Làm thế nào để biến nghiệp lực thành nguyện lực?
Trong đạo Phật, nếu biết được căn nguyên của từng căn bệnh, hiểu được phương pháp đối trị, chúng ta không cần phải tốn nhiều tiền oan uổng, tốn thời gian vô ích, trái lại còn có thể trị được tận gốc rễ của bệnh.
Quy nạp nguyên nhân của bệnh chỉ có ba loại:
1. Loại thứ nhất là bệnh sinh lý do đi đứng ăn uống không điều độ. Người xưa thường nói “bệnh từ miệng vào”, chúng ta ăn uống không vệ sinh, không khoa học; ở, ăn mặc không lưu ý nên bị cảm mạo phong hàn. Những thứ bệnh này thuộc về sinh lý cần tìm bác sĩ chẩn đoán trị liệu.
2. Loại bệnh thứ hai do oan gia trái chủ tìm đến. Loại bệnh này không thuộc sinh lý, thuốc thang sẽ không có hiệu quả, thầy thuốc cũng không thể trị hết. Chỉ có phương pháp duy nhất, đó là sám hối và hòa giải cùng oan gia trái chủ để họ tiếp nhận, đồng ý và rời khỏi. Cho nên pháp sự siêu độ thông thường dụng ý chính là hòa giải, tiếp nhận cũng có không ít. Thế nhưng trường hợp không tiếp nhận cũng có, làm cho vấn đề trở nên khó khăn hơn.
3. Loại bệnh thứ ba là bệnh nghiệp chướng, không phải sinh lý cũng không phải oan gia trái chủ mà do chính mình tạo nghiệp quá nặng. Loại bệnh này rất phiền phức, thầy thuốc chào thua, siêu độ cũng không tác dụng. Đức Phật dạy loại bệnh nghiệp chướng này chỉ có một phương pháp đối trị, chính là chân thành sám hối tịnh hóa. Bồ tát Phổ Hiền dạy chúng ta sám trừ nghiệp chướng, bệnh liền có thể hết. Trong Phật pháp, nếu biết được căn nguyên của bệnh này, hiểu được phương pháp đối trị, chúng ta không cần phải tốn nhiều tiền oan uổng, quan trọng nhất phải dùng tâm chân thành sám hối, tụng kinh niệm Phật hồi hướng.
Chuyển nghiệp báo nhất định phải dựa vào chính mình, không thể dựa vào người khác. Nếu người khác có thể thay chúng ta chuyển nghiệp báo thì cha có thể chuyển nghiệp báo thay cho con. Hay nói cách khác, Phật Bồ Tát liền có năng lực chuyển nghiệp báo của chúng ta, chúng ta cần gì phải tu hành? Cho nên nhất định phải hiểu lý, nghiệp báo là do chính mình tạo, thì chính mình phải quay đầu tiêu trừ nghiệp chướng.
Xem trong hội Lăng Nghiêm, Tôn giả A Nan gặp phải nạn Ma Đăng Già. Đó là một ví dụ rất rõ ràng, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Phật không thể giúp được. Gặp được bậc Thầy, gặp Phật, Bồ Tát, các Ngài dạy chúng ta phương pháp, giúp đỡ chúng ta hiểu lý luận, sau đó chính mình chăm chỉ nỗ lực tu hành, sửa chữa hành vi sai lầm, nghiệp chướng của chúng ta liền được tiêu trừ, vận mạng liền được thay đổi. Nếu đem nghiệp báo của thân chuyển biến thành nguyện lực của thân thì chúng ta được tự tại, được chư Phật Bồ Tát hộ niệm, long thiên thiện thần ủng hộ.
Khi chưa gặp Phật pháp, chúng ta khởi tâm động niệm đều là tự tư tự lợi. Sau khi học Phật mới hiểu ra cái chấp trước này là sai lầm, là tạo nghiệp luân hồi. Phật dạy chúng ta đem ý niệm chuyển đổi lại, từ đây về sau không vì chính mình, buông bỏ ý niệm tự tư tự lợi. Khi vừa chuyển đổi nghiệp lực biến thành nguyện lực, sức mạnh hiệu quả rất lớn.
Oan gia trái chủ báo thù, muốn gây phiền phức, đó là vì chúng ta còn có lòng riêng tư. Khi vừa chuyển đổi ý niệm, oan gia trái chủ không những không dám tìm đến gây phiền phức mà còn giúp đỡ, ủng hộ. Họ không thể báo thù chúng ta vì nếu họ hại chết chúng ta có nghĩa là họ sẽ hại tất cả chúng sinh, tội này cực trọng, họ sẽ không thể gánh vác nổi. Nhưng nếu chúng ta không có ý niệm vì chúng sinh, vì Phật pháp, mà vì tự tư tự lợi, họ sẽ có biện pháp đối phó. Hiểu rõ đạo lý này chúng ta sẽ biết cách làm thế nào chuyển nghiệp báo một cách hiệu quả.
(Trích bài giảng của HT. Tịnh Không
Nguồn: www.niemphat.vn)
- 606
Viết bình luận