Đạo Đại Thủ Ấn: Nghi thức thiền định | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Đạo Đại Thủ Ấn: Nghi thức thiền định

Để nhận ra được về tính bất nhị, nếu nói về kỹ thuật, thì bạn chẳng cần làm gì cả. Bạn chỉ cần đưa tất cả những hiểu biết của mình về chân lý tuyệt đối, đưa tư tưởng Đại Thủ Ấn vào sự thực hành, đúng như tôi vừa mới giải thích ở trên. Thông thường, bạn cũng không cần phải tuân thủ theo nghi thức thiền định, không cần phải có những khóa tu tập thiền đặc biệt hay bất cứ hình thức thực hành phức tạp nào. Chẳng cần gì cả, trừ khi bạn gặp khó khăn trong việc nắm bắt được ý nghĩa của Đại Thủ Ấn để áp dụng đúng trong đời sống hàng ngày. Và lúc này chúng ta lại đang phải đối diện với chính khó khăn ấy.

Vì thế nên khi thực hành thiền định theo nghi thức, bạn có thể áp dụng nhiều phương cách khác nhau để trưởng dưỡng hiểu biết về Đại Thủ Ấn. Ở đây chúng ta sẽ đề cập chính tới bản thân pháp thực hành. Để có thể đạt được sự thiền định, chúng ta sẽ thấy tầm quan trọng của việc tập trung kiểm soát và điều tiết toàn bộ năng lượng thân, khẩu, ý. Nếu như những năng lượng này không cân bằng, chúng ta sẽ gặp chướng ngại. Điều này cũng giống như một chiếc xe hơi nếu không được bảo trì sẽ có thể gây tai nạn cho người lái. Cũng như vậy, nếu thể trạng của chúng ta không tốt thì sẽ có thể xảy ra nhiều việc không tốt. Đối với những người mới bắt đầu tu tập, giữ đúng tư thế là việc rất quan trọng, cụ thể là bạn phải chú ý để thân, khẩu, ý đều tuân thủ đúng tư thế, trong trạng thái phù hợp và đúng mực.

Đương nhiên chúng ta cần phải luyện tập tất cả những điều nói trên, nhưng chúng cũng chỉ tương đối quan trọng, tương đối đúng. Chúng ta có thể thắc mắc vì sao cứ phải liên tục dùng tới những phương pháp tương đối, trong khi chúng ta đang muốn đạt được Đại Thủ Ấn, tức là chân lý tuyệt đối. Đây là những phương pháp do chính Đức Phật truyền giảng, và để giải thích tầm quan trọng của phương pháp này, Ngài đã dùng hình ảnh ẩn dụ về một cụ già muốn đi được, đứng được cần phải nương vào cây gậy. Hình ảnh cụ già tượng trưng cho chân lý tuyệt đối và cây gậy của cụ chính là chân lý tương đối. Cụ nương vào cây gậy cũng giống như chân lý tuyệt đối luôn nương vào chân lý tương đối. Các pháp thiền định, trì tụng chân ngôn, cầu nguyện, lễ lạy, các nghi quỹ, âm nhạc, các phẩm vật cúng dàng, tất cả đều có giá trị đúng đắn xét trên quan điểm đối với những người bắt đầu sự thực hành. Các pháp này không đúng tuyệt đối mà chỉ có giá trị tương đối. Thực chất, mọi sự đều chỉ tương đối đúng, thế nhưng chúng ta vẫn cần phải trưởng dưỡng khía cạnh tích cực của chân lý tương đối. Đó là nguyên nhân vì sao các pháp thực hành tâm linh có thể mang lại sự trợ duyên cần thiết để chúng ta tinh tấn hướng về sự thực chứng chân lý tuyệt đối.

Ngay từ thời điểm trực nhận ra Đại Thủ Ấn, bạn sẽ không cần tới bất cứ điều gì nữa: bạn chẳng cần phải nương vào sự thực hành, cho dù là bất cứ pháp nào. Tất cả đều trở nên tức khắc nhậm vận tự nhiên. Như tôi đã nói, tất cả sẽ trở nên mênh mông rộng lớn, tâm từ và tâm bi khởi phát tự nhiên, sự thực hành tâm linh cũng trở thành nhậm vận tự nhiên. Song chừng nào còn chưa đạt tới thành tựu giác ngộ này, chúng ta còn phải tuân theo một số phương pháp thực hành trên suốt hành trình tâm linh. Có rất nhiều điều bạn phải tuân thủ và nhiều việc bạn phải xa lánh. Có rất nhiều hình thức giới luật mà bạn phải nghiêm ngặt tuân theo.

Một hành giả đã đạt thành tựu giác ngộ sẽ không cần tới nhiều nghi thức như vậy. Đối với thành tựu giả, sẽ không còn sự phân biệt giữa tốt và xấu: tất cả đều có chung một tự tính. Nói vậy có nghĩa là mỗi người sẽ tự áp dụng những phương thức phù hợp với sự tiến bộ và khả năng của mình. Có những cách sẽ phù hợp với hành giả với lối tu hành yogi, trong khi có những hành giả lại phù hợp với hình thức tuân thủ giới luật. Cũng có những hành giả tu tập theo những phương thức rất lạ lùng, đặc biệt và không hề đi theo những chuẩn mực hay thông lệ thường tình, chẳng hạn như vị đó có thể uống rượu. Chúng ta có thể sẽ gặp rất nhiều cách hành xử khác nhau, song chúng ta không nên đánh giá hay chỉ trích. Chúng ta không thể biết được mức độ tinh tấn và thành tựu tâm linh của người khác. Mỗi người được lựa chọn phương pháp thích hợp nhất với mình. Chúng ta chưa có đủ phẩm hạnh để đưa ra những nhận xét đánh giá. Chúng ta chỉ có thể tự đánh giá bản thân, bởi nói cho cùng chỉ có mình là biết rõ mình hơn ai hết và chẳng ai khác có thể biết về chúng ta rõ hơn chính mình. Chỉ chúng ta mới biết được cách thức tu tập nào phù hợp nhất cho bản thân. Nếu tự thấy mình là người mới tu tập, chúng ta cần thực hành theo nghi thức giới luật. Nếu thấy mình đã có được chút thành tựu trên con đường tâm linh, chúng ta có thể lựa chọn những phương thức thực hành phù hợp với mình hơn và đến khi đạt được những thành tựu tâm linh nhất định, chúng ta sẽ thực hành tùy theo mức độ chứng ngộ của mình. Mỗi người, tùy theo những trải nghiệm cá nhân, sẽ có thể biết được mình đang ở cấp độ nào và cần phải thực hành pháp gì. Song bạn cũng cần phải cẩn trọng trong việc tự đánh giá bản thân để đừng phạm phải bất cứ sai lầm nào.

Bạn cũng không nên quá cứng nhắc, chẳng hạn như bạn cứ nghĩ rằng cần vội vã đi hết hành trình: đừng nên chạy đua với chính mình và coi nhẹ những khó khăn bạn có thể gặp phải trên đường đi. Hơn nữa, cho dù nhận thức rõ ràng rằng chính chúng ta phải nhận biết được mình đang ở đâu trên con đường đạo, bạn vẫn cần ghi nhớ rằng bạn có thể nương vào các bậc Thầy tâm linh, thỉnh ý kiến các Ngài để có được nhận định rõ ràng đúng đắn hơn. Sự kết nối với một bậc Thượng sư chân chính là điều vô cùng quan trọng.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6327049
Số người trực tuyến: