Theo dấu chân Đức Naropa tại Ladakh | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Theo dấu chân Đức Naropa tại Ladakh

Đức Naropa (1016-1100) là Đại thành tựu giả người Ấn Độ đã khai sáng truyền thống triết lý Phật giáo được hoằng truyền rộng khắp. Di sản tâm linh và Phật pháp của Ngài được lưu truyền theo dòng thời gian trên các vùng miền thuộc dãy Himalaya đã khắc sâu vào nhân cách và văn hóa của đông đảo dân chúng và còn tầm ảnh hưởng sâu đậm tới tận ngày nay. Cuộc đời của Ngài là tấm gương sáng về ý chí quyết tâm, sự kiên trì, nhẫn nại và bền bỉ. Giáo pháp Sáu Yoga của Naropa được Ngài truyền giảng là một trong những giáo pháp trụ cột của truyền thống Phật giáo Kim Cương Thừa. Tiểu sử và công hạnh của Ngài được lưu truyền rộng rãi không chỉ trong cộng đồng Phật giáo mà còn phổ biến trong nhiều nền văn hóa dân tộc bản địa.

 

 

Ngay khi đạt tới Giác ngộ, chư Dakani từ cõi Thiên đã bay tới cúng dàng Ngài Sáu Sức Trang hoàng. Ngày nay, các Sức Trang hoàng này không những là một trong các Pháp bảo xá lợi quý giá nhất của Phật giáo, mà còn là di vật lịch sử minh chứng cho hành trình hoằng dương Phật pháp từ Ấn độ sang vùng nóc nhà thế giới. Từ Đức Naropa, nhiều truyền thừa Phật giáo đã được hoằng truyền rộng rãi khắp Ấn Độ, Trung Á và xa hơn nữa. Cuộc đời và Giáo pháp của Ngài đã đánh dấu sự mở đầu cho một kỷ nguyên mới của Phật giáo.

Kashmir

Mặc dù vùng đất Kashmir chịu ảnh hưởng chi phối của đạo Hồi, ngày nay chúng ta vẫn còn thấy được dấu tích vể hoạt động hoằng truyền giáo pháp và thành tựu giác ngộ của Đại thành tựu giả Naropa. Ví dụ như Tự viện Jamia Masjid ở trung tâm Srinagar, thủ phủ của khu vực Kashmir, trước đây thường là một tự viện khổng lồ. Tại nơi này Đức Naropa đã thuyết pháp cho hơn mười nghìn người nghe. Trong thời của Đức Naropa, đại đa số người dân sống ở vùng Kashmir và những cư dân sống ở các vương quốc lân cận đều là những Phật tử thành tựu.


Tự viện Jamia Masjid

Vào thế kỷ thứ 13, Tự viện Jamia Masjid được chuyển đổi thành một trong những nhà thờ Hồi giáo lớn nhất ở Kashmir. Hiện nay, nền của Tự viện với 370 cột đá trong bốn sảnh cầu nguyện rộng thênh thang là bằng chứng duy nhất về quá khứ cổ xưa của tự viện này, do ít nhất ba lần công trình kiến trúc này đã bị đốt trụi và xây dựng lại.

Cách Srinagar chừng mười phút đi xe, gần làng Khyiru nằm trên núi Khunumoo, là di tích Pullahari cổ kính. Đây là nơi Naropa đã ẩn cư nhập thất trong sáu năm trước khi trở thành viện trưởng Đại học Nalanda, và đây cũng là nơi Ngài sống trong mười năm sau khi thành tựu giác ngộ.


Thánh tích Pullahari

Zanska

Sử sách có ghi chép rằng trong quá khứ có một dòng sông chảy giữa Kashmir và Zanska; dòng sông đó trước đây là một phần của vương quốc Kashmir. Ngày nay, cùng với sự thay đổi về địa lý, dòng sông cổ xưa đã trở thành một lòng sông lúc khô lúc ngập chỉ còn phục vụ cho việc canh tác. Vùng đất Zanska nằm dọc theo một trong những con đường khó đi nhất đối với những khách lữ hành đi trên Con đường tơ lụa. Tuy nhiên, vùng đất này rất trù phú và đã từng có nhiều hoạt động truyền giáo.

Địa điểm tháp Kanishka hiện nay được coi là một trong tám nghĩa địa linh thiêng của vùng Himalaya. Tháp Kanishka được vua Kanishka của vương quốc Kashmir xây dựng. Vua Kanishka lên nắm quyền vào năm 120 sau Công nguyên. Bằng việc xây tháp Kanishka, Vua Kanishka đã học theo tấm gương của Vua Ashoka vĩ đại, người đã xây dựng nhiều toà tháp ở mọi nơi trong vương quốc của Ngài để truyền bá Phật Pháp.


Tháp Kanishka

Theo Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa đời thứ 12, Sani cũng là địa điểm nơi Đại Thành tựu giả Naropa đã bay lên trời sau khi Ngài thành tựu giác ngộ trong khi đang khoác Sáu Sức Trang Hoàng Bằng Xương nổi tiếng. Đức Naropa đã thiền định trong một am thất nhỏ đối diện với tháp Kanishka và Ngài đã truyền dạy Phật Pháp cho người dân vùng Sani trong nhiều năm. Đến lúc Đức Naropa phải rời khỏi vùng Sani, người dân địa phương đã chân thành cầu thỉnh Ngài ở lại. Đại thành tựu giả Naropa đã lấy ra bức tượng Kim Cương Trì (Vajradhara) bằng vàng khỏi lọn tóc trên đỉnh đầu và nói: “Không có sự khác biệt nào giữa Kim Cương trì và ta. Hãy tôn kính thờ phụng bức tượng Kim Cương Trì này như là các con đang tôn kính ta, các con sẽ nhận được ân phúc như ta gia trì”. Đức Naropa đã rời khỏi vùng Sani sau khi trao bức tượng bằng vàng cho người dân địa phương. Ngày nay bức tượng này vẫn còn được đặt ở trong tim một bức tượng Naropa rất đặc biệt. Mỗi năm một lần, cuối tháng 7 vào đêm trước của đại pháp hội Naro-Nasjal, bức tượng này được đưa ra trưng bày. Người dân trên khắp vùng thung lũng Zanskar đều tham dự pháp hội này. Trong thời gian diễn ra pháp hội, chư tăng đến từ Tự viện Drukpa Bardan cử hành những vũ điệu Kim Cương Thừa thù thắng cùng nghi lễ cúng dường.


Đại pháp hội Naro-Nasjal

Một trong những hang động quan trọng nơi Đức Naropa đã từng ẩn cư tại Zanskar được goi là Tự viện Dzongkhul. Hang đá này nằm trên con đường rừng đi từ Padum đến Kishtawar, ngay trước lúc bắt đầu con đường dốc lên đèo Omasi-la. Tự viện này hiện nay do Thượng sư Drukpa Stakna Rinpoche vùng Ladakh quản lý. Trên thực tế tại Dzongkhul có hai hang động, hang lớn hơn (ở gần đường vào) nằm bên trong khu tổ hợp Tự viện. Tổ hợp tự viện này bao gồm một bảo điện thờ Phật Mẫu Tara, một điện thờ Thượng sư Truyền thừa Drukpa được đặt trong hang chính, một điện thờ chư Hộ pháp và một hang nhỏ hơn nơi mọi người có thể đến lấy nước nguồn.


Tự viện Dzongkhul

Các vị tăng trong vùng đã cho biết sau khi Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa đến thăm vào năm 2002, nguồn nước từ hang đã chảy xuống nhiều hơn; trước chuyến thăm của Ngài, nguồn nước ở đây rất hiếm. Ngay bên ngoài hang chính, trên một vòm đá, có mũi tên do chính Đức Naropa bắn từ ngọn núi đối diện xuyên qua hẻm núi Ating.

Trèo tiếp lên một con dốc dựng đứng thêm chừng 30 mét nữa sẽ dẫn đến một hang động nằm phía trên. Trong hang có đặt thờ một tôn tượng của Đức Naropa và một tôn tượng của Đức Vajradhara (Kim Cương Trì). Đức Naropa ẩn cư tu tập trong hang động này và trên vách hang hiện vẫn còn in dấu chân của Ngài. Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa dạy rằng, bức tượng Naropa ở trong hang miêu tả chính xác thân tướng của Ngài. Đây cũng là nơi Đại Thành tựu giả Naropa truyền lại cho đệ tử chân truyền của mình là Ngài Marpa những giáo pháp tối thượng. Nằm trong rừng cây cối rậm rạp phía trên ngôi làng cổ Pibiting trong thung lũng Zanskar là ngôi chùa Stakrimo. Đây cũng là thánh địa nơi Đức Naropa truyền cho đệ tử Marpa vô số giáo pháp tinh  yếu.


Đại Thành tựu giả Marpa

Nằm cheo leo trên một đỉnh núi rợp bóng cây phía trên làng Pibiting cổ kính trong thung lũng Zanskar là Tự viện Stakrimo, cũng do Thượng sư Stakna Rinpoche quản lý. Đây là nơi Đức Naropa đã truyền dạy nhiều bài thuyết pháp cho đệ tử Marpa và chư thiên nữ Dakini đã xây một đường hầm bí mật chạy từ Kashmir đến tự viện này để có thể chuyển lương thực và các đồ tiếp tế đến cho Đức Marpa trong thời gian Ngài đang ẩn cư nhập thất.

Tự viện Stongdey nằm cách Padum chừng 18 km về phía bắc trên con đường đi Zangla. Tự viện này nằm trên một khu núi đá nhìn ra ngôi làng có hình cây sồi. Tự viện được Đức Marpa xây dựng và được gọi là “Marpa Ling”, trước khi được Lama Gyaltshen Lhundrub Palzangpo chuyển giao cho Truyền thừa Gelugpa. Ngoài ra còn có một hang nằm trên vách núi nơi Đức Marpa thường ngồi thiền định. Dưới vách núi đá, trước đây đã từng có một dòng sông chảy về phía Srinagar.


Tự viện Stongdey

Chính bởi mối nhân duyên đặc biệt với người dân Ladakh nên cứ 12 năm một lần, Đại Pháp hội Naropa lại được lựa chọn tổ chức tại nơi đây.

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6334177
Số người trực tuyến: