Cách thực hành Từ Bi Hỷ Xả để đạt được Đại Lạc | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Cách thực hành Từ Bi Hỷ Xả để đạt được Đại Lạc

Tứ Vô Lượng Tâm là bốn tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả vô lượng vô biên trải rộng đến tất cả khắp cùng mười phương pháp giới chúng sinh, cầu nguyện cho họ nhanh chóng được giải thoát giác ngộ.

Để hiểu được Bồ đề tâm, Đức Phật có dạy phương pháp thực hành về Tứ Vô Lượng Tâm. Chúng ta phải trải rộng tâm mình, hướng động cơ tu tập của mình tới hết thảy chúng sinh vô lượng, không giới hạn, không trừ một ai. Chúng ta luôn mở đầu tất cả các pháp thực hành bằng sự thực hành Tứ Vô Lượng Tâm:

Nguyện chúng sinh đắc nhân an lạc,

Sống yên vui từng chớp sát na.

Nguyện chúng sinh muôn khổ lìa xa,

Thoát vòng tục lụy phiền hà thế gian.

Nguyện chúng sinh dứt khổ hân hoan,

Vô lượng hỷ lạc, từ quang sáng ngời.

Nguyện chúng sinh an trụ không rời,

Trong bình đẳng xả muôn đời vô ưu.

Vô Lượng Tâm thứ nhất là lòng Từ

Chúng ta phải phát triển lòng từ hướng về tất cả chúng sinh. Bắt đầu từ chính mình, rồi hướng rộng ra đến những người xung quanh mình. Nếu chúng ta ghét những người xung quanh mình, thì chúng ta sẽ không thể thương yêu những người khác nữa, nếu chúng ta rối loạn thì những người xung quanh chúng ta cũng rối loạn. Nếu chúng ta không phát triển được hiểu biết sâu sắc về chính mình thì sẽ rất khó để hiểu được người khác.

Đầu tiên bạn có thể phát triển tâm từ hướng về chính mình, sau đó bạn mới bắt đầu phát triển tâm từ này hướng về những người khác, rồi dần dần mở rộng thêm đến nhiều người hơn và cuối cùng chan trải khắp chúng sinh.

Trên thực tế, rất nhiều bậc thầy đã hướng dẫn chúng ta phát triển Tứ Vô Lượng Tâm hướng về những người mà mình yêu quý, đầu tiên bởi vì như thế sẽ dễ hơn cho sự thực hành, nhưng chúng ta cần hiểu rằng Bồ đề tâm chân thật không giới hạn, vô biên và vô lượng.

Vô Lượng Tâm thứ hai là lòng Bi

Tâm từ là mong ước hạnh phúc và những điều tốt lành cho chúng sinh. Từ là một loại mong nguyện tích cực, ví dụ khi chúng ta mong ước con cái mình, bạn bè mình, gia đình mình được may mắn và hạnh phúc, chúng ta sẽ có rất nhiều hy vọng và mong ước tích cực, đó là lòng Từ. Nếu chúng ta mong muốn chấm dứt khổ đau cho con cái, bạn bè và gia đình chúng ta, đó là lòng Bi. Lòng Bi xuất hiện khi chúng ta nghĩ đến những hoàn cảnh đau khổ, khó khăn mà người khác đang trải qua, và chúng ta mong muốn họ sẽ giải thoát khỏi những khó khăn đau khổ đó.

Trong Đạo Phật, khi thực hành Tứ Vô Lượng Tâm, chúng ta không chỉ nghĩ tới riêng cõi người mà hướng rộng ra tất cả các cõi khác như cõi súc sinh. Ví dụ: khi xem kênh “Khám phá thế giới động vật”, chúng ta sẽ thấy con vật này tấn công con vật khác, rồi chỉ vài phút sau lại có một con vật nữa tấn công con vật này. Tất cả những điều này đang xảy ra dưới biển, trên trời và trên mặt đất. Mặc dù chúng ta không thuộc cõi súc sinh, chúng ta cũng thực sự chia sẻ với cõi súc sinh. Mặc dù chúng ta đang ở trong cõi người, song cõi động vật cũng không khác nhiều với những gì chúng ta đang thấy. Thỉnh thoảng chúng ta cũng có những kinh nghiệm tương tự với loài súc sinh, bởi chúng ta cũng có một vài cách hành xử giống với loài súc sinh, không có nhiều sự khác biệt lắm.

Ở một vài quốc gia, mức độ của cái đói và cái chết mà loài người trải nghiệm cũng tương tự với loài động vật hay loài quỷ đói, con người thường xuyên chịu đau khổ vì đói khát, bệnh hoạn, chết chóc... Bởi vậy, chúng ta cảm thấy bi mẫn hướng về những chúng sinh đó, những con người đó. Chúng ta phải phát lòng đại bi đến cả cõi súc sinh. Theo lời Phật dạy, mỗi chúng ta đều đã gieo nghiệp nhân để tái sinh trong cõi súc sinh, chúng ta có thể là một loài súc sinh trong kiếp tương lai. Tương tự như vậy, loài động vật cũng có thể được tái sinh vào cõi người nếu chúng đã từng giữ gìn ngũ giới. Bởi vậy, Từ Vô Lượng và Bi Vô Lượng là hai khía cạnh chúng ta phát triển mạnh mẽ để trưởng dưỡng Bồ đề tâm, đặc biệt là tâm Bi.

Khi chúng ta khởi tâm từ và tâm bi tới một người mà chúng ta yêu thương nhất, có thể là một người trong gia đình mình hay trong số bạn bè mình, chẳng hạn như tới mẹ của bạn, đó cũng gần như là Bồ đề tâm. Song do tâm từ bi đó chỉ hướng tới một người, nên đó không phải là Bồ đề tâm chân chính. Sự chấp thủ này được gọi là ái kiến theo cách nhìn của Đạo Phật.

Vô Lượng Tâm thứ ba là Xả

Bồ đề tâm cần phải được thực hành với Xả Vô Lượng Tâm. Không nên có sự phân biệt giữa bạn hữu, kẻ thù và tất cả chúng sinh. Mỗi người có một cách khác nhau để phát triển tâm Xả. Một số người phát triển tâm Xả trong giới hạn bạn bè hay những người quen, dần dần mở rộng tâm hướng tới những người hàng xóm, tới cả quốc gia, rồi đến toàn vũ trụ. Một số người cảm thấy không thoải mái khi chúng ta tụng lời cầu nguyện:

Con và hết thảy chúng sinh mẹ vô biên như hư không

“Vô biên” có nghĩa là không hạn cuộc, không giới hạn, và không đếm được. Như vậy nghĩa là không có sự phân biệt. Một số người lại thấy dễ dàng hơn khi nghĩ đến tất cả hữu tình, họ lại cảm thấy rất thoải mái ngay từ buổi đầu thực tập. Bởi vậy mức độ phát triển Bồ đề tâm viên mãn thế nào hoàn toàn tùy thuộc vào sự lựa chọn của bạn.

Có rất nhiều cách để phát triển Bồ đề tâm. Đối với giáo lý Mật thừa, dù thực hành pháp tu có cao cấp tới đâu, nếu thiếu Bồ đề tâm thì hoàn toàn không có nền tảng và vô cùng nguy hiểm. Với bất kỳ pháp môn nào, nếu không có Bồ đề tâm thì nghĩa là không có nền móng. Dù chúng ta có thể thực hành rất nhiều Bản Tôn, nhưng nếu chúng ta không hiểu và thực hành Bồ đề tâm, thì tuyệt đối không có cách nào để đạt được kết quả. Điều này đặc biệt nguy hiểm nếu chúng ta thực hành các Bản Tôn phẫn nộ, với tóc hung đỏ, hàm răng sắc nhọn và cầm kiếm trong tay. Nếu chúng ta quán tưởng và thực hành như vậy để phá hủy người khác hay đạt được năng lực mà thiếu Bồ đề tâm thì không được phép thực hành.


Guru Sengye Drathok, một trong tám hóa thân của Đức Liên Hoa Sinh

Bồ đề tâm là giáo lý căn bản trong truyền thống Đại thừa và càng quan trọng hơn trong truyền thống Mật thừa. Không một trang nào trong các nghi quỹ thực hành của Mật thừa không bắt đầu bằng việc phát Bồ đề tâm. Bởi Bồ đề tâm là nền tảng căn bản của mọi thực hành. Bồ đề tâm rất quan trọng. Mặc dù chúng ta đã hiểu Bồ đề tâm là gì nhưng chúng ta vẫn cần tu tập để phát triển, để thông qua những phương pháp thực hành cụ thể. Những phương pháp thực hành nhằm phát triển Bồ đề tâm cũng rất quan trọng.

Vô Lượng Tâm thứ tư là Hỷ

Theo thứ tự các câu kệ về Tứ Vô Lượng Tâm, Từ Vô Lượng Tâm đứng đầu tiên, Bi Vô Lượng Tâm đứng thứ hai. Mong ước chúng sinh đạt được chân hạnh phúc đứng thứ ba và Xả Vô Lượng Tâm đứng thứ tư. Thực tế trong sự thực hành, chúng ta phải tu tập Xả Vô Lượng Tâm trước tiên. Nhờ nhận biết bản thân mình và tất cả chúng sinh đều bình đẳng, chúng ta phát tâm Từ vô lượng, Bi vô lượng và mong ước tất cả hữu tình đạt được chân hạnh phúc. Nhờ sự thực hành này, trạng thái an lạc, hạnh phúc sẽ xuất hiện trong tâm chúng ta. Khi thực hành Tứ Vô Lượng Tâm chúng ta sẽ thực sự trở nên mạnh khỏe và hạnh phúc, loại hạnh phúc này được gọi là Đại Lạc, còn được gọi là Hỷ vô lượng. Bởi vậy sự phát triển Bồ đề tâm thường bắt đầu với việc thực hành Tứ Vô Lượng Tâm.

(Khai thị của Đức Nhiếp Chính Vương Choegon Rinpoche Chokyi Sengye

Trích ấn phẩm “Những hành giả Yogis của Truyền thừa Drukpa”)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6410419
Số người trực tuyến: