Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu hộ trì chúng sinh thoát khỏi 16 nỗi sợ lớn của đời người | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu hộ trì chúng sinh thoát khỏi 16 nỗi sợ lớn của đời người

Cuộc sống đời người luôn kèm theo các nỗi lo sợ bên trong và bên ngoài, bám suốt đeo đẳng từ khi sinh ra đến lúc chết đi, từ vô thủy luân hồi tới mãi về sau cũng như vậy. Ngày nay, sợ hãi, lo lắng dường như đã trở thành căn bệnh thời đại. Nếu bạn luôn đặt nhiều kỳ vọng về mọi thứ thì lo lắng và sợ hãi đương nhiên sẽ tới. Vì diễn biến cuộc đời hiếm khi theo kịch bản ta phóng chiếu, chắc hẳn bạn đã từng đối mặt với thất vọng, kèm theo đó là sự sợ hãi nếu tiếp tục mạo hiểm, chúng ta sẽ còn thất bại lần nữa. Đối với nhiều người, nỗi sợ hãi khiến họ vô cùng đau khổ, tuyệt vọng, thậm chí có thể dẫn đến những hành vi tiêu cực như tự sát. Đáng buồn thay, họ không biết cách chuyển hóa năng lượng sợ hãi thành trí tuệ, nên thường để nó lấn át đè bẹp. Với lòng từ bi vô hạn và năng lực gia trì vĩ đại, Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara phát đại nguyện hộ trì chúng sinh thoát khỏi 8 nỗi sợ bên ngoài và 8 nỗi sợ bên trong. Xét ở khía cạnh bên ngoài, đó là sự phương hại của địa, thủy, hỏa, phong như nạn nước, nạn đạo tặc, nạn sư tử, nạn rắn, nạn lửa, nạn ma quỷ, nạn ngục tù, nạn voi. Xét ở khía cạnh bên trong, đó chính là các xúc tình phiền não của con người như tâm bám chấp, tà kiến, tâm ngã mạn, tâm ghen tỵ, tâm sân giận, tâm nghi ngờ, tâm bỏn xẻn, vô minh.

Giải Thoát Phật Mẫu Tara

Pháp luân như ý ban cho thọ trường

Cúi xin Độ Mẫu xót thương

Những khi tính mạng lâm đường hiểm nguy

Khổ đau, tật bệnh bất kỳ

Ngài ban diệu lực, hộ trì cho con

Phúc tuệ tối thắng viên tròn

Muôn điều thành tựu thương con gia trì.

Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara là một vị Phật toàn giác. Khi còn là một vị Bồ tát, Ngài đã phát nguyện thị hiện trong thân người nữ để lợi ích chúng sinh và đặc biệt hộ trì họ thoát khỏi 8 nỗi sợ hãi. Tám nỗi sợ đó được phân chia theo cấp độ bên trong và bên ngoài tùy thuộc vào căn nguyên phát sinh nỗi sợ:

8 nỗi sợ bên ngoài và 8 nỗi sợ bên trong

Nỗi sợ nạn lửa tương ứng với tâm sân giận

Nỗi sợ nạn ngục tù tương ứng với tâm tham ái

Nỗi sợ nạn sư tử tương ứng với tâm ngã mạn

Nỗi sợ nạn lũ lụt tương ứng với tâm bám chấp

Nỗi sợ nạn voi tương ứng với tâm vô minh

Nỗi sợ nạn ma quỷ tương ứng với tâm nghi ngờ

Nỗi sợ nạn rắn độc tương ứng với tâm ghen tỵ

Nỗi sợ nạn đạo tặc tương ứng với tà kiến

Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara hộ trì chúng sinh học cách bảo vệ chính mình khỏi tám nỗi sợ hãi. Tám nỗi sợ này không giống những nỗi sợ thông thường mà con người thường có như sợ các loài vật nguy hiểm, ác mộng, bệnh tật và cái chết bất đắc kỳ tử. Khi thực hành pháp tu Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara, chúng ta nương vào năng lực bảo hộ của câu chân ngôn Om Tare Tuttare Ture Soha. Chủng tử “OM” nêu biểu cho thân – khẩu – ý giác ngộ của Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara. TARE có nghĩa là bậc anh hùng thần tốc giải thoát chúng sinh khỏi khổ đau luân hồi. TUTARE là bậc hộ trì giải trừ tám nỗi sợ hãi của chúng sinh. Bằng trí tuệ giác ngộ có sức mạnh chấm dứt khổ đau, Ngài giải thoát chúng sinh khỏi vô minh. SOHA là sự mong nguyện câu chân ngôn sẽ gieo nhân giải thoát trong tâm hành giả. Trì tụng chân ngôn của Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara giúp hành giả thực hành tâm linh vượt qua được tám nỗi sợ trong cuộc đời:

1. Nỗi sợ nạn sư tử và tâm ngã mạn

Là chúa sơn lâm, sư tử luôn coi thường các loài khác và không bao giờ lắng nghe lời khuyên của người khác. Tâm ngã mạn khiến chúng ta bị cô lập khỏi sự trợ giúp của mọi người xung quanh và khóa chặt chúng ta trong sự kiểm soát của vô minh.

2. Nỗi sợ nạn voi và tâm vô minh

Hình ảnh con voi điên, hoang dã, không ngần ngại giẫm đạp bất cứ vật gì cản đường tiến bước của nó nêu biểu cho sự vô minh, thiếu hiểu biết của chúng ta.

3. Nỗi sợ nạn lửa và tâm sân giận

Ngọn lửa sân giận được thổi bùng lên bởi những điều bất như ý. Những điều bất như ý lại bắt nguồn từ vô minh, khiến cho ngọn lửa càng cháy mạnh dữ dội.

4. Nỗi sợ nạn rắn và tâm ghen tỵ

Giống như loài rắn thường ẩn mình trong bóng râm, tâm ghen tỵ nương náu trong bóng tối của vô minh. Khi thấy người khác làm điều gì đó tốt hơn mình, con rắn sẽ tấn công và tiết nọc độc. Và rồi chúng ta lại reo rắc chất độc ấy cho người khác bất cứ khi nào có thể.

5. Nỗi sợ nạn đạo tặc và tà kiến

Mục đích của đạo tặc là lấy trộm hoặc cướp đi những thứ quý giá của người khác. Tương tự như vậy, tà kiến lấy đi cơ hội tiến bộ trên con đường thực hành tâm linh của chúng ta.

6. Nỗi sợ nạn ngục tù và tâm bỏn xẻn

Ai cũng cho rằng bố thí là điều tốt, và bỏn xẻn là điều không tốt. Tâm bỏn xẻn trói buộc khiến chúng ta không thể làm những việc tích cực và mắc kẹt một cách vô vọng trong vòng xoáy luân hồi.

7. Nỗi sợ nạn nước và tâm bám chấp

Bám chấp giống như một dòng sông nước chảy xiết, nó nhấn chìm chúng ta trong dòng chảy luân hồi, đẩy chúng ta xa mãi, xa mãi khỏi bến bờ giải thoát.

8. Nỗi sợ nạn ma quỷ và tâm nghi ngờ

Ma quỷ thường hoạt động về đêm. Tương tự như vậy, tâm nghi ngờ vận hành trong bóng tối của vô minh. Nghi ngờ khiến chúng ta sợ hãi, mông lung và ngăn cản chúng ta trên con đường tìm về ánh sáng tự do.

Với năng lực của chân ngôn Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara, chúng ta thiền định về từng nỗi sợ hãi và cách đối trị. Chúng ta đối trị tâm ngã mạn bằng sự khiêm nhường khi nhận ra rằng chúng ta thật ra chẳng hiểu biết gì. Một minh chứng là bạn không thể gọi tên tất cả các loại xương trong cơ thể con người. Vô minh cuối cùng sẽ được chinh phục bởi trí tuệ chứng ngộ tính không. Cho đến lúc đó, chúng ta có thể trưởng dưỡng sự chính niệm tỉnh giác về quả của những hành động do chính mình tạo tác. Pháp đối trị với sân giận là hạnh nhẫn nhục. Chúng ta có thể dùng chính sự nhẫn nhục để hồi quang phản chiếu lại căn nguyên của sự sân giận, điều đó giúp chúng ta thấy rõ được sự vô minh, thiếu hiểu biết khiến chúng ta sân giận. Tâm ghen tỵ có thể được đối trị bằng lòng từ bi.

Thông qua sự quán niệm, phân tích sâu sắc, chúng ta dần nhận ra rằng tất cả chúng sinh đều mong cầu hạnh phúc. Thay vì khó chịu với sự may mắn của người khác, chúng ta bắt đầu học cách tùy hỷ công đức của họ. Tà kiến có thể được đối trị bằng sự hiểu biết về nhân quà. Những hành động bất thiện chắc chắn sẽ mang lại khổ đau và những hành động thiện lành chắc chắn sẽ mang lại niềm an vui cho chúng ta. Tâm bỏn xẻn được đối trị bởi hạnh bố thí.

 

 

Điều này hiển nhiên ai cũng biết nhưng chúng ta cần nhận ra được rằng thực hành bố thí thực chất bắt đầu từ việc bố thí cho chính mình. Khi quán niệm tâm bỏn xẻn đã lấy đi niềm vui và lòng tri ân cuộc sống như thế nào cũng là lúc chúng ta bước vào thực hành hạnh nhẫn nhục. Tâm bám chấp được đối trị thông qua hiểu biết về bản chất vô thường của vạn pháp. Tín tâm được dẫn dắt bởi trí tuệ sẽ tiêu trừ tâm nghi ngờ. Đây chính là niềm tin trong giáo lý mà chúng ta trưởng dưỡng thông qua sự trải nghiệm và kiểm ứng những gì mình đã học. Như Đức Phật từng dạy, bản thân mỗi người phải có sự trải nghiệm về những lời dạy của Ngài càng sâu sắc càng tốt.

(Nhóm ĐBT biên soạn)

Hãy cùng chúng tôi tham dự khóa chuyên tu cầu nguyện, thiền định và đỉnh lễ Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara để tích luỹ vô lượng công đức, tiêu trừ chướng ngại, vượt qua những nỗi sợ hãi bên trong, bên ngoài và khơi dậy tình yêu thương vô bờ trong bạn.

Quý vị tải tài liệu và hướng dẫn tu tập tại đây:

http://daibaothapmandalataythien.org/quanam

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6488636
Số người trực tuyến: