Bạn sẽ nghĩ gì nếu có cơ duyên nhìn thấy cầu vồng? | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Bạn sẽ nghĩ gì nếu có cơ duyên nhìn thấy cầu vồng?

Hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu với các bạn một bài học về hạnh phúc thông qua phép so sánh hình ảnh cầu vồng và người khách bộ hành.

Cầu vồng và những người khách bộ hành

Với những người khách bộ hành, cầu vồng là một cảnh tượng hiếm gặp. Cũng như nhiều điều hiếm gặp xảy ra trong tự nhiên, cầu vồng thường mang lại nụ cười cho khách qua đường. Có  người còn dừng  lại để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cầu vồng  trong khoảnh khắc.

Cầu vồng thường mang một vẻ đẹp bình an đến lạ kỳ, chẳng phô trương cũng chẳng mờ nhạt, đó là  sự hài hòa hoàn hảo giữa hai thái cực. Có lẽ chính bởi vậy mà hình áng cầu vồng thường khiến cho chúng ta tĩnh tâm trở lại. Những quan kiến quá cực đoan sẽ khiến tâm trí bạn bị kích động, bạn không thấy trân trọng giá trị chân thật của những điều xảy ra trong cuộc sống. Tương tự, khi một thứ gì đó thiếu chiều sâu sẽ không thể kích thích các giác quan của bạn, một lần nữa ngăn cản bạn   nhận ra chân giá trị. Vì lý do này mà cầu vồng lúc nào cũng để lại ấn tượng sâu sắc dài lâu. Nếu chúng ta mong cầu hạnh phúc và bình an trong cuộc đời, cách tốt nhất  là đạt tới sự cân bằng giữa các thái cực.

Câu hỏi 1: Có bao nhiêu người thích ngắm cầu vồng lại mong được nhìn thấy hình ảnh đó ngay khi bước chân ra khỏi nhà?

Cách tốt nhất để trả lời câu hỏi này là liên hệ với kinh nghiệm của bản thân. Hãy nhớ lại một ngày bạn nhìn thấy cầu vồng và cảm thấy vô cùng thích thú. Nhưng khi bước chân ra khỏi nhà, bạn  lại không hề mong ngóng rằng mình sẽ được nhìn thấy cầu vồng.

Bởi sâu thẳm bên trong, chúng ta đều biết rằng nhìn thấy cầu vồng hay không chẳng phải chuyện mình có thể kiểm soát. Cầu vồng xuất hiện là do sự kết hợp của những yếu tố nằm ngoài sự mong đợi của chúng ta.

Câu hỏi 2: Bao nhiêu người trong số những khách bộ hành đó mong rằng cầu vồng sẽ vẫn ở nguyên trên trời cho đến khi họ về đến nhà và chỉ cho những người khác cùng xem?

Chẳng ai cả!

Một lần nữa, hãy liên hệ với bản thân mình. Hãy nhớ lại một lần bạn từng nhìn thấy cầu vồng. Bạn có từng nghĩ đến việc giữ cầu vồng trên trời bằng cách nào đó cho đến khi bạn có thể chỉ cho vợ/chồng, con cái hay bạn bè mình cùng xem không? Câu trả lời là không.

Tại sao?

Bởi vì chúng ta đều biết rằng quy luật của cầu vồng không phải như vậy. Cầu vồng chỉ xuất hiện khi quy tụ các điều kiện thích hợp và biến mất khi các điều kiện đó không còn. Chúng ta không bao giờ có thể kiểm soát được sự xuất hiện hay tồn tại của cầu vồng trên bầu trời.

Câu hỏi 3: Giả sử có một người loạn trí cho rằng anh ta có thể khiến cầu vồng xuất hiện trên trời bất cứ khi nào mình muốn và trong bao lâu tùy thích.Ý nghĩ ấy sẽ dẫn tới kết cục khổ đau hay hạnh phúc?

Chính là khổ đau!

Tại sao?

Bởi vì, bất kể anh ta có hi vọng, khao khát, cầu nguyện hay mong chờ đến mức nào đi chăng nữa, cầu vồng chỉ xuất hiện khi gặp các nhân duyên và điều kiện thích hợp. Khả năng đến 99,99…% là anh ta sẽ không thỏa mãn được khao khát của mình. Bởi vậy, anh ta sẽ trở nên buồn bã mỗi lần ngước lên trời với mong mỏi được nhìn thấy cầu vồng.

Tương tự như vậy, bất kể anh ta có hi vọng, khao khát, cầu nguyện hay mong chờ đến mức nào đi chăng nữa, cầu vồng sẽ biến mất khi hội đủ điều kiện cần thiết. Nếu anh ta cho rằng mình có thể giữ cầu vồng trên trời mãi mãi, anh ta sẽ chìm đắm trong cảm giác phiền não, thất vọng.

Mỗi người đều có lúc hành xử như người loạn trí ở trên

Chúng ta biết rằng mình không thể kiểm soát hành động của người khác, nhưng lại thường cảm thấy bất như ý hoặc thất vọng bởi hành động của họ.

Chúng ta biết rằng hành động của sếp mình nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Nhưng chúng ta lại cảm thấy khó chịu bởi những hành động đó.

Chúng ta biết rằng mình không thể kiểm soát việc mất đi những người thân yêu. Rồi sẽ đến một ngày mà họ phải rời bỏ chúng ta. Nhưng chẳng phải chúng ta vẫn đau buồn khi chuyện ấy xảy ra sao?

Chúng ta biết rằng mình không thể kiểm soát được bệnh tật. Nhưng chẳng phải chúng ta vẫn ảo não, buồn phiền khi mình trở bệnh sao?

Chúng ta biết rằng mình phải già đi, đó là việc không thể ngăn cản. Nhưng chúng ta vẫn buồn bã trước những dấu hiệu lão hóa trên cơ thể.

Chúng ta biết rằng cái chết là không thể tránh khỏi và vượt ngoài tầm kiểm soát của mình. Nhưng chúng ta lại hoảng sợ và đau buồn khi cận kề cái chết.

Thực tế là chúng ta không thể kiểm soát bất cứ điều gì trên thế giới. Chúng ta thậm chí còn chẳng kiểm soát được cơ thể của chính mình! Hãy cố giữ nguyên tư thế cơ thể suốt 5 phút, rồi bạn sẽ hiểu được điều đó khó khăn nhường nào. Hãy cố nghĩ mãi một điều duy nhất suốt 5 phút, rồi bạn sẽ thấy rằng điều đó là không dễ dàng. Hãy cố nhịn uống nước trong 2 ngày trời, rồi bạn sẽ chết. Chính ảo tưởng về khả năng kiểm soát mọi hiện tượng xảy ra trong thế giới này đã mang đến khổ đau trong cuộc sống. Chúng ta cho rằng mình có thể mãi mãi níu giữ những thứ mình yêu quý. Con tim chúng ta không ngừng khao khát mọi thứ nhiều hơn, nhiều hơn nữa!


Thành viên YDA và thiện hạnh bảo vệ môi trường tại Khu danh thắng Tây Thiên

Nếu muốn sống hạnh phúc, tất cả chúng ta phải học buông xả những kỳ vọng. Buông xả kỳ vọng không có nghĩa là bạn ăn không ngồi rồi và lười biếng. Một Phật tử chân chính sẽ vận dụng tối đa khả năng của mình để đạt được mục đích giải thoát mình và tất cả chúng sinh khỏi luân hồi đau khổ, có lẽ còn quyết liệt hơn người thường. Lý do là bởi họ ý thức được rằng cuộc sống luôn đầy ắp thăng trầm vượt ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.

Họ sẽ rất vui khi đạt được kết quả mong muốn. Nhưng nếu không đạt được thì họ cũng không buồn nản, thất vọng. Bởi vậy nếu bạn hỏi một Phật tử chân chính cách để trở nên hạnh phúc trong cuộc sống, họ sẽ trả lời: “Hãy nỗ lực hết mình trong mọi việc, sau đó buông xả!”.

(Nguồn: True Buddhist Teachings)


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6327770
Số người trực tuyến: