Tham gia Đại Pháp hội Naropa với động cơ tu tập chân chính | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Tham gia Đại Pháp hội Naropa với động cơ tu tập chân chính

Bạn có bao giờ từng đặt cho mình câu hỏi tại sao bạn lại tham dự Đại pháp hội Naropa không? Lý do chính là mọi người đến đây để tham gia vào một Pháp hội “Kiến tức giải thoát”. Việc những người tham dự có được giải thoát qua việc chiêm bái những đồ trang hoàng của Đại thành tựu giả có phải là sự thực hay không không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng là chúng ta phải điều chỉnh lại những động lực tu tập của bản thân.

Có nhiều hình thức giải thoát khác nhau – ví dụ như giải thoát qua việc nghe, tiếp xúc, cảm nhận, dùng khứu giác và nhiều hình thức khác nữa. Sự giải thoát thực sự mà chúng ta cần tìm cách đạt được là sự thay đổi trong bản tâm, điều đó có nghĩa là việc thay đổi động lực tu tập của chúng ta. Điều này có thể đạt được khi chúng ta được thụ nhận những lời thuyết giảng hoặc khi chúng ta viếng thăm những thánh địa hoặc các biểu tượng linh thiêng như tháp Bodhgaya, hay Sáu sức trang hoàng của Đại thành tựu giả Naropa.


Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa vận Sáu sức Trang hoàng của Đức Naropa năm 2016, Ladakh

Những phương tiện giải thoát này rất cần cho những người như chúng ta, mặc dù đó không phải là những phương tiện duy nhất đưa đến sự giải thoát. Ví dụ có những bậc giác ngộ như Thượng sư Milerapa không cần phát triển bất cứ động lực tu tập nào cả, vì những người đó đã có được phẩm hạnh từ nhiều kiếp trước đó. Một số người trong số đó có thể đã phát triển kiểu động lực tu tập này ngay từ đầu, do đó bây giờ họ không cần tu tập thêm nữa vì đã có đầy đủ mọi yếu tố cần thiết. Điều này chỉ các bậc giác ngộ có phẩm hạnh lớn lao mới làm được. Đối với chúng ta, điều đó không có nghĩa là chúng ta không có phẩm hạnh, song do chúng ta chưa phải là những bậc tu tập toàn tri nên chúng ta rất cần có những hình thức hỗ trợ này.

Động lực tu tập         

Trong thực tế, chính động lực tu tập thúc đẩy các hành giả đạt được tiến bộ. Ví dụ như trong Pháp hội Naropa, nhiều người đã phàn nàn về thời tiết nóng bức gay gắt và gió thổi mang nhiều bụi đến, song cũng trong thời gian đó, những người khác lại nói: “Không, bụi bẩn không ảnh hưởng đến tôi và ánh nắng mặt trời rất đẹp và rất sáng tỏ. Lúc này đây tôi cảm thấy hạnh phúc”. Chính động lực tu tập tạo ra sự khác biệt giữa hai kiểu người nói trên. Khi hành giả có động lực tu tập nông cạn, mọi thứ sẽ trở thành nông cạn theo. Trong việc thực hành tu tập sẽ rất dễ gặp phải sự “thất thoát”; sự thất thoát trong quá trình phát triển tâm linh của các Phật tử. Nếu mọi người khoác lên mình một tấm vải mỏng, khi di chuyển nhiều, chẳng sớm thì muộn tấm vải đó chắc chắn sẽ bị thủng. Song nếu mọi người khoác lên người một tấm vải rất dày, dĩ nhiên là thậm chí có mài đến hàng trăm hay hàng nghìn lần, tấm vải đó cũng sẽ không bị rách. Câu chuyện này cũng có ý nghĩa tương tự như động lực tu tập của các Phật tử. Trải nghiệm của các Phật tử phụ thuộc rất nhiều vào “độ dày dặn” của động lực tu tập.


Đại Pháp hội Naropa 2016

Nếu Phật tử có động lực tu tập mạnh mẽ, họ có thể đạt được giải thoát ngay tức khắc hoặc chỉ trong một thời gian ngắn. Nếu không có động lực tu tập, họ sẽ không thể đạt được giải thoát. Và nếu có động lực tu tập không đủ mạnh, Phật tử cũng sẽ không đạt được giải thoát hoàn toàn.

Khi chúng ta trò chuyện về một người nào đó và nhận xét rằng: “Đây là người xấu hoặc đây là người tốt”, chúng ta đang nói về tính cách của người đó, điều đó thực sự có nghĩa là động lực sống của người đó. Nếu có động lực xấu, người đó sẽ có tính cách xấu xa. Để con người đó trở thành một người tốt, người đó phải có động lực sống tốt. Khi chúng ta trò chuyện về con người này, nội dung câu chuyện thực sự bàn về tâm của người đó. Chúng ta bàn đến thái độ chứ không phải là hình thể của người đó, không phải là cách người đó đi lại hay nói năng. Chúng ta chỉ bàn đến động lực sống của người đó.

Trong việc đến Ladakh, tất cả chúng ta đều có động lực tu tập thúc đẩy chúng ta đến đây; tôi không biết đó có phải là động lực tốt hay không. Kể từ khi nghe được thông báo vè Pháp hội này, có lẽ là cách đây khoảng hai đến ba năm về trước, tất cả các bạn đều đã rất nỗ lực và tiêu tốn nhiều tiền bạc để đến được đây. Và hôm nay các bạn đang có mặt ở đây. Chính động lực tu tập đã khiến các bạn đến nơi đây. Không còn nghi ngờ gì về điều đó nữa.


Đại Bảo tháp Naropa, nơi diễn ra các hoạt động chính của Đại Pháp hội Naropa 2016

Động lực tu tập chưa nghiêm túc   

Dĩ nhiên, tôi đã gặp một số người, trong số đó có cả một số bạn bè và đệ tử của tôi. Những người đó nói: “Xin hãy cầu nguyện cho tôi có thể tham dự Pháp hội Naropa năm 2004. Tôi không biết Pháp hội sẽ có những hoạt động gì, song tôi sẽ đến tham dự.” Điều đó làm chúng tôi nghĩ: “Người này có động lực tu tập kiểu gì vậy? Tại sao người đó lại đến tham dự Pháp hội khi thậm chí còn không biết Pháp hội sẽ có những hoạt động gì?” Song người đó vẫn cố gắng đến tham dự Pháp hội. Chúng ta có thể gọi việc đó là một động lực tu tập không nghiêm túc.

Dĩ nhiên động lực tu tập để tìm thú vui là một kiểu động lực nông cạn. Mặc dù chưa được coi là một động lực tu tập đúng đắn, song đây cũng đủ để làm bước khởi đầu. Nhiều người trong số chúng ta đang có những động lực tu tập chưa nghiêm túc, động lực đó có thể trở lên rất tích cực hoặc rất tiêu cực. Đó là một kiểu động lực tu tập rất không ổn định và do đó việc đạt được giải thoát hay không là điều còn chưa biết chắc. Dĩ nhiên là động lực tu tập đó cũng giải thoát cho người tu tập song sẽ phải mất nhiều thời gian để đạt đến sự giải thoát. Ví dụ như, thay vì việc được giải thoát chỉ trong một ngày, sẽ phải mất một vài ngày mới đạt được giải thoát. Do đó, động lực tu tập để tìm thú vui là điều đáng nực cười và vô bổ.

Kiểu động lực tu tập này chắc chắn sẽ đem lại cho người tu tập một cảm giác thoải mái dễ dàng do người tu tập không có một ý thức mạnh mẽ về mong muốn do họ không biết được điều gì sẽ xảy ra và do vậy họ sẵn sàng chấp nhận tất cả mọi thứ. Nếu bạn có một chuyến du lịch đắt tiền, bạn sẽ cảm thấy rất vui sướng, song ngay cả khi bạn có một hành trình vô cùng gian khó và phải chịu đựng việc thiếu ô-xy, bạn cũng vẫn có thể làm được điều đó. Nếu bạn có kiểu động lực tu tập để tìm thú vui, có thể bạn sẽ để ý nhiều đến cát bụi, ánh nắng, đám đông công chúng và những điều tương tự như thế, vì mọi thứ đều gói gọn trong khái niệm đi tìm “thú vui”. Ánh nắng mặt trời là thú vui, cơn đau đầu là thú vui, việc bị nôn oẹ là thú vui; mọi thứ đều chỉ là thú vui vì động lực tu tập chỉ là một thú vui.

Tôi vừa nói cường điệu lên một chút đối với vấn đề này. Dĩ nhiên chắc chắc là những con đau đầu và chóng mặt hoàn toàn không phải là một thú vui. Tuy nhiên, mọi người có thể quan sát đám đông trong Pháp hội và thấy nhiều người có kiểu động lực tu tập vì thú vui này đang rất vui vẻ, mặc dù họ rất mệt mỏi. Khi gặp tôi, những người đó gần như không thể đi được, song họ rất vui được có mặt tham dự Pháp hội này; họ muốn có mặt ở đây và tham gia vào Pháp hội, và họ cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

Nếu là các bạn, việc có nền móng ban đầu như vậy sẽ là một việc làm thông minh hơn nhiều. Song cuối cùng vẫn cần xây dựng động lực tu tập mạnh mẽ. Dù cho các bạn đang phải trải qua những hoàn cảnh nào, tôi cho rằng nếu có thể xây dựng được một động lực tu tập tích cực thì đó cũng là một phần thưởng. Nếu là các bạn, tôi không muốn vừa mệt mỏi và đau buồn. “Mệt mỏi song vui vẻ” – đó là câu nói tôi ưa thích!

Tôi không hàm ý chỉ có mệt mỏi; đây chỉ là một ví dụ tôi liên hệ. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù cho thời tiết quá nắng nóng hoặc không khí quá bụi bặm, dù cho bụi có làm bạn thấy khó thở và bạn bị mất giọng như tôi - bạn đều nên xây dựng một động lực tu tập mạnh mẽ. Bạn không thể khiến cho những điều đó ngừng diễn ra, và đương nhiên, nếu có thể, bạn không muốn những điều đó diễn ra song nếu trên hết cả những điều kiện bất tiện này, các giác quan của bạn phản ứng một cách tiêu cực thì điều đó đồng nghĩa với việc bạn đang tạo ra thêm nhiều vấn đề rắc rối. Chúng ta nên xây dựng một động lực tâm Bồ đề mạnh mẽ: đây là Phật Pháp. Khi chúng ta nói về những lời Đức Phật dạy, chúng ta muốn nói đến sự phát triển của tâm Bồ đề. Điều này đã luôn được nhắc đi nhắc lại qua nhiều thế hệ, vì chúng ta không muốn có thêm những cơn đau đầu sau khi đã có sẵn những cơn đau đầu rồi.

Do đó, chúng ta cần cải tiến và thay đổi động lực tu tập của bản thân; động lực tu tập của chúng ta cần phải được điều chỉnh lại. Động lực tu tập là yếu tố căn bản dẫn đến hạnh phúc, hỷ lạc. Đó cũng là yếu tố căn bản dẫn đến thành tựu, và đây chính là lý do tại sao, trong thuật ngữ Phật giáo, chúng ta nói về những phương pháp và trí tuệ. Phương pháp là một điều rất quan trọng: đó chính là động lực. Thậm chí nếu bạn có trí tuệ nguyên thuỷ hoặc trí tuệ sâu sắc, điều đó sẽ không có ích chừng nào bạn không có phương pháp đúng đắn. Vì vậy, phương pháp là điều rất quan trọng và điều đó liên quan đến các động lực tu tập và ước nguyện tâm Bồ đề.

Như tôi luôn nói, động lực tu tập tốt thường khiến cho cuộc sống của chúng ta trở nên dễ dàng hơn, nhiều thành tựu hơn và thư thái hơn. Đây là những gì chúng ta thực sự muốn đạt được. Chúng ta không muốn có những đau đớn và thăng trầm không cần thiết. Do đó, để giảm bớt những trạng thái đau đớn và dễ tan biến này, chúng ta thực sự cần phải xây dựng được động lực tu tập của bản thân. Đây là điều thực sự rất quan trọng – Tôi không hề nói đùa về vấn đề này.

Do vậy, kiểu động lực tu tập tìm kiếm thú vui mà chúng ta bàn đến lúc trước cần phải được chuyển đổi thành động lực tu tập đúng đắn. Đây là điều chúng ta cần nỗ lực thực hiện. Và lẽ đương nhiên là chúng ta phải đảm bảo là động lực tu tập để tìm kiếm thú vui sẽ không biến thành điều ngược lại là cách sống tiêu cực.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5778513
Số người trực tuyến: