Giải Mã Ý Nghĩa 5 Đường Nhiễu Ngũ Sắc Lần Đầu Xuất Hiện Tại Việt Nam | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Giải Mã Ý Nghĩa 5 Đường Nhiễu Ngũ Sắc Lần Đầu Xuất Hiện Tại Việt Nam

Bao quanh Đại Bảo Tháp là 5 vòng tròn, các đường vi nhiễu, với 5 màu - vàng, trắng, đỏ, xanh lục, xanh dương - từ trong ra ngoài, nêu biểu cho các đại (địa, thuỷ, hoả, phong và không đại) hoàn hảo. Ngoài cùng gọi là “vòng lửa trí tuệ”. Đại Bảo Tháp là cảnh giới Mandala thanh tịnh của chư Phật. Đây cũng là đường vi nhiễu bảo tháp ngũ sắc đầu tiên được kiến lập tại Việt Nam và sẽ được Đức Gyalwang Drukpa khai mở tại Đại Pháp hội Cầu An Đầu Xuân 2023. 

Theo quan kiến Đạo Phật, 5 vòng vi nhiễu tương ứng với tự tính của Năm Phật Mẫu và Ngũ đại duyên khởi của Mandala, là nền tảng cho cảnh giới giác ngộ và cả đời sống của chúng ta. Dọc theo 5 đường vi nhiễu là Vườn Phật Mandala gồm những bộ tôn tượng Phật, cây cảnh quý, hệ thống kinh luân cùng các biểu tượng giác ngộ. Các vòng tròn của Mandala mang ý nghĩa đem lại thành tựu viên mãn, với vòng ngoài cùng là “vòng lửa trí tuệ”, là sự hộ trì Kim Cương của Ngũ Trí Phật, giúp du khách hành hương chiêm bái Bảo tháp khiển trừ chướng ngại và tăng trưởng công đức.

Hệ thống Ngũ đại trong vũ trụ học Kim Cương Thời Luân

5 đường nhiễu tháp được kiến lập tạo thành 5 vòng tròn đồng tâm bao quanh toà Bảo tháp oai nghiêm với 5 màu - vàng, trắng, đỏ, xanh lục, xanh dương - từ trong ra ngoài, nêu biểu cho các đại hoàn hảo, đó là Địa, Thủy, Hỏa, Phong, và Không đại. 

Năm đại được coi là những yếu tố căn bản tạo ra mọi sự vật và hiện tượng. Việc tìm hiểu sự tương tác giữa năm đại luôn hiện diện trong truyền thống Vũ trụ học Kim Cương thừa.

Tên gọi của các đại mang ý nghĩa biểu tượng. Truyền thống Mật thừa sử dụng các yếu tố tự nhiên như những ẩn dụ căn bản để mô tả năng lượng cả ở bên trong và bên ngoài. 

Các thuộc tính cụ thể được gắn với các đại: Vd như Địa đại có tính chất rắn chắc, Thủy đại có tính chất gắn kết, Hỏa đại có tính chất nóng, Phong đại có tính chất chuyển động và Không đại là không gian bao trùm và chứa đựng bốn đại còn lại. Bên cạnh đó, các đại có mối liên hệ với thân vật lý, các loại bệnh tật, phương hướng, màu sắc, và cả các tình cảm, suy nghĩ và tính cách khác nhau... 

Năm đại là các thành tố nền tảng tạo ra tất cả mọi sự vật hiện tượng vật chất, tình cảm, suy nghĩ và tâm linh.    

Nếu 5 Đại không hòa hợp sẽ tạo ra sự bất an, bệnh tật và ngược lại khi ngũ đại hòa hợp mang đến sự bình an hạnh phúc.

5 vòng vi nhiễu ngũ sắc tương ứng với ngũ hành

Vũ trụ học theo truyền thống Ngũ hành do Đức Văn Thù truyền giảng và Vũ trụ học Kim Cương Thời Luân có mối liên hệ chặt chẽ.

5 vòng vi nhiễu ngũ sắc này cũng tương ứng với ngũ hành – kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ, nêu biểu cho sự hòa hợp của tự nhiên, của quy luật vũ trụ, tạo nên sự bình an, thịnh vượng cho con người và môi sinh.

Bởi vậy, mỗi bước chân vi nhiễu trên 5 vòng ngũ đại chính là cách chúng ta nạp lại năng lượng của 5 đại mà mình đang thiếu hụt, lấy lại sự cân bằng, hài hoà năng lượng thân tâm. 

Ví dụ: trong Địa đại đã có các hành, các đại khác, người “thiếu” hay mất cân bằng Địa đại, khi vi nhiễu Bảo tháp trên vòng tròn Địa đại sẽ tích lũy được đầy đủ năng lượng và công đức của ngũ đại.

Vi nhiễu Bảo tháp giúp tăng trưởng công đức không thể nghĩ bàn

Mandala được dịch là “luân viên cụ túc”, tức là vòng tròn đầy đủ tất cả công đức thế gian và xuất thế gian. Cho nên mỗi bước đi trên đường nhiễu là bước đi của công đức trí tuệ bởi chúng ta đón nhận được sự gia trì của Đại Bảo Tháp - là năng lực của chân tâm. Khi chúng ta vi nhiễu bảo tháp với tâm thành kính và thư giãn, bỏ lại sau lưng mọi bon chen của đời sống thường nhật, hoà mình vào không gian trang nghiêm thanh tịnh của Mandala, tâm chúng ta sẽ tự khắc rộng mở và đón nhận được nguồn năng lượng an lành của tinh túy đất trời. 

Trên các đường vi nhiễu được trang hoàng các biểu tượng giác ngộ, trên đường viền đều là các biểu tượng của Địa Thủy Hỏa Phong. Khi vi nhiễu Bảo tháp trên các vòng tròn, du khách sẽ nạp được năng lượng mình đang còn thiếu của năm đại.

Vi nhiễu: “Vi” là tròn, là đi xung quanh. “Nhiễu” nghĩa là bày tỏ sự quy kính công đức của Phật. Trong Kinh, trước khi thỉnh Phật điều gì, đệ tử của Ngài thường vi nhiễu quanh Ngài 3 vòng rồi mới bạch Đức Phật, điều này cũng nêu biểu sự viên mãn.

Lễ Khai quang 5 đường vi nhiễu quanh Đại Bảo Tháp

Trong dịp Khai đàn Pháp Hội Đại Bi Quan Âm Đại Bảo Tháp đầu xuân 2023 vào thứ Sáu 27/1 (tức mùng 6 Tết Quý Mão) sắp tới, Đức Gyalwang Drukpa cùng Tăng đoàn Truyền thừa Drukpa sẽ chủ trì lễ Khai quang 5 đường vi nhiễu Bảo tháp ý nghĩa và độc đáo này.

‘Khai quang’ có nghĩa là trở về tâm từ bi trí tuệ, triệu thỉnh sự gia trì của mười phương chư Phật Bồ Tát hộ trì, đồng thời tịnh hoá nhiễm ô trong tâm, và khai mở tình yêu thương trí tuệ nơi mình.

Vi nhiễu Bảo tháp giúp du khách sẽ trải nghiệm sự an lạc tự tại, nạp thụ năng lượng tích cực, đón nhận ân phúc gia trì, năng lực bảo hộ và cát tường từ chư Phật Bồ tát, tích lũy công đức không thể nghĩ bàn. Đồng thời, đi nhiễu tháp cũng là phương pháp đẩy lùi vô minh, tịnh hóa nghiệp chướng, trưởng dưỡng tâm linh một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5696394
Số người trực tuyến: