Bạn đang ở đây
Thăng hoa cùng vũ điệu Phật
Âm nhạc linh thiêng. Hành giả vũ công phô diễn vũ điệu của các vị Phật. Tất cả cùng hoà quyện đầy oai nghiêm, ngẫu hứng. Duy chỉ tâm thức người xem là vắng bặt mọi lo toan thường nhật dành chỗ cho sự lắng đọng, thăng hoa.
Cảm xúc này đến tự nhiên bất kể bạn có hay không phải là Phật tử. Nhìn sang các bộ môn múa cổ điển hoặc đương đại - khi xem, niềm thích thú ít nhiều thiên về “vị nghệ thuật”. Song ngoài vẻ đẹp nghệ thuật đến hoàn hảo, vũ điệu Mandala Ngũ Trí Phật (vũ điệu của các vị Phật) luôn bao hàm những thông điệp tâm linh và cả triết lý nhân sinh!
Có xuất xứ từ Ấn Độ, sân khấu diễn xướng của vũ điệu Mandala Ngũ Trí Phật là tại các buổi đại lễ Phật giáo Kim Cương thừa. Đây là mộ trong những truyền thống Phật giáo tiêu biểu ở các nước vùng Himalaya như Nepal, Bhutal, Ấn Độ… Cuối năm 2012, tại khu danh thắng Tây Thiên Phù Nghì (Vĩnh Phúc) những điệu múa Phật linh thiêng chính thức được các ni sư trẻ chùa Tây Thiên Phù Nghì trình diễn đầy ấn tượng. Biểu diễn múa Phật cũng là một trong những phương phápthực hành tu học.
Các Ni sư - Hành giả vũ công biểu diễn điệu múa của những vị Phật Bản tôn vốn rất gần gũi trong đời sống tâm linh người Việt như Đức Quan Âm, Đức A Di Đà… Oai nghiêm mà không khuôn sáo, cao siêu vi diệu mà tự nhiên, gần gũi - tiết mục nghệ thuật đặc sắc có nguồn gốc Phật giáo Kim Cương thừa này luôn được công diễn trong các buổi lễ đúc tượng Phật (một hạng mục quan trọng thuộc công trình Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên).
Đã có hàng nghìn người dân, các Phật tử từ Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội hành hương về khu Đại Bảo tháp còn đang thi công chiêm bái những điệu múa Phật. “Mỗi lần xem các ni sư biểu diễn là mỗi lần ta bắt gặp sự rung động vi tế trong từng giác quan. Những phiền muộn, bất ổn phút chốc tan biến. Thay vào đó là cảm giác an lành, tĩnh tại đến diệu kỳ” - nhóm Phật tử Hà Nội chia sẻ. Một du khách tên Thọ (Mỹ Đình, Hà Nội) phấn chấn “khoe” - đã vài lần có duyên may được chứng kiến những điềm cát tường siêu việt (Phật Pháp hiển linh trên bầu trời) tại các buổi trình diễn vũ điệu Kim Cương. Trong máyđiện thoại anh Thọ còn lưu giữ một số ảnh chụp hoa sen, mắt Phật và clip đènTrời tỏa sáng trên nền trời khuya đầy vi diệu.
ThầyTỳ Kheo Ni Thích Thanh Tịnh, trụ trì chùa Tây Thiên Phù Nghì cho biết: Vũ điệu Ngũ Trí Phật được bắt nguồn từ thời Đức Phật Thích Ca tại thế. Trong Phật giáo Kim Cươngthừa, điệu múa Phật còn có một tên gọi khác là vũ điệu Kim Cương. Trải qua hàng nghìn năm, các vũ điệu được hệ thống hóa, cắt nghĩa chú giải và truyền dạy lại cho những người tài năng xuất chúng. Cốt yếu vẫn là chư tăng ni hoặc hành giả theo trường phái Phật giáo Kim Cương thừa tu học. Sự truyền dạy không gián đoạn từ Thượng sư xuống đệ tử, kết hợp với kinh nghiệm thực chứng trong quá trình tu học và biểu diễn của nhiều bậc Thượng sư giác ngộ đã làm giàu thêm về chất liệu, kỹ thuật biểu đạt, đặc biệt là sự chuyển tải nguồn năng lượng tích cực, an lành của các vũ điệu Kim Cương.
Về kỹ thuật múa, một hành giả vũ công chia sẻ: Điểm cốt yếu của điệu múa Phật nằm ở các Khế ấn kết hợp cùng sự di chuyển chân bước. Các vũ công múa thuận theo chiều kim đồng hồ tạo thành những vòng tròn đồng tâm Mandala (sự biểu trưng của Đức Phật và Vũ trụ) để thực hiện nghi thức tịnh hóa những ác nghiệp đồng thời tạo sinh nguồn năng lượng tích cực, an lành… Trong điệu múa Ngũ Trí Phật, màu sắc y phục, các Khế ấn (tư thế múa) mang tính biểu tượng rõ nét - thể hiện những công hạnh lợi sinh khác nhau. Chính vì vậy mà khâu thiết kế y phục đòi hỏi phải dụng công. Kỹ lưỡng khi chọn chất liệu, màu sắc, hoa văn; sáng tạo, tỉ mỉ trong từng nếp cắt, đường may. Các màn múa Phật luôn kết thúc bằng âm nhạc cúng dàng cầu nguyện chư Phật ban gia hộ, giúp viên mãn mọi tâm nguyện, đưa lại sự bình an hỷ lạc cho tất thảy chúng sinh.
Đúng như Thầy Tỳ Kheo Ni Thích Thanh Tịnh lý giải: Mục đích của những điệu múa Phật là để hợp nhất tất cả các phương diện tình yêu thương, lòng bi mẫn và tuệ giác của tâm chúng ta, để chứng ngộ chân lý ngay nơi vạn pháp. Rất nhiều người chiêm bái vũ điệu Ngũ Trí Phật đều đón nhận niềm cảm hứng Phật Pháp cùng sự thăng hoa viên mãn trong sâu thẳm thân tâm.
- 274