3 điều ước kỳ lạ cuối cùng của Alexander Đại đế
Alexander Đại đế (356 - 323 TCN) là con trai của vua Philippos II của Macedonia và người vợ thứ tư, công chúa Olympias xứ Ipiros.
Năm 336, vua Philippos bị ám sát và ông trở thành quốc vương thứ 14 của nhà Argead ở Vương quốc Macedonia (336 – 323 TCN) hùng mạnh nhưng đầy bất ổn.
Trong suốt thời gian tại vị, ông chủ yếu dành thời gian để chinh phạt các vùng lãnh thổ mà không một lần phải nếm trải mùi chiến bại, và được xem là một trong những chiến lược gia quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử.
Vị vua trẻ của Macedonia, người trị vì Hy Lạp, chúa tể bán đảo Tiểu Á và vị pharaoh của Ai Cập đã trở thành “hoàng đế vĩ đại” của Ba Tư ở tuổi 25.
Cái chết bí ẩn và 3 ý nguyện cuối cùng của Alexander Đại đế
Trong suốt 13 năm theo đuổi “nghiệp” quân sự, nhà chính trị này đã để lại cho nhân loại rất nhiều bài học lãnh đạo đáng quý. Tuy nhiên, Alexander lại quá ngắn số, ông đột ngột qua đời ở tuổi 32. Các nhà khoa học vẫn chưa lý giải nổi những thắc mắc về cái chết đầy bí ẩn của vị Đại đế vĩ đại này.
Trên đường khải hoàn sau khi chinh phạt nhiều nước, năm 323 trước Công nguyên, Alexander Đại đế ngã bệnh. Vào thời khắc ấy, ông nhận ra cái chết đang cận kề và ông không kịp trở về quê hương. Những vùng đất ông chiếm được, quân đội hùng mạnh, những thanh gươm bén, sự giàu có…, tất cả không còn nghĩa lý gì nữa. Ông gọi quan binh đến và nói: “Ta sắp rời bỏ thế gian này. Ta có ba điều nguyện ước và các người hãy thực hiện theo nó”. Các vị tướng hô vang tuân lệnh trong dòng nước mắt.
Sau khi cố lấy hết sức bình sinh, Alexander truyền đạt 3 nguyện ước cuối cùng của mình:
Điều ước thứ nhất: Ông muốn quan tài của mình phải do chính các vị ngự y giỏi nhất thời đó khiêng về.
Điều ước thứ hai: Alexander Đại đế ước mong các quân sỹ sẽ rải tất cả vàng bạc, châu báu, mà ông đã dành một đời để có được nó, dọc theo con đường người ta mang ông ra nghĩa địa.
Điều ước thứ ba (có lẽ là điều ước “dị thường” nhất): Ông khát khao đôi bàn tay của mình sẽ được để thò ra bên ngoài quan tài, lắc lư, đong đưa tự nhiên trên không cho tất cả mọi người đều nhìn thấy.
Các chiến binh tuân lệnh nhà chỉ huy trong dòng nước mắt. Tất cả mọi người tỏ ra rất đỗi ngạc nhiên và tò mò về những yêu cầu kỳ lạ này, nhưng không ai dám hỏi nguyên nhân.
Một vị cận thần của Alexander đã mạnh dạn hôn bàn tay ông và nói: “Thưa đức vua, chúng thần sẽ làm theo mệnh lệnh của Ngài. Nhưng Ngài có thể cho chúng thần biết tại sao lại muốn làm như vậy hay không?”.
Bài học rút ra từ lời nguyện của Alexander Đại đế…
Cuối cùng, nhà vua giải thích rằng đó chính là ba bài học mà ông đã học được trong cuộc sống.
Điều ước đầu tiên: Ông muốn chính các vị ngự y giỏi nhất sẽ khiêng quan tài của mình là vì ông muốn mọi người thấy rằng khi vô thường đến, Diêm Vương đã gọi thì ngay cả những thầy thuốc giỏi nhất cũng chẳng thể thay đổi được gì.
“…Một vị thầy thuốc không thể nào thực sự chữa bệnh cho người ta. Nhất là khi đối diện với cái chết, thầy thuốc hoàn toàn bất lực. Ta hy vọng mọi người sẽ học được rằng phải trân quý cuộc sống của họ”.
Điều ước thứ 2: Rải vàng bạc, châu báu trên đường đi. Ông muốn mọi người nhận ra rằng, của cải, tài sản mà người ta dùng cả cuộc đời để góp nhặt, lúc chết đi cũng chẳng thể nào mang đi, sẽ mãi ở lại trên thế gian này.
“Mọi người không nên giống như ta theo đuổi mộng giàu sang một cách vô ích. Ta tiêu tốn cả đời chạy theo sự giàu có, nhưng ta sẽ lãng phí hầu hết thời gian của đời người”.
Điều ước cuối cùng là để bàn tay đong đưa vung vẩy ra bên ngoài quan tài, ý muốn để cho mọi người thấy rằng chúng ta đến với thế giới này với hai bàn tay trắng và khi rời khỏi thế giới cũng chỉ có hai bàn tay trắng.
Tất cả những vùng đất ông chiếm được, quân đội hùng mạnh, những thanh gươm sắc nhạy và cả sự giàu có… tất cả đều không có nghĩa lý gì. Nói xong ông nhắm mắt lại và trút hơi thở cuối cùng. Đến đây, quân sĩ xung quanh không ai không khỏi thán phục vị vua vĩ đại bậc nhất xứ Macedonia.
Những điều ước cuối cùng của Alexander Đại đế cũng là những bài học thật sâu sắc về cuộc sống cho chúng ta.
Bản chất của cuộc sống, của cõi luân hồi là vô thường. Chúng ta thường không ý thức được về điều này bởi luôn mải mê với vô số ham muốn, tham vọng, hạnh phúc và khổ đau... để chúng cuốn trôi chúng ta qua hết tháng ngày như những dòng thác lũ. Cho dù là một tổng thống một người hành khất, bạn vẫn phải ra đi với hai bàn tay trắng bởi bạn không thể mang theo được gì. Chỉ cần tạm dừng một chút trên hành trình vội vã của mình để lắng tâm tư duy và quán niệm rằng trên đời này, bạn sẽ nhận ra rằng chẳng có gì không thay đổi, chẳng có gì vĩnh viễn thường hằng. Kiếp người thật mong manh ngắn ngủi, hiểu như vậy để chúng ta biết trân trọng hơn và sử dụng cuộc đời mình có ý nghĩa hơn!
(Tâm An lược soạn)
- 3016
Viết bình luận