Triết học Phật giáo trong đời sống thường nhật
Đạo Phật không phải là một tôn giáo mà là triết lý sống để con người đạt được chân hạnh phúc. Tâm nguyện duy nhất của Đức Phật là mong muốn cho hết thảy chúng sinh đều được hạnh phúc, và đó là động lực để Ngài truyền dạy giáo pháp cho chúng ta.
Tất cả chúng sinh đều mong cầu hạnh phúc nhưng họ luôn tìm kiếm hạnh phúc ở bên ngoài
Đức Phật nhận thấy rằng tất cả chúng sinh đều mong cầu hạnh phúc nhưng họ luôn tìm kiếm hạnh phúc ở bên ngoài. Hạnh phúc bên ngoài phụ thuộc rất nhiều vào các điều kiện hoàn cảnh, nên nó rất vô thường mong manh. Dù bạn có được tất cả hạnh phúc về vật chất bên ngoài mà không có một chút hiểu biết nào về hạnh phúc tâm linh bên trong, tôi thực sự nghĩ rằng chúng ta không thể có được chân hạnh phúc.
Đức Phật đã nhận thấy rằng, hạnh phúc chân chính phải đến từ bên trong chứ không phải ở hình thức vật chất bên ngoài. Nếu có được trí tuệ hay hạnh phúc bên trong thì hạnh phúc bên ngoài sẽ làm tăng thiện duyên cho hạnh phúc bên trong. Nhưng nếu tâm bạn không hạnh phúc, tôi nghĩ rằng bạn sẽ không thể hạnh phúc bất kể môi trường xung quanh có dư giả, sung túc đến đâu chăng nữa!
Tất cả chúng ta trải nghiệm hoặc nhìn nhận thế giới một cách khác nhau phụ thuộc vào trạng thái tâm của mỗi người. Ví dụ, nếu ta đang trong trạng thái sân giận thì tất cả mọi thứ sẽ bị nhìn nhận một cách tiêu cực, ngược lại mọi thứ sẽ tích cực khi ta đang trong tâm trạng tích cực. Đôi khi bạn có thể cảm thấy rất sung túc khi so sánh với người dân ở Châu Phi. Nhưng đôi lúc bạn cảm thấy không thỏa mãn khi bạn thấy một số người nổi tiếng và giàu có. Thế giới bên ngoài chính là sự phóng chiếu của tâm bạn! Đó là lý do tại sao khi tâm mình chuyển hóa thì thế giới bên ngoài cũng sẽ thay đổi. Đức Phật luôn chỉ dạy chúng ta rằng cốt tủy của Phật pháp là chúng ta cần quán chiếu vào bên trong của tâm, để tìm những giải pháp cho những vấn đề rắc rối bên ngoài.
Năm xúc tình tiêu cực là khởi nguồn của mọi đau khổ
Năm xúc tình tiêu cực đó là: sân giận, ngã mạn, đố kỵ, chấp thủ và vô minh.
Sân giận phá hủy tự tính bản tâm. Khi một người sân giận, họ mất đi lý trí. Nếu như hai người tranh luận về một vấn đề và trở nên sân giận, họ sẽ quên đi vấn đề thiết thực mà họ cần tranh luận lúc ban đầu. Pháp đối trị cho sân giận là tâm từ bi và hạnh nhẫn nhục. Không thể diệt trừ tất cả những gì mà bạn ghét, cũng không thể khuất phục được kẻ thù, nhưng diệt trừ sân giận trong tâm mình thì lại dễ dàng hơn. Bạn sẽ không xấu đi nếu như có ai đó nói xấu bạn, bạn cũng sẽ không trở thành tên trộm nếu như một ai đó đổ tội ăn cắp cho bạn. Bạn nên phát khởi lòng từ bi, hãy cảm thông, tha thứ những gì người khác đang nói và làm điều không tốt cho bạn, bởi vì bạn biết rằng anh ta đang không làm chủ được mình.
Ngã mạn dẫn tới sự bất hạnh, bởi thực tế là luôn có người hơn bạn. Khi bạn phát hiện ra rằng có một ai đó giàu có hơn bạn, ưa nhìn hơn bạn và nổi tiếng hơn bạn v...v... thì niềm kiêu hãnh của bạn sẽ bị tổn thương và bạn sẽ trở nên tự ti, bất hạnh. Bạn không thể trở thành người số một trong mọi lĩnh vực vì thế tốt hơn hết hãy nên khiêm cung. Trong cuộc sống, những người khiêm cung sẽ được tôn trọng và kính trọng hơn.
Đố kỵ là một trạng thái tâm tiêu cực ngăn cản chúng ta tận hưởng những gì chúng ta có. Chúng ta muốn có nhiều hơn những gì người khác có. Trong sự lo toan cố gắng sở hữu những thứ người khác có, chúng ta không thể tận hưởng những gì mình có. Tu tập Phật pháp hay tôi muốn nói là làm những thiện hạnh tích cực mà trong tâm còn đố kỵ thì sự tu tập trở thành tiêu cực đều không phụ thuộc vào bề ngoài trông nó như thế nào, mà phụ thuộc vào ý định tốt hay xấu hàm chứa phía sau!
Bởi vậy, khi muốn làm một điều tích cực, đặc biệt là trong danh nghĩa Phật pháp, chúng ta phải có động cơ vì lợi ích của người khác hoặc ít nhất với mong muốn tích lũy công đức cho mình, không phải vì mục đích hơn người. Đây là điều vô cùng quan trọng. Tùy hỷ với những hạnh phúc và phẩm chất tốt của người khác là pháp đối trị sự đố kỵ, và cũng khiến tâm ta thoải mái tận hưởng những gì mình đang có!
Chấp thủ bắt nguồn từ “Tôi” và “Của Tôi”. Đây là trạng thái ích kỷ của tâm. Nhà tôi, gia đình tôi, bạn bè tôi, người yêu tôi, tiền tài của tôi. Sự chấp thủ này làm cho chúng ta có cảm giác giả tạo rằng mọi thứ đều bền vững, mạnh mẽ và kiên cố. Cũng như vậy, chúng ta còn chấp thủ vào khái niệm mà chúng ta áp đặt cho mọi sự vật hiện tượng. Khi một ai đó hoặc mọi thứ khác với những ý niệm hoặc tính cách mà chúng ta áp đặt thì sự khổ đau sẽ ùa tới. Khi suy xét tường tận về thân thể bạn, cảm xúc, những mối quan hệ, ý tưởng, địa vị, thời tiết, thời gian và những tiêu chuẩn, bạn sẽ nhận thấy rằng tất cả chỉ là vô thường thay đổi. Bằng việc hiểu bản chất vô thường của mọi sự vật, hiện tượng, bạn có thể giảm thiểu những khát khao, mong cầu với những hiện tượng vô thường bên ngoài.
Chúng ta hãy tự hỏi bản thân, tại sao năm độc lại có trong mỗi người? Đức Phật đã dạy rằng căn nguyên của mọi khổ đau là vô minh. Bởi vô minh nên ta nghĩ rằng mọi sự vật hiện tượng đều tồn tại một cách chắc thực như nó xuất hiện. Tốt và xấu chỉ là những sự phản chiếu các quan niệm của chính chúng ta. Một người tốt đối với bạn lại có thể là người xấu hoặc kẻ thù đối với người khác. Chỉ có sự hiểu biết về bản chất chân không của những khái niệm trong tâm chúng ta sẽ dẫn chúng ta xa lìa vô minh.
Khi bạn bám chấp tất cả mọi thứ là đang tồn tại thì sự phản chiếu những trải nghiệm thích hay chấp thủ, không thích hay sân giận, đố kỵ... sẽ khởi hiện trong bạn. Nó giống như việc nhìn một đoạn dây trong bóng tối nhưng lại tin rằng đó là một con rắn vì thế bạn đã rất hồi hộp, sợ hãi mặc dù đó chỉ là một đoạn dây!
Những tư tưởng và hành động tích cực là nguyên nhân của hạnh phúc
Bởi những tư tưởng và những hành động tiêu cực là nguyên nhân của khổ đau nên những tư tưởng và hành động tích cực là cội nguồn của hạnh phúc. Đó là lý do tại sao Đức Phật dạy rằng: (1) Tránh làm những điều ác, (2) thực hiện những việc lành, (3) điều ngự tâm mình. Bất cứ điều gì được thực hiện với tư tưởng chân chính vô ngã vị tha sẽ luôn làm tinh thần bạn hạnh phúc và đó cũng là sự tích lũy của thiện nghiệp. Ví dụ, khi chúng ta yêu thương ai đó, chúng ta nghĩ đến mình ít hơn và chúng ta trở nên vị tha hơn, chúng ta muốn đem lại hạnh phúc cho người đó. Và trong khi thực hành điều đó bạn sẽ cảm thấy thực sự hạnh phúc.
Nếu như bạn có thể đem yêu thương như vậy trải rộng hướng tới hết thảy chúng sinh thì bạn sẽ dễ dàng loại bỏ những tư tưởng và cảm xúc tiêu cực. Chúng ta phải tri ân công đức sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, cha mẹ đã chăm sóc, nuôi dưỡng chúng ta trong thế giới này, chúng ta phải phát khởi mạnh mẽ tâm nguyện báo ân mong muốn đem lại hạnh phúc cho cha mẹ về cả vật chất lẫn tinh thần. Cũng giống như vậy chúng ta đem lòng tri ân đó đến hết thảy chúng sinh, những người đã từng làm cha mẹ chúng ta trong đời này hoặc quá khứ. Khi chúng ta kính trọng cha mẹ, người lớn tuổi, thầy giáo, thì mọi người cũng sẽ tôn trọng và yêu thương chúng ta khi đó chúng ta đã tạo ra một xã hội hiện tại và mai sau, nơi mà mọi người đều tôn trọng thương yêu lẫn nhau.
Tóm lại, nếu như bạn hoan hỷ trưởng dưỡng, phát triển tình yêu thương, lòng bi mẫn và thanh lọc năm độc thì bạn sẽ thấy cuộc đời thực sự cao đẹp và tràn đầy ý nghĩa! Đó là tinh túy giáo lý của Đức Phật.
(Khai thị của Đức Nhiếp Chính Vương Kyabje Khamtrul Rinpoche Jigme Pema Nyinjadh)
- 374
Viết bình luận