Đức A Đề Sa và công hạnh hoằng truyền pháp tu Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara sang vùng Himalaya | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Đức A Đề Sa và công hạnh hoằng truyền pháp tu Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara sang vùng Himalaya

Truyền thừa Tara khởi nguồn từ chính Đức Phật Thích Ca rồi truyền xuống Đức Ngagi Wangchuk và Thượng Sư A Đề Sa (Atisha) là người đã đem giáo pháp này hoằng truyền tới vùng Himalaya. A Đề Sa là cách đọc theo âm Hán - Việt, dịch ý là "Người xuất chúng, xuất sắc", cũng được gọi là Nhiên Đăng Cát Tường Trí. Ngài là một Đại sư người Đông Ấn (982-1054), đã đóng góp rất nhiều trong việc hoằng truyền Phật giáo từ Ấn Độ sang Himalaya. Ngài được nhà vua vùng núi tuyết thỉnh mời sang Himalaya và sống ở đó trong 12 năm cuối đời mình.

Đức A Đề Sa là con trai vua Kalyana và hoàng hậu Prabhavati sống trong Cung Điện Phướn Vàng (Golden Banner Palace), tại thành phố Bangala , thuộc vùng đất Jahor, phía Đông Ấn Độ. Ngay tử khi còn nhỏ, Ngài cũng mong nguyện sẽ được mặc chiếc y của người xuất gia tầm đạo, nguyện không bao giờ kiêu hãnh, luôn có lòng bi mẫn và quan tâm yêu thương người khác.

Khi lớn tuổi hơn, niềm mong ước được trở thành một khất sĩ của Ngài A Đề Sa càng mạnh mẽ hơn, nhưng phụ mẫu của Ngài lại có những kỳ vọng khác. Trong số ba người con trai của của đức vua và hoàng hậu thì Ngài là người sáng dạ nhất, và những điềm lành lúc Ngài đản sinh khiến họ chắc chắn rằng chính Ngài sẽ là người kế vị ngôi vua. Vì vậy, khi cậu bé A Đề Sa lên mười một tuổi, tuổi lập gia đình theo phong tục thời đó, họ đã chuẩn bị kỹ lưỡng để chọn một cô dâu cho Ngài.

Vào đêm hôm trước lễ cưới, Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara hiện ra một cách sống động trong một giấc mơ của ngài A Đề Sa. Đức Phật Mẫu nói rằng Ngài đã từng là một khất sĩ liên tục trong 500 kiếp, vì thế Ngài không nên bị lôi cuốn vào bất kỳ thú vui phù du nào của thế giới này. Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara giải thích rằng người bình thường dính mắc vào những thú vui đó thì còn tương đối dễ giải cứu, họ giống như một con dê bị lọt vào vùng cát lún. Nhưng đối với một hoàng tử vương giả thì sẽ như một con voi bị sa lầy, khó mà thoát ra được. Cậu bé không nói cho ai biết về giấc mơ này, nhưng khéo léo đưa ra những lý lẽ khác nhau để tránh cuộc hôn nhân.

Sau khi thoái thác cuộc hôn nhân, Ngài A Đề Sa quyết chí đi tìm cầu bậc Thầy tâm linh. Trong suốt thời niên thiếu và trung niên, Ngài A Đề Sa tu học với tổng cộng 157 bậc thầy vĩ đại. Ở tuổi bốn mươi lăm, Ngài A Đề Sa trở về Ấn Độ, và sau đó hầu hết thời gian, Ngài an trú tại tu viện Vikramashila. Nhờ lòng bi mẫn và tuệ giác của mình, Ngài được tôn kính như viên ngọc toàn hảo của các bậc thầy uyên bác. Tuy vậy, công hạnh vĩ đại nhất lại là những giáo pháp Ngài truyền trao cho người dân của vùng núi tuyết, trong đó có giáo pháp về thực hành Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara.

Khi đoàn cận thần của vua Jangchub-wo đến tự viện để thỉnh cầu Đức A Đề Sa, đêm đó, Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara xuất hiện trong một linh kiến thanh tịnh và báo cho ngài A Đề Sa biết chuyến đi Himalaya của Ngài sẽ hoàn toàn thành công viên mãn. Ngài sẽ mang lại vô số lợi lạc cho người dân Himalaya và tại đây, Ngài sẽ tìm thấy một đệ tử có mối liên hệ đặc biệt với ngài. Đó là một nam nhân giữ giới cư sĩ và ông ta sẽ truyền bá giáo pháp đi xa hơn nữa. “Tuy nhiên”, Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara nói, “nếu ông tiếp tục ở Ấn Độ thì ông có thể sống đến chín mươi hai tuổi, còn nếu ông đến Tây Tạng thì thọ mạng của ông sẽ là bảy mươi hai tuổi”. Bấy giờ, Ngài A Đề Sa đã vững tin để đi cùng với đoàn cận thần của vua Jangchub-wo đến vùng Himalaya và thấy rằng việc hy sinh hai mươi năm tuổi thọ của mình rất xứng đáng, nếu Ngài thực sự đem lại lợi ích cho chúng sinh.

Do biến động về chính trị thời bấy giờ khiến việc quay trở về Ấn Độ vô cùng khó khăn, Ngài A Đề Sa đã quyết định lưu lại 17 năm ở vùng núi tuyết: 3 năm ở Ngari, 9 năm ở Nyetang (gần Lhasa), và 5 năm ở những nơi khác nhau cho đến khi Ngài viên tịch vào năm 1054 sau Công Nguyên. Ngài trụ thế 72 năm, đúng theo lời tiên tri của Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara.

Với sự giáo huấn về con đường hợp nhất của kinh điển và mật điển, Đức A Đề Sa đã viên mãn tâm nguyện cải cách, chấn hưng sự truyền bá giáo pháp tại vùng Himalaya. Trên thực tế, nhờ vào lòng bi mẫn của Ngài mà các giáo pháp thiêng liêng vẫn còn tồn tại ở dạng nguyên thủy cho đến tận ngày nay.

(Lược trích ấn phẩm “Cuộc đời Ngài A Đề Sa”

Alexander Berzin soạn thảo và hiệu đính, 2003)

 Hãy phát khởi Bồ đề tâm vì lợi ích hết thảy chúng sinh, cùng thực hành chuyên tu cầu nguyện Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara để tích luỹ vô lượng công đức, vượt qua những chướng ngại, khó khăn, bệnh tật và khơi dậy, trưởng dưỡng tình yêu thương vô ngã vị tha trong mỗi chúng ta.

Quý vị tải Tài liệu và hướng dẫn tu tập tại đây:
http://daibaothapmandalataythien.org/quanam

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6410735
Số người trực tuyến: