Cảm niệm công đức và đạo hạnh sáng ngời của Hòa thượng Thích Viên Thành
Dòng thời gian có trôi đi, không gian có biến dịch, song công đức và đạo hạnh sáng ngời Pháp thân thanh tịnh của Hòa thượng Thích Viên Thành sẽ còn sống mãi với thời gian vô cùng, không gian vô tận, luôn luôn hằng hữu tỏa sáng trong lòng tăng ni Phật tử Việt Nam và trang Phật sử muôn màu của Phật giáo Việt Nam đương đại.
Khi mới là một cậu bé 12 tuổi, Thầy đã quyết tâm tạm biệt gia đình, quê hương đi tìm lẽ sống cho đời. Một cậu bé mới chớm tuổi học phổ thông cấp hai, chưa hề đặt bàn chân tới một thềm bậc cửa Thiền mà đã mang trong mình một khát vọng thanh cao, mạnh mẽ đi cầu Pháp để cứu oan khiên, đó quả là điều hiếm thấy!
Chú ở lại nhà xây tổ nghiệp
Cháu đi cầu Pháp cứu oan khiên
Kẻ vun cội đức cho tươi tốt
Người đắp nền nhân thật vững bền
Chú cứ yên tâm đừng có ngại
Cháu thề cố gắng quyết tu lên
(Bài “Từ biệt chú đi tu” số 2, tháng 1 – 1962)
Hoàn cảnh đất nước lúc Thầy xuất gia khó khăn, khắc nghiệt vô cùng, vậy mà Thầy vẫn quyết chí học tập, luyện rèn không phút nào ngơi nghỉ. Thầy đã đem tất cả sức lực, tâm trí gửi vào đèn sách, mặc mưa gió, bão bùng của cuộc đời. Nhìn lại những áng thơ Thầy viết trong giai đoạn này khiến lớp hậu bối cảm phục thấm thía đức kính kiên trì, bền bỉ dùi mài kinh sử, bản lĩnh của một bậc chân tu trước cuộc đời dâu bể và một ý chí không thoái chuyển vì tâm nguyện cứu giúp chúng sinh chóng vượt qua “biển nghiệp” để đến bến bờ giải thoát:
Trách đời sinh tử mau ly hợp
Thương cảnh luân hồi chóng tự tan
Hàm thức còn say trong biển nghiệp
Bao giờ chở hết tới nê hoàn?
(Bài “Cảm xúc chiều đông”)
Với sự kỳ vọng của Hòa thượng Bản Sư rằng Thầy sẽ là Pháp khí trong Ðạo Pháp, Thầy xuống núi, bắt đầu tham gia các chương trình đào tạo chính khóa và sự nghiệp hoằng dương Phật pháp. Trên 30 năm tùy duyên hóa độ chúng sinh thực hành Bồ tát đạo, Thầy luôn tâm nguyện kiến lập ngọn đèn chính pháp của Như Lai để soi sáng chúng sinh giữa biển trầm luân trong viễn tưởng tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Nghĩa là sau khi thắp ngọn tâm đăng của chính mình, ta phải tiếp tục nhen lên ngọn tâm đăng ở mỗi chúng sinh từ lâu chưa bén ánh lửa nhiệm màu của chính pháp Như Lai, cốt sao cho ngọn Pháp đăng chiếu rọi không ngừng giữa khổ ải trầm luân đến trần gian vô tận. Như thế, ngoài tự độ ra còn phải thực hiện nhiệm vụ giáo hóa chúng sinh. Tam tạng giáo điển đã đề cao pháp vụ này như một hạnh nguyện tối thượng của hàng Thích tử. Thầy đã làm tròn trọng trách giữa Đạo pháp và Dân tộc, giữa đạo Phật và cuộc đời. Điều này được Thầy thể hiện rõ khi ứng cơ tiếp vận cứu độ chúng nhân trong đời sống bình nhật:
Giữ gìn tổ ấn tông phong
Tốt đời đẹp đạo giữa lòng nhân gian.
Để có một nhãn quan sâu rộng về Phật giáo thế giới, Thầy đã viếng thăm, học hỏi, nghiên cứu Phật giáo các nước như Bhutan, Nepal, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Liên bang Nga, Đức, Pháp….Đặc biệt, với tâm nguyện đem sự thực hành tâm linh lợi ích cho nhân dân Việt Nam, đặc biệt thắp sáng truyền thống Kim Cương thừa vốn đã từng được truyền vào Việt Nam cách đây hơn 1.000 năm, Thầy đã thiết lập mối nhân duyên Phật pháp với các bậc Thượng sư Truyền thừa Drukpa tại vùng Himalaya.
Truyền thừa Drukpa là truyền thống Phật giáo Đại thừa – Kim Cương thừa lừng danh với khả năng tu chứng và sự thực hành tâm linh thanh tịnh của các bậc Yogi giác ngộ, với di sản tâm linh quang vinh siêu việt suốt 1.000 năm phụng sự nhân loại và vũ trụ. Truyền thừa được hoằng dương mạnh mẽ tại Việt Nam nương ân đức của Thầy!
Tuy đã nhẹ gót thang mây, thâu thần trực vãng, nhưng với lòng từ bi vô lượng, Thầy vẫn âm thầm gia trì bảo hộ và kết nối các hành giả Việt Nam với bậc Kim Cương Thượng sư giác ngộ. Nhiều năm sau đó, vâng lời di huấn của bậc Thầy mình, các đệ tử của Thầy vẫn tiếp tục tìm cầu Giáo pháp từ các bậc Thượng sư giác ngộ, và cuối cùng họ đã hạnh ngộ Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, Bậc lãnh đạo tâm linh tối thượng của Truyền thừa Drukpa tại Ladakh vào năm 2004.
Nhân duyên Phật Pháp đã hội đủ trong Đại lễ thành tựu giả Naropa, khi Đức Pháp Vương khoác lên mình Sáu Sức Trang Hoàng của Naropa. Theo lời thỉnh cầu tha thiết chí thành từ các đệ tử của Thượng tọa, Đức Pháp Vương đã hoan hỷ nhận lời quang lâm Việt Nam lần đầu tiên vào cuối năm 2007, và sau đó Ngài liên tục quay trở lại Việt Nam, gieo những hạt giống giác ngộ và sự phát triển mạnh mẽ của truyền thừa Drukpa vì lợi ích vô số người dân và hữu tình Việt Nam.
Nhân kỷ niệm ngày giỗ của Thầy, hàng đệ tử chúng con xin hướng về Thầy chí thành đỉnh lễ và thành tâm cảm niệm ân đức sâu dày Thầy đã hướng đạo cho chúng con trên hành trình giác ngộ siêu việt vì lợi ích hết thảy hữu tình!
CẢM NIỆM ÂN SƯ
Mưa chiều khói nước đượm Hương Sơn
Văng vẳng di ngôn dạ chạnh buồn
Cảnh cũ người xưa bao kỷ niệm
Nhớ Thầy nhớ dáng Chúng Trung Tôn
Ơn giáo dưỡng sinh thành nên tuệ mạng
Nghĩa thầy trò muôn kiếp trả chưa xong
Mưa Kinh gió Pháp lời khuyên dạy
Ôm cả Ta bà cõi sắc không
Hiện thân giữa trốn bụi hồng
Ưng vô sở trụ tâm không não phiền
Tùy duyên hóa độ vô cầu
Làm Thầy mô phạm dẫn đầu chúng sinh
Nhớ Thầy một thủa ra đi
Danh thơm vẫn để thế gian muôn đời
Pháp thân lồng lồng tuyệt vời
- 280
Viết bình luận