Thực hành quy y Tam Bảo với trí tuệ siêu việt
Phật là Bậc giác ngộ để cho chúng ta nương tựa, người khai thị về quy y giáo Pháp là sự quy y chân thật. Từ “Phật”, theo tiếng Tạng là Sangye, gồm hai âm tiết. Âm tiết thứ nhất Sang là “tịnh hóa”, có nghĩa là tất cả tội lỗi và thiếu sót đã được loại bỏ, được quét sạch. Tương tự, gye nghĩa là “nở hoa”, tức là tất cả các phẩm hạnh được phát triển. Tăng là sự giúp đỡ trên con đường tu tập, giúp cho việc quy y. Phật Pháp Tăng gọi là Tam Bảo.
Phật Pháp giúp người ta có thể hướng tới cái thiện, tới sự siêu việt
Thực hành Pháp phụ thuộc vào hai điểm quan trọng: tâm chí thành và tri kiến siêu việt. Tâm chí thành và sự phát triển tri kiến siêu việt giúp chúng ta tinh tấn trên con đường tu tập. Khi chúng ta tu tập, chúng ta nói về các giai đoạn tương ứng với các khóa tu và giữa các khóa tu. Trong giai đoạn thực hành tu tập, chúng ta dựa vào tâm chí thành. Giữa hai khóa tu, chúng ta tập trung vào tri kiến siêu việt. Tâm chí thành hay tín tâm là lòng tin vào Phật, Pháp và Tăng trong khi tri thức siêu việt có nghĩa là sự quán chiếu để hiểu Phật, Pháp và Tăng thực sự là gì.
Khi chúng ta nói về tâm chí thành, chúng ta nương tựa trước tiên vào Phật, tiếp theo là Pháp và cuối cùng là Tăng. Vì sao? Vì khi chúng ta nghĩ tới Pháp, Pháp sẽ dẫn chúng ta tới Phật. Thực tế là nhờ có sự từ bi của đức Phật mà chúng ta biết tới Pháp.
Nếu bây giờ chúng ta xem xét điều này từ quan điểm của trí tuệ siêu việt, chúng ta không nhất thiết phải nói đến Phật trước tiên. Chúng ta sẽ không nói đến kết quả, mà nói đến cuộc sống hiện nay của chúng ta, cuộc sống đầy phiền não mà chúng ta phải chịu đựng. Chúng ta tìm cách tu tập để tự giải thoát khỏi những phiền não đó, và để làm được điều đó, chỉ đơn giản là nghĩ đến Phật thì không ích gì. Điều thực sự đem lại lợi ích là Pháp, vì thế, từ quan điểm của trí tuệ, điều quan trọng nhất mà tâm phải hướng đến ngay từ đầu là Pháp, rồi tới Tăng, và tới Phật.
Bởi vì Tăng được phát triển từ Pháp, và Tăng giúp sự phát triển của Phật. Pháp từ đâu mà có? Pháp ở đâu? Trong tâm của chúng ta. Phiền não ở đâu? Nó trước tiên ở ngay trong tâm ta. Vậy những phiền não đang ảnh hưởng đến tâm ta từ đâu ra? Nó bắt nguồn từ chính tâm ta, và chính xác hơn là từ ba độc: tham, sân và si.
Tham ái chấp thủ dẫn ta tới cảm giác bất an
Chúng ta hãy bắt đầu với độc tham ái và chấp thủ. Có ba hình thái của tâm: quyến luyến, hắt hủi và thờ ơ, ám độn. Ba hình thái này dẫn tới việc phát triển cảm giác bất an trong tâm ta.
Người ta nói rằng ba cảm xúc này, hay những yếu tố tinh thần gây phiền nhiễu, là từ tâm mà ra. Nhưng nó có thực sự là tâm ta không. Chúng ta không thể nói rằng đó là tâm ta, cũng giống như mặt trời không ở trong những đám mây. Người ta có thể làm gì để trị ba độc này. Để chữa bệnh tham ái hay chấp thủ, chúng ta phải tập quán chiếu về khía cạnh không dễ chịu. Bằng cách thiền định về một chủ thể có thể là đẹp hoặc xấu đối với chúng ta, chúng ta nhận ra rằng vẻ đẹp này chỉ tồn tại do duyên hợp. Nói về điều này, khái niệm này trong tiếng Tạng rất dễ hiểu. Khi chúng ta thấy gì đó dễ chịu hoặc cuốn hút, chúng ta nói yi yong wa, trong đó yi có nghĩa là “tâm” và yong wa có nghĩa là “đến”. Tức là đối tượng bên ngoài mà chúng ta thấy lôi cuốn tâm chúng ta. Nếu chúng ta xem xét, suy ngẫm và hiểu rằng đối tượng đang hiện ra và được ưa thích đó tồn tại do duyên hợp thì tham-luyến sẽ tự giảm xuống rất tự nhiên. Cách quán chiếu và suy ngẫm này chúng ta gọi là Pháp.
Sân giận có thể khởi nhưng chúng ta không được thủ chấp
Nếu sân giận, ác cảm và ghét bỏ xuất hiện, phương thuốc mà chúng ta phải sử dụng là nhẫn. Khi chúng ta nói đến nhẫn, không có nghĩa là chúng ta không được phản ứng hay nổi sân khi bị ai đó khiêu khích. Sân có thể khởi nhưng chúng ta không được bám chấp vào nó. Đó là lúc cần đến nhẫn. Chúng ta gọi việc suy ngẫm về chữ nhẫn này là Pháp. Đó là lý do vì sao chúng ta nói Pháp giúp chúng ta có thể phát triển các phẩm hạnh.
Tỉnh giác về hành vi của những người khác giúp giảm bớt si
Độc thứ ba thường được dịch là si hay là timug trong tiếng Tạng. Thực ra, nó cũng có thể hiểu là ám độn hay bàng quan. Nó có nghĩa là vô minh. Tỉnh giác về hành động của những người khác giúp giảm bớt si. Tiếp theo là quán chiếu về giáo pháp và suy ngẫm về cái chết và vô thường. Để giảm bớt chấp thủ, người ta cần tỉnh giác, ý thức được những tội lỗi, thiếu sót của luân hồi khổ.
Khi chúng ta nói rằng luân hồi không có thực chất, có nghĩa rằng nó không phải là thứ gì bền vững hay trường tồn. Khi chúng ta nói, bản thân nó không có thực, không có nghĩa nó là điều gì xấu hay cần phải loại bỏ. Mục đích của sự suy ngẫm này là đi từ trạng thái vô minh sang trạng thái tỉnh giác. Do đó, có rất nhiều đối tượng để suy ngẫm. Một số liên quan đến cái chết và vô thường, một số là luật nhân quả, nghiệp, số khác là về quan hệ giữa các hành động, nhân và quả.
Nghiệp có hai mặt: hành động và quả của nó hay nhân và quả
Nghiệp có hai mặt: là hành động và quả của nó hay nói một cách khác là nhân và quả. Quả xuất hiện ở cả hai cách nói. Nhưng khi chúng ta nói đến một “kết quả” hay là một “hiệu quả”, có một nghĩa là kết quả bắt nguồn từ hành động, một nghĩa khác là kết quả bắt nguồn từ nguyên nhân.
Ví dụ, chúng ta hãy xem xét mặt thứ nhất. Nếu chúng ta thực hiện hành động có ích, thì nó đem lại một hoàn cảnh thuận lợi. Tuy nhiên, nếu chúng ta thực hiện một hành động xấu nó sẽ đem lại một hoàn cảnh đầy khổ đau. Ngược lại, và liên quan đến mặt thứ hai, mặc dù chúng ta không nỗ lực, chúng ta không liên quan nhưng quả xoay chuyển bất ngờ. Những quả này bắt nguồn từ nhân.
Tôi sẽ minh họa cho điều này bằng một ví dụ để các bạn có thể hiểu rõ hơn. Người ta có thể có một cây hoa trong sân, mọc cạnh một đám cỏ dại. Nếu chúng ta phân tích điều này thì hoa là kết quả của lao động, chúng ta làm việc để cây ra hoa. Mặt khác, cỏ lại tự mọc, theo nhân duyên. Cây hoa mà chúng ta chăm sóc minh họa cho luật hành động và quả của nó, trong khi cỏ dại tự mọc minh họa cho mối liên hệ giữa nhân và quả. Chúng ta có thể nói rằng những quả này xuất hiện là do chúng ta đã làm điều gì đó, nhưng chúng xuất hiện ngay cả khi chúng ta không làm gì để dẫn đến quả đó. Vì thế điều quan trọng là phải suy ngẫm về hai mặt này: hành động và kết quả của những hành động đó, cũng như nguyên nhân và kết quả của những nguyên nhân đó.
Chúng ta có thể nói rằng mối liên hệ giữa nhân và quả là điều chi phối mọi thứ. Nó có mặt ở khắp nơi. Còn hành và quả có hạn chế hơn rất nhiều. Có sự khác nhau giữa nhân quả và hành quả. Hành và quả không ảnh hưởng hay xâm nhập tất cả, nhưng tất cả lại bị tác động của nhân quả. Nếu chúng ta suy ngẫm về mối liên hệ giữa nhân và quả xa hơn chút nữa, chúng ta sẽ nhận thấy rằng có một sự tương đồng nhất định với luật hành quả.
Suy ngẫm và hiểu biết có thể phát triển không chỉ khi cố gắng hiểu rõ quy luật về nghiệp trong ý nghĩa thông thường của hành - nhân - quả, mà cả khi phân tích bằng cách chia ra hành - quả một bên và nhân - quả một bên. Sự suy ngẫm kỹ lưỡng này sẽ giúp chúng ta có thể giảm bớt sự ưu tư, lo lắng. Thực sự, người ta phải suy ngẫm về thực tế là các loại phiền não ảnh hưởng đến chúng ta có thể là quả của những hành động trong quá khứ, nhưng nếu chúng ta suy ngẫm thêm một chút thì nó là kết quả của luật nhân quả. Nói một cách đơn giản, luật hành - quả liên quan đến đời hiện tại trong khi luật nhân - quả liên quan từ vô thủy kiếp. So sánh với luật về những mối liên hệ, thì rõ ràng luật vô thường dễ tìm hiểu hơn.
Vô thường tức là bản chất không bền chắc của vạn pháp
Sự vật không tồn tại mãi mãi, không cố định, mà luôn biến đổi. Để hiểu được luật về nghiệp, hành-nhân-quả, hành-quả và nhân-quả, điều quan trọng là phải phát triển hiểu biết về vô thường. Luật vô thường hàm ý hôm nay sự vật xảy ra theo một cách và ngày hôm sau lại theo cách khác. Khi chúng ta nói đến vô thường, nó cũng liên quan đến hiện tại: mọi vật đều thay đổi từng giờ từng phút.
Nếu chúng ta quan sát đời sống hiện tại, nó trải qua nhiều năm, nhiều tháng, tháng nhiều ngày, nhiều giờ, nhiều phút, nhiều giây. Nếu chúng ta muốn chia thời gian thành giây, chúng ta sẽ nhận ra rằng có rất nhiều khoảnh khắc trong quãng thời gian này. Đó là vì sao chúng ta nói thời gian như một búng ngón tay. Thời gian để búng ngón tay có thể chia ra làm nhiều phần, nhiều khoảnh khắc. Tất nhiên, đối với một người bình thường, một búng ngón tay xuất hiện trong một khoảng thời gian rất ngắn. Chúng ta không thể nhận ra ngay tất cả những gì xảy ra trong thời gian đó. Nhưng nếu chúng ta sử dụng các thiết bị khoa học kỹ thuật, sẽ dễ dàng thấy rằng trong một cái búng tay, rất nhiều thứ đã xảy ra. Nếu chúng ta thực hành miên mật hoặc theo đuổi những nghiên cứu khoa học cao cấp, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra, có nhiều điều xảy ra trong một cái búng tay, bao gồm cả rất nhiều tư tưởng hiện khởi. Bằng cách này chúng ta có thể nói rằng mọi thứ đều đang thay đổi, không có gì duy trì như cũ.
Luật nhân-quả bao trùm tất cả
Luật nhân - quả và luật hành - quả đã được đề cập đến từ trước, và chúng ta có thể nói rằng luật nhân - quả bao trùm tất cả. Nếu chúng ta thực sự phân tích sự vật, chúng ta sẽ nhận ra rằng kết quả được đem lại hoặc bắt nguồn từ nguyên nhân.
Trước tiên là có một nguyên nhân, sau đó là một kết quả. Thật dễ dàng để hiểu rằng kết quả đến từ một nguyên nhân trước đó. Mặt khác, chúng ta hiếm khi tưởng tượng rằng nguyên nhân lại đem đến kết quả. Thông thường, khi điều kiện đã chín muồi, chúng ta biết điều gì xảy ra thông qua kết quả, nhưng chúng ta không hướng sự chú ý của mình đến cái nhân đem lại kết quả đó, bởi chúng ta bị chấp mắc vào hoàn cảnh hiện tại. Ví dụ, để tới đây, tôi phải đi máy bay, rồi đi ô tô và rồi tôi đã ở đây. Một khi đã đến nơi, tôi không còn nghĩ đến việc làm thế nào tôi tới được đây, loại máy bay nào tôi đã đi, của hãng nào, v.v…Chúng ta không suy ngẫm làm thế nào để có kết quả. Tại sao? Bởi vì kết quả là việc trải nghiệm của khoảnh khắc.
Điều này phù hợp với cách suy nghĩ của chúng ta, với cách chúng ta hiểu về kết quả, cái bắt nguồn từ những nguyên nhân tích lũy từ trước. Tuy nhiên, cũng có ích nếu suy ngẫm theo hướng ngược lại và xem xét những nguyên nhân đã đem lại các kết quả. Thực tế, có hai cách nhìn vào sự vật: một mặt là kết quả bắt nguồn từ nguyên nhân, mặt khác là nguyên nhân tạo ra kết quả. Và nếu chúng ta suy ngẫm theo cách này, về mối liên hệ giữa nhân và quả, và giữa hành và quả, nó sẽ giúp chúng ta có thể điều chỉnh cách hiểu và phát triển các phẩm chất có trong tâm chúng ta. Sự phát triển này chúng ta gọi là Pháp.
Tình thương, lòng từ bi và luật nhân duyên đều liên quan đến giáo Pháp
Suy ngẫm về điều này giúp chúng ta có thể thực sự hiểu Pháp là gì? Tương tự, chúng ta sẽ phát triển thiền định về tình thương yêu và lòng từ bi. Tình thương yêu, lòng từ bi và luật nhân duyên, tất cả đều liên quan đến giáo Pháp. Ví dụ, có người đã tu tập trong ba năm về tình thương yêu, lòng từ bi và quy luật nhân duyên. Thực hành ba năm rồi có thể dẫn đến thực hành 10 năm, rồi 20 năm. Thực tế, thực hành theo Pháp không chỉ áp dụng trong một đời mà có thể nhiều đời. Việc thực hành qua nhiều đời giúp làm giảm bớt các độc tố trong tâm. Những người thực hành từ kiếp này qua kiếp khác là những người chúng ta gọi là Tăng. Chúng ta có thể nói rằng sự tiếp nối của Tăng bắt nguồn từ sự hiểu biết về Pháp.
Một người thực hành từ đời này qua đời khác, tới mười hay một trăm đời, đến một ngày sẽ thấy phiền não và ngũ độc tan biến. Vì thế, khi một người đã hết phiền não và những nguyên nhân gây ra phiền não, người ấy sẽ được giải thoát, sẽ đạt được quả vị Phật. Người ta có thể hỏi ai đã giác ngộ. Thì đó là một người thuộc về Tăng đoàn, từ kiếp này qua kiếp khác.
Tóm lại, Pháp có ở trong tâm ta. Từ Pháp mà sự thực hành không gián đoạn được phát triển, đó là Tăng. Từ Tăng mà có khoảnh khắc thanh tịnh, sự giác ngộ, có Phật. Ở đây chúng ta xem xét sự vật từ quan điểm của trí tuệ siêu việt. Đây là một sự giải thích về Quy y.
(Khai thị của Đức Kyabje Drukpa Choegon Rinpoche Ngawang Tenzin Chokyi Gyatso
Trích ấn phẩm “Những hành giả Yogis của Truyền thừa Drukpa”)
- 324
Viết bình luận