10. Phẩm quán tâm
Phẩm quán tâm
Bấy giờ, Đại-bồ-tát: Văn-Thù Sư-Lỵ liền từ tòa đứng dậy chỉnh y-phục, chễ áo vai hữu, gối hữu để xuống đất, khom mình chắp tay bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế-Tôn! Như Phật đã nói cho bọn ông Trưởng-giả Diệu-Đức năm trăm người rằng: “Tôi vì các ông diễn bày pháp-môn tâm-địa vi-diệu”. Nay vô-lượng vô-biên đại-chúng Nhân, Thiên trong đạo-tràng nay đều sinh tâm khát-ngưỡng, tôi vì tất cả những người ấy xin khải-vấn Như-Lai: Thế nào là “tâm”? Thế nào là “địa”? Kính xin đức Thế-Tôn đem tâm vô-duyên đại-từ, vô-ngại đại-bi, vì các chúng-sinh phân-biệt diễn nói cho những người chưa khỏi khổ, được khỏi khổ, những người chưa an-vui, được an-vui, những người chưa phát tâm, được phát tâm, những người chưa chứng quả, được chứng quả, đồng nơi Nhất-đạo mà được Niết-bàn”. [1]
Khi ấy, đức Thế-Tôn đem đại-diệu-trí-ấn [2] thanh-tịnh quyết-định thắng-nghĩa mà Ngài đã được trong sự tu các phúc-đức, trí-tuệ ở vô-lượng kiếp, ấn-khả cho Bồ-tát Văn-thù sư-lỵ và nói rằng: “Quý hóa thay! Quý hóa thay! Nay ông thực là Phật-mẫu trong ba đời! Hết thảy Như-Lai ở nơi tu-hành, ông đều từng dẫn-đạo các Ngài khi mới phát tín tâm; bởi nhân-duyên ấy, các bậc thành chính-giác trong mười phương quốc-độ, đều lấy Văn-thù làm mẹ. Song, nay thân ông bởi nguyện-lực xưa mà hiện ra hình-tướng Bồ-tát, thỉnh-vấn Như-Lai về pháp cao siêu không thể nghĩ, bàn được. Ông nghe kỹ, nghe kỹ và nhớ nghĩ khéo! Tôi vì khắp tất cả mà phân-biệt, giải-thuyết về vấn-đề ấy!” Bồ-tát Văn-thù bạch: “Dạ, bạch Thế-Tôn! Chúng tôi thích được nghe!” [3]
Lúc đó, đức Thế-Tôn thành-tựu tốt đẹp “tối thắng trụ-trì bình-đẳng-tính-trí” của hết thảy Như-Lai cùng mọi thứ công-đức vi-diệu hiếm có; Ngài đã khéo thu-hoạch được “quyết-định thắng-pháp Đại-thừa trí-ấn” của hết thảy chư Phật; Ngài đã khéo viên-chứng được “Kim-cương bí-mật thù-thắng diệu-trí” của hết thảy Như-Lai; Ngài đã khéo an-trụ nơi “vô-ngại đại-bi”, tự-nhiên cứu-nhiếp chúng-sinh trong mười phương; Ngài đã khéo viên-mãn “diệu-quán-sát-trí”, không quán mà như quán, không nói mà như nói. [4]
Khi ấy, đức Thế-Tôn bảo Vô-cấu đại-thánh Văn-thù sư-lỵ Đại-bồ-tát là từ-mẫu của chư Phật rằng: “Đại-thiện-nam-tử! Pháp ấy là “tối thắng bí-mật tâm-địa pháp-môn” [5] của Như-Lai trong mười phương. Pháp ấy là pháp-môn “đốn-ngộ” [6] của hết thảy phàm-phu vào Như-Lai-địa. Pháp ấy là “đường chính chân-thực” của hết thảy Bồ-tát đi tới đại-bồ-đề. Pháp ấy là “bảo cung (cung báu) vi-diệu” của chư Phật trong ba đời, tự hưởng-thụ pháp-lạc. Pháp ấy là “bảo-tạng (kho báu) vô-tận” trong hết thảy sự lợi-ích chúng-sinh. Pháp ấy hay dẫn các Bồ-tát-chúng đến nơi “Sắc-cứu-cánh tự-tại-trí”. [7] Pháp ấy là chân-thực đạo-sư, hay dẫn hậu-thân Bồ-tát [8] tới cây Bồ-đề. Pháp ấy như ngọc Ma-ni, hóa những của cải cho thế-gian, xuất thế-gian làm cho chúng-sinh mãn-nguyện. Pháp ấy sinh ra nguồn-gốc công-đức của hết thảy chư Phật trong mười phương ba đời. Pháp ấy hay làm tiêu-tan các nghiệp-quả ác của hết thảy chúng-sinh. Pháp ấy hay cho hết thảy chúng-sinh sự ấn-chứng về việc nguyện cầu. Pháp ấy hay độ hết thảy chúng-sinh bị sinh-tử hiểm-nạn. Pháp ấy hay ngừng sóng cồn bể khổ cho hết thảy chúng-sinh. Pháp ấy hay cứu chúng-sinh khổ não trong hết thảy cấp-nạn. Pháp ấy hay làm khô-kiệt bể lão, bệnh, tử cho hết thảy chúng-sinh. Pháp ấy hay xuất-sinh nhân-duyên chủng-tử của chư Phật. Pháp ấy là đuốc trí-tuệ lớn soi sáng cho chúng-sinh trong đêm dài sinh-tử. Pháp ấy là giáp-trụ để phá binh-chúng bốn ma. Pháp ấy tức là cờ-sí chiến-thắng của đạo quân dũng-mãnh. Pháp ấy tức là xe pháp vô-thượng của hết thảy chư Phật. Pháp ấy tức là cờ pháp tối thắng. Pháp ấy tức là đánh trống đại-pháp. Pháp ấy tức là thổi loa đại-pháp. Pháp ấy tức là đại-sư-tử-vương. Pháp ấy tức là tiếng gầm của đại-sư-tử. Pháp ấy cũng như đại-thánh-vương trong nước khéo làm việc cai-trị chân-chính, nếu thuận vương-hóa thời được đại-an-lạc, nếu trái vương-hóa liền bị chu-diệt. [9]
Thiện-nam-tử! Trong ba cõi lấy “tâm” làm chủ. Người quán được tâm, được giải-thoát cứu-cánh; người không quán được tâm, ở mãi trong triền-phược. Ví như muôn vật đều từ đất sinh, tâm-pháp sinh ra thiện-ác, năm thú (trời, người, ngục, quỷ, súc), bậc hữu-học, bậc vô-học, bậc Độc-giác, bậc Bồ-tát, cùng Như-Lai trong thế-gian và xuất-thế-gian. Bởi nhân-duyên ấy, ba cõi duy tâm, “tâm” là “địa” (đất). Hết thảy phàm-phu thân-cận bạn lành, nghe pháp tâm-địa, như lý quán-sát, như nói tu-hành, mình làm, dạy người, khen-ngợi khuyên gắng, đón mừng, an-ủi, những người như thế, sẽ dứt được hai chướng, mau trọn muôn hạnh và chóng được vô-thượng chính-đẳng chính-giác. [10]
Đến đây, Đại-thánh Văn-thù-sư-lỵ Bồ-tát bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế-Tôn! Như Phật nói: chỉ đem tâm-pháp làm chủ ba cõi, bản-nguyên tâm-pháp không nhiễm bụi nhơ, tại sao tâm-pháp lại nhiễm tham, sân, si? Đối với pháp trong ba đời, gì cho là tâm? Tâm quá-khứ dã diệt, tâm vị-lai chưa đến, tâm hiện-tại không trụ (ở yên), nội-tính các pháp tìm không thể được, ngoại-tướng các pháp tìm không thể được và trung-gian của các pháp đều tìm không thể được; bản-lai tâm-pháp không có hình-tướng, bản-lai tâm-pháp không có trụ-xứ, hết thảy Như-Lai còn không thấy tâm, huống là người khác được thấy tâm-pháp? Hết thảy các pháp từ vọng-tưởng sinh, bởi nhân-duyên gì, ngày nay Thế-Tôn vì đại-chúng nói “ba cõi duy tâm”? Vậy, xin Phật thương-xót, như-thực giải-thuyết cho!” [11]
Bấy giờ, đức Phật bảo Bồ-tát Văn-thù rằng: “Đúng như thế, đúng như thế! Thiện-nam-tử! Như ông hỏi Tôi về “bản-tính không-tịch của tâm, tâm-sở-pháp”, nay Tôi nói các thí-dụ để chứng-minh nghĩa ấy”.
Thiện-nam-tử! Tâm như huyễn-pháp, do biến-kế-chấp sinh, nên mọi món tưởng, thụ (nhận, chịu) vui, khổ, nơi tâm sinh ra. Tâm như dòng nước chảy, niệm niệm sinh-diệt, đối với đời trước, sau không tạm dừng. Tâm như gió lớn, trong khoảng sát-na qua mọi phương-sở. Tâm như đèn lửa, mọi duyên hòa-hợp sinh ra. Tâm như chớp sáng, chỉ khoảng chốc-lát, chứ không dừng lâu. Tâm như hư-không, nhưng bị khách-trần phiền-não [12] ngăn-che. Tâm như con hầu, con vượn, nhảy-nhót trên cây ngũ-dục không tạm dừng. Tâm như thợ vẽ, vẽ ra mọi hình-sắc thế-gian. Tâm như kẻ tôi-tớ, bị các phiền-não sai-khiến. Tâm như người đi một mình, không có người thứ hai. Tâm như quốc-vương, khởi ra mọi sự, được tự-tại. Tâm như oán-gia, khiến tự thân chịu khổ-não quá. Tâm như bụi trần, bám nhơ tự thân, sinh ra tạp-uế. Tâm như ảnh-tượng (bóng dáng), đối với pháp vô-thường chấp là thường. Tâm như huyễn-mộng, đối với tướng ngã, pháp chấp làm ta. Tâm như Dạ-xoa, ăn mất mọi pháp công-đức. Tâm như con nhặng (ruồi) xanh, ham đồ uế-ác. Tâm như kẻ sát-nhân, hay hại thân-mệnh. Tâm như kẻ đối-địch, thường rình lầm-lỗi. Tâm như trộm giặc, trộm mất công-đức. Tâm như trống lớn, khởi sự chiến-đấu. Tâm như con phi-nga, thích sắc đèn sáng. Tâm như con hươu đồng, chạy theo tiếng giả. Tâm như đàn lợn, thích đồ tạp-uế. Tâm như đàn ong, gom-góp mùi mật ngọt. Tâm như voi say, mê chơi voi cái. [13]
Thiện-nam-tử! Như thế, nói về tâm, tâm-sở-pháp không trong, không ngoài, cũng không trung-gian; đối với trong mọi pháp tìm không thể được, quá-khứ, vị-lai, hiện-tại cũng không thể tìm được, siêu-việt ba đời, chẳng phải có, chẳng phải không. Chúng-sinh thường ôm-ấp sự nhiễm-trước, nhiễm-trước từ vọng-duyên hiện-khởi; duyên không có tự-tính, vì tâm tính không. Như thế, không-tính không sinh, không diệt, không lại, không đi, không một, không khác, chẳng phải đoạn, chẳng phải thường, vốn không có nơi sinh, cũng không có nơi diệt, cũng chẳng phải viễn-ly và chẳng phải chẳng viễn-ly. [14]
Những tâm như thế không khác với vô-vi và thể vô-vi không khác với những tâm ấy. Thể của tâm-pháp vốn không thể nói được, thời cái phi-tâm-pháp cũng không thể nói được. Sao vậy? - Nếu vô-vi là tâm, tức là đoạn-kiến; nếu lìa tâm-pháp tức là thường-kiến: Lìa hẳn hai tướng, không chấp-trước hai bên, ngộ được như thế gọi là “chân-đế” và người ngộ được chân-đế ấy là Hiền-thánh. Hết thảy Hiền-thánh tính vốn không-tịch, trong pháp vô-vi, giới không có trì (giữ), phạm, cũng không có lớn, nhỏ, không có tâm-vương, tâm-sở-pháp và, không có khổ, không có vui. Như thế, tự-tính pháp-giới vô-cấu (không nhơ), không có tướng sai-biệt thượng, trung, hạ. Sao vậy? Vì, vô-vi pháp-tính ấy bình-đẳng, như nước mọi dòng sông chảy vào trong bể đều đồng một vị, không có tướng sai-biệt. Tính vô-cấu ấy chẳng phải thực, chẳng phải hư. Tính vô-cấu ấy là đệ-nhất-nghĩa, vì nó không có tướng hết và diệt, thể nó vốn không sinh. Tính vô-cấu ấy, thường-trụ bất biến, vì là tối-thắng Niết-bàn ngã-sở thanh-tịnh. Tính vô-cấu ấy, xa-lìa hết thảy, vì bình-đẳng và bất-bình-đẳng, thể nó vẫn không khác.
Nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào muốn cầu vô-thượng chính-đẳng chính-giác, cần nên một lòng tu-tập quán-pháp tâm-địa như thế! [15]
Bấy giờ, đức Thế-Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy, Ngài nói bài kệ rằng:
Diệu-cát-tường: giác-mẫu ba đời,
Thỉnh-vấn Như-Lai: “tâm-địa-pháp”;
Tôi nay trong đại-hội-chúng này,
Mở diễn quán-hạnh-môn thành Phật.
Pháp này khó gặp hơn Ưu-đàm,
Hết thảy thế-gian nên khát-ngưỡng.
Chư Phật mười phương chứng đại-giác,
Đều từ pháp này mà tu-hành.
Tôi là Vô-thượng điều-ngự-sư,
Quay xe chính-pháp khắp thế-giới;
Hóa-độ vô lượng các chúng-sinh,
Nên biết, bởi ngộ tâm-địa-quán.
Hết thảy chúng-sinh nghe pháp này,
Mừng tới Bồ-đề được thụ-ký;
Những người hữu-duyên được thụ-ký,
Tu quán-môn này sẽ thành Phật.
Chư Phật tự hưởng đại-pháp-lạc,
Ở diệu-bảo-cung tâm-địa-quán;
Nhận chức Bồ-tát, ngộ Vô-sinh,
Quán tâm-địa-môn khắp pháp-giới.
Hậu-thân Bồ-tát ngồi cây “giác”,
Nhập quán-hạnh này chứng Bồ-đề.
Pháp ấy hay mưa “thất thánh tài”,
Như Ma-ni, mãn-nguyện chúng-sinh.
Pháp ấy gọi là Phật-mẫu xưa,
Xuất sinh ba thân Phật ba đời.
Pháp ấy gọi là giáp Kim-cương,
Chống với bốn chúng các ma-quân.
Pháp ấy hay làm thuyền bè lớn,
Khiến qua giữa dòng đến bảo-sở.
Pháp ấy là trống pháp tối-thắng,
Pháp ấy là cờ pháp nêu cao.
Pháp ấy là loa pháp kim-cương,
Pháp ấy là đuốc pháp soi đời.
Pháp ấy cũng như đại-thánh-chúa,
Thưởng công, phạt tội thuận nhân-tâm.
Pháp ấy cũng như nước ngấm ruộng,
Sinh-thành, trưởng-dưỡng nương thời-tiết.
Tôi đem mọi dụ tỏ nghĩa “không”,
Thế biết ba cõi duy một tâm.
Tâm có đại-lực, thế-giới sinh,
Tự-tại hay làm chủ biến-hóa.
Ác-tưởng, thiện-tâm lại tạo-tập,
Quá, hiện, vị-lai, nhân sinh-tử.
Nương-tựa vọng-nghiệp có thế-gian,
Ái, phi-ái-quả thường tương-tục. [16]
Tâm như nước chảy chẳng tạm dừng,
Tâm như gió bay qua đất nước.
Cũng như hầu, vượn bám cây đùa,
Cũng như sự giả, nương giả thành,
Như không, chim bay không chướng-ngại,
Như làng xóm trống người chạy nhảy.
Tâm-pháp như thế vốn chẳng có,
Phàm-phu mê-chấp cho là có;
Nếu hay quán “tâm thể-tính không”,
Hoặc-chướng không sinh, được giải-thoát. [17]
Khi ấy, đức Như-Lai đối với các chúng-sinh khởi ra tâm đại-bi, cũng như cha mẹ nhớ mến con một, vì muốn diệt đại-lực tà-kiến của thế-gian, đem lại lợi-ích an-vui cho hết thảy chúng-sinh, Ngài tuyên-thuyết thần-chú quán-tâm rằng: “Úm, thất tha, ba-la-để, phệ đạn, ca lư nhị”.
Đức Như-Lai nói chân-ngôn ấy rồi, Ngài bảo Đại-bồ-tát Văn-thù-sư-lỵ: “Thần-chú ấy đủ uy-lực lớn, nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào khi trì chú ấy, giơ tay trong sạch lên, mười ngón tay tả và hữu bắt tréo lại với nhau, rồi lấy tay tả áp lên tay hữu, nắm chặt lấy nhau như hình dây buộc, gọi là “Kim-cương phọc-ấn” [18] . Thành ấn ấy rồi, đọc-tập chân-ngôn [19] trước trọn đủ một lượt, hơn đọc tập mười hai bộ kinh [20] và được công-đức không thể hạn-lượng cho đến tâm Bồ-đề không bị thoái-chuyển. [21]
TOÁT YẾU PHẨM QUÁN TÂM
Đại-bồ-tát Văn-thù sư-lỵ bạch Phật: “Bạch đức Thế-Tôn! Vừa rồi Thế-Tôn nói với 500 ông Trưởng-giả là Ngài diễn nói về pháp-môn “tâm-địa”, vậy thế nào là “tâm”? Thế nào là “địa”? Kính xin Thế-Tôn dạy cho”.
Khi ấy, đức Phật thành-tựu “tối thắng trụ-trì bình-đẳng tính-trí”, thu được “quyết-định thắng-pháp đại-thừa trí-ấn”, chứng được “kim-cương bí-mật thù-thắng diệu-trí”, an-trụ “vô-ngại đại-bi”, viên-mãn “diệu-quán-sát-trí”, Ngài đem “đại-diệu-trí-ấn” ấn-khả, tán-thán Bồ-tát Văn-thù và nói: “Pháp ấy là “tối thắng bí-mật tâm-địa pháp-môn”, là “đốn-ngộ pháp-môn”, là đường chính chân-thực, là bảo-cung vi-diệu, là bảo-tạng vô-tận, là đạo-sư, là ngọc Ma-ni, là nguồn công-đức, là đuốc trí-tuệ, là giáp-trụ, là cơ-khí chiến-thắng, là xe pháp vô-thượng, là đại-sư-tử-vương, là đại-thánh-vương. Pháp ấy hay làm tan các ác-nghiệp-quả, hay độ chúng-sinh bị hiểm-nạn, hay ngừng sóng bể khổ, hay cứu chúng-sinh bị cấp-nạn, hay làm khô kiệt sinh, lão, bệnh, tử, hay xuất sinh nhân-duyên chủng-tử của chư Phật v.v.
“Ba cõi lấy “tâm” làm chủ. Ba cõi duy tâm, “tâm” là “địa” (đất). Tâm-pháp sinh ra thiện, ác, ngũ thú cùng các bậc: hữu-học, vô-học, Độc-giác, Bồ-tát và Như-Lai. Ai gần bạn lành, nghe pháp tâm-địa, như lý quán-sát, như nói tu-hành, mình làm, dạy người…,sẽ dứt được 2 chướng, mau trọn muôn hạnh và thành vô-thượng-giác!”.
Bồ-tát Văn-thù lại bạch: “Bạch đức Thế-Tôn! Thế-Tôn nói tâm-pháp làm chủ 3 cõi, bản-nguyên thanh-tịnh, tại sao tâm-pháp lại nhiễm 3 độc? Gì là tâm trong các pháp thuộc 3 đời? Tâm quá-khứ đã diệt, tâm vị-lai chưa đến, tâm hiện-tại không trụ, nội-tính, ngoại-tướng và trung-gian của các pháp tìm không thể được; bản-lai tâm-pháp không có hình-tướng, trụ-xứ, ngay như chư Phật còn không thấy được tâm, huống là người khác? Các pháp từ vọng-tưởng sinh, sao nay Thế-Tôn lại nói “ba cõi duy tâm”? Xin Phật thương xót chúng-sinh mà giải-thuyết cho!”.
Đức Phật bảo Đại-bồ-tát Văn-Thù: “Nay ông hỏi về “bản-tính không-tịch của tâm, tâm-sở-pháp”, Tôi sẽ đem các thí-dụ sau đây để chứng-minh cho nghĩa ấy: Tâm như huyễn-pháp, như nước chảy, như gió lớn, như đèn lửa, như chớp sáng, như hư-không, như con vượn, như thợ vẽ, như tôi-tớ, như người đi một mình, như quốc-vương, như oán-gia, như bụi trần, như ảnh-tượng, như huyễn-mộng, như Dạ-xoa, như nhặng xanh, như kẻ sát-nhân, như kẻ đối-địch, như trộm giặc, như trống lớn, như phi-nga, như hươu đồng, như đàn lợn, như đàn ong, như voi say… Tâm, tâm-sở-pháp như thế, không trong, ngoài, trung-gian; trong mọi pháp, trong 3 đời không thể tìm được. Nó siêu-việt 3 cõi, chẳng phải có, chẳng phải không. Chúng-sinh nhiễm-trước, từ vọng-duyên khởi; vọng-duyên không có tự-tính vì tâm-tính không. Tâm như thế không khác vô-vi, vô-vi không khác tâm. Trong vô-vi-pháp không có lớn, nhỏ, không có tâm-vương, tâm-sở, không có khổ, vui. Vô-vi pháp-tính bình-đẳng. Tính ấy thường-trụ bất-biến, là tối thắng Niết-bàn, ngã-sở thanh-tịnh. Nếu ai muốn cầu vô-thượng-giác nên nhất-tâm tu-tập pháp quán tâm-địa ấy!”.
Tiếp đó đức Phật thuyết chú Quán-tâm, dạy kết “Kim-cương phọc-ấn”, giúp chúng-sinh diệt tà-kiến. Nếu ai y pháp thực-hành được công-đức vô-lượng.
Chú thích
[1] Đoạn trên, từ chỗ “Bấy giờ” đến chỗ “Niết-bàn” Bồ-tát Văn-thù thay đại-chúng hỏi đức Phật về ý-nghĩa chữ “Tâm-địa”, mong cho chúng-sinh khỏi khổ, an-vui, phát-tâm, chứng-quả, cùng vào được đạo Nhất-thực (Nhất-đạo) để được viên-tịch.
[2] Đại-diệu-trí-ấn: Là trí-tuệ rất rộng lớn, vi-diệu không nghĩ, bàn được của Phật, do tu 3 vô số kiếp, đến khi nhân trọn quả đủ mà được.
[3] Đoạn trên, từ chỗ “Khi ấy” tới chữ “nghe”, đức Phật ấn-khả lời thỉnh của Bồ-tát Văn-thù. Đức Phật còn khen ngợi Bồ-tát Văn-thù là Phật-mẫu trong 3 đời, vì Bồ-tát Văn-thù biểu-hiện cho trí-tuệ và vì dẫn đạo cho các vị mới phát tâm.
[4] Đoạn trên, từ chỗ “Lúc đó” đến chữ “nói”, hiển-thị 5 đức thù-thắng vi-diệu của Phật: 1/ Hiển-thị trí-tuệ tối-thắng trong lý-trí bình-đẳng, thị-hiện Thắng-ứng-thân và Tha-thụ-dụng-thân, giáo-hóa hàng Gia-hạnh Bồ-tát cùng Sơ-địa Bồ-tát. 2/ Hiển-thị trí-tuệ vô phân-biệt của Đại-thừa, ấn-chứng các pháp không sinh, không diệt, quyết-định là “Thắng-nghĩa-đế-pháp”. 3/ Hiển-thị trí-tuệ kiên-cố, cao-siêu, vi-diệu mà chỉ Phật với Phật mới chứng được bằng cách rốt-ráo. 4/ Hiển-thị lòng thương rộng lớn, độ tận chúng-sinh, không chút phân-biệt, chướng-ngại. 5/ Hiển-thị trí-tuệ viên-dung, nhậm-vận tự-tại, thấu suốt căn-cơ chúng-sinh, dùng viên-âm thuyết-pháp hóa-độ.
[5] Đây nói: pháp-môn tâm-địa là pháp-môn sao-siêu, hàng Tam-thừa không thể hiểu nổi, mà chỉ khi chứng Phật-quả viên-mãn mới hiểu thấu được.
[6] Đốn-ngộ: Một trong 2 sự chứng-ngộ: Đốn-ngộ là chúng-sinh phát đại-tâm (Bồ-tát), nghe Đại-thừa, làm đại-pháp mà chứng-ngộ ngay được diệu-quả. Trái lại là Tiệm-ngộ. Tiệm-ngộ: là chúng-sinh phải tu lần-lượt từ thấp đến cao, mãi mãi mới chứng-ngộ được.
[7] Sắc-cứu-cánh tự-tại-trí: Trí-tuệ cao-siêu tự-tại như cõi Sắc-cứu-cánh là cõi tận cùng của cõi Sắc. Mà cũng là khi Bồ-tát sắp thành Phật, địa-vị ở nơi Sắc-cứu-cánh-thiên, vượt qua 3 cõi, mà thành Phật-quả Bồ-đề.
[8] Hậu-thân Bồ-tát: Chỉ cho các vị Bồ-tát sau này, tức là sau khi đức Phật nhập-diệt rồi.
[9] Đoạn trên, từ chỗ “Khi ấy đức Thế-Tôn bảo Vô-cấu…”, đến chỗ “chu-diệt”, đức Phật nói: “pháp-môn tâm-địa” như 25 thứ đem lại cho các hàng tu-hành và chúng-sinh được nhiều phúc-lợi.
[10] Đoạn trên, từ chỗ “Thiện-nam-tử”, đến chỗ “chính-giác”, đức Phật nói rõ tâm là chủ, tâm như đất. Ai tu được tâm, sẽ chóng thành vô-thượng-giác.
[11] Đoạn trên, từ chỗ “Đến đây”, đến chỗ “giải-thuyết cho!”, Bồ-tát Văn-thù hỏi vặn Phật về cái tâm đối với quá-khứ, hiện-tại, vị-lai… sao thấy được?
[12] Khách-trần phiền-não: Đây là hình-dung cho phiền-não vọng-khởi. Phiền-não không phải là vật cố-hữu của tâm-tính, chỉ vì mê lý mà phát-khởi, cũng như lữ-khách, chỉ trú nơi hàng quán trong chốc-lát nghỉ-ngơi, chứ không phải là chủ vĩnh-viễn, nên gọi là “khách”. Mặc dầu phiền-não là khách, nhưng nó cũng làm nhơ-nhớp tâm-tính nên gọi là “trần”.
[13] Đoạn trên từ chỗ “Thiện-nam-tử”, đến chỗ “voi cái”, đức Phật đem 26 vật tỷ-dụ cho “tâm”. Những vật ấy chỉ do sự tính-toán, so-lường, chấp-trước mê lầm mà sinh ra, đâu phải chân-tâm!
[14] Đoạn trên, từ chỗ “Thiện-nam-tử” đến chỗ “viễn-ly”, tỏ bày về “không-tính”. Tâm, tâm-sở-pháp không có chỗ nhất-định, nên không có những tướng-trạng trong, ngoài, trung-gian, trong 3 đời hay vượt ngoài 3 đời cũng không tìm thấy thể-tính thực-tại của nó được. Vì, thể-tính của tâm là chân-không, hay chân-như, nên hết thảy tự-tính của các pháp cũng đều thế.
[15] Đoạn trên, từ chỗ “Những tâm như thế”, đến chỗ “như thế”, đức Phật chỉ thẳng vào thể-tính của tâm là vô-vi (tức là tự-pháp-giới). Nhưng, vô-vi cũng chỉ là mượn danh-từ, chứ thực ra là không thể nói được. Vô-vi pháp-tính không còn tạo-tác, sai-biệt, nhơ, sạch…, nó xa lìa hết thảy. Ngộ được như thế là hiểu được thực-nghĩa của chân-lý và là Hiền-thánh. Phật-tử nên tu phép quán tâm-địa này, sẽ thành vô-thượng-giác.
[16] 4 câu, từ chỗ “Ác-tưởng” đến chỗ “tương-tục” đại-ý nói: tâm-pháp là chỗ tạo-tác và chứa góp hết thảy thiện và ác. Do có tạo-tác và chứa góp ấy mà thành ra nhân sinh-tử 3 đời, theo với nghiệp-nhân mà cảm quả. Nhân-ái-dục (ác) thời cảm quả-báo ái-dục (ác), nhân phi-ái-dục (không phải ái-dục: thiện), thời cảm quả-báo phi-ái-dục (thiện), cứ nối tiếp nhau mãi.
[17] Toàn thể văn kệ trên, đức Phật nhắc lại sự mê nhận tâm của chúng-sinh và chỉ bày thể-tính chân-không của tâm mà thôi.
[18] Kim-cương phọc-ấn: Biểu-hiệu cho tất cả đều ở trong thể-tính chân-như bất-hoại.
[19] Chân-ngôn (Mantra): Lời nói vi-diệu ngầm hợp với thể-tính chân-như.
[20] 12 bộ kinh: Trong kinh Phật có chia làm 12 phận-giáo: 1/ Tu-đa-la: (Sùtra: khế-kinh: văn suôi). 2/ Kỳ-dạ (Geya: trùng-tụng: bài kệ nói lại nghĩa của văn suôi). 3/ Già-đà (Gàthà: phúng-tụng: bài kệ 4 câu đứng riêng, không liền với văn suôi). 4/ Ni-đà-na (Nidà-na: nhân-duyên). 5/ Y-đế-mục-da (Ytivrtaka: Bản-sự: nói những việc đời trước). 6/ Xà-đa-già (Jàtaka : Bản-sinh: Phật tự nói nhân-duyên mình đời quá-khứ). 7/ A-phù-đạt-ma (Adbhuta-dharma: Vị tằng-hữu: làm những sự hiếm có). 8/ A-ba-đà-na (Avadàna: Thí-dụ). 9/ Ưu-bà-đề-xa (Upadesa: luận nghĩa). 10/ Ưu-đà-na (Uda-na: tự-thuyết: tự Phật nói, không đợi ai hỏi). 11/ Tỳ-phật-lược (Vaipulya: phương-quảng: văn nói về chân-lý phương-chính, quảng-đại, tức là Đại-thừa-giáo). 12/ Hòa-già-la (Vyàkarana: thụ-ký).
[21] Đoạn trên, từ chỗ “Khi ấy”, đến chỗ “thoái-chuyển”, đức Phật quá thương chúng-sinh muốn cho chúng-sinh chóng bỏ tà-kiến chóng ngộ chân-tâm, Ngài liền thuyết thần-chú, dạy kết-ấn, để trợ-duyên cho người tu-hành về môn quán tâm này.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh)
- 772
Viết bình luận