Chuyển hóa nghiệp vào giây phút lâm chung
Khi đối diện với cái chết, bên cạnh những nghiệp thiện và bất thiện chúng ta đã tích lũy trong suốt đời sống đã qua, một nhân tố quan trọng khác quyết định quả báo tái sinh là trạng thái của tâm trước lúc chết (hay còn gọi là cận tử nghiệp).
Một trạng thái tâm tích cực - chấp nhận, tĩnh lặng, và tràn đầy tình yêu thương - sẽ kích hoạt những dấu ấn nghiệp tốt và đưa đến một tái sinh may mắn. Một trạng thái tâm tiêu cực không chấp nhận, đắm chấp vào con người hoặc tài sản hoặc sân giận với những gì chúng ta đang gặp phải sẽ kích hoạt những dấu ấn nghiệp xấu, thúc đẩy tâm chúng ta đến một tái sinh không an lành.
Nếu một người đã huân tập rất nhiều thiện nghiệp trong đời sống, khi cái chết xảy đến, người đó có thể được chư Phật, Bồ tát tiếp dẫn về cõi Tịnh độ của các Ngài. Ngược lại, nếu ác nghiệp sâu dày, thần thức người chết sẽ trải nghiệm những ác cảnh vô cùng khủng khiếp như những binh đoàn người và thú dữ ghê rợn tới đòi mạng sống của mình. Giáo lý đạo Phật nhấn mạnh vào tầm quan trọng của cận tử nghiệp quyết định giải thoát hay đọa lạc. Trước giờ phút cái chết, chúng ta phải biết tích lũy, thực hành thiện nghiệp, hướng tâm chí thành lên chư Phật và Bồ tát mười phương, tuyệt đối tránh khởi tâm sân hận hay ác niệm bởi điều này có thể dẫn dắt thần thức đọa thẳng vào ba đường dữ.
Khi một người có dấu hiệu đang cận kề cái chết, chúng ta nên nỗ lực thực hành chuyển di tâm thức và đọc những khai thị về chuyển di tâm thức nhiều lần hay thực hành pháp này liên tục, đồng thời nhắc nhở người hấp hối phát tâm Bồ đề, liên tục nhắc nhở những thiện nghiệp họ từng tạo ra và tránh gợi lên trong họ những xúc tình bất thiện. Vào thời điểm này nếu chúng ta không giữ cho người chết được yên tĩnh mà khóc lóc, ồn ào hay sẽ khiến tâm thức họ bị rơi vào các xúc tình tiêu cực như: sân giận, tật đố, trạo hối, ân hận… Dưới góc độ “cận tử nghiệp”, đây là điều rất nguy hiểm.
Những câu chuyện kinh điển về cận tử nghiệp
1. Sân giận đọa làm rắn
Cái chết vị vua A Dục (Asoka), vị Hoàng đế được biết đến như một bậc Hộ trì Phật pháp vĩ đại, là minh chứng sinh động cho năng lực dẫn sinh của nghiệp cận tử. Trong lịch sử, vua A Dục đã từng xây cất 84.000 cảnh chùa, 84.000 Đại bảo tháp, đài thọ chi phí cho kỳ kiết tập Kinh điển lần ba, thực hành vô số thiện hạnh hướng về Tam Bảo. Khi sắp lâm chung, vua ra lệnh đem của cải trong kho ra bố thí trọng đại để làm phúc trước khi chết. Khi vị quan giữ kho phản đối, nhà vua tức giận về điều này rồi chết. Sự sân hận đó khiến Ngài phải đầu thai làm con rắn độc trong vườn Ngự uyển chờ cơ hội thuận tiện cắn chết ông quan giữ kho để trả thù. Nhưng nhờ có công đức tích lũy từ đời trước, sau gặp được vị Sa-môn vì rắn thuyết pháp, do nghe pháp nên đức Vua mới được thoát thân rắn, sinh lên cõi Trời.
2. Luyến ái đọa làm ngã quỷ
Thủa xưa, ở thành Vương Xá có gia đình phú ông rất giàu có nhưng chỉ sinh được một cậu con trai duy nhất. Được cha mẹ cưng chiều, cậu không chịu học hành, suốt ngày chỉ biết vui chơi hưởng thụ. Khi cha mẹ lần lượt qua đời, do quen lối sống phung phí, chẳng mấy chốc gia sản cha mẹ để lại tiêu tán hết. Chàng trai trở nên nghèo khó và trở thành kẻ hành khất không nhà cửa. Bị một tên trộm lôi kéo vào một vụ trộm lớn tại nhà một người giàu có, chàng trai bị bắt và xử tử hình. Trên đường đưa tới nơi hành quyết, có người kỹ nữ đẹp nhất thành nhận ra cậu con trai phú ông, động lòng nhớ lại tình xưa, bèn nhờ người gửi đến cho người tử tội một bữa ăn ngon cuối cùng.
Cùng lúc ấy, Tôn giả Mục Kiền Liên cũng đang ở trong thành Vương Xá. Ngài dùng thiên nhãn quán sát thấy tình cảnh nguy khốn của người tử tủ và cõi giới mà chàng trai sẽ phải đọa lạc do trong đời chưa hề làm được việc thiện nào. Ngài liền hiện ra ngay phía trước tội nhân, khiến chàng trai khởi sinh niềm vui kính tín sâu sắc đối với vị tu sĩ uy nghiêm đức hạnh. Chàng liền phát tâm cúng dàng bữa ăn cuối cùng lên Tôn giả Mục Kiền Liên. Ngài Mục Kiền Liên từ bi hoan hỷ thọ nhận bữa ăn, hồi hướng chú nguyện cho chàng trai rồi ra đi.
Chàng trai sau đó bị hành hình. Trước khi chết, nhờ tâm kính tín đối với Trưởng lão Mục Kiền Liên cũng như công đức cúng dàng bữa ăn lên một bậc A-la-hán, chàng có đủ phúc báo để tái sinh lên cõi Trời. Tuy nhiên, cũng ngay cùng lúc đó, tâm hồn chàng xúc động khi nghĩ đến nàng kỹ nữ và mối chân tình của nàng đối với chàng khi sắp chết, một niềm luyến ái sinh khởi mạnh mẽ. Vì sự trói buộc này mà chàng tái sinh làm một vị thần cây trong khu rừng bên ngoài thành Vương Xá, ôm ấp mong nguyện sẽ được gặp lại nàng kỹ nữ.
3. Đỉnh lễ Phật sinh cõi Trời
Vào thời đức Thế Tôn đang trú ngụ tại thành Vương xá, Ngài quán sát thấy tại khu vực của dân chúng Chiên-đà-la, tầng lớp xã hội khốn cùng không ai tiếp xúc, có một bà lão sắp mạng chung và một ác nghiệp sẽ đưa bà đọa thẳng xuống địa ngục.
Để cứu độ bà lão tái sinh cõi lành, Đức Phật cùng đại chúng Tỳ kheo vào thành Vương Xá khất thực đúng lúc bà lão Chiên-đà-la đang chống gậy ra khỏi thành. Thấy Đức Thế Tôn đến gần, bà dừng lại. Tôn giả Mục Kiền Liên bèn giục bà đỉnh lễ Đức Thế Tôn. Khi bà lão lắng nghe lời Tôn giả, lòng đầy xúc động, bà phát khởi tín tâm hướng về bậc Đạo sư, đỉnh lễ Ngài với năm phần thân thể sát đất, và do lòng hoan hỷ trước Đức Phật, bà nhất tâm đứng yên lặng cúi đầu.
Ngay lập tức sau đó, một con bò cái chạy trốn cùng với bê con, lao về phía bà lão, lấy cặp sừng húc bà mạng chung. Nhờ cận tử nghiệp tốt lành thành tâm đỉnh lễ Đức Phật mà bà lão được tái sinh lên cõi Trời.
Nhóm ĐBT biên soạn
- 1276
Viết bình luận