2 căn cơ, 1 sự thành tựu
Mặc dù có thể dễ dàng cho rằng ta không thể nắm bắt được ngữ, cho rằng ngữ chỉ đơn giản xuất hiện và biến mất, nhưng chúng ta thực sự gắn liền với nó như cái gì thật có. Đó là bởi chúng ta trở nên dính mắc vào điều ta nói và nghe tới nỗi ngữ có năng lực mạnh mẽ đến như vậy. Lời nói đơn thuần, là cái gì không thực sự hiện hữu (không có tuyệt đối xác thực), lại có thể quyết định hạnh phúc và đau khổ của ta. Chúng ta tạo nên niềm vui và nỗi khổ bằng cách bám chấp nền tảng vào âm thanh và ngôn ngữ.
Trong Kim Cương thừa, chúng ta trì tụng và thiền định về chân ngôn, đây là âm thanh giác ngộ, ngữ của Bản Tôn, sự Hợp nhất của Âm thanh và Tính Không. Chân ngôn không có thực chất mà chỉ là sự hiển lộ của âm thanh thuần tịnh, được trải nghiệm đồng thời với Tính Không của nó. Nhờ trì tụng chân ngôn, chúng ta không còn bám chấp vào thực tại của ngữ và âm thanh ta gặp trong cuộc đời nữa mà trải nghiệm nó như tự tính Phật bản lai. Khi đó sự vô minh trên phương diện Khẩu được chuyển hóa thành giác tính giác ngộ.
Sự hợp nhất Âm thanh và Tính Không nếu giải thích đơn giản là một khái niệm tri thức về thực hành thiền định mà chúng ta hướng tới. Nhưng trong quá trình thực hành, nó trở thành trải nghiệm thực sự của chúng ta. Mỗi người sẽ có những trải nghiệm khác nhau.
Sau đây là câu chuyện về sự thành tựu khẩu giác ngộ của 2 người có trình độ và căn cơ khác nhau:
Tại vùng Himalaya có một vị Thầy có hai đệ tử. Cả hai cùng phát nguyện trước sự hiện diện của bậc Thầy thực hành một trăm triệu biến chân ngôn OM MANI PADME HUNG của Đức Bản tôn Quan Âm Tứ Thủ. Họ cùng ra đi để nhập thất.
Một trong hai đệ tử hết sức tinh tấn, mặc dù có lẽ nhận thức của anh ta không sâu sắc lắm. Anh bắt đầu để hoàn tất khóa nhập thất càng nhanh càng tốt và miên mật trì tụng chân ngôn cả ngày lẫn đêm. Sau những nỗ lực lâu dài, trong ba năm anh đã viên mãn một trăm triệu biến chân ngôn Lục tự đại minh.
Người đệ tử kia cực kỳ thông minh, nhìn bề ngoài dường như không tinh tấn bằng. Khi bạn đồng tu của anh sắp sửa hoàn tất khóa nhập thất, người đệ tử thứ hai vẫn còn rất nhiều biến chân ngôn chưa trì tụng.
Đến một ngày, anh đi lên một đỉnh đồi, ngồi xuống và bắt đầu quán tưởng rằng tất cả chúng sinh đầy khắp vũ trụ đều trong hình tướng Đức Quan Âm. Anh thiền định rằng âm thanh của chân ngôn không chỉ xuất phát từ Khẩu của mỗi một và mọi chúng sinh, mà mỗi vi trần trong thế giới đang rung động với âm thanh đó, và trong ít ngày anh đã trì tụng chân ngôn trong trạng thái thiền định này.
Khi hai đệ tử đi tới gặp bậc Thầy của họ để trình Pháp, Ngài nói: “Ồ, cả hai con đã thực hành thật xuất sắc. Con rất tinh tấn, còn con thì rất thông tuệ. Cả hai con đã thành tựu viên mãn một trăm triệu biến chân ngôn của Đức Quan Âm”.
Câu chuyện giúp chúng ta hiểu rằng nhờ chuyển hóa thái độ và trưởng dưỡng sự hiểu biết của chúng ta, sự thực hành sẽ trở nên hiệu quả hơn rất nhiều.
Chân ngôn theo tiếng Tạng có nghĩa là “Mantra” hay “Bảo hộ tâm”. Trong Thân - Khẩu - Ý giác ngộ của chư Phật, Chân ngôn thuộc về Khẩu Giác Ngộ, là đơn âm hoặc chuỗi âm thanh đầy năng lượng của vị Phật Bản tôn. Ý nghĩa tuyệt đối của Chân ngôn chính là tự tính Phật, là Đại Thủ Ấn. Dưới góc độ tương đối, chân ngôn bao gồm nguyên âm, phụ âm và chữ chủng tử (hợp nhất của Báo thân và Pháp thân, tinh túy của Khẩu giác ngộ và Tâm giác ngộ).
(Lược trích: “4 giáo pháp của Đức Gampopa”
Nguyên tác: “The Four Dharmas of Gampopa”
Chú giảng: Dorje Chang Kalu Rinpoche
Nguồn: http://www.simhas.org)
- 1184
Viết bình luận