9. Tôn Giả Phú Lâu Na - Thuyết Pháp Đệ Nhất
Tôn Giả Phú Lâu Na
Purana - Thuyết Pháp Đệ Nhất
Thế gian có câu: Muốn bắt cọp hãy vào hang cọp. Muốn vào hang cọp phải cần có can đảm, không can đảm không thể nào bắt được cọp; người chiến sĩ muốn thắng kẻ thù cần phải can đảm xông pha ở chiến trường. Cũng thế, người hành đạo phải can đảm chịu mọi thử thách. Có can đảm thắng lướt mọi gian lao mới thành tựu được sự nghiệp đời hoặc đạo. Trong số 10 vị đại đệ tử của Phật,Ngài Phú Lâu Na trở thành một vị thuyết pháp đệ nhất nhờ đức can đảm, đi bất cứ nơi đâu kể cả xứ bạo ngược nhất. Còn kể vào thứ bậc trong giáo đoàn, Ngài Phú Lâu Na được xếp vào hàng thứ ba trong Thánh chúng, sau Ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên.
Dòng Họ và Danh Hiệu của Ngài Phú Lâu Na
Ở Ấn Độ, dòng họ Phú Lâu Na có danh tiếng và giàu có, Ngài Phú Lâu Na rất được cha mẹ thương yêu. Tôn giả có khuôn mặt tròn đầy, mắt chan chứa vẻ từ hòa, người độ lượng khoan dung, nhưng rất can đảm. Như bao nhiêu người khác ở Ấn Độ, người con được gọi bằng tên mẹ. Theo tiếng Phạn gọi cho đủ là Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử, gọi tắt là Phú Lâu Na (Puràna), Trung Hoa dịch là Mãn Từ Tử tức là con của bà Mãn Từ. Danh hiệu của Tôn giả biểu hiện một con người có hoài bão vô tận, có lòng từ vô tận như non cao, núi rộng, sông dài. Về sau khi đã xuất gia đi du hóa, giáo pháp mà Tôn giả tuyên thuyết cũng trường mãn vô cùng.
Đạo Nghiệp của Ngài Phú Lâu Na
Ngài Phú Lâu Na được Đức Phật thọ ký
Ngoài đức tính từ hòa do truyền thống dòng họ hun đúc, Ngài còn có tàI hùng biện. Với tàI năng sẵn có Ngài đã giúp Phật truyền bá chánh pháp khắp nơi và được mọi tầng lớp dân chúng hoan nghênh nhiệt liệt. Tại nước Kiều Tát Di, Tôn giả đã thuyết phục chúng Tỳ kheo ẩn cư đi bố giáo. Trong chúng hội có Tỳ kheo làm việc tà, Tôn giả đã sử dụng ngôn ngữ xảo diệu để cản ngăn. Tại núi Kỳ Xà Quật trong cuộc kiết tập kinh điển về phần Luật tạng Ngài Ma Ha Ca Diếp đem 8 pháp ẩm thực ra yêu cầu các Tỳ kheo phải giữ. Theo Phật trong hoàn cảnh đặc biệt tỳ kheo có thể có 8 điều tùy nghi không bị ngăn cấm:
- Chứa thức ăn trong phòng, nấu nước trong tự viện, tự nấu, tự lấy thức ăn, từ chỗ khác đem thức ăn về, ăn các thứ tráI cây, ăn những thực vật sản xuất từ hồ ao và không ăn cá thịt.
Ngài Phú Lâu Na đã đứng về phe tự do, nên đã chống 8 việc mà Ngài Ca Diếp cấm các Tỳ kheo. Điểm đặc biệt mà Ngài đã trội hơn các đệ tử khác là tinh thần bố giáo cao độ, Tôn giả không những thường xuyên đi bố giáo mà cả những nơi xa xôi hẻo lánh, dân tình bạo ngược, Tôn giả đều can đảm xung phong. Bởi thế Tôn giả được tôn xưng là vị Thuyết pháp Đệ Nhất.
Thấy Tôn giả có đức từ ái, tín tâm thâm hậu, hùng biện xảo diệu và bố giáo cao độ, Đức Phật đã hết lời tán dương và thọ ký cho Ngài trong tương lai sẽ thành Phật hiệu là Pháp Minh Như Lai, tại thế giới ta bà nầy.
Phú Lâu Na bố giáo ở Du Na
Trong sự nghiệp thuyết pháp độ sinh, Tôn giả không cần khen ngợi, cung kính, không ngại khó khăn, gian khổ. Dù những nơi hẻo lánh xa xôi, đầy ác độc, Ngài cũng nhiệt tình tìm cách đến đó truyền bá chính pháp.
Theo thông lệ hàng năm sau mùa an cư, Phật lại phân bố các đệ tử đến các địa phương truyền đạo. Trong danh sách các giáo khu Tôn giả thấy không có tên nước Duna. Ngài Phú Lâu Na hỏi Phật lý do, Đức Phật cho hay nơi đó quá xa xôi hẻo lánh, đường đi hiểm trở, dân tình lại rất dã man bạo ngược. Vì ngại nguy hiểm đến tính mạng Tăng sĩ, nên Đức Phật không ghi tên nước Duna vào danh sách và phân bố chúng đệ tử đi đến đó thuyết giáo. Ngài Phú Lâu Na xin Phật được đến đó bố giáo.
Phật hỏi:
- Ông không sợ nguy hiểm sao?
Ngài Phú Lâu Na bạch Phật:
- Bạch Đức Thế Tôn! Người xuất gia phải có chí thượng cầu hạ hóa, muốn thành tựu sự nghiệp dù ở lãnh vực nào, con người cần phải vượt qua khó khăn gian khổ, chông gai là điều kiện thử thách con người. Ánh sáng Phật pháp cần bình đẳng soi rọi khắp nơi. Có ánh sáng Phật pháp con người mới được cải thiện, bóng tối mê muội được đánh tan, nên con nguyện đến đó để thuyết pháp dù có thịt nát xương tan.
Đức Phật hỏi:
- Này Phú Lâu Na! Giả sử đến Du Na người ta chửi rủa nhục mạ ông, thì ông nghĩ sao và xử lý bằng cách nào?
- Bạch Đức Thế Tôn! Họ vẫn còn tốt đối với con vì họ chỉ chửi mắng mà chưa đem gậy gộc để đánh con.
- Nếu họ dùng roi gậy đánh ông thì ông nghĩ sao?
- Con thấy họ vẫn còn tốt, vì họ chỉ mới rượt đuổi mà chưa gây thương tích cho con.
- Nếu họ dùng dao búa gây thương tích cho ông?
- Con vẫn còn cảm ơn họ vì họ còn lương tri chưa nở giết chết con.
- Nếu họ giết ông?
- Con lại cảm ơn họ bội phần, vì họ đã giúp con từ bỏ xác thân hư ảo, ô trược, sớm nhập Niết Bàn. Đó là một dịp may hiếm có, chết vì truyền bá chánh pháp, con sẵn sàng đón nhận mà không có gì ân hận.
Với những lời dũng cảm chưa từng nghe, Đức Phật cảm động khen rằng:
- Này Phú Lâu Na! Ông là một con người can đảm xứng đáng là đệ tử của ta, hạnh tu đạo bố giáo nhẫn nhục của ông thật là siêu tuyệt hiếm có.
Hướng về chúng đệ tử, Đức Phật nói:
- Này các Tỳ kheo! Phú Lâu Na là một con người can đảm trong sự nghiệp thuyết pháp độ sinh đáng được tán dương. Trong công tác đi thuyết pháp, một giảng sư cần có những đức tính sau đây:
1. Thông hiểu giáo nghĩa
2. Nói năng lưu loát
3. Không lo sợ trước đám đông
4. Biện tài vô ngại
5. Vận dụng phương tiện khôn khéo
6. Tùy theo cảnh cơ mà bố giáo
7. Đầy đủ oai nghi
8. Tinh tấn dũng mãnh
9. Thân tâm tráng kiện
10. Có đầy đủ uy lực.
Này các Tỳ kheo Phú Lâu Na là một con người có đầy đủ các đức tính đó, ta không còn e ngại gì nữa mà không ủy thác cho Phú Lâu Na đến Du Na để bố giáo.
Đúng như Đức Phật đánh giá, tại xứ Du Na, Tôn giả không những không bị hề hấn gì mà sự nghiệp bố giáo lại đạt được kết quả rực rỡ. Ở Du Na chưa đầy một năm, Ngài đã thu vào giáo đoàn hơn 500 đệ tử và kiến lập khoảng 50 cảnh già lam. Ngài Phú Lâu Na xứng danh là thuyết pháp đệ nhất, được như thế là nhờ NgàI đã thành tựu được 4 phép Bồ tát:
1. Đối với giáo pháp chưa từng nghe, Tôn giả luôn luôn tỏ thái độ trầm tỉnh để tư duy nghĩa lý không vội phê phán.
2. Không cần đa văn vì đa văn, dục tâm dễ khởi; không cần nhàn hạ vì nhàn hạ lạc tâm dễ sinh. Ngược lại lo tu từ quán để đoạn tham dục, tu nhân duyên quán để đoạn ngu si.
3. Thấu rõ triệt để 5 ấm, 12 nhập, 18 giới, 12 nhân duyên để thành tựu trí vô sở đắc, trí vô sư, có thành tựu trí đó mới hết niệm phân biệt và nhờ đó mới đủ sức tuyên dương đạo pháp
4. Rộng thực hành bố thí, sau nghiêm trì giới luật, thường dũng mãnh, nhẫn nhục, tịnh tinh tấn bồ đề.
Cuối Cuộc Đời Của Ngài Phú Lâu Na
Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn 3 tháng, tại núi Kỳ Xà Quật Ngài Ma Ha Ca Diếp tổ chức kiết tập kinh luật. Vì đi thuyết pháp xa về muộn, Tôn giả được Ngài Ca Diếp trình bày lại diễn tiến của cuộc kiết tập và nói:
- Kinh luật kiết tập gần xong, Tôn giả có ý kiến gì cần phát biểu xin cho biết?
Ngài Phú Lâu Na đồng ý tất cả, riêng 8 phép ăn uống, Ngài không đồng ý với Ca Diếp, Tôn giả nói:
- Với 8 phép ăn uống tôi không đồng ý với quan đIểm của Ngài, tôi nhất quyết theo ý chỉ của Đức Thế Tôn.
Sau đó, Tôn giả lại lên đường tiếp tục cuộc hành trình hoằng pháp. Về sau chúng ta không rõ Ngài nhập Niết Bàn lúc nào và ở đâu, vì chưa thấy tài liệu khảo cứu ghi chép.
Nhận Thức và Kết Luận
Là đệ tử của Phật, cần phải đem giáo pháp của Phật truyền bá sâu rộng để khai thị cho mọi người. Trong những thời kỳ mà cuộc đời đang đen tối bởi si mê tham ái, ngã chấp, ác độc... Ánh sáng trí tuệ của đạo Phật lại cần thiết hơn bao giờ hết, như xứ Du Na thời Phật còn tại thế chẳng hạn. Bởi thế, Tôn Giả đã can đảm lên đường đi bố giáo, Ngài được tôn xưng là bậc thuyết pháp đệ nhất trong hàng Thánh chúng. Tuy nhiên lòng can đảm không chưa đủ, nếu không có tài hùng biện, lòng từ ái, oai nghi, đĩnh đạc, sự can đảm trở thành liều lĩnh. Tôn giả Phú Lâu Na thành công nhờ có đầy đủ các đức tính đó.
Lịch sử truyền bá Phật pháp đã không làm tổn hại cho bất cứ một người nào, một quốc gia xã hội nào, sự truyền bá của đạo Phật luôn luôn mang tính nhân bản, tôn trọng mọi truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Phật giáo là một bông hoa tô điểm cho các dân tộc thêm tươi thắm, Phật giáo cũng là một bông hoa rất mềm mại nhưng không vì thế mà dễ dàng bị bẻ gãy. Tại Ấn Độ, sau thời gian ức Phật qua đời, vua A Dục, Ca Ni Sắc Ca, Phật giáo bị càn quét bởi Bà La Môn giáo nhưng tư tưởng Phật giáo không vì thế mà bị mai một. Tại Trung Quốc qua nạn tam Võ, đặc biệt là Võ Tôn nhà Đường, tại Việt Nam vào cuối nhà Trần Phật giáo vẫn không bị tiêu diệt.
Ngày nay với đà tiến hóa của khoa học, con đường bành trướng của các tôn giáo có phần chùn lại, ngược hẳn với Phật giáo, đặc biệt là ở Tây phương nơi mà khoa học không ngừng tiến triển, cũng là nơi mà có nhiều người đang hướng về Đông phương tìm hiểu đạo Phật. Do đó chúng ta tin rằng Phật giáo không thể bị tiêu diệt, khi con người chưa trở thành Thánh nhân, cuộc đời còn lắm thăng trầm chưa trở thành tịnh lạc. Chúng ta hãy noi gương Phú Lâu Na Tôn giả, đem giáo pháp của Đức Phật soi rọi cho những ai còn nghiệp chướng tham sân chấp ngã, để góp phần kiến tạo một thế giới an bình tịnh lạc.
- 720
Viết bình luận