Công Chúa Xử Kiện
Thuở xưa, có ba anh em trai cùng thừa hưởng gia sản của cha mẹ họ để lại. Vốn tin cậy và thương yêu nhau, họ không phân chia tài sản mà cùng chung hưởng…
Ðược ít lâu người anh cả chợt khám phá ra rằng viên ngọc quý, gia tài chung của ba người bỗng nhiên biến mất. Ba anh em đồng ghi nhận rằng, ngoài họ ra, không ai có thể đánh cắp viên ngọc và ai cũng lắc đầu lên án thủ phạm cả. Nội vụ được đưa lên huyện tỉnh, rồi triều đình mà vẫn chưa tìm ra manh mối.
Quốc vương của họ có một nàng công chúa trẻ tuổi, rất mực thông minh. Biết được sự bế tắc của vụ án, công chúa xin phép cha cho nàng được làm quan tòa xử kiện. Ðức vua bằng lòng, công chúa bèn mặc áo thẩm phán, ngồi ghế quan chánh thẩm và xét khẩu cung ba người tình nghi. Họ đều nhất trí rằng một trong ba anh em, phải có một kẻ đánh cắp viên ngọc.
Công chúa bèn kể cho họ và đình thần nghe một câu chuyện cổ tích. Chuyện rằng:
“Ngày xửa ngày xưa, có một công chúa nhỏ. Mỗi ngày, bác giữ vườn đều tặng cô một đóa hoa hồng đỏ thật xinh xắn. Công chúa thường nhận đóa hoa với một nụ cười và câu nói đã thành thông lệ: “Ngày nào ta về nhà chồng ta sẽ đến nhà thăm bác với một đóa hoa hồng bằng vàng”.
Bác làm vườn chỉ mỉm cười, vái chào công chúa rồi ra về. Nét mặt và nụ cười của bác khiến công chúa đoán rằng bác không tin mình nói thật. Vì thế công chúa giận dỗi bảo:
- Rồi bác xem, ta sẽ đến ngay đêm tân hôn và chỉ đến một mình.
Ngày tháng dần qua, đã đến ngày công chúa về nhà chồng. Trong đêm tân hôn, công chúa thủ thỉ kể lại lời hứa năm xưa với vị phò mã và xin phép chàng cho mình giữ tròn lời hứa. Vị tân lang bằng lòng… Công chúa bèn lẻn ra vườn ngự uyển một mình trong y phục cô dâu và một đóa hồng vàng trên tay.
Trên đường đi công chúa gặp một tên cướp, hắn chặn đường đòi giết nàng và cướp nữ trang.
Công chúa kể lại câu chuyện, van xin hắn cho phép nàng làm tròn lời hứa rồi bận về sẽ hành động tùy thích. Tên cướp bằng lòng, công chúa lại tiếp tục lên đường.
Ðược một đoạn, nàng gặp một con cọp đói, cọp đòi ăn thịt công chúa… Nhưng rồi cũng giống như tên cướp, con cọp gia hạn cho công chúa được sống đến lượt về.
Công chúa đến nhà bác giữ vườn, bác ta nhận đóa hồng vàng mà nước mắt rưng rưng vì xúc động. Bác tình nguyện đưa công chúa về hoàng cung với những đóa hồng đẹp nhất trong vườn. Thấy bóng dáng vạm vỡ của bác, con cọp cùng tên cướp đồng trốn mất”.
Kể xong câu chuyện, công chúa bèn hỏi ý kiến ba anh em về các nhân vật trong đó, ai là người có tâm hồn bao dung, rộng lượng nhất.
Người anh cả đáp:
- Tâu công nương, đó là vị phò mã. Một tâm hồn nhỏ nhoi không thể nào cho phép vợ mình mới cưới đi như thế được…
Người thứ hai bảo:
- Ðó là con cọp, nó đã chiến thắng cái đói.
Người em út:
- Ðó là tên cướp, hắn đã chiến thắng lòng tham.
Công chúa bèn hỏi lại người anh cả:
- Người có vợ rồi chứ?
- Thưa đã có.
- Thế còn các em ngươi?
- Thưa, chưa ạ!
Công chúa hỏi người thứ hai:
- Có phải bình thường, ngươi là một kẻ phàm ăn?
Người anh cúi đầu, hai người kia xác nhận là đúng. Công chúa bèn kết luận:
- Người anh cả đã ca ngợi phò mã vì anh ta đứng cương vị một người chồng, người thứ hai ca ngợi con cọp vì anh ta là kẻ phàm ăn, người thứ ba ca ngợi tên cướp. Vìì anh ta là kẻ trộm ngọc… Thông thường, ta hay ái mộ ca ngợi kẻ nào đồng khí với mình… Có phải thế không nào?
Người em út đành thú nhận rằng anh đã lấy viên ngọc. Mọi người vỗ tay vang rền để ca ngợi nàng công chúa xử kiện.
Bạn thân mến!
Vậy thì hóa ra khi chúng ta ái mộ, ca tụng thần tượng, một nhân vật nào đó, nhiều khi không phải vì những đức tính cao thượng của họ, mà chỉ vì họ đã có những cái… tật giống hệt ta. Chuyện khó nghe và khó tin, nhưng có thật, phải không bạn?
(Trích ấn phẩm: “Hư hư lục”
Tác giả: Thích Nữ Như Thủy)
- 481
Viết bình luận