4 điều y cứ luôn tâm niệm
Việc ứng dụng giáo lý 4 điều y cứ (Tứ y) vào trong thực tiễn tu tập cực kỳ quan trọng. Chính giáo lý Tứ y đã vạch ra những yếu tố quan trọng cần phải nương tựa, y theo và những vấn đề không nên y cứ, nhằm vượt qua hết thảy chướng ngại để thành tựu Phật quả. Mặt khác, giáo lý Tứ y là một phương tiện thù thắng giúp cho người tu vận dụng giáo pháp một cách thông minh, linh động và nhuần nhuyễn đồng thời khai thác hết những tinh túy, đặc sắc của giáo lý để ứng dụng tu tập. Trong Phẩm Tứ y, Kinh Đại bát Niết bàn có nói đến Tứ y gồm: Y pháp bất y nhân, y nghĩa bất y ngữ, y trí bất y thức, y liễu nghĩa kinh bất y bất liễu nghĩa kinh.
Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên xin gửi tới Quý vị lời dạy của Đức Phật trong Kinh Ðại Bát Niết Bàn về 4 điều y cứ này.
Ca-Diếp Bồ-Tát thưa: “Bạch Thế-Tôn! Lành thay! Lành thay! Lời Phật dạy chơn thật không hư, con sẽ trân trọng tuân theo, xem như bảo vật kim-cang.
Như lời Phật dạy: Các Tỳ-kheo phải y theo bốn điều: Y theo pháp không y theo người, y theo nghĩa không y theo lời, y theo trí không y theo thức, y theo kinh liễu nghĩa không y theo kinh chẳng liễu nghĩa. Bốn pháp như vậy, nên phải chứng biết không phải bốn hạng người”.
1. Y theo pháp không y theo người
Phật dạy: Nầy Ca-Diếp! Y theo pháp đó chính là Như-Lai Đại-Bát-Niết-Bàn, tất cả Phật pháp tức là pháp tính. Pháp tính ấy tức là Như-Lai. Thế nên Như-Lai thường trụ không biến đổi. Nếu ai bảo rằng Như-Lai vô thường, người nầy không biết không thấy pháp tính. Nếu là người không biết không thấy pháp tính thời không nên nương tựa. Như trên đã nói bốn hạng người hiện ra nơi đời hộ trì chính pháp nên phải chứng biết để mà y chỉ. Vì các vị nầy khéo hiểu biết pháp-tạng thâm-áo vi-mật của Như-Lai, biết rõ Như-Lai thường trụ không biến đổi. Không bao giờ Như-Lai vô-thường biến đổi. Bốn hạng người nầy có thể gọi là Như-lai, vì hiểu được và nói được mật ngữ của Như-Lai. Nếu có người biết được pháp tạng thâm mật, và biết Như-Lai thường trụ không biến đổi, người nầy chẳng bao giờ vì lợi dưỡng mà nói Như-Lai là vô thường. Còn nên y chỉ với người nầy huống là chẳng y chỉ với bốn bậc trên.
Y chỉ nơi pháp tức là pháp tính, không y chỉ với người tức là hàng Thanh-Văn. Pháp tính tức là Như-lai, Thanh-Văn tức là hữu-vi. Như-Lai tức là thường trụ, hữu vi tức là vô thường.
Nầy Ca-Diếp! nếu là người phá giới vì lợi dưỡng mà nói Như-Lai là vô thường biến đổi, thời không nên nương tựa với người ấy.
Trên đây là định nghĩa “Y theo pháp không y theo người”.
2. Y theo nghĩa không y theo lời
Nầy Ca-Diếp! Nghĩa là giác-liễu, nghĩa giác-liễu là nghĩa không thiếu sót tức là nghĩa đầy đủ. Nghĩa đầy đủ là Như-Lai. Pháp cùng Tăng đều thường trụ chẳng biến đổi. Đó là y theo nghĩa. Còn những lời gì chẳng nên y theo? Tức là các bộ luận trau chuốt lời văn. Như Phật từng bảo rằng có rất nhiều thứ kinh điển tham cầu không biết nhàm, gian dối dua bợ, bày nhiều cách để cầu lợi, làm việc cho kẻ bạch y, lại xướng rằng đức Phật cho phép thầy Tỳ-kheo nuôi tôi trai tớ gái, các vật bất tịnh như vàng bạc châu báu, lúa gạo kho đụn, trâu dê voi ngựa, cùng buôn bán lấy lời. Nơi đời cơ-cẩn Phật vì thương đệ tử nên cho phép Tỳ-kheo chứa đồ ăn cũ, để cách đêm, tự tay nấu nướng, không lãnh thọ mà ăn. Không nên y theo những lời như thế.
3. Y theo trí không y theo thức
Nầy Ca-Diếp! Trí tức là Như-Lai. Nếu có hàng Thanh-Văn chẳng khéo rõ biết công đức của Như-Lai, đó là “thức” không nên y theo. Nếu rõ biết Như-lai tức là pháp thân, đó là chân trí nên phải y theo. Nếu thấy thân phương tiện ứng hóa của Như-Lai mà nói là thuộc về ấm-giới nhập, do ăn mà được sống được lớn, sự nhận xét nầy là “thức” cũng chẳng nên y theo. Người cùng kinh điển nói những điều ấy đều chẳng nên y theo.
4. Y theo kinh liễu nghĩa mà không y theo kinh chẳng liễu nghĩa
Hàng Thanh-Văn nghe đến chỗ tạng pháp thâm mật của Như-Lai đều nghi ngờ không hiểu pháp ấy từ nơi biển đại trí huệ mà có ra. Khác nào những đứa trẻ thơ không hiểu biết xa rộng. Đây gọi là chẳng liễu-nghĩa. Còn bậc Bồ-tát có trí huệ chân thật, theo trí lớn vô ngại nơi tự tâm, như người tuổi tác hiểu biết xa rộng. Đây gọi là liễu-nghĩa. Lại Thanh-Văn thừa là không liễu-nghĩa. Vô thượng đại-thừa mới gọi là liễu-nghĩa. Nếu nói Như-Lai vô-thường biến đổi thời gọi là chẳng liễu nghĩa. Còn nói Như-Lai thường trụ không biến đổi thời gọi là liễu nghĩa. Lời của hàng Thanh-Văn nên chứng biết, gọi là chẳng liễu-nghĩa. Lời của Bồ-tát nên chứng biết, gọi là liễu-nghĩa. Nếu nói Như-Lai nhờ sự ăn mà sống còn, đó là lời không liễu nghĩa. Nếu nói Như-Lai thường trụ không biến đổi, đây gọi là lời liễu nghĩa. Nếu nói Như-Lai nhập Niết-bàn như củi hết lửa tắt, đó là lời không liễu-nghĩa. Nếu nói Như-Lai nhập pháp tính, đấy là lời liễu nghĩa.
Giáo pháp của Thanh-Văn thừa, thời không nên nương tựa vì Như-lai muốn độ chúng sinh nên phương tiện nói ra pháp Thanh-Văn thừa, như ông Trưởng giả đem bán tự dạy cho con.
Nầy Ca-Diếp! Thanh-Văn thừa như mới cày bừa chưa có hột trái, gọi là chẳng liễu-nghĩa vì thế chẳng nên nương theo Thanh-Văn thừa. Phải nương theo pháp đại-thừa. Vì Như-Lai muốn độ chúng sinh mà phương tiện nói pháp đại-thừa, Pháp đại-thừa là liễu-nghĩa, là chỗ nên nương tựa.
Trên đây là bốn điều nên y theo, cần phải chứng biết.
Nay Như-Lai nói bốn điều y chỉ như vậy. “Pháp” chính là pháp tính. “Nghĩa” chính là Như-Lai thường trụ không biến đổi. “Trí” là rõ biết tất cả chúng sinh đều có Phật tính. “Liễu-nghĩa” là thấu rõ tất cả kinh điển Đại-thừa.
(Lược trích Kinh Ðại Bát Niết Bàn – Phẩm Tứ y
Việt dịch: HT. Thích Trí Tịnh)
- 1503
Viết bình luận