Bể giới nguyện Tam muội da khi phân biệt Đại thừa và Kim Cương thừa | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Bể giới nguyện Tam muội da khi phân biệt Đại thừa và Kim Cương thừa

Đại thừa và Kim Cương thừa không có gì khác biệt, mà khác biệt duy nhất đó là trong Đại thừa bạn bắt đầu với Chân lý tương đối. Chẳng hạn trong Sáu Ba la mật thì năm Ba la mật đầu tiên thuộc về Chân lý tương đối và Ba la mật cuối cùng là Chân lý tuyệt đối hay Trí tuệ. Như vậy bạn khởi sự với Chân lý tương đối và dần dần tiến đến Bát nhã ba la mật. Còn Kim Cương thừa vốn dành cho những hành giả ở cấp độ cao hơn, do đó Kim Cương thừa khởi đầu với pháp Bát nhã ba la mật.

Trong Tâm kinh Bát nhã có dạy rằng: trong tự tính chân không không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp... Bởi vậy, khi bước vào thực hành Kim Cương thừa, bạn cần quán tưởng sắc tướng của Đức Phật không phải thân làm từ máu và thịt mà trong sắc thân cầu vồng, giống như sự phản chiếu của bóng trăng dưới nước, có nghĩa là tồn tại đó mà lại không tồn tại, ngay khi bạn quán chiếu như thế tức là bạn đang thực hành pháp Bát nhã ba la mật.

Tuy vậy, trong Đại thừa, Tâm kinh Bát nhã ba la mật cũng không dành cho những người mới bắt đầu. Đối với những hành giả sơ cơ, họ được tu học về Nghiệp, Bồ đề tâm và các Ba la mật tương đối. Nhưng quan kiến Kim Cương thừa cho rằng, nếu bạn đã thực hành thừa này thì có nghĩa bạn đã thực hành Bồ tát hạnh, Bồ đề tâm, và do đó được hướng thẳng trực tiếp đến Bát nhã ba la mật. Vì lẽ đó, một trong những giới nguyện chính của Kim Cương thừa là nếu hành giả nghĩ rằng giáo lý Đại thừa khác biệt với Kim Cương thừa thì đó là một sai lầm lớn, một sự phá bể giới nguyện Tam muội da.

Về phương pháp thực hành có thể khác biệt, nếu trong Đại thừa đàm luận về Tính không, hay Tâm kinh Bát nhã khai thị về Tính không của âm thanh thì trong Kim Cương thừa chỉ dạy về quán tưởng hình ảnh Đức Phật để ngộ nhập vào Tính không của sắc tướng. Tuy các phương pháp thực hành trong Kim Cương thừa vô cùng thiện xảo và có thể khác biệt với Đại thừa, song nền tảng giáo lý của hai thừa không sai khác, đặc biệt khi nói đến Trung đạo, Kim Cương thừa chính là Đại thừa. Trong Đại thừa có nhiều cấp độ hiểu biết, một số tin tưởng rằng vạn pháp duy tâm, một số tin tưởng ở Trung đạo, và ở lý Trung đạo này, giáo lý Kim Cương thừa hoàn toàn giống với Đại thừa.

Tam thừa Phật giáo hội đủ trong Kim Cương thừa

Khi hoằng truyền đến vùng Hymalaya, Kim Cương thừa được phát triển mạnh mẽ và trở nên phổ biến. Một trong những nguyên nhân chính là do Kim Cương thừa có vô số phương tiện thiện xảo. Chẳng hạn, giáo lý Kim Cương thừa dạy rằng nếu bạn thực hành với lòng chí thành, với tín tâm dâng hiến mạnh mẽ và chừng nào bạn không phạm Tam muội da giới (hoặc nếu không may phạm giới, bạn có thể sám hối bằng nghi thức cúng dàng Ganachakra) thì trong một đời, ba đời hoặc trong mười sáu đời bạn sẽ đạt giác ngộ. Vì lẽ đó mà tất cả mọi người đều muốn thực hành Kim Cương thừa ngay lập tức.

Bên cạnh đó, Kim Cương thừa còn có vô số phương pháp làm lợi ích cho người khác như thực hành Phật Dược sư để cứu chữa cho người bệnh, tu các vị Phật phẫn nộ để bảo vệ hữu tình, hay hành trì Bản tôn Bảo Tài thiên Dzambala giúp viên mãn mong cầu về tài bảo, thịnh vượng. Những phương tiện thiện xảo cùng sự gia trì viên mãn sở cầu thế tục đã khiến Kim Cương thừa thịnh hành tại Tây Tạng và những vùng lân cận. Dù vậy, trong thực hành Kim Cương thừa, nhất thiết hành giả phải thực hành trọn đủ ba Thừa, bao gồm cả Tiểu thừa và Đại thừa.

(Trích ấn phẩm “Bản tôn – Chân ngôn – Trí tuệ”

Nhà xuất bản Tôn giáo, 2011)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6340386
Số người trực tuyến: