Ý nghĩa thâm sâu của việc thực hành quán tưởng | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Ý nghĩa thâm sâu của việc thực hành quán tưởng

Một cách tuyệt đối, thoạt đầu trong Kim Cương thừa chúng ta sẽ nhìn bậc Thượng sư với mọi công hạnh đều thanh tịnh và toàn thiện, nhưng rồi dần dần chúng ta cần hiểu ra rằng mỗi pháp, mỗi chúng sinh, bao gồm chính bạn, đều hoàn hảo trong bản tâm thanh tịnh vô tác. Như vậy ẩn sau sự quán tưởng còn có những ý nghĩa khác. Một trong những phẩm chất quan trọng là bạn cần phải quán tưởng hình ảnh giống như bóng ảnh phản chiếu trong nước, giống hệt như cầu vồng. Phẩm chất của cầu vồng và bóng ảnh là không có thực cho dù vẫn thị hiện.

Tương tự như vậy, đẹp xấu hay đau khổ hạnh phúc vốn không thực sự hiện hữu, chỉ do nhân duyên mà thị hiện ra. Như vậy phần hiện hữu được gọi là chân lý tương đối. Phần không hiện hữu được gọi là chân lý tối thượng. Điều đó để hiểu ra rằng vạn pháp dù thị hiện nhưng đều không có thật, không thực hữu nhưng vẫn thị hiện. Nếu an trụ mọi tư tưởng, sống trọn vẹn trong bản chất vô tạo tác của bất cứ khởi niệm nào, bạn sẽ đạt tới sự hiểu biết về bản chất không tồn tại của mọi xúc tình. Bạn sẽ thấy nếu tâm không tạo tác, không chấp nhận cũng không chối bỏ các niệm khởi lên thì chúng sẽ tan biến trở lại vào bản chất tự nhiên, giống như sóng hòa tan vào biển. Khi bạn cảm thấy sân giận, buồn bã hay hạnh phúc, thay vì bám chấp, quan niệm, tưởng tượng, hay cảm thấy hạnh phúc, hãy để mặc những cảm xúc này với tự tính của nó, rồi nó sẽ tan biến và quay trở về với tự tính, bất kể đó là sự giận dữ hay xúc tình nào khác. Nếu bạn không tạo tác, mọi thứ đều sẽ hoàn hảo, đều ổn cả.

Vì thế, trong Kim Cương thừa, chúng ta luôn nói rằng nếu bạn hiểu về năm độc thì đó là trí tuệ, còn nếu không hiểu thì đó sẽ mãi mãi là năm độc. Như vậy, qua sự quán tưởng, rèn luyện tâm của bạn với sự tập trung định tâm trong giai đoạn phát sinh, bạn tiến tới phần thiền định Đại thủ ấn Mahamudra đòi hỏi thiền quán nhiều hơn. Trong giai đoạn phát sinh, thực hành quán tưởng nhiều hơn và thiền quán về chân đế sẽ ít hơn. Nhưng khi bạn dần dần tinh tấn và tiến lên các cấp độ tu tập cao hơn của Kim Cương thừa, bạn sẽ càng ngày càng ít cần phải làm điều này hay điều kia hơn.

Rồi tới mức độ tu tập thật cao cấp, bạn sẽ chẳng cần phải quán tưởng, chẳng cần phải kiểm soát tâm, không cần quá cố gắng tập trung vào những nỗ lực bên ngoài của bạn. Chẳng hạn như Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ IV Pema Karpo, suốt cuộc đời Ngài chẳng hề dâng cúng một phẩm vật cúng dàng Ganachakra nào. Phẩm vật cúng dàng Ganachakra chính là Ganachakra tối thượng, tức là những tư tưởng nhị nguyên được dâng cúng lên trí tuệ bất nhị.

Rồi khi bạn thực hành lễ lạy, sự đỉnh lễ tối thượng của bạn sẽ là trí tuệ bất nhị đỉnh lễ một cách bất nhị, đó mới chính là phương pháp đỉnh lễ tối thượng. Khi bạn dần đạt tới những cấp bậc cao hơn, bạn cũng sẽ cần tới những Mandala cúng dàng ngày càng nhỏ hơn. Chẳng hạn như khi còn ở giai đoạn phát triển, bạn cần tới một Mandala cát khổng lồ mà bạn phải bỏ rất nhiều công sức để có thể tích lũy được nhiều công đức. Nhưng khi đã đạt tới cấp bậc cao, bạn chỉ cần viết một chữ hay dùng một hạt gạo nhỏ xíu là có thể giúp bạn hiểu được Mandala của mọi Bản tôn khác nhau. Và thậm chí khi đạt tới cấp bậc cao hơn nữa bạn chẳng cần tới gì cả.

(Trích ấn phẩm “Bản tôn – Chân ngôn – Trí tuệ”

Nhà xuất bản Tôn giáo, 2011)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6334020
Số người trực tuyến: