Đỉnh Lễ Bảo tháp và 18 lợi ích không thể nghĩ bàn | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Đỉnh Lễ Bảo tháp và 18 lợi ích không thể nghĩ bàn


Đỉnh Lễ Bảo tháp   

 

Thông qua thực hành lễ lạy, bạn đón nhận được những phẩm chất thân, khẩu, ý giác ngộ của Đức Phật, đồng thời tịnh hóa mọi chướng ngại. Bạn có thể áp dụng cách tiếp cận thực tiễn của phương Tây trong việc thực hành Pháp: hãy cố gắng để đạt được nhiều lợi ích nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất.

 

Chắp tay trước ngực đỉnh lễ cũng là một cách lễ lạy đơn giản. Kinh điển dạy rằng, việc chắp tay đỉnh lễ trước Bảo tháp có tám lợi ích:

1) Trong vô số kiếp tương lai, bạn sẽ được tái sinh trong một cơ thể khỏe mạnh với đầy đủ giác quan  và tướng mạo đẹp đẽ.

2) Bạn sẽ có đủ phúc duyên để thành tựu giác ngộ và viên mãn mọi tâm nguyện, góp phần vào sứ mệnh hoằng truyền giáo pháp, vì lợi ích hữu tình.

3) Bạn sẽ sống một cuộc đời đạo hạnh. (Không có giới hạnh sẽ chẳng có hạnh phúc, giải thoát hay giác ngộ).

4) Bạn sẽ có tâm chí thành. (Thiếu tâm chí thành, không thể có sự chứng ngộ.)

5) Bạn sẽ có một trái tim quả cảm. (Thiếu lòng dũng cảm, bạn không thể vững bước trên con đường Bồ tát đạo và thực hành Phật pháp vì lợi ích hết thảy chúng sinh.)

6) Bạn sẽ được tái sinh vào cõi trời hoặc cõi người.

7) Bạn sẽ đạt được thành tựu trên con đường tu tập.

8) Bạn sẽ đạt được giác ngộ.

Mỗi khi thăm viếng ngôi chùa nào, chúng ta cần nhớ rằng chỉ một động tác lễ lạy đơn giản, thậm chí trước một bức tượng Phật thôi, cũng mang lại cho chúng ta đủ tám lợi ích. Điều này vô cùng quan trọng. Trong một ngôi chùa có thể có hàng trăm bức tranh và tượng Phật, cho nên việc chắp tay đỉnh lễ hướng lên các Ngài mang lại lợi ích không thể nghĩ bàn. Bên cạnh việc vi nhiễu Bảo tháp, chắp tay đỉnh lễ cũng là một cách rất hữu ích giúp chúng ta tích lũy công đức. Đây là cách đơn giản và dễ dàng để tích lũy công đức.

 

Bảo tháp chính là hiện thân của chư Phật. Mặc dù chúng ta không có phúc duyên để hạnh ngộ Đức Phật, nhưng tôn tượng Phật, Bảo tháp, kinh sách và tất cả biểu tưởng giác ngộ khác chính là phương tiện của chư Phật  giúp chúng ta tích lũy công đức. Một số chúng sinh có thể nhìn thấy sự thị hiện của Đức Phật qua các biểu tượng này, một số khác thì không. Ở vùng dãy núi Hymalaya, nhiều người không thể nhìn thấy tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tại ngôi đền Jokhang. Họ thấy đền thờ hoàn toàn tối đen và không nhìn thấy gì cả. Một số người gặp phải vấn đề này, nhưng sau nỗ lực tịnh hóa, họ đã có thể nhìn thấy ánh sáng của đèn bơ, mặc dù vẫn chưa thể nhìn thấy bức tượng. Có người lại nhìn một đống thịt khô trên bảo tòa thay vì nhìn thấy tôn tượng. Mặc dù các bức tượng vẫn hiện diện ở đó những không phải ai cũng nhìn thấy. Điều này tùy thuộc vào căn cơ và cấp độ tu tập của mỗi người.

 

Kinh điển dạy rằng động vật không thể nhìn thấy các biểu tượng giác ngộ. Tại Kopan, người ta đã thử bế mấy chú chó lên, để chúng có thể chiêm bái những bức tranh Phật thangka, nhưng các chú chó dường như không thấy những gì ta thấy. Một con vật có khả năng nhìn thấy một bức tôn tượng Phật là vô cùng hi hữu. Do vậy, việc chúng ta có thể chiêm bái những biểu tượng giác ngộ linh thiêng là phúc duyên hiếm có, đó là cơ hội tuyệt vời để tích lũy công đức. Hãy tận dụng những cơ hội quý báu đó. Có một lý do đằng sau sự hiện diện của các biểu tượng giác ngộ hay hình ảnh Phật Bản tôn ở bất cứ nơi nào: đó là phương tiện giúp chúng ta tích lũy công đức.

 

Được chiêm bái các biểu tượng giác ngộ linh thiêng như tượng Phật và Bảo tháp là phúc duyên lớn bởi chúng ta có cơ hội tích lũy vô lượng công đức. Chúng ta thấy hàng trăm, hàng ngàn người từ mọi miền Ấn Độ hành hương về Bồ Đề Đạo Tràng để chiêm bái bảo tháp, điện thờ, tượng Phật, và cúng dường lên chư Phật. Cho dù giá trị cúng dường không lớn, nhưng với năng lực gia trì của của chư Phật, tất cả những hành động cúng dường nhỏ bé ấy đều trở thành nhân giác ngộ. Đây là một trong những phương tiện thiện xảo của Đức Phật nhằm hóa độ chúng sinh tùy theo duyên nghiệp của họ.

Mười lợi ích khác của việc đỉnh lễ:

1) Bạn sẽ thành tựu thân Kim Sắc toàn hảo như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

2) Bạn sẽ có tướng mạo vô cùng đẹp đẽ.

3) Bạn sẽ sơ hữu một giọng nói truyền cảm.

4) Không còn sợ hãi hay rụt rè, bạn hoàn toàn tự tại giữa các bậc thánh nhân cũng như mọi người.

5) Bạn khiến cả chư thiên và con người đều hoan hỷ hạnh phúc.

6) Bạn sẽ trở thành một con người vĩ đại.

7) Bạn có thể lân mẫn Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và các đệ tử của Ngài, chư Bồ Tát và các bậc A La Hán.

8) Bạn sẽ có nhiều tài bảo.

9) Bạn sẽ được tái sinh trong cảnh giới tốt đẹp.

10) Bạn sẽ nhanh chóng đạt được giác ngộ.

 

Khi thực hành đỉnh lễ dài, theo truyền thống của đại thành tựu giả vĩ đại Naropa, bạn không nên nằm dài trên sàn nhà. Theo một số truyền thống khác, chúng ta phải hướng lòng bàn tay lên trên khi lễ lạy. Tuy nhiên, điểm cốt lõi của việc đỉnh lễ không nằm ở hình tướng bên ngoài mà là cách thức thực hiện với lòng thành kính. Chỉ khi đó việc đỉnh lễ mới trở thành thiện nghiệp. Thực hành lễ lạy thiếu thành kính sẽ tạo thêm ác nghiệp. Thấu hiểu điều này, chúng ta sẽ không cảm thấy bối rối trước nhiều cách lễ lạy khác nhau. Cách thức thực hiện quan trọng hơn số lượng lễ lạy. Việc cúng dường Mạn đà la cũng tương tự như vậy: cúng dường kính cẩn, đúng pháp là điều vô cùng quan trọng thay vì thực hành vội vàng qua loa. Thực hành lễ lạy đúng cách giúp hành giả tích lũy vô lượng công đức.

 

Cách thức đỉnh lễ tại Bảo tháp

 

Có hai điểm quan trọng cần ghi nhớ trong việc thực hành lễ lạy, giúp chúng ta tích lũy được nhiều công đức nhất. Thứ nhất, hãy quán tưởng vô số thân đang cùng lễ lạy dưới hình tướng loài người hoặc vị Phật Bản tôn đều được. Mỗi khi bạn nằm xuống lễ dài trước Bảo tháp hay trong chánh điện, hãy quán tưởng rằng toàn bộ cơ thể chúng ta bao phủ hết bụi đất khắp mười phương. Ngay cả khi cơ thể bạn không lành lặn, không đủ tứ chi, việc thực hành quán tưởng mình đang đỉnh lễ, vẫn có thể tích lũy công đức như vậy. Bằng cách quán tưởng đỉnh lễ với toàn bộ cơ thể, bạn không chỉ đang tạo ra vô lượng công đức mà còn gieo nhân tốt để tái sinh thành một vị chuyển luân Thánh vương trong nhiều đời.

Theo kinh Lăng Già cũng như nhiều kinh điển dạy rằng khi đỉnh lễ, cơ thể chúng ta tiếp xúc với bao nhiêu phân tử bụi đất trên sàn nhà,  bao nhiêu lần đỉnh lễ thì bấy nhiêu lần chúng ta được tái sinh thành vị chuyển luân Thánh vương. Đức Phật cũng dạy rằng khái niệm chuyển luân Thánh vương nhằm nhấn mạnh công đức vô lượng từ việc thực hành lễ lạy, chúng ta cần hiểu rằng, đó không phải là lợi ích duy nhất của pháp thực hành này.

 

Công đức tích lũy nhờ thực hành đỉnh lễ vượt trên mọi ngôn từ, khái niệm, mang đến hạnh phúc ngay trong hiện tại, tiến đến thành tựu giải thoát giác ngộ, thoát khỏi tâm bám chấp, ràng buộc. Hãy nhớ rằng tính chất của quy luật nghiệp luôn tăng trưởng. Một thiện nghiệp dù nhỏ bé có thể gieo nhân hạnh phúc cho nhiều đời, nhiều kiếp sau. Tương tự như vậy, một hành động bất thiện nhỏ cũng có thể khiến chúng ta chịu nhiều quả đau khổ không chỉ một, mà trong rất nhiều đời. Nếu không thấu hiểu nguyên nhân, không có cách nào chúng ta có thể hiểu được kết quả.

 

Điểm quan trọng thứ hai cần ghi nhớ, đó là bạn phải xem các đối tượng linh thiêng bạn đỉnh lễ, cho dù là một Bảo tháp hay một tôn tượng Phật, là bậc Thượng sư giác ngộ của mình. Đừng bao giờ quên điều này. Nếu trong nhà bạn có một bàn thờ, hãy quán rằng tất cả những hình ảnh Phật trên bàn thờ đều là Bậc Thượng sư giác ngộ. Bởi Thượng sư là bậc tối tôn quý, nên việc đỉnh lễ Ngài mang lại vô lượng công đức. Nhận thức được như vậy, mỗi hành động của bạn sẽ hướng tới mang lại nhiều lợi lạc nhất, tích lũy được nhiều công đức nhất. Thượng sư, chư Phật và Bồ tát, cùng tất cả biểu tượng giác ngộ linh thiêng, đều đang hiện diện trên bàn thờ. Hãy tin rằng bàn thờ của bạn chứa đựng toàn bộ tinh túy của mười phương ba đời chư Phật. Sau đó, hãy thành tâm đỉnh lễ tất cả các bậc giác ngộ, chư Phật và Bồ Tát mười phương. Đỉnh lễ cả các biểu tượng linh thiêng như tôn tượng Phật, Bảo tháp, kinh sách là cách đỉnh lễ đúng đắn và mang lại vô lượng công đức.

 

Khi thực hành lễ lạy cũng như vi nhiễu Bảo tháp, sau mỗi lần đỉnh lễ hãy hồi hướng công đức cho tất cả chúng sinh, đặc biệt là những chúng sinh ở cõi địa ngục, rồi đến chúng sinh ở cõi ngạ quỷ, súc sinh…v.v

 

Đôi khi, chúng ta có thể kết hợp lễ lạy với thiền định về bậc Thượng sư bằng  tâm chí thành tha thiết, tin rằng Thượng sư chính là Phật, hoặc chúng ta có thể nghĩ về lòng từ ái của chúng sinh, về những đau khổ mà họ đang phải gánh chịu. Bằng cách này, lễ lạy trở thành thiền định, tiếp thêm cho chúng ta sức mạnh và cảm hứng để thực hành tinh tấn hơn. Nếu không, những lúc mệt mỏi, chúng ta dễ cảm thấy nản và phát khởi những suy nghĩ tiêu cực như "Mình đang làm gì vậy? Liệu mình có đang làm một việc vô ích?"

 

Cho dù chúng ta bị phá bể Tam muội da giới, Bồ tát giới hay biệt giải thoát giới, cho dù đã tạo tác nhiều bất thiện nghiệp, tất cả đều có thể được tịnh hóa. Với lòng bi mẫn vô biên, Đức Phật đã chỉ bày cho chúng ta rất nhiều phương pháp tịnh hóa khác nhau, như trì tụng hồng danh của Ba mươi lăm vị Phật. Niệm danh hiệu của mỗi vị Phật có thể giúp chúng ta tịnh hóa được ác nghiệp nhiều đời nhiều kiếp.

Mỗi vị Phật, là hiện thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đều có năng lực tịnh hóa từng loại bất thiện nghiệp nhất định. Khi mỗi vị Phật trong ba mười lăm vị Phật phát tâm Bồ đề thực hành con đường Bồ tát đạo, đều phát nguyện tịnh hóa nghiệp bất thiện, đem lợi ích cho chúng sinh. Bằng cách niệm hồng danh của Đức Phật thứ 35 sẽ giúp tịnh hóa những hành vi sai trái, hay thất lễ với Thượng sư. Các đức Phật còn lại có năng lực tịnh hóa những lỗi lầm trong khi thực hành pháp tùy hỷ. Những lầm lỗi này có thể là niềm hoan hỷ khi bạn thấy ai đó hãm hại kẻ thù của mình hay người mà bạn không yêu quý, khi bạn thấy kẻ thù của mình gặp phải rắc rối hoặc điều bất như ý. Bạn cũng sẽ mắc lỗi nếu bạn tùy hỷ khi thấy chúng sinh đang có hành vi sai trái.

 

Tùy thuộc vào mức độ tùy hỷ của bạn, những lỗi lầm khi thực hành pháp tùy hỷ có thể tạo ra cực trọng nghiệp. Ví dụ, vì thù oán, bạn cảm thấy hoan hỷ khi một triệu con vật bị giết hại. Cho dù bạn không trực tiếp tham gia vào cuộc sát hại  đó, cho dù bạn đang thực thiền định miên mật trong thất, bạn vẫn tạo một cực trọng nghiệp. Mặc dù tay bạn không cầm súng bắn, với ý niệm tùy hỷ phát khởi sai lầm, bạn vẫn tạo một cực trọng nghiệp ngay trong lúc đang thực hành thiền định. Nếu bạn không được thọ nhận những giáo pháp chân chính và không hiểu về hậu quả của  hành động bất thiện khác nhau, bạn đang đẩy mình vào nguy hiểm do tạo tác các cực trọng nghiệp.

Phạm tội Ngũ nghịch như giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, làm thân Phật chảy máu, và phá hòa hợp Tăng, được coi là năm trọng tội  sau khi chết, liền bị đọa xuống địa ngục ngay lập tức. Với những bất thiện nghiệp khác, chúng sinh có thể trải qua một tiến trình gián đoạn để trải nghiệm quả báo của các nghiệp bất thiện khác trước khi bị đọa xuống địa ngục.

Tuy nhiên, thực hành pháp Sám hồng danh 35 vị Phật có năng lực tịnh hóa những cực trọng bất thiện nghiệp, dù hành giả chỉ thực hành một lần. Ngay cả khi chúng ta không thể thực hành lễ lạy mà chỉ trì tụng hồng danh của ba mươi lăm vị Phật cũng giúp tích lũy được vô lượng công đức.

Khi thực hành lễ lạy ba mươi lăm vị Phật, thay vì  niệm hồng danh từng vị Phật thật chậm  rãi, bạn có thể niệm hồng danh các Ngài càng nhiều lần càng tốt. Như vậy sẽ lợi lạc hơn rất nhiều. Thông qua việc thực hành lễ lạy, vô số nghiệp bất thiện trong hằng hà sa số kiếp được tịnh hóa. Nếu vì một số lý do đặc biệt, ví dụ như cả đạo tràng cũng vân tập thực hành lễ lạy, bạn có thể trì tụng hồng danh các vị Phật thật chậm cùng mọi người. Nếu không, bạn có thể tụng thật nhanh.

Mặc dù trong bao nhiêu kiếp chúng ta đã tích lũy không biết bao nhiêu ác nghiệp, nhưng Đức Phật đã từ bi truyền trao các pháp thực hành có năng lực tịnh hóa thù thắng. Nương tâm từ bi của Đức Phật, chúng ta có cơ hội thực hành tịnh hóa. Đức Phật  chính là đấng Từ Phụ, chúng sinh giống như những đứa con đỏ  chỉ biết tin cậy vào cha mình. Dù hạnh phúc hay khổ đau, người con chỉ biết nương tựa hoàn toàn vào cha mình trong suốt cuộc đời.  Đức Phật chính là bậc Thầy tôn quý vĩ đại mà tất cả chúng ta luôn chí thành tìm đến sự che chở. Đức Phật đã chỉ dạy cho chúng ta các phương tiện thiện xảo giúp gỡ giải mọi vấn đề trong cuộc sống như khổ đau, nguyên nhân của khổ đau, chướng ngại (phiền não chướng và sở tri chướng). Từ đó, Ngài từ tâm dẫn dắt chúng sinh đạt được hạnh phúc thế gian và xuất thế gian, giác ngộ tối thượng. Đức Phật đã hướng cho chúng ta, bước đi từ nấc thang hạnh phúc này lên nấc thang hạnh phúc khác, cho đến khi chúng ta đạt đến  hạnh phúc toàn giác. Đối với chúng sinh, đức Phật chính là đối tượng quy y duy nhất.

(Nhóm ĐBT biên soạn)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6429580
Số người trực tuyến: