Cuộc đời Đức Phật qua tranh vẽ | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Cuộc đời Đức Phật qua tranh vẽ

Trong Kinh Đức Phật có dạy: “Như Lai ra đời vì hạnh phúc của số đông, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, an lạc, hạnh phúc cho chư thiên và loài người”. Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên xin gửi tới Quý vị bộ ảnh về cuộc đời Đức Phật, Thích Ca Mâu Ni do các họa sĩ người Myanmar họa vẽ, giúp Quý vị hiểu thêm những sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Ngài.

Các hàng Chư Thiên cung thỉnh Bồ Tát từ giã cõi trời Tusita (Đâu Xuất) xuống trần.

Nhận lời thỉnh mời, Ngài rời thiên cung, giáng trần tại thành Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ) trong dòng vương tộc Sakya (Thích Ca)

Lúc đản sinh từ lòng mẹ, Ngài bước đi bảy bước, chân nở bảy đóa sen.

Đạo sĩ Asita (A Tư Đà) thấy sắc tướng của bậc Đại Nhân bèn đỉnh lễ.

Cả 8 thầy Bà La Môn đều xin đặt tên là Siddhattha (Tất Đạt Đa), nghĩa là thành tựu.

Thuở thiếu thời Ngài từng đắc Sơ Thiền khi ngồi dưới gốc cây mận, trong buổi lễ Hạ Điền.

Thái tử trổ tài thiện nghệ giương cung, tiếng dây bật vang lừng khắp thành đô.

Thái tử Siddhattha đã làm lễ thành hôn với Công chúa Yasodhara (Da Du Đà La) của kinh thành Devadaha (Đề Bà Đa Ha).

Khi đi dạo khắp kinh thành, Ngài thấy 4 điềm thiên sứ hiện là: Già, Bệnh, Chết và Sa Môn.

Đang tắm ở hồ sen, quân hầu đến tâu cho biết là Công chúa Da Du Đà La đã sinh hạ Thái Tử.

Tỉnh ngủ giữa đêm khuya, Ngài thấy hình ảnh các cung nữ bèn nảy sinh sự nhàm chán.

Trong đêm, Ngài đến thăm Công chúa Da Du Đà La và con trai Rahula (La Hầu La). Ngài quyết định xuất gia.

Ma vương Vassavati (Ba Tuần) đến cản và bảo rằng chỉ còn 7 ngày là Ngài sẽ được cai trị quốc độ, nhưng không được kết quả gì.

Bên dòng sông Anoma (A-nô-ma), ngài dùng gươm cắt tóc và nguyện thành người xuất gia.

Cho người hầu Channa (Xa Nặc) đem gươm và ngựa Kanthaka (Kiền Trắc) trở về kinh thành báo cho Đức vua Suddodhana (Tịnh Phạn) biết chuyện.

Channa xin được xuất gia luôn nhưng không được. Ngựa Kanthaka thấy ngài không lay chuyển, lòng bịn rịn rơi nước mắt.
Ngài đi qua thành Rajagaha (Vương Xá), dân chúng thấy dáng Đại Nhân tướng bèn bàn tán xôn xao khắp nơi.

Đức vua Bimbisara (Tần Bà Sa) ngự đến thưa rằng nếu Ngài chứng đạo thì xin về độ cho mình trước tiên.
Học tập với đạo sĩ Alara (A-la-la) đến hết khả năng của thầy, nhưng vẫn chưa phải là con đường giác ngộ nên Ngài từ giã ra đi.
Ngự đến tu viện của đạo sĩ Udaka Ramaputta (Uất Đầu Lam Phất), Ngài vẫn chưa thấy được ánh sáng giải thoát.
Ngài ngự đến thôn Uruvela (Ưu Lâu Tần Loa), một nơi an lành, mát mẻ, với dòng sông trong vắt chảy qua và có nhóm anh em Kondanna (Kiều Trần Như) đến cùng tu học.
Ngài bắt đầu hành pháp khổ hạnh, nhịn ăn, nín thở… Chư Thiên đem vật thực cõi trời đến dâng nhằm bảo toàn tính mạng cho Ngài.
Năm anh em Kiều Trần Như hầu cận Ngài lúc hành pháp khổ hạnh, Chư Thiên bèn gảy đàn 3 dây để nhắc nhở: “Ngài không nên hành pháp cực đoan”.
Vào ngày Đại Giác Ngộ, có bà Sujata (Tu Xà Đề) dâng sữa vì nghĩ rằng Ngài là một vị Thọ thần.
Ngài thả mâm vàng và nguyện rằng sắp tới nếu đạt quả Vô thượng Bồ Đề thì mâm sẽ trôi ngược dòng.
Mâm trôi một đoạn rồi chìm xuống đáy nước đụng phải ba cái mâm trước đó. Việc này làm cho rồng chúa thức giấc và biết rằng có thêm một vị Phật vừa mới giác ngộ.
Ma vương dẫn đạo quân đến giao chiến, Nữ thần đất đai vuốt tóc biến thành đại dương, cuối cùng Ma vương bại trận.
Ngài đại ngộ thành Đức Phật Chính đẳng chính giác vào ngày mồng 8 tháng 12 (theo truyền thống Bắc truyền).

Dưới cội Bồ Đề, trời đổ mưa dữ dội, có rắn chúa đến cuộn quanh và bành mang che đỡ mua gió cho Ngài.
Hai thương gia đến dâng cơm cho Ngài và xin quy y trở thành hai cư sĩ đầu tiên.

Ngài thấy nản lòng trong việc truyền bá giáo pháp, nhưng Phạm Thiên Sahampati cung thỉnh ngài thuyết pháp độ sinh.

Ngài nghĩ đến chúng sinh cũng như bốn loại hoa sen.

Khi ngự hành để độ cho 5 anh em Kiều Trần Như, Ngài gặp ngoại đạo Upakajivaka giữa đường.
Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên Kinh Chuyển Pháp Luân, giúp cho Ngài Kiều Trần Như đắc Pháp Nhãn.
Trưởng giả Yasa (Da Xá) chán chường gia cảnh, đi vào rừng gặp Đức Phật, được nghe pháp và đắc quả Arahanta (A La Hán) xuất gia thành Tỳ-khưu.
Bên dòng sông Neranjara, Đức Phật gặp Uruvela Kassapa (Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp) và đồ chúng là những người theo đạo thờ lửa.
Ngài xin nghỉ tại đền thờ lửa, Rồng chúa ở đấy bèn phun khí độc làm hại, Ngài dùng thần thông áp đảo và bắt nhốt vào bình bát.
Thủy tai hoành hành, nước lụt ngập tràn nhưng không đến được chỗ Ngài ngự, các tu sĩ bện tóc thấy điều diệu kỳ bèn xin xuất gia theo.
Ngài Moggallana (Mục Kiền Liên) và Ngài Sariputta (Xá Lợi Phất) đến xin xuất gia về sau đắc quả A La Hán trở thành nhị vị Thượng thủ đệ tử phía Tả và phía Hữu.
Đức Phật truyền dạy Ovada-patimokkha (Giải thoát giáo) đến 1250 vị Thánh tăng A La Hán vào đêm rằm tháng giêng.
Vua cha hay tin, đến trách cứ rằng điều đó trái với truyền thống của dòng dõi vua chúa, và cung thỉnh Ngài trở về triều hưởng lạc.
Hoàng hậu Da Du Đà La khóc than tâm sự khi Ngài về thăm Ca Tỳ La Vệ.
Đức Phật giao cho Xá Lợi Phất làm thầy tế độ cho hoàng nhi La Hầu La xuất gia làm vị Sa-di đầu tiên trong Giáo đoàn.
Bằng trí tuệ, Ngài quán xét chúng sinh và thấy Angulimala (Ương-câu-lê-ma-la) sẽ giết mẹ rồi bị đọa vào A-tỳ địa ngục.
Angulimala đuổi theo Đức Phật nhưng chẳng kịp bèn gọi Ngài hãy dừng lại. Ngày dạy: “Ta đã dừng rồi còn ngươi chưa chịu dừng”.
Devadatta (Đề Bà Đạt Đa) biểu diễn thần thông cho Thái tử Ajatasattu (A Xà Thế), con Đức vua Bimbisara, nảy sinh đức tin nhằm hy vọng Thái tử bằng lòng theo kế hoạch xấu xa của mình.
Devadatta cho thợ săn đến sát hại Đức Phật, nhưng gặp Ngài rồi lại nẩy sinh đức tin trong sạch và buông vũ khí, nghe Pháp đắc đạo.
Devadatta biết lỗi, buồn rầu đến độ hộc máu, muốn được sám hối, nhưng cuối cùng đã bị đất rút xuống hỏa ngục trước khi được gặp Đức Phật.

Thần y Jivaka Komarabhacca, bác sĩ thường trực của Đức Phật chế thuốc chữa cho Ngài đến lúc khỏi bệnh.
Đức Phật cho phép Tỳ-khưu được mặc y do thí chủ dâng cúng, không nhất thiết chỉ mặc một loại y pamsukula (phấn tảo y) theo lời thỉnh cầu của thần y Jivaka.
Ngài ngăn cản không cho hai phía bà con bên ngoại và bên nội tranh giành nhau sử dụng nước từ con sông Rohini (Rô-hi-ni) chảy qua.
Ngài đến viếng thăm Vua cha đang lâm trọng bệnh, thuyết pháp tiếp độ, cuối cùng phụ hoàng đắc quả A La Hán và nhập diệt.
Biểu thị song thần thông, uy hiếp chúng ngoại đạo bằng cách trồng hạt xoài và tưới bằng nước rửa tay, chốc lát cây xoài mọc lên rất nhanh.
Ngài hiện thân lên cung trời Tavatimsa (Đao Lợi) nhập hạ, thuyết tạng Vi Diệu Pháp độ Phật mẫu Maya (Ma-ya).
Lần nọ, nhập hạ một mình có voi chúa và khỉ chúa hộ độ tại rừng Pailaya.
Ngài Ananda (A Nan) cầu thỉnh Đức Phật tiếp tục trụ thế độ sinh, nhưng ngài dạy rằng đã quyết rồi, ba tháng nữa sẽ nhập Đại Niết Bàn.
Ngài nhận bữa ăn cuối cùng từ ông Cunda (Thuần Đà), căn dặn phần còn lại đem chôn đi.
Ngự hành đến thành Kusinara (Câu Thi Na), Ngài lâm bệnh nặng, cho thị giả Ananda múc nước uống đỡ khát.

Truyền cho ngài Ananda chuẩn bị chỗ nghỉ dưới hai cội cây sala đang trổ hoa thơm ngào ngạt. Ngài nằm nghiêng xuống, quyết không dậy nữa.
Đức Ananda dằn lòng không được khóc lóc than vãn bên ngoài.
Đức Phật căn dặn chư Tăng lấy Pháp và Luật làm thầy, rồi nhập Niết Bàn.
(Nguồn: www.phatgiao.org)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6411738
Số người trực tuyến: