Đức Phật A Súc Bệ - Sự chuyển hóa sân giận thành Đại Viên Cảnh Trí
Ai có thể kiểm soát được cơn thịnh nộ khi nó tới giống như điều khiển được một con ngựa bất kham, ta gọi đó là bậc thầy giỏi nhất, còn những người không làm được điều này chỉ là phàm tình chúng sinh”.
Người ta tin rằng, Đức Phật A Súc Bệ đã chuyển hóa si ám, sân giận của con người thành trí tuệ Đại Viên Cảnh Trí. Với trí tuệ này, chúng ta có thể nhìn thấy bản chất thật của mọi thứ một cách khách quan, không giả tạo. Bất kể đối tượng có là một bông hồng đỏ thắm hay một con dao găm nhuốm máu, chiếc gương trí tuệ này sẽ phản chiếu cả hai chính theo bản chất của các vật đó. Nó sẽ không phán xét hay phân biệt hai màu đỏ, không cố gắng tán thán bông hồng hay quy kết chối bỏ con dao đầy máu kia. Không có sự phản chiếu nào trong chiếc gương gắn liền vào nó, cũng không có sự phản chiếu nào khước từ nó. Chiếc gương luôn giữ được vẻ điềm tĩnh và bất biến. Chúng ta cũng nên như vậy cho dù ở trong hoàn cảnh thuận lợi hay bất lợi!
Màu xanh da trời của đức A Súc Bệ có mối liên hệ gần gũi với biểu tượng của chiếc gương. Màu xanh là màu của nước, và nước cũng có khả năng đóng vai trò như một chiếc gương sáng.
Đức A Súc Bệ kết khế ấn Bhumispacha (tư thế xúc địa), tư thế này gợi nhớ sự kiện ngay trước khi đức Phật đạt toàn giác. Khi đó, Ngài bị Mara – hiện thân của Ma Vương – thách đấu. Mara cho rằng tòa sen tâm linh nơi đức Phật an tọa chính ra thuộc về nó. Do vậy, nó thách đấu với đức Phật để chứng minh tòa sen là của nó. Đức Phật di chuyển tay lấy đầu ngón tay chạm nhẹ xuống đất và bằng cách này Ngài đã gọi thần thổ địa làm chứng cho Ngài có quyền tọa trên tòa sen đó. Vị thần này đã gầm lên hàng trăm ngàn lần để xác nhận chủ nhân của tòa sen đó là đức Phật.
Trên phương diện biểu tượng thì tư thế này chỉ ra sự tự tin sâu sắc, bất thoái và không lay chuyển. Chính sự tự tin quyết tâm đó đã đưa đức Phật đến giác ngộ bất chấp vô số chướng ngại trên con đường tìm cầu giải thoát của Ngài.
Biểu tượng của Đức Phật A Súc Bệ là chày Kim Cương. Chày Kim Cương là biểu tượng tinh hoa của truyền thống Kim Cương thừa. Trong đạo Phật, danh hiệu Kim Cương thừa khởi nguồn từ chính chày Kim Cương. Trong tiếng Phạn, thuật ngữ Vajra có nghĩa là dũng mãnh và cứng cỏi. Thuật ngữ Dorje là sự kiên cố không thể phá hủy và sáng ngời như Kim Cương không thể cắt ra và không thể đập vỡ. Chày Kim Cương về cơ bản biểu trưng cho cảnh giới giác ngộ, không thể phá hủy, không thể chia cắt, bất động và bất biến. Do vậy, Đức A Súc Bệ đã dùng đầu ngón tay của bàn tay phải Ngài chạm vào đất. Đất cũng là biểu tượng của sự bất biến, vững chãi và thực tại.
Đức A Súc Bệ ngự trên một con voi. Một con voi đặt chân lên trái đất với sự vững chãi không thể lay chuyển. Điều này giống như phẩm chất không thay đổi của việc Đức Phật A Súc Bệ chạm đầu ngón tay lên đất và chính quyết tâm đó đã đưa đức Phật đến toàn giác. Đức Phật A Súc Bệ là Bản Tôn trụ ở phương Đông. Đó là phương xuất hiện bình minh. Chiến thắng Ma vương của đức Phật là điểm báo cho sự khởi đầu của thực tại tâm linh mới.
(Trích ấn phẩm: “Nghệ thuật Mật thừa”
NXB Tôn giáo, 2014)
- 816
Viết bình luận