Ý nghĩa Pháp tu Đức Phật A Di Đà
ĐỨC PHẬT A DI ĐÀ
Chủng tử tự: SHRI
Tâm chân ngôn: OM AH MI DEWA SHRI
Đức Phật A Di Đà (Amitabha) có nghĩa là Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ, trong Mandala Ngài an trụ ở phương Tây và an tọa trên bảo tòa Khổng Tước vương nêu biểu sự giác tỉnh cùng khả năng chuyển hoá phiền não, đầy đủ các màu sắc, minh tuệ. Sắc thân màu đỏ nêu biểu lòng Đại bi, tướng thanh tịnh của hỏa đại, tay Ngài kết ấn đại định (định ấn là ngón út, ngón đeo nhẫn, hai ngón giữa giao nhau) nêu biểu 6 đại vô ngại, phương Tây là phương trí tuệ nội chứng. A Di Đà là nghĩa chuyển Pháp luân thuyết pháp của Trí tuệ Diệu Quan Sát lợi ích các loại căn cơ chúng sinh.
Tu trì chân ngôn Di Đà có khả năng chuyển tưởng uẩn, ý thức thành Diệu Quan Sát Trí; chuyển hóa những tham nhiễm, chấp trước thành đại nguyện vị tha và chứng đắc thành tựu Báo thân Phật A Di Đà.
Pháp tu A Di Đà chuyển hóa ái dục thành Diệu quan sát trí
Trong Kim Cương thừa pháp tu của Đức Phật A Di Đà thực chất là một phương pháp thực hành nhằm chuyển hoá ái dục của chúng ta. Ái dục thiêu đốt cuộc sống rất mạnh mẽ. Chúng ta tham muốn đủ mọi thứ trong cuộc sống này như tham tiền, tham danh, tham sắc, tham ăn, tham hưởng thụ… đó gọi là tham dục. Tham dục rất cần được chuyển hoá. Chỉ cần chuyển hoá chứ không phải loại bỏ chúng. Nếu loại bỏ chúng, bạn sẽ trở nên khô khan, thiếu sinh lực như một cây gỗ mục. Bởi thế,chúng ta cần pháp tu A Di Đà để giúp chuyển hoá ái dục. Đây là phương tiện thiện xảo của Kim Cương thừa, không thấy nhắc đến trong hai thừa trước. Đây cũng là điểm đặc trưng của Kim Cương thừa so với hai thừa trên.
Tôi muốn chia sẻ kỹ hơn về sự chuyển hoá ái dục. Nếu loại bỏ ái dục, bạn sẽ không còn tâm muốn giúp đỡ mọi người, cứu độ chúng sinh, không muốn thực hành Bồ tát hạnh. Như vậy, loại bỏ ái dục không phải là phương pháp thích hợp. Do đó, ái dục cần phải được chuyển hoá và sử dụng một cách đúng đắn. Hiện tại chúng ta không chuyển hoá được ái dục, bởi chúng ta không có sự gia trì của Đức A Di Đà, Đức Quan Âm, hay Đức Phật Thích Ca, nên ái dục dẫn tới vô vàn khổ đau và rắc rối. Bởi thế rất nhiều tôn giáo khác cho rằng ái dục là rất xấu, cần loại bỏ chúng, nhưng thật ra ái dục không thể loại bỏ, mà cần chuyển hoá và sử dụng một cách chân chính. Khi tôi nói sử dụng một cách chân chính, thật ra không đơn giản. Nói thì khá dễ nhưng bắt tay vào thực hành thì không dễ. Tôi muốn nói rằng chúng ta cần phải chuyển hóa ái dục thành trí tuệ.
Ví dụ sân giận cần được chuyển hoá thành Diệu quan sát trí, theo danh từ thế gian gọi là trí thông minh. Nếu thiếu loại trí tuệ này, bạn sẽ trở thành người ngu ngốc. Ái dục cũng cần được chuyển hóa thành trí tuệ. Chuyện gì sẽ xảy ra khi ái dục chuyển thành trí tuệ? Khi đó, chúng ta sẽ kiểm soát và sử dụng được nó, trợ giúp cho những mục đích tốt, để lợi ích cho sự nghiệp giải thoát cứu độ chúng sinh. Đó là việc sẽ xảy ra khi chúng ta chuyển hoá ái dục thành trí tuệ. Nếu không chuyển hoá chúng, ta sẽ không có cơ hội, hoàn toàn bị nô lệ cho ái dục và sẽ tạo rất nhiều ác nghiệp bởi ái dục đã chi phối chúng ta một cách lầm lạc. Cũng thế, dù chúng ta biết sân giận là xấu, nhưng vì không được chuyển hoá nên bị nó dẫn dắt. Chúng ta gào thét đánh đập và vô cùng hung dữ. Tuy biết là xấu mà chúng ta không có chọn lựa nào khác, khi có sự chuyển hoá, nhờ sự thực hành thì giận dữ không còn dẫn dắt, ngược lại chúng ta kiểm soát và làm chủ được chúng. Vào lúc này, sân giận còn đang như một vị vua và chúng ta như những kẻ nô lệ, những xúc tình như sân giận chỉ đạo chúng ta tạo rất nhiều bất thiện nghiệp, nó thống trị toàn bộ cuộc đời chúng ta. Không những sân giận, mà ái dục, tật đố, vô minh đều là những kẻ thống trị cuộc đời chúng ta. Vì thế toàn bộ cuộc đời chúng ta trở thành sai lầm. Bởi thế, chúng ta cần học cách nhận diện, kiểm soát, chuyển hóa và làm chủ những xúc tình tiêu cực.
Như thế sự thực hành trong Kim Cương thừa nhấn mạnh đến sự chuyển hoá, chứ không phải sự đè nén hay nuôi dưỡng chúng. Chúng ta cần chuyển hoá các xúc tình, nên sự thực hành này không phải là việc thờ cúng một đối tượng hay một người nào khác mà là tiến trình chuyển hóa các xúc tình tiêu cực. Thông qua tiến trình này, chúng ta chuyển hoá mục đích ý nghĩa cuộc đời mình để thực hành các thiện hạnh của bậc Bồ tát lợi ích bản thân và người khác, điều đó cũng như thông qua việc phát Bồ đề tâm chúng ta trưởng dưỡng tình yêu thương và chuyển hoá các xúc tình tiêu cực thành tuệ giác. Ví dụ ái dục chuyển thành Diệu quan sát trí, sân giận chuyển thành Đại viên cảnh trí, vô minh chuyển thành Pháp giới thể tính trí…, rất nhiều trí tuệ ở trong nền tảng của tâm thức. Như thế có thể nói việc thực hành Kim Cương thừa là phương tiện vô cùng hiệu quả giúp chúng ta chuyển hoá khổ đau một cách tích cực.
Chư Phật đều là những biểu hiện tâm của chúng ta
Một bậc Thầy vĩ đại nói rằng: Tất cả chúng sinh xưa nay là Phật, điều này cũng đã từng được Đức Phật Thích Ca nhắc đến. Ngài còn dạy rằng: Luân hồi hay Niết bàn chỉ là vấn đề ở vô minh hay trí tuệ. Vô minh là Luân hồi, Trí tuệ là Niết Bàn. Đức Phật Thích Ca đã dạy rất rõ việc này. Kim Cương thừa cũng nói rằng: Trí tuệ vốn sẵn có từ vô thủy nhưng chúng ta đã không nhận ra, không chứng ngộ, nên bị sử dụng sai đường thành tham dục, giận dữ, tật đố, rồi dẫn dắt đến vô số khổ đau. Vì vậy cần chuyển hoá chúng thành trí tuệ. Trí tụê vốn sẵn có xưa nay, đó là cốt tủy của Kim Cương thừa. Trong Kim Cương thừa tin rằng: Chúng ta có thể trưởng dưỡng Đức Phật bên trong chính mình, có thể tự tạo hạnh phúc cho chính mình, không cần thiết phải lệ thuộc vào bất kỳ một thứ gì khác bên ngoài. Ngay chính Đức Phật Thích Ca cũng nói rằng: đừng nương tựa vào Ngài.
Là những hành giả Kim Cương thừa, chúng ta cần tin rằng: mọi thứ đều có thể được tạo ra từ bên trong chính mình, vì chính chúng ta tạo nên mọi thứ. Khi bị ái dục chi phối, chúng ta tạo nên bất thiện nghiệp hoặc thiện nghiệp. Vì thế chúng ta có thể tự chuyển hoá, để tạo nên sự an lạc hạnh phúc cho chính mình. Chúng ta có thể tự mình tránh các nhân đau khổ, đấy là niền tin của chúng ta. Cùng với niềm tin tưởng như vậy, trong thực hành của Kim Cương thừa chúng ta kèm với việc quán tưởng. Có rất nhiều loại quán tưởng như quán tưởng Đức A Di Đà, Quan Âm, Liên Hoa Sinh. Rất nhiều cách quán tưởng khác nhau, nhiều Chân ngôn khác nhau, nhiều khế ấn khác nhau, nhiều tư thế của thân khác nhau. Tư thế ngồi kết già được gọi là tư thế của Đức Tỳ Lô Giá Na, như vậy có hàng trăm các kỹ xảo khác nhau, nhưng kỹ xảo này rất cần thiết để nâng đỡ tâm chúng ta trong sự chuyển hoá.
Trong Nguyên thủy Phật giáo chỉ nhắc đến một mình Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trong Đại thừa Phật giáo ngoài Đức Phật Thích Ca, còn nhắc đến chư Phật ba đời hay ngũ phương Phật và rất nhiều các vị Bồ tát. Còn trong Kim Cương thừa không phải chỉ có thế, mà còn vô số chư Phật khác nhau, như những Đức Phật trong hình tướng nữ, hình tướng nam, vô số các vị Bồ tát như các Daka, Dakini, Yogi, Yogini…Bởi vì theo Kim Cương thừa, mỗi cá nhân có các loại xúc tình phiền não khác nhau, rất nhiều khía cạnh khác nhau của tâm như giận dữ, ái dục,… Mỗi khía cạnh của tâm, bản chất đều là Như Lai Tạng. Chúng ta có hàng ngàn khía cạnh của tâm, nên có hàng ngàn chư Phật, chư Bồ tát trong các hình tướng khác nhau. Mỗi Ngài có thể là đối tượng để chúng ta thiền định quán tưởng. Một trong các Ngài có thể có sắc thân màu xanh, màu lục, màu đỏ… Hoặc các Ngài trong hình tướng phẫn nộ, hiền hòa. Tất cả những hình tướng này đều tượng trưng cho các khía cạnh Tâm của chính chúng ta, chứ không phải là bất kỳ một ai khác ở bên ngoài.
Bạn có thể thấy trong Kim Cương thừa có Hộ Pháp Mahakala với hình tướng cực kỳ phẫn nộ và sắc thân màu đen. Nếu gọi Ngài là Phật chắc bạn không thể tin nổi, bởi vì trông Ngài rất là phẫn nộ, rất đen và rất giận dữ. Cho nên những ai không hiểu về Kim Cương thừa thì không thể tin rằng Ngài là một vị Phật. Hay nói về Đức Quan Âm, trong truyền thống Đại thừa người ta gọi Ngài là Bồ tát vì mọi người không tin rằng một Đức Phật lại có thể có nghìn tay nghìn mắt. Họ nghĩ rằng một Đức Phật chỉ có hai tay hai mắt giống như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Còn trong Kim Cương thừa thì có vô số chư Phật khác nhau. Hộ pháp Mahakala cũng là một Đức Phật, Hộ pháp Mahakali cũng là một Đức Phật hay Lục Độ Mẫu, Bạch Độ Mẫu, Kim Cương Hợi Mẫu… tất cả các Ngài đều là Phật. Các Ngài có thể ở trong tư thế vũ điệu Kim Cương, có thể sắc thân các Ngài màu xám, màu đen, màu xanh… Tại sao lại như vậy? Bởi vì các Ngài tượng trưng cho sự chuyển hóa các xúc tình tiêu cực trong tâm chúng ta. Những xúc tình này luôn thúc đẩy chúng ta trong trạng thái không cân bằng của những sân giận, ham muốn…, song bản chất của những xúc tình đó là thể tính và hình tướng của chư Phật, chư Bồ tát. Đó là sự phóng chiếu của tâm bạn. Giống như khi giận dữ thì mặt bạn rất xấu, khi vui mặt bạn trông rạng rỡ hoan hỷ tươi tắn, khi buồn trông mặt bạn ủ dột nặng nề… Tất cả những bộ mặt đó đều là sự phản chiếu của tâm bạn. Vì thế chúng ta cần phải hiểu tất cả chư Phật, đều là những biểu hiện tâm của chúng ta. Có rất nhiều người tu Mật thừa không hiểu biết, họ không hiểu sự thật rằng những Đức Phật như Mahakala, Mahakali, Lục Độ Mẫu, Bạch Độ Mẫu… đều là sự phản chiếu của chính tâm họ. Mặc dù thực hành Kim Cương thừa nhưng họ không hiểu được ý nghĩa của Kim Cương thừa. Rất đáng tiếc khi thực hành Kim Cương thừa, họ nhìn vào những vị Phật này và cho rằng các Ngài là quỷ. Đây là một kiểu thực hành vô cùng nguy hiểm, hoàn toàn sai lầm. Chúng ta cần phải hiểu rằng chư Phật, Bồ tát là hiện thân hay là sự phản chiếu của các loại xúc tình khác nhau trong tâm của chúng ta. Bởi thế Đức Phật Thích Ca muốn chúng ta thực hành các phương tiện khác nhau, nhằm chuyển hoá mọi khía cạnh của tâm thành trí tuệ giác ngộ.
Đức Bản tôn Kim Cương Thủ Vajrapani
Có thể sẽ có nghi vấn rằng: Tại sao một hành giả cần phải thực hành Pháp tu Mahakala, hay các pháp tu về chư Phật, chư Bồ tát, các Bản tôn khác nhau? Câu trả lời rất đơn giản như tôi đã đề cập ở trước. Chúng ta muốn có sự chuyển hoá trong tâm mình, thông qua sự thực hành thì sự chuyển hoá sẽ xẩy ra, khi sự chuyển hoá diễn ra, thì đó là giác ngộ. Sự giác ngộ này đồng với sự giác ngộ được nói đến trong Nguyên thủy hay Đại thừa, chỉ có phương tiện là khác. Kim Cương thừa nhấn mạnh đến sự chuyển hóa tâm chúng ta thành Phật thông qua phương tiện trực tiếp từ Đức Phật A Di Đà.
Tư tưởng Phật giáo Nguyên thủy cho rằng chúng ta phải loại bỏ hết phiền não thì trí tuệ mới được hiển lộ. Quan kiến Kim Cương thừa nhìn nhận điều này hơi khác một chút qua việc đề cập sự chuyển hóa trực tiếp phiền não thành tâm Bồ đề. Đây là điểm then chốt của Kim Cương thừa. Không cần phải từ bỏ xác thân, chúng ta có thể chuyển hoá phàm thân thành Phật thân. Không cần chạy trốn những giai điệu thế gian, chúng ta có thể chuyển hóa chúng thành hàng ngàn giai điệu chân ngôn khác nhau. Nhờ việc trì chú chúng ta chuyển hoá khẩu thành khẩu giác ngộ của Phật. Như vậy trong Kim Cương thừa có ba loại chuyển hoá là: chuyển hoá Thân, chuyển hoá Khẩu, chuyển hoá Ý. Tuy trên góc độ phương tiện thiện xảo Kim Cương thừa có đặc biệt hơn, nhưng bạn cần nhớ bản chất Tam Thừa Phật giáo không khác biệt vì đều có cùng một mục đích là chứng ngộ Phật tính nơi chính mình.
Trong Kim Cương thừa bạn có thể nhìn thấy các đối tượng, các biểu tượng khác nhau. Ví dụ như chày Kim cương hay linh Kim cương, đều là những biểu tượng với những ý nghĩa tượng trưng riêng, Chày kim cương nêu biểu cho năng lượng phụ tính, Linh kim cương nêu biểu cho năng lượng mẫu tính, cả hai năng lượng này đều vốn ở trong tâm chúng ta từ vô thủy; là căn bản sinh khởi tất cả các loại xúc tình. Căn bản toàn bộ cuộc sống của chúng ta, cuộc sống tiềm ẩn của chúng ta là năng lượng của phụ tính và mẫu tính. Linh và Chày là biểu tượng của hai loại năng lượng này. Việc sử dụng hai pháp khí này có rất nhiều ý nghĩa giúp bạn hiểu về thiền định, và hướng sự thiền định của bạn tập trung vào trạng thái tâm, hay tập trung vào con đường của Đức Phật mà không lạc đường tà. Dần dần, bạn sẽ cân bằng được hai năng lượng này và sự thực hành của bạn sẽ thành tựu viên mãn. Bạn sẽ có thể loại bỏ các chướng ngại và đạt giác ngộ. Như vậy trong một nghi thức Mật Thừa, chúng ta sử dụng các nhạc khí để trợ giúp cho sự thiền định, chứ không phải để cho vui theo giai điệu trầm bổng. Xin quý vị ghi nhớ và hiểu rõ điều này.
(Khai thị của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa
Trích ấn phẩm “Mandala, Sư hợp nhất của Từ bi – Trí tuệ theo quan kiến Kim Cương thừa”, NXB Tôn giáo, 2011)
- 2498
Viết bình luận