Dù chùa có bị nước lụt, lửa cháy, công đức của người xây dựng chùa không bao giờ mất
Công đức xây Chùa, tạc tượng, đúc Chuông vô cùng to lớn, phước báo lớn lao không thể nghĩ bàn bởi trước là để tạo nơi thờ Phật, sau là nơi tu học và là nơi hoằng truyền Phật pháp, cứu độ muôn loài chúng sinh.
Vào thời Đức Phật Ca Diếp, Ngài Đế Thích Thiên là một cô gái nghèo. Cô gái này một hôm nhìn thấy ngôi chùa đổ nát liền phát tâm tu sửa. Cô kêu gọi được 32 người thân cùng tu sửa chùa và tượng Phật. Về sau khi 33 người này mạng chung sinh lên cõi trời Tam Thập Tam Thiên. Cô gái hưởng phước làm Đế Thích, 32 người còn lại làm Thiên Chủ của 32 Thiên xứ xung quanh.
Ngài Chu An Sĩ bảo: “Phật, Pháp và Tăng-già là Ba ngôi báu, là thửa ruộng tốt để chúng sinh gieo trồng phước đức. Nhưng muốn cúng dường trang nghiêm lên Tam bảo, ắt chỉ có thể thực hiện được ở nơi chùa chiền, tu viện. Nếu không có chùa chiền, tu viện, ắt không có tượng Phật, Kinh điển giáo pháp. Hàng tăng ni nói riêng, bốn chúng Phật tử nói chung, dù muốn gieo trồng vào ruộng phước, lễ bái dâng hương, thọ trì đọc tụng Kinh điển, cũng không có nơi để thực hiện. Xét theo đó thì biết, công đức của người xây dựng, tu sửa chùa chiền, tu viện là hết sức lớn lao.”
Lời Phật dạy về Công đức xây Chùa, tạc Tượng, đúc Chuông
Kinh Chính pháp niệm xứ dạy: “Nếu chúng sinh nào nhìn thấy chùa chiền, tháp miếu hư hỏng liền ra sức tu sửa, lại khuyên dạy người khác cùng làm việc tu sửa, thì sau khi mạng chung được sinh về cõi trời, thân thể tươi sáng đẹp đẽ, vào rừng san hô quý cùng các thiên nữ vui hưởng năm món dục lạc. Khi nghiệp cõi trời đã hết, liền được sinh làm người, thân thể cũng được tươi sáng đẹp đẽ”.
Theo kinh Pháp diệt tận: “Về sau, khi thế giới khởi sinh tai kiếp lửa thiêu, nơi nào đã từng xây dựng chùa chiền, tháp Phật sẽ không bị thiêu đốt”. Đức Phật dạy: “Ví như có người bỏ ra trăm ngàn lượng vàng để xây dựng một ngôi chùa, lại được một vị Tỳ kheo giữ giới từng trụ trì nơi đó, thì cho dù ngôi chùa ấy về sau có bị lửa cháy, nước lụt mà hủy hoại mất đi, công đức của người xây dựng chùa ấy cũng không bị mất”. Theo đó mà xét thì việc xây dựng chùa chiền, tu viện nếu được thành tựu, trở thành ruộng tốt để chúng sinh gieo trồng phước đức, công đức sẽ lớn lao biết đến dường nào!
Về công đức xây Chùa, tạc Tượng, đúc Chuông, kinh Pháp Hoa có kệ:
Nếu như người vốn có niềm tin
Xây dựng các hình tượng Đức Phật
Thậm chí trẻ thơ chỉ vui đùa
Hoặc dùng cỏ cây và bút mực.
Hoặc có khi dùng móng tay chân
Mà vẽ thành hình tượng Đức Phật
Tất cả những người làm như vậy
Đều đã thành tựu trong Phật đạo”.
(Nguồn: Giáo hội Phật giáo Việt Nam)
- 610
Viết bình luận