"Giả vờ thành công" - một loại tự kỷ ám thị tích cực
Phong thái của một người, không chỉ cho thấy thế giới nội tâm của họ, mà ngược lại còn khiến đời sống nội tâm của họ trở nên mạnh mẽ hơn. Thử nghĩ xem, nếu một người không để ý đến vẻ ngoài, ăn mặc lôi thôi, cả ngày chỉ biết than ngắn thở dài, lúc nào trông cũng như đang mất hi vọng vào cuộc sống, vậy ai có thể tin rằng họ có thể trở nên tốt hơn? Bản thân họ liệu có nghĩ mình có thể trở nên tốt hơn?
Bạn hẳn sẽ đồng tình với tôi rằng bộ dạng như vậy rất dễ khiến bạn rơi vào vòng luẩn quẩn: bản thân không ôm hi vọng, những người xung quanh cũng chẳng ai tin mình, cuộc sống rơi vào bế tắc, cứ vậy lại càng thêm tin tưởng rằng bản thân mình không thể tốt lên, lại tiếp tục không ôm hi vọng…
Cứ nghĩ mà xem, xung quanh chúng ta tồn tại biết bao nhiêu người mắc kẹt trong cái vòng luẩn quẩn này, cả đời cũng không cách nào thoát ra được, kể cả khi cơ hội có ở ngay trước mắt, họ cũng không cách nào nắm bắt được. Vì vậy, muốn thoát ra được cái vòng luẩn quẩn đó, bạn cần phải giả vờ thành công, tin tưởng rằng mình có thể trở nên tốt hơn.
Cái gọi là "giả vờ thành công" nên bắt đầu từ môi trường bên ngoài, định hình lại sự tự tin của mình, suy nghĩ như những người thành công, tự mình tạo dựng một cục diện và tầm nhìn mới với một tư duy mới, một con người mới.
‘Giả vờ thành công’ - một phương thức tư duy tích cực
Mấy năm trước, tôi tốt nghiệp đại học, vào làm cho một công ty truyền thông mới, mỗi ngày phụ trách biên tập và đăng nội dung lên các trang mạng xã hội, cũng có thể coi là một biên tập viên. Tôi rất thành thạo công việc này, chẳng qua cũng chỉ là copy và paste thôi, cũng chưa bao giờ nghĩ mình còn có thể làm được việc gì khác.
May mắn thay, tôi gặp được cấp trên trước đây của mình, ông ấy thấy được tiềm năng của tôi nên đã quyết tâm bồi dưỡng. Một hôm, ông ấy gọi tôi đến văn phòng và nói: "Trong vòng một năm, tôi sẽ bồi dưỡng cậu trở thành một chủ biên tài giỏi".
Tôi lúc đó bị dọa sợ, tôi chỉ vừa mới tốt nghiệp, trong vòng một năm có thể trở thành chủ biên, tôi thực sự có thể ư?
Ông ấy ra vẻ thần bí nói: "Được, chỉ cần cậu học cách làm sao để đứng từ góc độ của một chủ biên để suy nghĩ".
Từ sau ngày hôm đó, câu hỏi yêu thích nhất mà ông ấy luôn hỏi tôi chính là: "Nếu cậu là một chủ biên, cậu sẽ làm như thế nào?".
Lúc đó, tôi vừa mới tốt nghiệp, ăn mặc cũng khá tùy tiện, lúc nào cũng quần bò với giày thể thao, ông ấy hỏi tôi: "Chủ biên thì thường phải giao lưu với người khác, cậu đã từng gặp chủ biên nào mặc quần bò, đi giày thể thao đi gặp người khác chưa?".
Có lúc, tôi và đồng nghiệp xảy ra bất đồng quan điểm, ông ấy hỏi tôi: "Giả sử cậu là chủ biên, cậu phải làm sao để đoàn kết nhân viên lại, cùng nhau đồng tâm hiệp lực làm việc?".
Dưới sự chỉ dạy của ông ấy, tôi dần khoác lên mình một phong cách chỉnh tề và tác phong làm việc chuyên nghiệp, học cách hợp tác với đồng nghiệp, học cách kiễn nhẫn lắng nghe…
Quan trọng hơn đó là tôi không còn xem mình là một tên nhãi chỉ biết có copy và paste nữa, dần dần học được cách đứng từ góc độ của một chủ biên để suy xét.
Tôi sẽ suy nghĩ đến phương hướng phát triển cho thương hiệu truyền thông của mình, nếu cứ đăng lại bài của người khác thì sẽ không tạo ra được dấu ấn riêng, nhất định phải sáng tạo, vậy là tôi bắt đầu tự mình viết bài.
Sau khi đã đăng bài, tôi sẽ không như lúc trước liền đi chơi điện tử mà sẽ căn cứ vào số liệu thống kê, suy nghĩ xem làm sao để có thể viết tốt hơn, sắp xếp ý tứ có thể nào tinh tế hơn không, làm sao để thu hút người đọc?
Thậm chí, khi đó lượng người theo dõi vẫn còn ít, tôi bắt đầu suy nghĩ, chúng tôi phải thiết kế công việc và vận hành ra sao mới khiến cả nhóm làm việc có hiệu quả hơn.
Cứ như vậy, trong vòng nửa năm, tôi viết được hơn 10 bài viết nhận được lượt xem vô cùng lớn, lượt người theo dõi cũng vì vậy mà tăng lên 200 nghìn người, tôi cũng thay thế lãnh đạo, trở thành chủ biên.
Lúc này, tôi mới phát hiện ra, từ một sinh viên mới tốt nghiệp trở thành chủ biên của một công ty truyền thông có hơn 300 nghìn người quan tâm, căn bản không cần đến một năm, chỉ cần bạn đứng từ góc độ của một chủ biên để xem xét vấn đề.
Thực ra, giả vờ mình là một người thành công, đây là một phương thức tư duy. Bạn phải đứng ở góc độ của một người thành công để suy nghĩ, xem mình còn cách thành công thực sự bao xa và mình cần phải làm những gì để thu hẹp lại khoảng cách đó.
Rất nhiều người sở dĩ không cách nào thành công được là bởi họ cứ mãi giam mình trong cái bóng của một kẻ thất bại, luôn nhìn vấn đề dưới con mắt của một kẻ thất bại.
Nếu đã là một kẻ thất bại, tự nhiên phương pháp suy nghĩ cũng sẽ rất tiêu cực, muốn thành công, hãy suy nghĩ như một người thành công.
Tin vào sức mạnh của việc "giả vờ" hoàn toàn không phải là để bảo bạn học cách gian dối mà là để bạn tin vào sức mạnh của hành động, sức mạnh của tư duy tích cực. Nhất cử nhất động của bạn, lời nói, hành vi của bạn đều có ảnh hưởng đến cảm xúc và tư duy của bạn. Đến cuối cùng bạn có thể trở thành người như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào việc bạn muốn trở thành một người ra sao.
(Phổ Hiền tổng hợp)
- 2354
Viết bình luận