6 hiệu ứng tâm lý tuyệt vời của pháp quán từ bi
Theo quan kiến của đạo Phật, lòng từ bi hướng về chúng sinh là thái độ tích cực thanh tịnh nhất, vì thế các hành động xuất phát từ lòng từ là đức hạnh tạo ra nhân của hạnh phúc không chỉ trong đời sống hiện tại mà cả cho các kiếp sống tương lai, với kết quả cao nhất là sự tự do thoát khỏi biển khổ luân hồi và đạt hạnh phúc tuyệt đối của sự giác ngộ. Ở một khía cạnh khác, nếu biết sống với một trái tim rộng mở vị tha không vì nuông chiều bản ngã thì cuộc sống của bạn sẽ tràn đầy tích cực và hỷ lạc. Bạn sẽ không còn trôi lăn theo những xúc tình phiền não, không còn thấy khoảng cách giữa mình và người khác, thế giới và vạn loài hữu tình xung quanh sẽ trở nên thân thiết, quý giá và dần dần bạn sẽ nhận được tình yêu thương, sự quan tâm hỗ trợ, cảm thông chia sẻ chân thành từ mọi người.
Bằng cách sống với tâm từ bi thanh tịnh mỗi ngày, bạn có thể nói lời vĩnh biệt với những tuyệt vọng cũng như tâm ích kỷ mà từ đó phát sinh những xúc tình phiền não. Bởi vậy, lòng từ bi có năng lực chuyển hóa những khó khăn, nghịch duyên trong đời sống thành hoàn cảnh thuận lợi. Lòng từ bi đem lại sự an bình cho thế giới, cho đất nước, sự hòa hợp bình an cho các thành viên trong gia đình và trong một cộng đồng. Nhờ lòng từ bi, tất cả mong cầu hạnh phúc sẽ được viên mãn. Tất cả những điều trên là chân lý và đều phụ thuộc vào bạn, dù bạn có là Phật tử hay không.
Dưới đây là 6 nghiên cứu tâm lý học cho thấy những tác động tích cực của pháp quán từ bi để một lần nữa khẳng định năng lực diệu kỳ của lòng từ bi.
1. Lòng từ bi thúc đẩy hành động
Trong một nghiên cứu, những người tham gia từng ngồi thiền được giao cho một bài kiểm tra bí mật về lòng từ bi (Condon et al., 2013).
Họ ngồi trong khu vực chờ với hai nam diễn viên. Trong khi đó, diễn viên khác bước vào với cái nạng, giả vờ đang rất đau đớn. Hai diễn viên ngồi cạnh những người tham gia đều phớt lờ người đang đau, gửi đi tín hiệu vô thức là họ không can thiệp. Những người từng ngồi thiền có 50% khả năng giúp người đang đau hơn so với nhóm chưa từng ngồi thiền.
Một trong những tác giả của nghiên cứu, David DeSteno, nói: “Khía cạnh gây bất ngờ của phát hiện này đó là thiền định làm con người sẵn sàng hành động đạo đức – giúp người đang đau – ngay cả khi đối mặt với một chuẩn mực là không nên làm vậy”.
2. Hạnh phúc hơn và khỏe mạnh hơn
Một nghiên cứu bởi Fredrickson et al. (2008) yêu cầu những người tham gia hướng lòng từ bi của họ vào bản thân họ trong một tuần, sau đó ở tuần tiếp theo thì hướng lòng từ bi sang những người thân yêu của họ.
Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy những người tham gia từng được chọn ngẫu nhiên để ngồi thiền từ bi cho thấy sự gia tăng mức độ hạnh phúc hằng ngày so với một nhóm kiểm soát. Không chỉ thế, những người quán từ bi cũng trải nghiệm ít trầm cảm, có sự thỏa mãn với cuộc sống cao hơn và khỏe mạnh hơn.
3. Tăng cường đáp ứng miễn dịch
Pace et al. (2009) phát hiện thấy những người tham gia từng thực hành quán từ bi nhiều thì có những đáp ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn trước một tình huống căng thẳng.
4. Đáp ứng hệ thần kinh thấu cảm
Các nhà khoa học thần kinh phát hiện thấy sự gia tăng lòng từ bi có thể được đo lường trong bộ não.
Trong một nghiên cứu của Lutz et al. (2008), các chuyên gia và những người mới tập thiền tạo ra một trạng thái tinh thần của lòng từ bi trong lúc bộ não của họ đang được quét. Khi những người tham gia đang tập trung vào trạng thái từ bi, thì những vùng não chịu trách nhiệm cho việc xử lý những cảm xúc được nâng cao, so với khi họ đang nghỉ ngơi.
Thêm nữa, những khu vực liên kết với sự thấu cảm và thấu hiểu tâm trí người khác cũng hoạt động nhiều hơn.
5. Giúp đỡ nhiều hơn
Trong nghiên cứu của Leiberg et al. (2011), những người tham gia chơi một game gọi là Zurich Prosocial Game (ZPG). Nó kiểm tra xem liệu họ có đền đáp khi giúp đỡ người khác, liệu họ có đáp ứng khi thấy người khác đang đau khổ và đánh giá những phí tổn của sự giúp đỡ.
Trước đó một số người được huấn luyện về lòng từ bi ngắn hạn. Các kết quả kiểm tra của họ được so sánh với một nhóm kiểm soát được huấn luyện về trí nhớ. Nhóm được huấn luyện về lòng từ bị cho thấy có nhiều hành vi giúp đỡ xã hội hơn – nói cách khác, họ giúp đỡ người khác nhiều hơn.
6. Ít sợ đau khổ
Nỗi đau khổ của người khác gây đau khổ và một phản ứng tự nhiên của con người là tránh né người đang đau khổ. Nhưng trở nên từ bi hơn có thể thay đổi điều này, làm cho những cảm xúc tiêu cực được thay thế bởi những cảm xúc từ bi tích cực.
Đó là điều mà Klimecki et al. (2013) phát hiện khi họ cho những người tham gia học một khóa huấn luyện lòng từ bi và sau đó cho họ xem một video về những người đang sống đau khổ. Sau khóa huấn luyện, con người đáp ứng về mặt thần kinh với nhiều tình yêu và cảm xúc tích cực trước sự đau khổ.
(Nguồn: http://www.spring.org.uk)
Tham khảo thêm
Pháp quán Từ bi
- 1370
Viết bình luận