5 điều tâm niệm giúp bạn vượt qua mặc cảm về bản thân
Mỗi con người trong thế giới này, dù giàu có hay nghèo hèn, dù thành đạt hay thất bại, dù xinh đẹp hay xấu xí, trong suốt cuộc đời ai cũng có lúc cảm thấy tự ti, mặc cảm. Chúng ta thường tự bảo rằng mình kém may mắn, không đủ tốt, không đủ xinh đẹp hay thông minh, nhưng những suy nghĩ mặc cảm này thường không hề dựa trên sự thật.
Đức Phật dạy rằng trong các loại thân chúng sinh, “thân người” quý giá và hoàn hảo hơn cả. Nhờ thân này mà khẩu và ý làm tròn bổn phận giúp ích cuộc đời. Thân biểu hiện tính hoạt dụng tích cực hay tiêu cực trong cuộc sống hằng ngày. Con người sống có ích cho đời hay không cũng từ nơi thân mà biết. Người có trí tuệ nhìn thân người thật hiếm có và khó được trong kiếp này. Do vậy, Đức Phật nói: “Thân người khó được, Phật Pháp khó gặp”.
Thân người quý giá bởi vì cõi Người không quá khổ đau như Tam ác đạo (Địa ngục, Ngã quỷ, Súc sinh), cũng không quá sung sướng đến nỗi chìm đắm và không nhận thức được sự cần thiết thực hành Phật pháp như cõi Trời. Cõi Người là nơi khổ đau và hạnh phúc xen kẽ một cách vừa phải, đủ để làm động lực cho chúng ta tinh tiến thực hành Phật pháp.
Thân người được coi là quý giá hơn núi Kim cương, bởi vì việc sở hữu một núi Kim cương cũng không giúp bạn mua được cho mình một tái sinh tốt đẹp cho đời sau, cũng không mua được giác ngộ giải thoát khỏi luân hồi sinh tử. Chỉ trong thân người thì ta mới có điều kiện thuận lợi nhất để thực hành Phật pháp, đạt được giác ngộ. Do vậy, có thể nói rằng thân người là con thuyền thù thắng chở chúng ta vượt đại dương sinh tử đầy ắp hiểm nguy và đau khổ. Có thân người là có tất cả.
Đức Phật đã dùng một hình ảnh ẩn dụ để minh họa về mức độ hy hữu này và bạn có thể suy ngẫm về câu chuyện đó khi thiền định. Hãy tư duy về hình ảnh con rùa mù sống dưới đáy biển, một ngàn năm mới được nổi lên một lần. Nếu không tóm được bọng cây, con rùa lại phải chìm xuống một ngàn năm nữa. Biển rộng mênh mông, bọng cây lại nhỏ bé và lênh đênh, con rùa bị mù, cứ ngoi lên rồi lại chìm xuống không biết bao nhiêu lần, biết đến khi nào con rùa mới gặp được bọng cây để ngoi lên mặt nước?
Một lần khác, Đức Phật hỏi Ngài A Nan: “Đất dính trong móng tay ta nhiều hơn hay đất đại địa nhiều hơn?” Ngài A Nan trả lời rằng đất ở đại địa nhiều hơn đất dính trong móng tay Phật. Đức Phật liền dạy: “Chúng sinh chết đi được thân người chỉ như đất trong móng tay. Chúng sinh chết đi đọa lạc nhiều như đất trong đại địa.” Chúng ta có thể thấy điều này rất rõ ràng khi so sánh số lượng loài người với số lượng loài súc sinh như loài kiến, sâu, giun, ruồi, muỗi, chuột… Đó là chưa kể đến những loài mắt thường chúng ta không trông thấy được như ngã quỷ, phi nhân và chúng sinh trong địa ngục. Như vậy để thấy rằng số lượng chúng sinh được sinh làm người quả là ít ỏi!
Thân người chúng ta có được đời này không hề dễ dàng mà phải do công phu tu tập tích lũy thiện căn phúc đức, đặc biệt là giữ đầy đủ toàn vẹn năm giới trong vô số kiếp trong quá khứ. Để có được thân người, chúng ta phải vượt qua vô vàn khó khăn, cạm bẫy trên hành trình sinh tử.
Khi bạn mặc cảm, tự ti hay chán ghét bản thân, hãy nghĩ về những điều sau để bạn có thêm sức mạnh và niềm tin để sống một cuộc đời ý nghĩa:
1. Hãy nghĩ đến chúng sinh đã vào được làm thai người, nhưng do ác nghiệp bị trục ra và phải chết đau đớn không toàn thân trước khi kịp chào đời. Bạn thật may mắn đã được đến với cuộc đời mà không bị vứt bỏ một cách phũ phàng như vậy. Bạn cũng có thể nghĩ đến cả chúng sinh bị đoản mạng, phải chết trước khi kịp trưởng thành với đầy đủ nhận thức làm lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Bạn thật may mắn vì giờ đây mình có đủ năng lực để tận dụng thân người một cách hiệu quả nhất.
2. Hãy nghĩ đến những người mới sinh ra đã bị hạn chế sáu căn, hoặc khi trưởng thành gặp tai nạn dẫn đến hư hỏng các căn, hoặc bị bệnh tật mà các bộ phận cơ thể hoạt động không bình thường, sức khỏe suy yếu kiệt quệ dẫn đến đời sống vô cùng khổ sở. Tư duy như vậy, bạn sẽ thấy mình vô cùng may mắn vì được sáu căn đầy đủ, cơ thể khỏe mạnh, và ta được tự chủ một cách tương đối đối với thân của mình.
3. Hãy nghĩ đến những người chỉ chạy theo cuộc sống vật chất tiện nghi, hưởng thụ, mê tín, lạc lối theo tà thuyết hay đến chùa để cầu tài cầu lộc nhằm mưu lợi thế gian, để rồi vẫn không cảm thấy thỏa mãn với những gì mình có. Bạn thật may mắn vì có tín tâm với Phật pháp. Bởi nếu không có niềm tin Phật pháp, phủ nhận lý nhân quả, cho rằng chết là hết hoặc bám chấp mù quáng vào những tà kiến mê tín, thì cho dù có được thân người đầy đủ, gặp được Phật pháp cũng sẽ không biết thực hành gieo nhân giải thoát, bạn sẽ chỉ lãng phí kiếp người của mình để tạo tác vô số nghiệp trôi lăn trong luân hồi.
4. Hãy nghĩ đến những người phạm tội ngũ nghịch (Giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, làm thân Phật chảy máu và phá hòa hợp tăng) không thể chứng đắc giác ngộ trong một đời, hơn nữa, ác nghiệp họ tạo ra quá lớn khiến sự thực hành gặp nhiều trở ngại và có thể chịu quả báo xấu ác ngay lập tức. Hãy nhận ra sự may mắn của mình vì đã không phạm một trong năm tội này.
5. Hãy nghĩ về những người phải sống xa trung tâm Phật pháp, dù có nhiệt tâm nhưng không có bậc Minh sư hướng đạo, không được tiếp xúc với giáo pháp chân chính, như thế rất khó để họ thực hành tâm linh đúng đắn và thành tựu. Bạn thật sự may mắn vì được sinh ra nơi trung tâm của Phật pháp, có thắng duyên hạnh ngộ giáo pháp, hạnh ngộ Minh sư, được trợ duyên sách tấn bởi thiện hữu tri thức và một môi trường thực hành đúng đắn.
(Trích ấn phẩm: "Bardo - Hành trình liễu sinh thoát tử"
NXB Tôn giáo, 2014)
- 1363
Viết bình luận