Cách tu nào phù hợp nhất? | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Cách tu nào phù hợp nhất?

Có một vị Tăng cứ đi nhiễu xung quanh một tu viện nơi dãy Himalaya mãi vì nghe nói rằng có người nhờ thế mà đạt được thánh kiến. Ngày qua ngày, vị Tăng nọ cứ đi hoài như thế đến lúc gặp một bậc Thầy giác ngộ. Bậc Thầy vỗ lưng vị Tăng tội nghiệp và nói: "Thật ra thì đi nhiễu quanh một thánh địa cũng được đấy, nhưng tốt hơn là nên tu học tinh yếu pháp Phật". Nghe xong, vị Tăng gật đầu và bắt đầu đọc Kinh sách nằm lòng và tụng niệm. Không bao lâu sau, Bậc Thầy quay trở lại, Ngài lại vỗ lưng vị Tăng và nói: "Tụng Kinh đọc sách thì cũng được đấy, nhưng tốt hơn là nên tu học pháp Phật bao trùm rộng khắp".

Vị Tăng suy nghĩ rất lâu. Cuối cùng vị đó bắt đầu tu tập thiền định. Tất nhiên sau đó Bậc Thầy lại tìm thấy vị Tăng đó ngồi thiền định trong một góc nhà, dùng toàn lực để không nghĩ ngợi tới điều gì cả. Bậc Thầy nói: “À thì ra con đang thiền định, hay thật đó, nhưng tu tập đúng pháp Phật đích thực thì hay hơn nhiều”. Bây giờ thì vị Tăng hoàn toàn mất phương hướng. Không có phép nào mà ông không tu. “Nhưng bây giờ con phải làm gì nữa đây, thưa thầy?”.

“Buông bỏ những gì con đang bám giữ”, bậc Thầy  nói, “Lúc đó, con chính là con và cái đơn giản này chính là bước khởi đầu và cũng là mục đích”.

lần bậc Thầy  được mời thọ thực với các vị Tăng sĩ cao cấp trong phái. Chủ nhà là những tu sĩ giàu có, sống trong các cung điện vùng Penyul, miền Nam Himalaya. Trong điện, họ trang hoàng phòng cầu nguyện một cách lộng lẫy và mời các vị Tăng sĩ an tọa: các vị trưởng lão ngồi trên cao, các vị trẻ tuổi ngồi dưới thấp. Theo tuổi tác bậc Thầy ngồi khoảng giữa và đợi thức ăn đem đến.

Theo truyền thống vùng Himalaya thì bát ăn và chén uống của các vị Lạt-ma lúc nào cũng phải đầy, vì thức ăn được xem là phẩm vật cúng dường lên tâm giác ngộ, mà các vị Lạt-ma là hiện thân của tâm thức đó. Khi chủ nhà và những người hầu cận vừa dọn sữa cho các vị trưởng lão thì Bậc Thầy bắt đầu nóng ruột. Chỉ nhìn qua Ngài đã thấy bình sữa xem ra hơi nhỏ và đến phiên mình chắc đã cạn sạch. Vừa nghĩ đến đó, Ngài tự nói to: "Ôi tham lam". Ngài xoay mặt không nhìn bát gỗ để trước mặt mình và im lặng trước cái nhìn khó hiểu của các bạn đồng tu. Sau đó, người ta đem thêm sữa vào và sắp sửa cho vào bát của Ngài thì Ngài chặn tay lại nói: "Không cám ơn, ý nghĩ tham lam của tôi đã ăn hết phần của tôi rồi".

Theo phương cách này, người tu hành quan sát nghiêm túc những ý nghĩ và cảm nhận chớm nảy sinh trong lòng mình và biến chúng thành những bước tiến bộ trên con đường đạo.

(Lược trích ấn phẩm “Sư tử tuyết bờm xanh”

Nguyên tác: “The Snow Lion’s turquoise mane”

Việt dịch: Nguyễn Tường Bách

NXB Tổng hợp TP. HCM, 1997)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6412014
Số người trực tuyến: