Tâm tình người nấu cơm chay ở Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên
Thấm thía lời dạy từ nhà chùa: Người nấu cơm chay cần đặt tâm hoan hỷ của mình vào từng món ăn, để người thọ nhận thức ăn thấy ngon miệng và cảm nhận sự an lạc, vui vẻ đến ở trong tâm. Nhiều năm qua, nhóm Phật tử Hải Phòng đã không ngại bếp núc nóng nực, nhiệt tâm nấu hàng chục ngàn xuất cơm chay phục vụ người dân hành hương về Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên (Vĩnh Phúc).
Chỉ một tâm nguyện giản dị
Là bộ đội nghỉ hưu, bác Lê Chí Kiên (Q Ngô Quyền, Hải Phòng) gương mặt đẫm mồ hôi, khỏe tay đảo liền mấy chảo rau to, miệng vẫn vui vẻ chuyện: “Vượt đường xa gần trăm cây số từ Hải Phòng lên Vĩnh Phúc, đội chúng tôi gồm 15 Phật tử đa phần là lao động nghèo mỗi người mỗi công việc song đều có chung một tâm nguyện giản dị là cùng nhau vào bếp nấu cơm chay phục vụ tất cả mọi người đến dự lễ hội”. Những năm gần đây, ngôi Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên, dưới sự trụ trì của các sư ni Tây Thiên nổi lên là một danh thắng Phật giáo Kim Cương thừa linh thiêng, thu hút người dân và Phật tử từ khắp các vùng miền đất nước cùng hành hương về đây thăm quan, lễ Phật.
Buổi lễ hôm đó nhằm đúng ngày Phật đản lại vào dịp cuối tuần, Phật tử đến dự rất đông, dù đã liệu tính từ trước song cả đội vẫn bất ngờ vì số lượng người tham dự tăng vượt, đồng nghĩa với thiếu cơm. Linh hoạt và chuyên nghiệp, đội chấp tác xin nhà chùa cấp thêm thực phẩm rau củ quả, bún khô, mì chay rồi cắt cử những “thợ nấu” nhanh khéo nhất ra sơ chế thực phẩm và chỉ mươi phút sau một bếp nấu hồng lửa đã sẵn sàng phục vụ bà con. Những bát bún, mì chay thanh mát được chan chia vào các hộp ăn và chuyển tận tay người tham dự lễ hội.
Nhận phần cơm của mình, nhóm bạn trẻ từ Hà Nội cho biết họ đều là những “thực khách” quen đã nhiều lần được ăn cơm chay của các thầy Tây Thiên. “Cơm chay rất ngon vừa thanh vừa đậm, vị đậm thơm phức của món chả nướng làm từ búp chuối, ăn kèm với canh chua mát lành”- Hồng Anh cảm nhận. Chị Nguyễn Thanh Bình (Phú Thọ) thì xúc động: “Trời nắng nóng, trong khi mình thư thái ăn cơm, tận hưởng hương vị an lạc thì tại khu bếp, nhiều cô bác vẫn đang mồ hôi nhễ nhại với củi lửa, chén bát phục vụ luôn tay”. Chị Tạ Bích Ngọc (48 tuổi, Q. Lê Chân), một “tay nấu” thâm niên trong đội tâm sự: “Nhớ lời Thầy dạy, mỗi khi vào bếp, chúng tôi thường giữ chính niệm, đặt sự tập trung của mình vào từng công đoạn nấu ăn, từ khâu chuẩn bị đến lúc nấu và sắp cơm cho đại chúng”. Vì vậy mỗi lần đội chấp tác Hải Phòng phục vụ đều được mọi người khen cơm ngon khiến họ thấy vui vì đã mang lại niềm vui cho người khác dù đó chỉ là bát cơm chay mộc mạc…
Nhân duyên với Tây Thiên
Tổ trưởng của đội chấp tác là bác Đào Thị Sáng (56 tuổi, Q. Lê Chân, Hải Phòng) kể lại nhân duyên “đặt” mọi người gắn bó với Phật sự nơi đây. Nhiều năm trước, họ đều là những người tín tâm, yêu thích lễ chùa và ấp ủ việc tìm thầy học đạo. Họ đã tìm đến một số ngôi chùa nhưng nhân duyên chưa tới. Trong một lần lên núi Tây Thiên lễ Phật, đoạn gần chùa Thượng, nghe người dân địa phương kể chuyện, các ni sư Tây Thiên tu hành miên mật, giới đức thanh tịnh, trang nghiêm thì trong lòng cảm động vô cùng. Họ đã xin các thầy cho được quy y Tam bảo. “Từ đó tới nay, chúng tôi chuyên cần tu học, luôn khắc sâu lời thầy giảng “xa rời cái xấu, chuyên tâm làm việc thiện lành” để cuộc sống có nhiều ý nghĩa, lợi ích cho mình và mọi người”- bác Sáng bộc bạch. Không chỉ riêng mình siêng năng, bác Sáng còn “truyền lửa” bếp núc đến chồng con. Vui nhất là khi cả nhà cùng lên Tây Thiên nấu cơm. Con trai bác Sáng, anh Quốc Việt tâm sự: “Với thiện hạnh giản dị này mà những năm qua cuộc sống của chúng tôi sống thêm nhiều ý nghĩa, được trở về với chính mình, ôm trọn những niềm vui, buông xả bao muộn phiền trong cuộc sống bộn bề”.
Cảm động hơn khi biết trong đội chấp tác có những người đời sống riêng còn vất vả, khó nhọc nhưng vẫn tận tâm làm thiện hạnh. Như bác Vũ Thị Bích (61 tuổi) nhà ở phường Cát Dài (Hải phòng), hàng ngày chạy xe ôm tại bến Tam Bạc kiếm vài chục ngàn đồng mưu sinh. Bác Bích không lập gia đình, sức khỏe cũng không tốt lắm, nhất là sau một tai nạn xe máy phải nằm viện gần tháng trời. “Chính những ngày ở viện đã cho tôi thấm thía tình nghĩa giữa bạn đồng tu. Biết tôi không có người thân, các anh chị em thay nhau mang cơm cháo vào viện, chăm sóc tận tình như ruột thịt trong nhà, động viên tôi chóng khỏe để sớm được lên Tây Thiên phục vụ cơm chay”, bác Bích xúc động kể.
Tai nạn đó qua lâu rồi, mới ngày nào đội nấu cơm chay Hải Phòng còn “chân ướt chân ráo” theo các thầy Tây Thiên chấp tác học kinh, thoắt cái đã gần 20 năm. Giờ đây họ đều là những Phật tử tại gia có thâm niên tu học, chuyện “cơm áo gạo tiền” họ vẫn phải chăm lo nhưng hết giờ làm bên ngoài lại được trở về với “ngôi nhà tâm linh” đọc tụng kinh pháp và đợi có dịp là lên Tây Thiên nấu cơm chay phục vụ mọi người.
Mai An
- 426
Viết bình luận