Pháp thực hành Thiền chỉ (Samatha) | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Pháp thực hành Thiền chỉ (Samatha)

Điều quan trọng của thực hành Đại Thủ Ấn là chúng ta phải cố gắng tập trung ngay từ đầu. Nếu ngay từ đầu, sự tập trung tự nhiên đã được kích hoạt thì sau đó chúng ta đơn giản chỉ cần tuân theo giáo lý của Thượng sư Tilopa, nhưng vì tập trung chưa tốt, nên sự rèn luyện đầu tiên này của tâm thức cần được trưởng dưỡng. Để được như vậy, chúng ta nên đặt sự chú ý vào một vật hỗ trợ phù hợp như một pho tượng Phật đặt trước mặt, một chữ chủng tử hay chú tâm trên một hình sắc nào đó để chặt đứt các tư tưởng bên ngoài và thực hành khả năng tập trung. Lúc này, bạn không cần suy nghĩ về màu sắc, hình dáng của đối tượng thiền định mà chỉ cần giữ tâm an trú vào vật này một cách không quá căng thẳng hay thả lỏng.

Khi một đệ tử của Phật Thích Ca bạch với Đức Phật rằng ông không thể tập trung được, Đức Phật đã hỏi ông làm nghề gì và có những ký ức nào còn lại trong đầu ông. Vì người đó đã từng là người chăn bò và ký ức về những cặp sừng bò dài đã in dấu trong tâm trí ông, Đức Phật đã khuyên ông thiền bằng cách tập trung vào những ký ức này. Rèn luyện theo cách ấy, ông đã có thể bước vào trạng trái thiền định. Vậy đây chỉ là một bài tập đơn giản: vấn đề không phải là quán tưởng về sừng bò trong suốt hành trình tu tập mà sừng bò chỉ là đối tượng để định tâm.

Theo kinh sách, sau khi đã đạt đến sự ổn định bằng cách chú tâm đến các vật thể bên ngoài, chúng ta có thể tiếp tục chú tâm vào bản thân, tập trung vào hơi thở của mình. Vậy chỉ cần ý thức được về việc hít vào thở ra là tự nhiên đã có sự tập trung. Tôi khuyên các bạn không nên tác động tới nhịp thở. Đây là một bài tập cơ bản. Sự chú ý của các bạn phải không được đứt quãng; hãy thử duy trì nó càng lâu càng tốt. Nó sẽ mang lại cho bạn cảm giác tươi sáng rõ rệt, không còn bị ám chướng nữa.

Khi đã cảm thấy thoải mái trong cách thực hành này rồi, tiếp theo có thể rèn cách đếm hơi thở. Bài tập này có rất nhiều lợi ích. Bạn hãy đếm trong đầu mỗi lần một nhịp đôi hít vào/thở ra trong khi vẫn duy trì nhịp thở bình thường. Bằng cách đó, chúng ta duy trì được một tâm trí có chút rộn rã nhưng khác với lúc bình thường là tâm trí đó luôn hỗn độn trong một mớ bòng bong vô định, giờ đây tâm trí đó đã tập trung hướng đến chỉ một điểm. Với cách tu tập này, chúng ta có thể tập trung đủ để đếm được nhịp thở của cả một ngày: có tới 21.600 lần, nhưng theo thói quen, nếu chúng ta không chú ý vào việc đếm thì tâm sẽ không ngừng vẩn vơ phiêu lãng. Có thể đếm được nhịp thở của mình như vậy là một dấu hiệu của tâm không phóng dật. Sự “hiện hữu” này bản thân nó đã rất tuyệt, bởi vấn đề chính của chúng ta bây giờ là tâm thức hoàn toàn nhiễu loạn không an định.

Nói chung, khi ở trạng thái bình thường, chúng ta thiếu cảnh giác, ý thức mù mờ như thể đang ở nơi tăm tối. Điều này thật sự là đáng tiếc, nhất là đối với Đại Thủ Ấn. Phật giáo Nguyên thủy chú trọng đến trạng thái tĩnh tâm, nhưng Đại Thủ Ấn và Đại Toàn thiện chủ yếu chú trọng tính trong sáng và minh bạch của tâm, tức là chú trọng vào tâm chính niệm. Không có tâm trong sáng thì trải nghiệm ta có cũng chỉ nghèo nàn, khốn khổ. Sự tu tập của ta là nhằm phát triển cái tâm trong sáng này, bằng cách đó ta có thể phát triển dần dần phẩm chất toàn tri của Phật, giống như Phật Thích Ca Mâu Ni - Ngài có khả năng trong một lúc tri giác được vạn vật. Bởi thế nên đây là những sự thực hành cốt tuỷ.

Để đánh giá trạng thái tâm thức an định của mình, chúng ta hãy thử tưởng tượng, bỗng nhiên có một tiếng động lớn hoặc bạn đột ngột nhận được một tin xấu. Phản ứng của bạn sẽ ra sao? Có thể một vài người trong số các bạn sẽ bị chấn động. Cú sốc này là dấu hiệu của việc chúng ta hoàn toàn không có sự thực hành tâm linh.

Vào thời của Đức Phật, một vài đệ tử đã được thử thách một cách bí mật mà không báo trước. Đó không phải là một phép thử chính thống mà Đức Phật khuyên dùng; tuy nhiên một vài người lại vin vào đó để làm tiêu chí. Có một câu chuyện xảy ra ở Ấn Độ kể rằng: một người đàn ông, bị lôi cuốn bởi đời sống tu hành, đã từ bỏ gia đình, từ bỏ hết thảy những gì mình có, để trở thành người xuất gia, ở thời đại đó tức là tu sĩ Thượng tọa bộ. Nhiều người cho rằng ông đã đạt đến quả vị A la hán. Người thân trong gia đình đều mong muốn ông thay đổi ước nguyện để quay về với gia đình; nhưng nếu tu sĩ này đã thực sự là một bậc chân tu đắc quả, là điều vốn nằm ngoài dự kiến, thì chỉ có thể tôn trọng ước nguyện đó của ông mà thôi. Ngược lại, nếu như ông vẫn chưa thực sự chứng đạt A la hán thì gia đình có thể đưa ông quay về. Thế là họ đã bày ra một mưu chước nhằm thử thách ông. Theo truyền thống này, có tập quán buộc các tu sĩ phải chấp nhận lời mời tới cùng ăn một bữa cơm tại gia đình thế tục. Các thành viên trong chính gia đình của ông đã mời ông về cùng dùng bữa và ông đã chấp thuận. Họ chuẩn bị một bữa trưa thịnh soạn, nhưng ngay đằng sau tấm rèm gần sát chỗ thực khách ngồi, họ giấu một cái chiêng rất lớn với ý định sẽ nổi chiêng một cách đột ngột giữa bữa ăn. Tiếng chiêng chát chúa và hiệu ứng đột ngột đã khiến tu sĩ nhảy bật ra khỏi chỗ ngồi, ngã ngửa ra sau, trong khi đó bàn ăn, các món ăn và tấm rèm đổ lỏng chỏng thành mớ hỗn độn. Như thế có nghĩa là tu sĩ này đã không đạt được cấp độ chính định của một vị A la hán thực thụ. Gia đình chỉ việc giữ ông lại và bắt ông phải quay lại cuộc sống thế tục...

Bài học trên đã cho chúng ta thấy tầm quan trọng trên hết của việc trưởng dưỡng thiền định để đạt tâm an định. Nếu không có nền tảng thiền định này, việc thực hành Đại Thủ Ấn sẽ không thể thực hiện được!

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6327246
Số người trực tuyến: