Biết Nhiều Và Sự Chướng Ngại Của Cái Biết | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Biết Nhiều Và Sự Chướng Ngại Của Cái Biết

Muốn thụ hưởng vị ngọt trong phương pháp giải thoát của Đức Phật, không gì hơn là  nỗ lực thực tập những lời giáo huấn của đức Như Lai. Làm được bao nhiêu, thể nghiệm được bấy nhiêu.

Người bình thường, hơn phân nửa là “nói hay làm dở”, “nói được làm không được”. Trong đó, người thông minh chiếm đa số. Những người này phần nhiều đều được học hành tử tế, hiểu biết nhiều, nói đến tư tưởng của ai họ cũng đều nói vanh vách, cộng thêm trí thông minh sẵn có, nghe thoáng qua đã hiểu, học một biết mười, nên có thể nói năng lưu loát, rành rọt hơn người khác. Nhưng đối với họ thực hành tâm linh chỉ là một loại hiện tượng xã hội hay một loại hiện tượng tâm lí.

Đối với hầu hết các tầng lớp nhân dân, đạo Phật có khả năng chuyển hóa khổ đau trong mỗi con người, an định xã hội, cho nên nó là công cụ giáo hóa rất tốt. Thế mà những người có trí thông minh lại cho rằng, họ có tiêu chuẩn đạo đức riêng để an thân lập mạng, không cần sự chỉ dẫn và gánh vác của thực hành tâm linh. Hiện tượng này chính là “sự chướng ngại của cái biết”.

“Sự chướng ngại của cái biết” bị tri thức học vấn của mình ngăn ngại, nó biến thành quan niệm chính. Sau đó, họ dùng quan niệm này phê bình, phủ định tâm linh, ngăn ngại thực tiễn đạo đức và thể nghiệm nội tâm. Họ cho rằng mình đứng trên lập trường hoàn toàn khách quan, nhưng kì thực, con người mà bên trong đầy rẫy tâm phân biệt, hơn thua, phải trái thì không còn khách quan nữa; tuy bề ngoài thể hiện mình đúng, phê bình chính xác, thì người ấy cũng chưa chắc khách quan. Sợ một điều, chỉ với hiểu biết nông cạn mà cho rằng ta là người thông đạt tất cả sự lí, biết tất cả chuyện đông tây, kim cổ. Họ cứ tưởng như vậy là tài giỏi, nào hay nó làm cản trở mình trên con đường giác ngộ.

Trong kinh Lăng Nghiêm, có một đoạn Tôn giả A-nan tự nói: “Tuy nghe nhiều, nhưng nếu không tu hành, cũng như không nghe; giống như người chỉ nói đến thức ăn, ắt hẳn không bao giờ no”. Ngài A-nan là vị có học vấn cao nhất, sự hiểu biết rộng nhất trong chúng đệ tử của Đức Phật, nhưng Ngài phát hiện ra mình chỉ mới dừng lại ở chỗ “hiểu biết”, chứ chưa “thể nghiệm” công dụng vi diệu của Phật pháp trong đời sống hằng ngày. Đức Phật thường khen ngợi Ngài A-nan “Đa văn đệ nhất”, cho nên, đa văn cũng đáng khen ngợi.

Hiểu biết nhiều là tốt, nhưng cần phải biến hiểu biết ấy thành thực tiễn, phải thể nghiệm những điều mình biết. Song, phần lớn mọi người chỉ dừng lại ở chỗ “biết” và “hiểu”, giống như người học ngành Khảo cổ học, rất sành sỏi khảo sát những văn vật thời xưa, nhưng người ấy không thể trở thành người xưa. Cho nên, muốn thụ hưởng vị ngọt trong phương pháp giải thoát của Đức Phật, không gì hơn là nỗ lực thực tập những lời giáo huấn của Như Lai. Làm được bao nhiêu, thể nghiệm được bấy nhiêu; bằng không, trên lĩnh vực tu hành chứng ngộ, người có bằng tiến sĩ Phật học chưa chắc bằng được người ít học.

(Nguồn: “Nhận diện khổ đau”

Tác giả: Pháp sư Thánh Nghiêm

Nhà xuất bản Tôn giáo, 2017)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6341538
Số người trực tuyến: