Bắt Chước Thầy
Thuở xưa tại một vùng biên địa, dân chúng đều mù chữ. Mãi cho đến một hôm có người đến tự xưng là thầy giáo đến thăm làng và dõng dạc tuyên bố:
- Mọi người ai ai cũng có khả năng biết chữ hết. Nhiệm vụ của tôi khi xuất hiện ở ngôi làng này là giúp cho bà con cô bác phát triển khả năng đó, để thành một người biết chữ như tôi không khác. Mọi người nghe nói đều hồ hởi phấn khởi với sự hướng dẫn của thầy giáo. Nhiều lớp học được thành lập, nhiều người đến lớp học. Thầy giáo phát cho mỗi người một quyển vần học vần A B C.
Trong nhóm người tụ hội nơi lớp học người ta ghi nhận có những sự kiện sau:
Một số người cho rằng khả năng biết chữ chỉ là một ân sủng thiêng liêng dành cho hạng người ưu tú nhất trong nhân loại, nên sau khi trêu chọc số người ghi danh học, họ bỏ về.
Riêng phần học trò với chút ít niềm tin rằng mình có thể biết chữ, đã tìm cách phát triển khả năng ấy bằng những cách như sau:
1- Những người rất cảm kích trước tấm lòng của thầy giáo đã khổ công lặn lội đến đây, nên họ xin ảnh của thầy giáo về thờ chung với quyển vần A B C, sớm hôm lễ bái dâng hương hoa không hề chểnh mảng.
2- Hạng người thứ hai vô cùng cảm phục tài năng của thầy giáo nên cùng nhau rắp tâm bắt chước thầy từ cách đi đứng, nói năng, ăn mặc đến nếp sinh hoạt hàng ngày. Họ bắt chước tài tình đến độ giống thầy giáo như đúc có khác chăng là họ hoàn toàn không biết chữ.
Dĩ nhiên bằng lối học trên, chúng ta dự đoán được kết quả là sau bao nhiêu cố gắng không anh học trò nào biết chữ cả.
Bạn thân mến!
Câu chuyện được dừng lại nơi đây vì trên thế gian này không có một lớp học nào kỳ quặc như thế cả. Các học trò đi học dần dần đều được biết chữ hết. May mắn biết là chừng nào… Nhưng còn chúng ta, những người học Phật và chưa giác ngộ (như Phật), có nên xét lại lối học của mình không? Như ông thầy giáo kia, chư Phật đều tuyên bố: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính và chư Phật ra đời đều một lý do duy nhất: chỉ cho chúng sinh nhận ra và hằng sống với tri kiến Phật của chính mình”.
Vậy thì chúng ta phải học Phật bằng cách nào đây?
Đối với hành giả, điều trọng yếu là phải tìm được bậc Thượng sư chân chính, người có thể ban cho bạn sự gia trì đó một cách vô điều kiện, thông qua tâm Đại Từ Đại Bi vô lượng và sự thực chứng chân thật của Ngài. Tuy nhiên, khi đã hạnh ngộ được bậc Thầy như vậy, bạn cần phải nỗ lực thực hành dưới sự hướng đạo tâm linh của Ngài.
Trong thực hành Phật pháp, mỗi người đều phải tự tri tự chứng, không ai chứng ngộ thay cho ai. Giống như khi bạn uống nước, chỉ có bạn tự biết nước có vị như thế nào. Nếu người khác tả lại cho bạn, bạn vẫn không thể biết được vị của nước. Nếu có một bậc thầy bảo với bạn rằng: “Hãy đến đây, ta sẽ truyền sự giác ngộ cho con”, thì phải thấy cần nghi ngờ. Bởi điều này không phải là lời dạy của Đức Phật Thích Ca.
Hiểu đúng về Pháp sẽ giúp bạn lựa chọn đúng con đường giải thoát mà Đức Phật đã chỉ dạy. Vậy nên, “Đạo Phật cần những cá nhân Phật tử biết suy tư, biết phân tích, biết tự tìm hiểu rồi xác nhận sự hiểu biết của mình, ngang qua sự hành trì, kinh nghiệm cá nhân. Đạo Phật không cần đến những đoàn người theo đạo Phật một cách ồ ạt mù quáng, thụ động nhắm mắt, hay tự mình bóp méo đạo Phật theo tà kiến dục vọng của mình; “đạo Phật là đạo đến để mà thấy, chứ không phải đạo đến để nhờ người khác thấy hộ; đạo Phật không phải đạo của người nhắm mắt không thấy, không biết mà là đạo của người thấy, của người biết”. (“Chánh pháp và hạnh phúc” – HT. Thích Minh Châu).
(Tâm An lược soạn)
- 265
Viết bình luận