Đạo Đại Thủ Ấn: Thượng sư và đệ tử
Đại Thủ Ấn có nghĩa là Đại hợp nhất, cũng có nghĩa là sự hợp nhất với Thượng sư, với tâm giác ngộ của Ngài, vốn bất phân ly với Đại Thủ Ấn. Pháp tu Đại Thủ Ấn chính là nhận ra tự tính Phật, thực chứng được tự tính bản tâm của chúng ta. Điều này diễn ra trong chính chúng ta, sâu thẳm trong tâm thức mơ hồ của chúng ta. Ở cấp độ tuyệt đối, không có sự phân cách giữa Thượng sư với chính chúng ta. Theo nghĩa này, tâm chúng ta và tâm của bậc thầy cùng là Đại Thủ Ấn, nền tảng của vạn pháp. Tiếc thay, đến tận bây giờ, chúng ta luôn không nhận thấy như vậy, và chính chúng ta vẫn đang rất xa vời với Đại Thủ Ấn. Từ nay trở đi, thông qua thực hành các pháp tu như Guru Yoga Thượng sư Tương ưng pháp, chúng ta sẽ trưởng dưỡng Tâm chí thành hay khả năng thực chứng hợp nhất, hay đúng hơn là thực chứng cảnh giới trong đó Thượng sư và chúng ta là không tách biệt. Đây chỉ là vấn đề thực chứng, giống như mặt trong và mặt ngoài của một bàn tay, giống như hai mặt của sự vật; để thấy lòng bàn tay khi ta đang úp tay xuống, chỉ cần lật bàn tay lên là đủ. Nương theo cách ấy, nhờ sự nhận biết đơn giản về sự hợp nhất, chúng ta không còn bị ngăn cách với Thượng sư nữa. Nhưng nếu chúng ta không nhận thức được rằng mình vốn không bị ngăn cách, thì bậc Thầy hiển nhiên đang bị ngăn cách với chúng ta. Chính vì vậy, suy nghĩ hoặc sự hiểu biết về Đại Thủ Ấn, theo nghĩa nền tảng của vạn pháp, chắc chắn sẽ trợ giúp chúng ta trưởng dưỡng Tâm chí thành để bước vào kết nối với Thượng sư bên ngoài, bên trong và bí mật.
Hầu như mỗi đức Phật, mỗi bậc Bồ tát, bậc thánh nhân hay bậc Thầy đã đạt tới Phật quả và giác ngộ đều nhờ vào khả năng biết lắng nghe giáo pháp từ một bậc Thầy chân chính. Nếu không có sự hướng đạo từ một bậc Thầy giác ngộ, sẽ chẳng có cách nào đạt được quả vị giác ngộ. Ví dụ khi chúng ta nói tới từ bi, chúng ta không thực sự hiểu “từ bi” nghĩa là gì, hay “đau khổ” là gì và “giác ngộ” là như thế nào. Chúng ta hoàn toàn vô minh. Vì vậy lắng nghe giáo pháp từ bậc Thầy là việc thực sự cần thiết để thức tỉnh chúng ta. Những hành giả Đại thừa hay thụ giới Bồ tát như chúng ta đương nhiên cần phải làm tất cả mọi việc: thực hành, lắng nghe, trau dồi và thiền định với động cơ giải thoát mọi chúng sinh hữu tình. Đây là điểm cốt yếu vô cùng quan trọng.
Con đường siêu việt giác ngộ được định hình bằng thực chứng sự hợp nhất giữa tâm của chúng ta với tâm giác ngộ của Thượng Sư, vốn là tự tính tối thượng của vạn pháp. Có thể nói rằng việc thực chứng được bản chất tự nhiên sẽ nhờ phần nhiều vào ân phúc gia trì từ bậc Căn bản Thượng sư, bạn cần phải luôn ghi nhớ điều này. Phần còn lại phụ thuộc vào nỗ lực thực hành của chính bạn: bạn cần phải thực hành liên tục không gián đoạn để có thể trở nên tinh tấn. Điều này giống như bạn đã xây xong một cây cầu và nhờ đó đã thiết lập được cầu nối vững chắc với chân lý, song bạn vẫn cần phải bước đi trên cây cầu đó để sang được tới bờ bên kia. Đương nhiên là nếu chỉ đơn giản là xây xong cây cầu thì vẫn chưa đủ, bạn còn phải tiến bước trên đó. Để có thể tinh tấn, giờ là lúc bạn cần phải liên tục thực hành thiền Đại Thủ Ấn.
- 340
Viết bình luận