Bức tranh luân hồi sớm nhất từ thời Đức Phật tại thế
Bức tranh Luân hồi là một tác phẩm kinh điển của Phật giáo miêu tả, giải thích tiến trình sinh – tử cùng những triết lý sâu sắc về nhân sinh, vũ trụ. Vào thời của Đức Phật Thích Ca, đệ tử của Đức Phật là Ngài Mục Kiền Liên là thần thông đệ nhất nên đã đi chu du các cõi khác nhau, thấy rõ bản chất đau khổ của cuộc sống của các cõi địa ngục, ngã quỷ...kể cả của chư Thiên. Sau đó Ngài quay về, mô tả các cảnh khổ trong sáu đạo lại cho các bạn đồng tu và các Phật tử, nhờ đó mà mọi người nhận thức được sự đau khổ của sinh tử, phát tâm tu tập và một số đã đạt giải thoát. Nhìn thấy thế nên Đức Phật đã dạy là để lợi ích cho tất cả chúng sinh, đệ tử của Ngài ở các chùa chiền hãy y theo mà vẽ một bảng luân hồi để mô tả toàn bộ sự vận hành đời sống, sự vận hành của vạn pháp và sự vận hành của nhân quả.
Tương truyền cũng vào thời Đức Phật tại thế, nước Ma Kiệt Đà có vị vua tên là Tần Bà Sa (Gandharva) có duyên sâu nặng với đạo Phật. Ngài không những xây dựng một tòa tinh xá nổi tiếng đầu tiên trong lịch sử Phật giáo – tinh xã Trúc Lâm, mà còn là vị vua đầu tiên trong lịch sử quy y Tam Bảo. gần đó có một vị vua tên là Ưu Điền (Uddhacca), cũng là một Phật tử thuần thành.
Mối giao bang giữa hai vị vua này rất hữu hảo. Họ thường tặng cho nhau những lễ vật quý giá. Một lần, vua Ưu Điền tặng cho vua Tần Bà Sa một tấm áo giáp rất đẹp, trên bộ áo giáp này không chỉ trang sức rất nhiều ngọc và đá quý mà còn có chức năng bảo vệ thân thể, có giá trị vô cùng.
Vua Tần Bà Sa sau khi nhận được bảo vật này vô cùng hoan hỷ, nhưng ngay sau đó lại lộ vẻ buồn phiền vì Ngài không biết tặng lại thứ gì cho vua Ưu Điền. Bảo vật bình thường rõ ràng là không được. Vì tặng bảo vật bình thường trong thế gian thì không được nên có đại thần hiến kế tặng một bức tượng của Đức Thế Tôn làm lễ vật. Mọi người nghe xong đều rất tán thán.
Đúng lúc đó, Đức Thế Tôn đang thuyết pháp ở gần đó. Vua Tần Bà Sa bèn cung thỉnh Đức Thế Tôn vào cung, để họa vẽ chân dung của Ngài. Đức Thế Tôn nhận lời thỉnh cầu của vua Tần Bà Sa, nhưng Ngài dạy rằng thân tướng vốn không chân thực, chẳng bằng vẽ chân nghĩa của Phật pháp như tam vô lậu học, lục đạo, thập nhị nhân duyên…. Khi vẽ, thân của Đức Phật tỏa ra ánh sáng vô lượng, hòa nhập lên bức vẽ. Viền ngoài thân Phật có vẽ thêm các hình vẽ về Phật pháp. Đó chính là bức họa về sáu cõi luân hồi.
Sau khi bức họa được hoàn thành, vua Tần Bà Sa cho người vẩy hương thơm lên và cuộn bức họa vào trong miếng lụa quý đặt vào trong một chiếc hộp bằng vàng. Vua Tần Bà Sa cử người đem lễ vật mang tặng vua Ưu Điền. Vua Ưu Điền biết trước được việc này, nên đã xếp đặt nghi thức long trọng, ra ngoài thành cung kính đón nhận bức họa Phật, tôn phụng bức họa đó như báu vật. Cũng có sử liệu nói rằng vua Ưu Điền đạt được giác ngộ nhờ tu tập về bức tranh Luân hồi vô giá đó.
(Nhóm ĐBT biên soạn)
- 1055
Viết bình luận