Ý nghĩa các Hồng danh của Đức Phật Quan Âm
Đức Quan Âm có vô số hồng danh, thể hiện các khía cạnh của trí tuệ giác ngộ và năng lực diệu dụng của tâm Đại từ Đại bi. Một trong những hồng danh cổ xưa nhất của Đức Quan Âm, được tìm thấy trong Kinh điển tiếng Phạn, ghi nhận tên gọi của Đức Phật này là Avalokiteshvara, trong đó:
Ava: Có nghĩa là phía bên dưới, cảnh khổ Sa bà
Lokita: Có nghĩa là nhìn thấy, quan sát, thấu rõ
Isvara: Đấng Uy lực có quyền hành xử mọi việc một cách tự tại.
“Avalokita” và “Isvara” được viết gọn thành “Avalokiteshvara”: “Bậc có uy lực quán sát và bảo hộ chúng sinh một cách tự tại” hay Quán Tự Tại. Ngài chính là Đức Phật, nhờ thực hành Trí tuệ Bát nhã thâm sâu, quán sát năm uẩn đều không nên cứu độ hết thảy chúng sinh thoát khỏi khổ ách, đạt đến an vui hỷ lạc.
Một hồng danh khác của Đức Quan Âm là “Lokesvara” trong đó Loka là “thế gian” và Isvara là “Tự tại” hay “Giáo chủ”, nên Lokesvara được dịch là Tự Tại hoặc là bậc Thế Tự Tại Vương. Lokesvara là bậc Bồ tát quán rõ các Pháp thế gian là huyễn hoá, đồng thời điều dụng được toàn bộ danh pháp của thế gian một cách vô ngại nên đạt quả Tự Tại. Hơn nữa, do Ngài quán sát thấu rõ căn cơ của chúng sinh nên sự giáo hóa được tự tại. Vì bậc Bồ tát này có đầy đủ Bi Trí, Lý Sự vô ngại nên có tên là Quán Tự Tại.
Hai chữ “tự tại” trong hồng danh của Đức Quan Âm ẩn tàng triết lý sâu xa và phương thức tu tập nhiệm mầu: nhờ quán chiếu Trí tuệ Bát nhã mà được tự tại, giải thoát.
Ý nghĩa “tự tại” bao hàm mười khía cạnh sau:
1) Thọ tự tại: Kéo dài bảo vệ tính mạng; 2) Tâm tự tại: chẳng nhiễm ô sinh tử; 3) Tài tự tại: theo ý vui thích mà hiện, do sở đắc của Bố thí; 4) Nghiệp tự tại: chỉ làm việc lành và khuyên người khác làm lành; 5) Sinh tự tại: tùy theo ý muốn hay hướng tới, do sở đắc của Trì giới; 6) Thắng giải tự tại: tùy theo sự ham muốn biến hiện, do sở đắc của Nhẫn nhục; 7) Nguyện tự tại: tùy theo quán nơi vui vẻ mà thành tựu, do sở đắc của Tinh tấn; 8) Thần lực tự tại: bắt đầu Tối thắng Thần thông, do sở đắc của Thiền định; 9) Trí tự tại: thuận theo lời nói âm thanh Trí tuệ; và, 10) Pháp tự tại: theo Kinh điển, do sở đắc của Trí tuệ.
Ngoài ra, Đức Quan Âm cũng được tôn xưng với nhiều hồng danh khác nhau như:
Do Ngài lấy bản nguyện Từ bi cứu giúp chúng sinh nên có danh hiệu là Đại Bi Tâm Giả hay Đại Bi Thánh Giả.
Do Ngài cầm hoa sen là biểu tượng cho Trí thanh tịnh hay Diệu pháp nen có danh hiệu là Liên Hoa Thủ Bồ tát.
Do quán sát và thực hành Pháp môn Nhất như “Sắc tức là Không, Không tức là Sắc” nên có danh hiệu là Bất Nhị Bồ tát.
Do hành trì Năm pháp quán (Chân Quán, Thanh Tịnh Quán, Quảng Đại Trí Tuệ Quán, Bi Quán, Từ Quán) nên có thể đem Trí tuệ quang minh soi khắp các cõi, phá các ám tối phiền não để cứu khổ chúng sinh. Đây là biểu thị cho sự diệu dụng, lợi tha nên Ngài có danh hiệu là Quang Âm Bồ tát (Abhâsvara Bodhisattva, trong đó “Abhâ” là ánh sáng (Quang), “svara” là âm thanh (Âm).
Do công hạnh quán sát hết thảy tiếng kêu cứu của mọi chúng sinh trong cõi Ta Bà để kịp thời cứu độ nên Ngài có danh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát.
Do luôn hành trì công đức của Trí tuệ Bát nhã nên Ngài có danh hiệu là Bát nhã Bồ tát.
Do luôn đem lại sự không sợ hãi và ban sự an vui đến các chúng sinh nên Ngài có danh hiệu là Thí Vô Úy Giả. Trong bản Phạn của Kinh Pháp Hoa có ghi: “Này Thiện Nam Tử! Vị Quán Tự Tại Bồ tát Ma Ha Tát ấy ban sự không sợ hãi đến các chúng sinh đang lo lắng. Vì vậy trong thế giới Ta Bà này, vị ấy là Người ban cho sự không sợ hãi”. Do đó, ở Nhật Bản, Ngài còn được tán tụng với hồng danh là Thí Vô Úy Quán Tự Tại Bồ tát Ma Ha Tát.
Do Ngài dùng ba Pháp Văn Tuệ, Tư Tuệ, Tu Tuệ làm cho nhĩ căn viên thông nên có danh hiệu là Quan Âm Bồ tát.
Trong Kinh A Di Đà quyển thượng, Kinh Vô Lượng Thọ quyển thượng và Kinh Quan Âm Thọ Ký đều dùng hồng danh Thánh Quán Thế Âm để chỉ về Đức Quan Âm, cùng với Đại Thế Chí Bồ tát theo hầu cận Đức Phật A Di Đà ở Thế giới Cực Lạc, được tôn xưng là Tây Phương Tam Thánh.
Thông thường, người ta dùng hồng danh Chính Quan Âm để chỉ Đức Quan Âm bản nhiên. Hồng danh Quán Tự Tại Bồ tát dùng để chỉ các bậc Giác hữu tình (tức Bồ tát) đang tu hành pháp môn quán chiếu thật tại để thành tựu Tuệ giác siêu việt, hoặc danh hiệu này dùng để chỉ vị Bồ tát ở cảnh Lý sự vô ngại, quán đạt tự tại. Còn hồng danh Quan Thế Âm Bồ tát dùng để chỉ các bậc Giác hữu tình đang thực hành pháp môn Nhĩ căn viên thông để thành tựu Tứ Vô Lượng Tâm (Từ Bi Hỷ Xả). Danh hiệu này còn chỉ vị Bồ tát dùng bản nguyện Từ bi quán sát âm thanh cầu cứu của tất cả chúng sinh trong Đại thiên Thế giới mà nhanh chóng hiện thân đến cứu độ. Riêng các tôn tượng và danh hiệu khác đều là thân thị hiện theo diệu dụng của pháp Thần biến tự tại, nên mỗi hồng danh đều có ý nghĩa và nghi quỹ riêng biệt.
(Trích ấn phẩm “Đức Phật Quan Âm - Thần lực Đại bi gia trì”
Nhà xuất bản Tôn giáo, 2017)
Để công đức tăng trưởng lên gấp bội, hãy cùng phát Bồ đề tâm, tích lũy công đức, trưởng dưỡng trí tuệ, tình yêu thương với việc tham gia Pháp hội Quan Âm Đại Bảo Tháp Tây Thiên 2018, mang tới vô lượng cát tường, bình an, hạnh phúc, thịnh vượng cho đất nước và hữu tình tại Việt Nam, giúp viên mãn các tâm nguyện của bản thân và gia đình trong năm mới Mậu Tuất.
Pháp Hội Quan Âm Đại Bảo Tháp Tây Thiên 2018 khai đàn từ đầu tháng 1 Â.L Mậu Tuất, tạ đàn vào khóa Đại lễ cầu an nhằm ngày vía Đức Phật Quan Âm từ ngày 16/3 - 18/3/2018 tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên. Bạn hãy viết mọi tâm nguyện của mình và người thân yêu lên họa hình Bảo tháp và dâng lên đàn lễ cầu an để đón nhận trọn vẹn gia trì cát tường từ mười phương chư Phật!
Bạn hãy tải Hướng thực hành pháp Quan Âm trì tháp thù thắng ngay bây giờ để cùng tham gia Pháp hội linh thiêng hy hữu này!
- 1992
Viết bình luận