Tu pháp vô ngã thời lìa kiêu mạn, chứng Niết bàn | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Tu pháp vô ngã thời lìa kiêu mạn, chứng Niết bàn

Sau khi ông Thuần Đà cùng Văn Thù Sư Lợi Bồ tát đi lo sắm sửa thực phẩm cúng dàng Đức Phật, các Tỳ-kheo bạch Phật rằng: “Bạch Thế-Tôn! Ngày trước đức Phật dạy rằng các pháp vô ngã, các ông phải tu học. Tu học pháp vô ngã sẽ lìa sự chấp ngã, lìa chấp ngã thời lìa kiêu mạn, lìa kiêu mạn, thời chứng Niết-bàn. Nghĩa ấy thế nào?”.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: “Lành thay! Lành thay! Nay các thầy có thể bạch hỏi nghĩa ấy để tự dứt chỗ nghi ngờ.

Này các thầy! Ví như quốc vương kém sáng suốt, tin dùng một y sư vụng về, tính tình lại cao ngạo, Phàm trị bệnh gì cũng thuần dùng sữa để làm thuốc cả, thêm nỗi chẳng rõ căn do của bệnh, dầu biết dùng sữa mà chẳng hiểu rành, chẳng biện biệt sữa tốt xấu, lành, không lành. Một hôm, từ phương xa lại một minh y thông cả tám nghề, rành các phương thuốc, trị bệnh rất giỏi. Cựu y vì sẵn tính cống cao khinh mạn nên không đếm xỉa tới. Minh y thấy vậy, bèn hạ mình thỉnh cựu y làm thầy, nhân đó được vào hầu quốc vương. Minh y trình bày lên quốc vương các phương thuốc và những nghệ thuật khác. Bấy giờ quốc vương tỉnh ngộ, xét biết cựu y là hạng vụng về cao ngạo, liền biếm truất đi, rồi trọng dụng minh y. Minh y mới yêu cầu quốc vương cấm dân chúng uống thuốc sữa của cựu y, vì thuốc ấy độc hại, làm thương tổn người bệnh, quốc vương chuẩn lời, ra lệnh cấm hẳn, nếu ai dùng sữa để trị bệnh sẽ bị tử hình. Minh y cứ theo phương dược chế các thứ thuốc, phàm dân chúng có bệnh gì đều trị lành cả.

Ít lúc sau, quốc vương phải bệnh nặng, truyền vời minh y điều trị. Sau khi khám bệnh, biết rằng quốc vương phải dùng thuốc sữa, minh y liền tâu rằng: “Ngày trước tôi yêu cầu cấm dùng sữa làm thuốc, đó là đại vọng ngữ. Nếu uống thuốc sữa rất có thể trị được bệnh. Hiện nhà vua đang phải bệnh nóng, chính nên dùng sữa”.

Vua bảo: “Có lẽ ông điên cuồng hay bị bệnh loạn óc rồi, mới nói rằng uống sữa trị được bệnh của ta. Cựu y dùng sữa, ông cho là độc, bảo ta biếm truất và cấm hẳn, nay trở lại nói sữa là tốt hay trị được bệnh.

Ông muốn khi dối ta ư? Cứ theo lời ông nói thời cựu y có thể hơn ông rồi”.

Minh y tâu: “Thưa Đại-Vương! Như mối ăn gỗ ngẫu nhiên thành chữ, con mối này tự nó không biết là chữ hay không phải chữ. Người trí xem thấy trọn không bao giờ tuyên xướng rằng con mối biết chữ và cũng chẳng lấy làm lạ.

Cũng vậy, cựu y không hiểu căn bệnh, bệnh gì cũng dùng thuần sữa để trị, lại không biết sữa là tốt hay xấu, là lành hay không lành”.

Vua nói: “Xin ông giải thích cho ta rõ”.

Minh y tâu: “Thuốc sữa kia cũng là độc hại, cũng là cam lộ. Thế nào là thuốc sữa cam lộ? Nếu là bò cái không ăn bã hèm trấu cặn, con nghé của nó rất điều thiện, chỗ thả chăn không phải cao nguyên cũng không quá thấp ướt, nước uống trong sạch, chẳng cho chạy nhảy, chẳng cho chung bầy với bò đực, cho nó ăn uống đi đứng vừa chừng phải cách. Sữa của bò này trị được nhiều bệnh gọi là cam lộ. Ngoài ra các thứ sữa khác thời gọi là độc hại”.

Nghe minh y giảng giải, vua khen rằng: “Hay lắm! Hay lắm! Nay ta mới rõ thế nào là sữa tốt, xấu, lành, cùng chẳng lành”.

Sau khi được uống thuốc sữa của minh y, vua được lành mạnh, vua liền truyền lệnh cho dân chúng được dùng sữa để trị bệnh. Dân chúng không vừa lòng với thái độ của nhà vua, nên hội đến hoàng cung để cật vấn.

Quốc vương bảo dân chúng: “Mọi người chẳng nên oán trách nơi ta, về vấn đề thuốc sữa nên uống hay không nên uống đều là ý của y sư cả không phải lỗi của ta”.

Dân chúng vui lòng tuân lời minh y dùng thuốc sữa tốt trị bệnh, được nhiều kết quả tốt.

Này các Tỳ-kheo! Các thầy nên biết đức Như-Lai Ứng-Cúng Chính-Biến-Tri, Minh-Hạnh-Túc, Thiện-Thệ Thế-Gian-Giải Vô-Thượng-Sĩ Điều-Ngự Trượng-Phu Thiên-Nhân-Sư Phật Thế-Tôn cũng lại như vậy. Là bậc đại y vương hiện ra nơi đời hàng phục tất cả tà y ngoại đạo. Giữa dại chúng xướng rằng ta là y vương, vì hàng phục ngoại đạo nên nói không ngã, không nhân, không chúng sinh, không thọ giã. Các thầy nên biết ngoại đạo mà nói là ngã đó, như mối ăn cây ngẫu nhiên thành chữ thôi. Vì thế nên trong Phật pháp, đức Như-Lai nói là vô ngã để điều phục chúng sinh, và vì là lúc phải nói là vô ngã. Rồi cũng vì có nhân duyên nên cũng nói có ngã. Như minh y kia biết rõ nơi sữa phải thuốc, hay không phải thuốc. Chẳng phải như chỗ chấp ngã của phàm phu. Phàm phu chấp ngã lớn như ngón tay cái, hoặc như hột cải, hoặc như vi trần. Ngã của Như-Lai nói đều không phải như vậy, vì thế nên nói các pháp không ngã, mà chính thật chẳng phải là không ngã. Thế nào là thật ? Nếu Pháp là thật, là chân, là thường, là chủ, là sở-y, tính không biến đổi, đó gọi là ngã. Như minh y kia hiểu rành thuốc sữa. Cũng vậy, Như-Lai vì chúng sinh mà nói trong các pháp chân thật có ngã.

Bốn bộ đệ tử của Như-Lai đều phải tu pháp quán chân ngã như vậy.

(Lược trích Kinh Ðại Bát Niết Bàn – Phẩm Ai thán

Việt dịch: HT. Thích Trí Tịnh)


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6333930
Số người trực tuyến: