Sa La là người hiền đức, nên nhà đại phú kia bằng lòng ngay và cho vợ chồng Kế Sa La mượn trước năm quan tiền, lại được phép về nhà bảy ngày để sắp đặt công việc; và nếu trong bảy ngày ấy vợ chồng Kế Sa La đem đủ số tiền hoàn lại ông, ông cũng vui lòng trả quyền tự do cho vợ chồng chàng.

Vợ chồng Kế Sa La hết sức vui mừng, đi vào chợ mua các phẩm vật… và đến chùa Ðàn Ba gần đấy, xin thiết lập cuộc bố thí ngay tại chùa, sau sáu ngày chú nguyện, đến ngày thứ bảy sẽ phân phát các phẩm vật. Việc làm ấy rất thích hợp với hạnh Từ Bi, lại thấy lòng chí thành của vợ chồng Kế Sa La, nên các Tăng sĩ trong chùa đều tận tâm giúp đỡ, để cho cuộc bố thí này được thập phần viên mãn.

Chiều ngày ấy, Quốc vương bản xứ cũng cho người chuyên chở rất nhiều phẩm vật đến chùa Ðàn Ba mở hội và cũng định ngày thứ bảy bố thí. Vị Trú trì chùa Ðàn Ba tâu với vua: "Ngày ấy đã có vợ chồng Kế Sa La định mở hội trước rồi, yên cầu nhà vua chung vào hội bố thí ấy, nếu không xin hoãn lại ngày sau". Nhà vua phán: "Trẫm thiếu gì tiền bạc mà phải chung chạ với người khác. Trẫm đây đường đường một vị quốc chủ, Kế Sa La nào đó lại không vì trẫm mà nhường cho trẫm được như nguyện, hay sao?". Vị trú trì đem lời thuật lại với vợ chồng Kế Sa La.

Kế Sa La nhờ vị trú trì tâu lại nhà vua rằng vợ chồng chàng xin chịu tội, chứ không thể thay đổi cuộc bố thí qua ngày khác.

Với ý định kiên quyết ấy, nhà vua hết sức ngạc nhiên, cho đôi vợ chồng Kế Sa La vào hỏi. Tiếp diện nhà vua, Kế Sa La đem hết cả sự tình tâu rõ nguồn cơn rằng vợ chồng chàng đã bán mình cho một nhà địa chủ lấy tiền mở hội bố thí, đến ngày thứ tám đã chính thức làm tôi tớ cho người, không còn đi lại tự do nữa.

Nghe xong câu chuyện, nhà vua hết sức cảm phục cử chỉ của vợ chồng Kế Sa La. Ngài bùi ngùi than rằng: "Nếu trong quốc độ này mà được nhiều người có “tâm từ” như vợ chồng Kế Sa La, thì còn đâu những kẻ tham lam ích kỷ, lường gạt đồng bào và còn đâu những kẻ bơ vơ trong xó chợ đầu đình, lê mình khắp xứ, mà không đủ chén cơm lót dạ, manh áo che thân!".

Tức thì nhà vua lại sai người đem vàng bạc ra ban thưởng và hạ chiếu cấp cho vợ chồng Kế Sa La được trọn đời hưởng quyền lợi trong mười xã. Ngài lại kêu vợ chồng Kế Sa La đến phán rằng: “Ðây là PHƯỚC BÁO HIỆN TIỀN” của hai người đó và trẫm vui lòng nhường hai người mở cuộc bố thí vào ngày thứ bảy để cho hai người được toại nguyện”.

Vợ chồng Kế Sa La cảm động lạy tạ ơn vua. Và đôi vợ chồng ấy, không quên niệm hồng ân đức Phật đã tác thành cho vợ chồng chàng nên nay mới gặp nhà vua đức độ, đem lại cho vợ chồng chàng cuộc đời sung sướng giàu sang.

Thuật giả: Thích Ðức Tâm
(Trích "Truyện cổ Phật giáo" - HT. Thích Minh Chiếu
Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, 1992 - 1994)


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6327802
Số người trực tuyến: