Để có cái nhìn lạc quan về Nghiệp báo | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Để có cái nhìn lạc quan về Nghiệp báo

Thiền quán về Nghiệp

Khi mãn vận dù Vua hay Chúa
Cũng giã từ của cải, giàu sang.
Bạn bè, quyến thuộc họ hàng,
Đi đâu ta cũng chẳng mang được gì,
Chỉ duy có có nghiệp mang đi,
Theo như hình bóng không trừ một ai.

Nghiệp là một chủ đề quán niệm vô cùng rộng và sâu. Để khởi đầu, bạn hãy luôn khắc cốt ghi tâm lời dậy sau đây của chư Phật: “Đừng làm điều ác. Hãy làm tất cả điều lành và chế ngự tâm mình”. Đây là chìa khóa của sự thực hành giải thoát khỏi đau khổ để chứng đạt được chân hạnh phúc.

Nghiệp (tiếng Phạn là “karma”) có nghĩa là “hành động” của thân, khẩu, ý - một tiến trình trong đó những hành động của chúng ta trong hiện tại là nhân của những quả báo chúng ta phải gánh chịu trong tương lai. Những hành động đó cần phải được dẫn dắt bởi một tác ý. Bởi một hoạt động của thân, khẩu, ý mà không được dẫn dắt bởi một tác ý thì nó sẽ không nhận lãnh một quả báo nào. Ví dụ khi bạn khởi lên tâm xót thương chúng sinh muốn bố thí, đấy là tác ý thiện và có hành động bố thí, hành động đó là thiện nghiệp. Khi bạn khởi tâm sân giận và có hành động đánh người, thì hành động đó là bất thiện nghiệp. Một hành động dù rất nhỏ cũng tạo thành nghiệp, bởi vì nó đã có được một tác ý dẫn đầu. Những hành động thiện sẽ dẫn đến quả bảo thiện ví dụ một tái sinh tốt trong các đời kế tiếp, sức khỏe tốt, mọi ước nguyện đều thành tựu, được mọi người tôn trọng và quý mến. Những hành động bất thiện sẽ mang đến quả báo khổ đau ví dụ có một tái sinh xấu như sức khỏe yếu, mong ước không được thành tựu, bị mọi người xung quanh xỉ nhục, lăng mạ.
 

Quy luật nghiệp cũng được biết là quy luật nhân quả, nhưng khi sử dụng từ “quy luật”, chúng ta nên hiểu là quy luật của tự nhiên giống như là quy luật lực hút trái đất thay vì được hiểu là luật do ai chế tạo ra. Thông qua thiền định nội chứng, Đức Phật đã giác ngộ về quy luật nghiệp, giải thích quy luật đó giúp chúng ta biết kiểm soát hành vi và cuộc sống của mình. Nếu trưởng dưỡng được hiểu biết đúng đắn về quy luật nghiệp, chúng ta sẽ hạn chế những hành động bất thiện và thực hiện các thiện hạnh để có nhiều giây phút hạnh phúc hơn và vơi bớt đi khổ đau. Một cách nhậm vận tự nhiên quả báo sẽ theo sau tất cả những hành động của chúng ta. Điều này cũng giống như muốn có sức khỏe tốt thì chúng ta nên lựa chọn những thực phẩm lành mạnh bổ dưỡng, và ngược lại, chúng ta sẽ không thoát khỏi ốm đau nếu dùng những món đồ ôi thiu hay độc hại không có lợi cho sức khỏe. Như thế, chúng ta chịu trách nhiệm hoàn toàn về hành vi của mình, không có Đấng thứ ba tồn tại bên ngoài nào khen thưởng cho những thiện nghiệp hay trừng phạt những hành động bất thiện của chúng ta.
 
Lưỡi dao hại người và Lưỡi dao cứu người
 
Có nhiều người, thậm chí không phải Phật tử, trưởng dưỡng được niềm tin xác quyết tự nhiên về quy luật nghiệp. Cũng có nhiều người có thể trưởng dưỡng trí tuệ hiểu biết một cách tương đối về nghiệp qua trải nghiệm thực tế hoặc cảm nhận trực giác về nghiệp trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều kẻ khác giữ tâm nghi ngờ và đòi hỏi những bằng chứng rõ ràng, trực tiếp và cụ thể để được thuyết phục về quy luật này. Họ bị dính mắc vào sở tri chướng của tư duy bên ngoài, mà không hiểu được rằng khó có thể đưa ra những bằng chứng cụ thể cho sự vận hành của nghiệp vì nghiệp vốn ở trong tâm, mà tâm thì phi vật chất. Cách nghiệp vận hành là khi chúng ta hành động với thân, khẩu, ý, một dấu ấn vi tế sẽ để lại trong dòng tâm thức chúng ta giống như những dấu ấn để lại trong cuộn phim của máy ảnh khi chúng ta chụp ảnh. Khi có đầy đủ nhân duyên và điều kiện phù hợp thì dấu ấn trong tiềm thức sẽ hiện ra dưới hình thức của những trải nghiệm đã diễn ra trước đây trong tâm của chúng ta, tương tự như bức ảnh đã được vật chất hóa khi cuộn phim được rửa thành ảnh.
 

Các bậc Thầy dạy rằng ở mức độ nhất định chúng ta có thể nhìn thấy sự vận hành của nghiệp trong đời sống. Khi tâm chúng ta trong trạng thái không tốt - bất mãn với bản thân và cuộc sống hoặc sân giận với thế giới xung quanh - thì mọi việc sẽ không suôn sẻ, ta sẽ gặp nhiều rào cản và điều tiêu cực khác. Nhưng khi tâm chúng ta trong trạng thái tích cực, tôn trọng và quan tâm đến mọi người, chắc chắn chúng ta sẽ có nhiều trải nghiệm tốt. Những trải nghiệm này là bằng chứng rằng thái độ và hành vi của chúng ta đã ảnh hưởng đến những gì diễn ra trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
 
 
Nếu bạn thấy rằng những lý giải về quy luật Nghiệp như vậy chưa hoàn toàn thuyết phục, tốt nhất bạn hãy kiểm tra lại lý do của sự chối bỏ này, và tự hỏi bản thân mình xem liệu đó có phải là những lý do chính đáng hay cố thủ? Ví dụ bạn khó có thể chấp nhận quy luật nghiệp bởi đó là một quan điểm xa lạ với truyền thống văn hóa, với các hệ tham chiếu đạo đức, giáo dục, triết lý,… mà bạn đang được biết. Vậy phải chăng đó là lý do chính đáng để bạn từ chối quy luật này?

Một vài người lại có quan điểm về nghiệp theo xu hướng tiêu cực. Họ nghĩ rằng: “Tôi gặp rất nhiều chướng ngại trong đời sống, chắc hẳn tôi đã làm nhiều điều không tốt trong quá khứ, bởi vậy tôi là ‘một người xấu’”. Đây là quan kiến sai lầm. Không có cái gì gọi là “một người xấu”. Tất cả những ai chưa giác ngộ thì tâm đều bị phiền não, vô minh và ảo tưởng chi phối, dẫn đến những hành động không khéo léo, có trí tuệ và tạo ra những rắc rối cho chính mình và mọi người xung quanh, nhưng điều này không phải là bản chất thật của chúng ta. Tất cả chúng ta đều có khả năng và tiềm năng thoát khỏi vô minh, ảo tưởng, phiền não và cả những ác nghiệp để trở thành một bậc toàn tri với lòng từ bi hướng đến tất cả chúng sinh như chư Phật, chư vị Bồ tát hay các bậc Thầy giác ngộ. Chúng ta không thể thay đổi những gì ta đã làm trong quá khứ, nhưng từ giờ phút này trở đi, chúng ta có thể thay đổi bản thân mình, và giáo lý nghiệp chỉ cho chúng ta phương cách thay đổi.
 
Thấu hiểu tầm quan trọng của Nghiệp sẽ giúp chúng ta hiểu được làm thế nào để sống và hành động cho tốt và trở thành người tốt. Nếu bạn không hiểu về quy luật Nghiệp, hay nói cách khác bạn không hiểu Giáo Pháp linh thiêng này của Đức Phật, thì bạn sẽ không hiểu tầm quan trọng của việc trở thành người tốt. Như thế chúng ta sẽ sống và tiếp tục có những hành động bất thiện như sát sinh, trộm cắp, lừa đảo, nói dối… Chúng ta cứ tiếp tục tạo bất thiện nghiệp như vậy, chỉ vì không tin và hiểu định luật về nghiệp. Chúng ta cần hiểu thế nào là “một người xấu" và “một người tốt”. Ví như mỗi buổi sáng, ở thành phố có biết bao nhiêu sinh mạng gà, lợn, trâu, bò bị sát hại để đáp ứng nhu cầu khoái khẩu của con người. Những con vật này không biết nói, không biết kháng cự, không thể tự bảo vệ, chúng chỉ biết kêu thét vì sợ hãi. Nhưng chúng ta vẫn thản nhiên cắt cổ, mổ bụng, chọc tiết, moi gan chúng. Có người có thể giết chết hàng triệu con vật trong một giờ mà vẫn nghĩ rằng mình là người tốt. Đây là cách nghĩ thật vô minh, sai lầm. Vì thế, Đức Phật từ bi đã chỉ dạy cho chúng ta tin và hiểu về Nghiệp để trở thành người tốt, luôn làm việc tốt, nhờ thế sẽ thoát khỏi khổ đau và nguyên nhân đau khổ. Không những thế, Đức Phật Thích Ca không chỉ muốn chúng ta thoát khỏi khổ đau, Ngài còn muốn chúng ta thoát khỏi những nguyên nhân của đau khổ, tức là từ bỏ sát sinh, lừa đảo, nói dối… mười điều bất thiện và tất cả việc ác khác, vì những nghiệp ác này là nguyên nhân lôi kéo chúng ta vào vòng quay của luân hồi sinh tử. Như vậy là nhờ hiểu rõ giáo lý về Nghiệp, chúng ta sẽ thực hành nhiều điều thiện và trở thành người tốt, qua đó dần thoát khỏi những khổ đau.
 
Cá sau khi đánh bắt được đem vào hầm đông lạnh

Toàn bộ hệ thống giáo lý Nguyên thủy, Đại Thừa hay Kim Cương Thừa đều dựa trên nền tảng của Nghiệp. Không có bất kỳ giáo lý nào của Đức Phật Thích Ca, mà không dựa vào quy luật của Nghiệp. Bởi vậy, chúng ta phải tin hiểu Nhân Quả, phải hiểu Nghiệp là gì, tại sao Nghiệp có ảnh hưởng vô cùng quan trọng đối với đời sống của chúng ta, làm cách nào để có thể hướng dẫn cuộc đời mình một cách đúng đắn. Đây là những điểm rất quan trọng trong Giáo lý của Đức Phật.

Quy luật Nghiệp có hai khía cạnh chính là Nhân và Quả. Khi đã gieo nhân ắt sẽ có quả. Ví dụ khi bạn gieo một hạt giống của trái cam, kết quả là cây cam sẽ mọc lên và cho nhiều trái cam ngọt. Không bao giờ chỉ có quả mà không có nhân. Bởi vậy, toàn bộ thế giới, vũ trụ này chính là kết quả từ những nhân tố chúng ta đã gieo trồng trong nhiều kiếp trước. Nếu cuộc sống của bạn an ổn, mọi thứ đều tốt đẹp, thì đó là vì bạn đã gieo những nhân tốt đẹp. Nếu thế giới bạn sống nhiều khổ đau phiền não, điều đó có nghĩa là bạn đã từng gieo những hạt giống xấu. Như thế, nhân và quả luôn gắn liền với nhau. Nơi nào không có nhân thì sẽ không có quả, quả chỉ đến từ nhân. Đó là Giáo Pháp của Đức Phật, bạn cần hiểu và tin như vậy. Cho dù chúng ta đang ở nhà mình, ở cơ quan, trên máy bay, hoặc trên thuyền, trên biển hay bất kỳ nơi đâu, thì khổ đau vẫn luôn đồng hành với chúng ta, bởi hạt giống đã gieo nên kết quả nhất định và chắc chắn phải chịu. Cũng như vậy, nếu chúng ta là một người tốt, luôn làm việc thiện ở mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh khác nhau, thì quả lành đương nhiên sẽ đến và bạn sẽ luôn trải nghiệm niềm an vui hạnh phúc, cho dù bạn có phải ngủ dưới chân cầu, trong tình cảnh không có phòng ốc, nhà cửa, gia đình…, nhưng khi đó bạn sẽ vẫn luôn hân hưởng niềm an vui hạnh phúc. Kết quả của những nhân lành sẽ luôn đồng hành với bạn.
 
 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6332945
Số người trực tuyến: