Giải trừ mối nghi "Người tu niệm Phật vẫn không tránh được tai ương" | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Giải trừ mối nghi "Người tu niệm Phật vẫn không tránh được tai ương"

Những người có tín tâm thành kính Phật sẽ được chư Phật trong mười phương ba đời hộ niệm, các vị Thiên Long Bát Bộ, Đại Lực Thần Vương thường theo hộ trì, nghiệp ác đời trước lần lần tiêu trừ, dù có oan gia đối đầu cũng không thể làm hại. Những điều này căn cứ trong Kinh Phật, quyết không phải là lời nói suông. Nhưng lại có người thắc mắc rằng tại sao nhiều người ăn chay niệm Phật, hiền hậu nhân đức, ưa làm lành, vậy mà trong cuộc sống vẫn gặp khó khăn, bệnh tật, tai nạn, thậm chí chết thảm. Vậy sự thật đằng sau những sự tướng này là gì?

Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên xin gửi tới Quý vị lời khai thị của Đại sư Ấn Quang, với mong nguyện Quý vị luôn giữ vững Tín – Nguyện – Hạnh không thoái chuyển trên hành trình giải thoát giác ngộ của mình.

Chúng ta từ vô thủy đến nay đã tạo nghiệp ác vô lượng vô biên! Kinh Hoa Nghiêm nói: “Giả sử nghiệp ác có thể tướng, mười phương hư không chẳng dung chứa hết”. Nên biết sự tu trì của hành nhân, nếu quả chí thành không dối, thì có thể chuyển trọng báo, hậu báo thành hiện báo, khinh báo. Người phàm mắt thịt chỉ thấy sự kiết hung trước mắt, đâu biết được việc nhân quả đời trước và đời sau.

Có thể có người nhiều năm tinh tu, một sớm chết thảm, hoặc giả do sự khổ đó mà tiêu được ác báo tam đồ, sinh về cõi Thiên. Nếu trong hiện đời người ấy tin sâu, nguyện thiết thì cũng có thể sinh về Tây phương Cực Lạc thế giới. Do không có tha tâm đạo nhãn, nên chúng ta không dám ức đoán quyết chắc người đó có được vãng sinh Tịnh độ hay không? Nhưng việc có thể khẳng định là: làm lành tất được quả lành, làm dữ phải mang ác báo. Nếu làm lành mà bị quả dữ, đó là quả báo của nghiệp ác đời trước, chẳng phải quả báo của nghiệp lành đời này.

Nếu chỉ nhìn sự tướng thấy người bị tai ương, khổ sở như thế, liền nghĩ lầm rằng việc lành không đáng làm, bởi làm lành không được phước, nên khởi tâm sợ hãi nghi ngờ. Sự nhận thức đó đâu có khác gì người chưa nghe hiểu Phật pháp? Nếu đã tin chắc lời của Phật, quyết không vì việc ấy mà lộ ra vẻ sửng sốt kinh hoàng. Bởi nhân quả trùng điệp không cùng, có khi nhân này chưa trả, quả nọ đã chín mùi, ví như gieo giống sớm thì gặt sớm, lại như thiếu nợ, chủ nợ mạnh lôi kéo trước tiên.

Người rõ lý mặc dù cảnh ngộ thế nào, cũng quyết không nghi nhân quả sai lầm, lời Phật hư dối. Kẻ không rõ lý, chấp chặt một khuôn khổ, chẳng biết có nhân quả phức tạp, cho nên sinh lòng nghi nan, truy ra đều do không có chính kiến. Như chỗ người nói: "Người niệm Phật có Tam bảo gia bị, Long Thiên hộ trì", đó vẫn là lẽ nhất định không còn sai lầm. Nhưng đối với việc chuyển quả báo nặng đời sau thành quả báo nhẹ đời này, người đời còn chưa rõ biết, nên không khỏi có sự nghi ngờ bàn bạc không hợp lý kia.

Thuở xưa, ở Tây Vức, Giới Hiền Luận Sư là bậc đạo đức cao trong một thời, tiếng đồn vang khắp bốn xứ Thiên Trúc. Do vì túc nghiệp, Luận Sư mang chứng bệnh dữ, đau đớn vô cùng, chịu không kham, nên sắp muốn tự tận. Vừa trong đêm ấy, Luận Sư nằm mơ thấy ba vị Bồ tát: Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Thế Âm giáng lâm bảo rằng: “Ngươi trong kiếp về trước, nhiều đời làm vị quốc vương, bởi não hại chúng sinh, nên sẽ phải bị lâu dài đọa vào ác đạo. Nhưng do đời nay ngươi có công hoằng dương Phật pháp nên chuyển lại chịu sự khổ nhỏ ở nhân gian để tiêu trừ sự khổ lớn nhiều kiếp nơi Địa ngục. Vậy ngươi gắng nhẫn chịu, chớ nên buồn rầu mà tính việc chi khác. Trong ba năm nữa, ở xứ Đại Đường có vị Tăng tên Huyền Trang, sẽ đến đây thọ pháp với ngươi”.

Giới Hiền Luận Sư nghe rồi liền ráng chịu khổ sám hối lâu ngày bệnh lần lần thuyên giảm. Qua ba năm sau, Ngài Huyền Trang đến chùa Na Lan Đà, Giới Công bảo đệ tử nói trạng thái bệnh khổ của mình, chính người thuật lại cũng nghẹn ngào rơi lệ. Bao nhiêu đó cũng đủ biết sự khổ ấy là dường nào rồi! Nếu ba vị Bồ tát không nói rõ nhân duyên kiếp trước, người đời sẽ bảo Ngài Giới Hiền chẳng phải là bậc đạo đức cao Tăng. Hoặc có kẻ lại cho rằng: Một vị đại tu hành mà còn bị chứng bệnh thảm thế ấy, thì Phật pháp có chi là linh nghiệm?

Tóm lại, chỗ hiểu biết của người phàm còn cạn, nên vừa thấy việc hơi khác liền sinh lòng kinh nghi. Hành vi ấy có thể khiến cho kẻ ít căn lành thối thất lòng đạo. Nếu thấy người làm ác mà hiện đời được phước báo, chắc hẳn người đời cũng khởi niệm hiểu lầm như thế. Nên biết đó chẳng qua là sự chuyển biến của những lớp tiền nhân hậu quả phức tạp không đồng, để đổi quả nặng đời sau làm quả nhẹ hiện tại, hay chuyển quả nhẹ hiện tại thành quả nặng đời sau mà thôi!

(Lược trích: “Ấn Quang Pháp sư văn sao tục biên”

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo chính: Minh Tiến & Huệ Trang)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6339161
Số người trực tuyến: