Bài thiền giúp trẻ tăng khả năng tập trung và sáng tạo
Theo thống kê tại các quốc gia phát triển, ngày càng có nhiều phụ huynh tìm đến phương pháp thiền định cho trẻ để giúp con em mình có một tâm hồn thư thái, gia tăng sự tập trung chú ý, biết yêu thương người khác và có thái độ hòa nhã, điềm đạm với mọi người. Nhiều chương trình thiền tại trường học cho thấy sự trầm cảm và lo âu của các em học sinh được giảm thiểu. Vì vậy, trong xã hội có nhiều bạo động như ngày nay, nhiều bậc phụ huynh đã đề xuất với nhà trường đưa chương trình thiền vào giáo trình giảng dạy như một môn học chính thống.
Vì sao nên dạy trẻ tập thiền?
Cho trẻ tập thiền không giống với việc đọc truyện cho trẻ nghe. Đọc truyện là một hoạt động mang tính thụ động. Trẻ có thể hiểu được và đắm mình trong câu chuyện bạn đang đọc, nhưng khi tập thiền theo hướng dẫn, trẻ được tham gia một cách chủ động. Đọc truyện và đọc một bài hướng dẫn thiền có công dụng khác nhau. Đọc truyện cho trẻ em là điều cần thiết bởi qua đó các em có thể học hỏi và mở rộng vốn từ, nhưng tập thiền lại cho phép tâm trí được tự do khám phá.
Mỗi bài thiền đều có chủ đề riêng biệt và tạo cho trẻ cơ hội được trải nghiệm chủ đề đó. Ví dụ như trẻ sẽ cảm nhận được tình yêu thương của Đức Phật; khởi phát lòng từ bi, sự nhẫn nại; trẻ có thể leo núi; ra biển lượm vỏ sò; trở thành một chú chim; cảm nhận làn gió lùa trên khuôn mặt; hay thậm chí là bay tới mặt trăng. Có biết bao nhiêu điều trẻ có thể làm, và tất cả những điều đó đều giúp trẻ phát huy trí tưởng tượng. Quan trọng nhất là trẻ học cách kết nối với ngọn nguồn tình yêu thương, sức mạnh và trí tuệ bên trong bản thân mình.
Cách thức dạy trẻ tập thiền
Các bài thiền dành cho trẻ em gồm có 5 bước:
1. Thư giãn cơ thể
2. Hít thở sâu
3. Tập trung tâm trí
4. Khai mở tâm trí
5. Hoạt động sáng tạo
1. Thư giãn cơ thể
Bạn nên cho trẻ thực hiện kéo giãn cơ hoặc một số bài tập yoga. Sau khi tập yoga, hãy để trẻ co cứng rồi thả lỏng từng bộ phận trên cơ thể, từ ngón chân đến đỉnh đầu.
2. Hít thở sâu
i. Cho trẻ ngồi bắt chéo chân trên đệm, chân trái ở trong (hoặc ở dưới), hai tay để nhẹ trên lòng, lòng bàn tay phải đặt trên lòng tay trái, hai ngón cái khẽ chạm nhau.
ii. Giữ thẳng, đồng thời thư giãn lưng để năng lượng có thể lưu thông tự nhiên dọc theo xương sống. Vai để xuôi tự nhiên, cổ hơi cúi về phía trước.
iii. Trong giai đoạn đầu, bạn có thể cho trẻ nhắm mắt lại.
iv. Tập hít thở sâu một lúc.
a. Hít vào trong ba nhịp đếm, giữ hơi rồi thở ra trong ba nhịp đếm (bạn có thể đọc chậm "Hít vào", "Thở ra" cho trẻ làm theo);
b. Hướng dẫn trẻ tưởng tượng hít vào năng lượng tươi mới, tình thương yêu, niềm vui và sự bình an. Những yếu tố này dần tiến vào và lan tỏa khắp cơ thể trẻ;
c. Khi thở ra, hãy tưởng tượng bất kỳ cảm giác tiêu cực nào - buồn bực, chán nản, tức giận hay mệt mỏi - thông qua mũi trẻ thoát ra khỏi cơ thể và tan biến.
3. Tập trung tâm trí
Trong bước này, bạn hướng dẫn trẻ cần tập trung tâm tưởng vào một điểm. Hãy hình dung ra một điểm trên luân xa trán hoặc luân xa tim và tập trung vào điểm đó. Dồn toàn bộ năng lượng và sự chú ý vào điểm đó trong khi giữ cho cơ thể thật thư giãn. Hãy để mọi suy nghĩ hay ký ức vẩn vơ bay đi, lúc nào cũng phải nhẹ nhàng đưa sự chú ý trở lại điểm đó.
4. Khai mở tâm trí
Khi cơ thể, cảm xúc và tâm trí của trẻ trở nên tĩnh lặng thì trẻ đã sẵn sàng cho bước thứ tư: tìm kiếm đáp án và trí tuệ bên trong bản thân mình. Hãy hướng dẫn trẻ mở rộng trí tưởng tượng và nhận thức thông qua những hình ảnh mà bạn đọc cho con nghe. Sử dụng hình ảnh kèm theo hướng dẫn sẽ giúp trẻ học cách nhìn nhận bản thân trong tâm trí như một con người biết quan tâm, giàu tình yêu thương và nhẫn nại, v.v. Khi cách suy nghĩ của trẻ dần dần trở nên lành mạnh và tích cực, trẻ sẽ học cách làm người tốt hơn.
(Dưới đây là bài thiền về hình ảnh cầu vồng. Chúng tôi sẽ tiếp tục gửi tới Quý vị các bài thiền với hình ảnh khác trong các số tiếp theo).
5. Hoạt động sáng tạo
Từ từ đưa sự chú ý trở lại cơ thể trẻ. Hãy dặn trẻ cảm nhận tất cả các bộ phận trên cơ thể. Từ từ động đậy các ngón tay và ngón chân. Quay khớp cổ. Khi đã sẵn sàng, trẻ có thể từ từ mở mắt.
Đây là giai đoạn trẻ có thể tập trung năng lượng, nhận thức sâu sắc và trí tuệ mới đạt được sau giờ thiền vào một hoạt động bổ ích và sáng tạo, ví dụ khiêu vũ, hội họa, sáng tác truyện, âm nhạc, chia sẻ, thảo luận các bài toán đố trong lớp, giao tiếp sáng tạo, các trò chơi nhận thức hoặc đơn giản là làm bài tập trên lớp.
Lưu ý về tông giọng
Bạn nhớ sử dụng giọng nói khoan thai, thoải mái, có ngắt nghỉ để khắc sâu khung cảnh tưởng tượng, giúp cho trẻ có thể dễ dàng hình dung và cảm nhận khung cảnh ấy khi nhắm mắt lại và tập trung vào thế giới nội tại. Giọng nói mà bạn sử dụng rất quan trọng. Tốt nhất là bạn nên giảm tông giọng xuống một chút và nói chậm dần đều bằng chất giọng êm dịu.
Bài thiền cầu vồng
Ý nghĩa trong đạo Phật: Trẻ sẽ học cách khám phá những phẩm chất tốt đẹp và khả năng thiên bẩm của mình
Con hãy cảm nhận cơ thể mình dần trở nên nhẹ bẫng. Hình dung ra tất cả các sắc màu của cầu vồng, và cảm nhận cơ thể mình trở thành những sắc màu ấy.
Một cách chậm rãi, con tỏa ra ánh sáng màu đỏ. Toàn cơ thể con trở thành màu đỏ. Hãy cảm nhận cơ thể con đang phát ra năng lượng và sức mạnh. Giờ đây, con tràn ngập năng lượng và sức mạnh.
Một cách chậm rãi, con tỏa ra ánh sáng màu cam. Toàn cơ thể con trở thành màu cam. Hãy cảm nhận cơ thể con đang phát ra niềm vui và hạnh phúc. Giờ đây, con tràn ngập niềm vui và hạnh phúc.
Một cách chậm rãi, con tỏa ra ánh sáng màu vàng. Toàn cơ thể con trở thành màu vàng. Hãy cảm nhận cơ thể con đang phát ra trí tuệ. Giờ đây, con tràn ngập trí tuệ.
Một cách chậm rãi, con tỏa ra ánh sáng màu xanh lá cây (màu xanh lục). Toàn cơ thể con trở thành màu xanh lá cây. Hãy cảm nhận cơ thể con đang phát ra sự hòa hợp với người thân, bạn bè và mọi người xung quanh. Giờ đây, con tràn ngập sự hòa hợp.
Một cách chậm rãi, con tỏa ra ánh sáng màu xanh nước biển (màu xanh lam). Toàn cơ thể con trở thành màu nước biển. Hãy cảm nhận cơ thể con đang phát ra sự bình an. Giờ đây, con tràn ngập sự bình an.
Một cách chậm rãi, con tỏa ra ánh sáng màu chàm (xanh tím). Toàn cơ thể con trở thành màu chàm. Hãy cảm nhận cơ thể con đang phát ra sự dịu dàng. Giờ đây, con tràn ngập sự dịu dàng.
Một cách chậm rãi, con tỏa ra ánh sáng màu tím. Toàn cơ thể con trở thành màu tím. Hãy cảm nhận cơ thể con đang phát ra lòng tự trọng. Giờ đây, con tràn ngập vẻ đẹp của lòng tự trọng.
Bây giờ, con là cầu vồng tỏa ra những sắc màu rực rỡ đến khắp mọi nơi. Hãy cảm nhận sắc màu của con vươn xa hơn, cho đến khi chúng bao phủ toàn bộ căn phòng này, rồi toàn bộ đất nước này, và tiếp tục bao phủ toàn thế giới. Vừa lan tỏa những màu sắc ấy, con vừa đồng thời lan tỏa năng lượng của niềm hạnh phúc, trí tuệ, tình yêu thương, sự bình an, sự dịu dàng và hòa hợp. Con lại càng vươn xa, lan rộng hơn nữa. Giờ đây, những sắc màu của con đang tràn ngập khắp vũ trụ, chạm tới từng ngóc ngách của vũ trụ.
Một cách chậm rãi, tất cả những màu sắc ấy biến thành một dải ánh sáng trắng. Dải ánh sáng trắng ấy giờ đang tuôn chảy từ đỉnh đầu xuống tới trái tim con. Hãy cảm nhận ánh sáng trắng chảy vào trái tim mình (3 lần chậm dần).
(Nguồn: “Hướng dẫn thiền định cho học sinh tiểu học”
Nguyên tác: “Guided meditation for primary children”
Hiệp hội giáo dục Phật pháp)
- 1991
Viết bình luận