Quán đỉnh - Đón nhận năng lực thực hành tâm linh từ bậc Thầy | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Quán đỉnh - Đón nhận năng lực thực hành tâm linh từ bậc Thầy

Con đường thực hành, giác ngộ và thành tựu quán đỉnh được chia làm Căn quán đỉnh, Đạo quán đỉnh và Quả quán đỉnh

Căn quán đỉnh - Phẩm tính Phật sẵn có trong mỗi chúng sinh

Căn quán đỉnh là phẩm tính Phật sẵn có trong mỗi chúng ta, không thể tìm cầu ở bên ngoài hay do các bậc Thầy ban cho. Đúng hơn là các bậc Thầy quán đỉnh để khai thị cho chúng ta về trí tuệ Bản lai. Một cách tuyệt đối, đó là sự gặp gỡ, hòa nhập tâm giác ngộ của bậc Thầy và tâm của đệ tử thông qua Đạo quán đỉnh. Tâm giác ngộ của bậc Kim cương Thượng sư không là gì khác hơn sự chứng ngộ tuyệt đối của Phật Bản tôn, là tự tính Bản Lai của chúng ta.

Đạo quán đỉnh - Nghi thức trao truyền quán đỉnh

Đây là sự truyền trao ân phúc gia trì và cho phép thực hành Bản tôn.

Tâm thức phàm phu của chúng ta không được thành thục và chín muồi. Vì thế, nó cần phải được thuần thục bằng quán đỉnh. Trong thuật luyện kim, các hợp kim được chuyển hóa thành vàng. Tâm thức của chúng ta giống như hợp kim được chuyển hóa thành vàng nhờ vào lễ truyền pháp quán đỉnh. Trong khi dòng suối cam lồ được quán đỉnh ban phúc lên chúng ta trong buổi lễ, chúng ta thiền định và quán tưởng mình chuyển hóa, thể nhập và an trụ trong trạng thái của Bản tôn, nhờ đó tịnh hóa hết thảy ám chướng và tà niệm.

Chúng ta hiển lộ tâm tính của mình đồng như tâm của Bản tôn không khác. Toàn bộ sắc thân của chúng ta được chuyển hóa thành Mandala của Bản tôn. Việc quán tưởng tự thân là Bản tôn, cầu nguyện triệu thỉnh Bản tôn bên ngoài và thực hành quán hòa tan hợp nhất có diệu dụng đánh thức tâm giác ngộ nơi mỗi chúng ta. Khả năng chuyển hóa và tịnh hóa này đến từ bậc Thượng sư và năng lực vĩ đại này được Ngài trì giữ và thành tựu từ một Truyền thừa giác ngộ. Chính vì thế, quán đỉnh còn mang ý nghĩa nhiều hơn những gì cấu thành nên nó; đó là sự trao truyền nguồn ân phúc và năng lực gia trì của cả một dòng Truyền thừa từ Đức Phật và là sự giới thiệu trực tiếp vào thực tại tuyệt đối, trí tuệ bất nhị hay chân tính của vạn pháp.

Mandala

Sau khi thụ quán đỉnh, chúng ta được phép thực hành Bản tôn trong đó bao gồm quán tưởng Thiên Cung hay còn gọi là Mandala hoặc Mandala của Bản tôn. Có hai loại Mandala chính là Mandala bên ngoài và Mandala bên trong, ngoài ra còn có Mandala thiền định đối với hành giả có khả năng thiền định cao mà không cần đối tượng bên ngoài, nhưng trường hợp này rất hiếm. Đối với Mandala bên ngoài, bậc Kim cương Thượng sư thực hiện nghi lễ quán đỉnh sử dụng Mandala in trên giấy hoặc vải hoặc tạo ra Mandala trên cát. Mandala cát cũng thường được sử dụng khi có các quán đỉnh lớn như Thắng Lạc Kim Cương và thường được một số chư Tăng Ni được huấn luyện đặc biệt kiến lập. Mandala bên ngoài thường được dùng như là pháp khí chính của việc quán đỉnh, nhưng không phải là Mandala thật; Mandala thật là Mandala được quán tưởng trong khi quán đỉnh. Mục đích của Mandala tự tạo bên ngoài là giúp cho các bậc Thượng sư giải thích đặc điểm của Mandala thật cho người đệ tử trong khi cử hành nghi lễ quán đỉnh. Ở một số tự viện có thể có Mandala ba chiều. Đây là một công trình xây dựng đồ sộ với nền móng kim cương bốn cửa và tất cả các sức trang hoàng chỉ để dành cho thiền định, giúp thiền giả thực hành quán tưởng Mandala. Thường là có những bức tường hở để có thể nhìn thấy được các Bản tôn bên trong nhưng những Mandala ba chiều này lại không được dùng trong nghi lễ quán đỉnh. Mandala quán đỉnh thường dựa trên Mandala in vẽ hay Mandala cát. Mandala bên ngoài ba chiều được đặt vào trong một ngôi nhà Mandala ba chiều phủ rèm xung quanh.

Trong phần đầu của lễ quán đỉnh, đệ tử cuốn một dải vải đỏ trên trán biểu thị bị bịt mắt bởi vì chưa được quán đỉnh nên họ không được phép nhìn thấy Mandala. Vào một thời điểm nhất định trong lễ quán đỉnh khi Kim cương Thượng sư cho phép, rèm của ngôi nhà Mandala được kéo lên thể hiện Mandala và dải băng bịt mắt sẽ được tháo ra. Trong Mandala thật được quán tưởng có thể có rất nhiều Bản tôn tùy thuộc vào các quán đỉnh, chẳng hạn như Mandala Mật tập có ba mươi hai Bản tôn và một trong những quán đỉnh về Heruka thì có sáu mươi hai Bản tôn. Mỗi khía cạnh của Mandala mang một ý nghĩa, ví dụ như bốn cửa nêu biểu cho Tứ niệm xứ hay Tứ diệu đế, tám cột nêu biểu cho Bát chính đạo… Bởi vậy Mandala không được tưởng tượng giống như bê tông hoặc gạch mà phải được xây dựng trong sự chứng ngộ của thiền giả. Mandala bên trong là nơi mà toàn bộ thân và tâm được quán tưởng đầu tiên trở thành một Mandala nơi an trụ của chư Bản tôn. Nhiều nghi quỹ hướng dẫn phần thực hành này.

Tiếp theo lời cầu nguyện mở đầu, thông thường là phần giảng về các uẩn, đại, giác quan, đối tượng của giác quan hay các chi của bạn là một Mandala hoàn hảo với năm Phật Thiền na và Phật mẫu, các Bồ tát nam, nữ cùng với các Bản tôn phẫn nộ. Không phải tất cả các thực hành Bản tôn có giai đoạn thực hành Mandala bên trong. Bên cạnh Mandala bên ngoài và bên trong, một vài Mật điển đề cập đến Mandala thân thể, nghĩa là sự thực hành có liên quan tới các đại của Mandala tương ứng với các bộ phận của thân hành giả. Mỗi pháp thực hành các Bản tôn khác nhau sẽ có cách giải thích khác nhau nhưng nhìn chung, trong Mandala thân thể, các yếu tố của thân và năm giác quan được quán tưởng thành Bản tôn.
 

Tứ quán đỉnh

Trong Kim Cương thừa có bốn quán đỉnh tương ứng với bốn con đường: con đường tu tập quán tưởng, con đường hòa tan, con đường bí mật và con đường cảnh giới Đại Thủ Ấn. Các thứ lớp quán đỉnh nêu biểu cho sự tu tập nền tảng tới con đường và kết quả rốt ráo (Căn, Đạo, Quả). Thông qua bốn quán đỉnh, chúng ta tịnh hóa bốn ám chướng. Nhờ tịnh hóa bốn ám chướng, chúng ta gieo trồng hạt giống thành tựu Tứ thân trong tương lai. Các thứ lớp này là những yếu tố căn bản của Tantra, gốc rễ của hệ thống Kim Cương thừa. Nếu không đón nhận lễ truyền pháp quán đỉnh này, chúng ta không có quyền thực hành tu tập Kim Cương thừa. Vì thế chúng ta cần phải biết trân quý cơ hội hy hữu khi được đón nhận quán đỉnh từ bậc Thượng sư Giác ngộ.

Bốn quán đỉnh đó là:

- Quán đỉnh Bình: giúp tịnh hóa ám chướng nơi Thân và thành tựu Hóa thân

- Quán đỉnh Bí mật: giúp tịnh hóa ám chướng nơi Khẩu và thành tựu Báo thân

- Quán đỉnh Trí tuệ: giúp tịnh hóa ám chướng nơi Ý và thành tựu Pháp thân

- Quán đỉnh Ngữ tôn quý: giúp tịnh hóa các ám chướng Khí vi tế và thành tựu Thể tính thân


Thông qua thiền định về quán đỉnh đầu tiên, tức là Bình quán, chúng ta tịnh hóa các ám chướng của Thân. Hiện giờ chúng ta thấy bản thân mình chỉ là một phàm phu thường tình bằng xương, bằng máu vốn là nguồn gốc của khổ đau phiền não. Nếu thấy rõ được điều này trong lễ truyền pháp quán đỉnh, chúng ta có thể hiển lộ được thân phàm phu của mình thành thân giác ngộ. Nói cách khác, chúng ta chuyển hóa bản thân mình thành Bản tôn. Bằng cách thể nhập vào trạng thái của Bản tôn, chúng ta gieo trồng hạt giống thành tựu Hóa thân Phật.

Trong phần quán đỉnh thứ hai gọi là Mật quán, chúng ta tịnh hóa những ám chướng gây ra bởi Khẩu nghiệp. Tất cả những khẩu nghiệp bất thiện và những lời vô nghĩa không biết dừng nghỉ của chúng ta được chuyển hóa thành Khẩu giác ngộ của Đức Phật. Bằng cách tịnh hóa các ác nghiệp ám chướng thuộc về khẩu, chúng ta gieo trồng hạt giống thành tựu Báo thân Phật.


Nhờ quán đỉnh thứ ba tức là quán đỉnh Trí tuệ, chúng ta tịnh hóa tất các ác nghiệp ám chướng thuộc về Ý. Tất cả si mê ám chướng (Trần sa hoặc) của chúng ta được chuyển hóa thành bản chất Trí tuệ và tự tính tâm của chúng ta hiển lộ vô biên không giới hạn. Bằng cách tịnh hóa Ý nghiệp, chúng ta gieo trồng hạt giống thành tựu Pháp thân Phật.
Quán đỉnh thứ tư đôi khi còn được gọi là quán đỉnh Ngữ tôn quý, song thông thường được gọi là quán đỉnh “thứ tư”. Nhờ được thụ nhận quán đỉnh thứ tư này, chúng ta tịnh hóa các ám chướng vi tế (Vô minh hoặc) để thành tựu quả vị giác ngộ. Những ám chướng vi tế của phân biệt nhị nguyên được chuyển hóa thành sự tỉnh thức nguyên thủy - Trí tuệ bản lai. Bằng cách tịnh hóa các ám chướng vi tế, chúng ta gieo trồng hạt giống thành tựu Thể tính thân siêu việt.

Bốn quán đỉnh này thường tương ứng với bốn thứ lớp Tantra tối thượng như Tantra Hỷ Kim Cương, Thắng Lạc Kim Cương, Kim Cương Phật Mẫu.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6328036
Số người trực tuyến: