Quả Đại thủ ấn
Tam thân của Phật tính
Sau khi đã mô tả ngắn gọn bản chất của căn, đạo, kiến, thiền, hành, phần này sẽ tóm gọn với điểm căn bản thứ ba, lý giải về ý nghĩa của Đại thủ Ấn, quả Đại Thủ Ấn, và sự bất khả phân của Tam thân.
Một hành giả phát tâm nguyện chứng thực diện mạo vốn có của Đại ấn, Căn Đại Thủ Ấn, tức tự tính vốn có nơi mình và vạn pháp không sai khác, sẽ tập trung vào điểm then chốt của thực hành Đạo Đại Thủ Ấn. Tiếp theo quá trình luyện tập, hành giả sẽ đạt được sự hoàn hảo của kiến và thiền, tại thời điểm này hành giả sẽ đạt được Quả Đại Thủ Ấn, quả cuối cùng đó là Pháp thân tối thượng.
Tinh túy của Pháp thân là bản lai thanh tịnh không hư cấu, không thay đổi, không tăng, không giảm, hiện diện từ vô thủy trong tâm của tất cả chúng sinh hữu tình trong ba cõi. Đây chính xác là những gì cần được chứng ngộ thông qua phương pháp thực hành, đó cũng là mấu chốt căn bản của cả con đường. Ngoài ra, không còn quả vị chứng ngộ nào khác, không có gì chứng ngộ cả, không có tính Phật hay Pháp thân nào mới xuất hiện.
Pháp thân bao gồm hai lớp Trí tuệ thanh tịnh: trí tuệ chứng ngộ được vạn pháp tương đối và trí tuệ chứng ngộ được chân lý tuyệt đối. Hai loại trí tuệ này giải thoát chúng sinh khỏi phiền não của sự vô minh, viên mãn tất cả phẩm chất giác ngộ. Sự hiển bày của Trí tuệ này là sự hiển bày của hai thân: Báo thân và Hóa thân.
Bảy khía cạnh của hợp nhất
Tam thân này nắm giữ những phẩm chất vốn có của bảy khía cạnh hợp nhất, bao gồm:
Ba khía cạnh thuộc về phẩm chất của Báo thân
Khía cạnh đầu tiên là Hoan hỷ do liên tục chuyển bánh xe Pháp luân vi diệu và rộng lớn cùng chân ngôn bí mật đối với các vị Bồ tát an trụ tại Mandala Cứu Kính Thiên vì lợi ích của tất cả chúng sinh trong hình thức Pháp thân.
Khía cạnh sự Hợp nhất xuất phát từ thân trí tuệ có hảo tướng và tùy hình hảo hợp nhất với Minh phi trí tuệ trong ánh sáng tự nhiên.
Khía cạnh Đại hỷ lạc xuất phát từ sự hỷ lạc vô điều kiện đang hiển bày liên tục.
Ba khía cạnh tiếp đến thuộc về phẩm chất đặc biệt của Hóa thân
Khía cạnh hoàn toàn tràn đầy từ bi là lòng từ bi vô lượng vô biên bao trùm tựa bầu trời.
Khía cạnh liên tục là sự hiển bày các công hạnh rộng lớn đồng thời bình đẳng bất nhị giữa Niết bàn và luân hồi.
Khía cạnh không bị gián đoạn là không trụ lại trong sự an vui của Niết bàn.
Khía cạnh cuối cùng không có bản chất, bởi vì sự hợp nhất của tính không và lòng từ bi hoàn toàn thoát khỏi mọi vọng tưởng trong tâm và vì vậy không có bản chất. Đây được coi là phẩm chất đặc biệt của Pháp thân. Tam thân vốn sẵn có sẵn những diệu dụng giác ngộ này.
Các phẩm chất khác
Kinh điển cũng dạy rằng Tam thân có phẩm chất làm chủ. Thứ nhất, cứu độ bất cứ chúng sinh nào có thể cứu độ bằng cách sử dụng bất cứ phương tiện thiện xảo nào, đó là sự làm chủ về Thân. (2) Chuyển bánh xe Pháp không ngừng nghỉ để cứu độ bất cứ ai đang có nhu cầu, đó là làm chủ về Khẩu. (3) lòng từ bi không vọng tưởng, làm chủ về Tâm. (4) thần lực không bị chướng ngại, là việc làm chủ về những Thần thông. (5) giác ngộ thực sự về luân hồi và Niết bàn và ba thời đều bình đẳng và nhất như là sự làm chủ về sự Thấu hiểu toàn tri, tỏa khắp. (6) không nhiễm ô về tham muốn, ví dụ như, thậm chí khi các nữ thiên cúng dàng nhiều như số lượng hạt bụi của 32 núi Sumeru thì hành giả vẫn tự tại, đó là hành giả làm chủ được tham ái. (7) viên mãn mong cầu và hy vọng của chúng sinh giống như một viên ngọc như ý viên mãn mọi ước nguyện (8) với tư cách là Vua pháp của ba cõi, liên tục an trụ trong Mandala Cứu Kính Thiên, là việc làm chủ về trụ xứ. Có được 8 làm chủ này là một sự mô tả về các phẩm chất của Báo thân.
Hóa thân là sự thị hiện không thể nghĩ bàn của Pháp thân và Báo thân. Vì vậy, thị hiện của các hóa thân để cứu độ chúng sinh, giống như sự phản ánh của mặt trăng trên hồ nước nơi bóng trăng xuất hiện. Sự xuất hiện của vô lượng Hóa thân nhằm cứu độ bất cứ chúng sinh nào đang cần tới bằng bất cứ phương tiện thiện xảo nào.
Tại thời điểm này của con đường thực hành, thành tựu giác ngộ tập trung vào Đại tính không của Đại Thủ Ấn chính là sự chứng ngộ Pháp thân. Hành giả sẽ đạt được Hóa thân thanh tịnh thông qua sức mạnh trưởng dưỡng tâm bồ đề, phát nguyện và thực hành công hạnh lợi tha. Hành giả đạt được Báo thân thông qua tu tập giai đoạn Phát triển. Nhờ vào sự tinh tấn thực hành các pháp tu trì, sự hợp nhất giữa phương tiện và trí tuệ của các loại trí tuệ thanh tịnh và toàn diện, hành giả sẽ đạt được đại định kim cương, bất khả phân với Tam thân.
Nói tóm lại, Tam thân này không phải là gì khác hơn là tinh túy của thực tại; vào thời điểm thành tựu, Tam thân Phật sẽ hiển bày hết thảy diệu dụng của phẩm chất giác ngộ cho lợi ích chúng sinh.
Kết luận
Vạn pháp xuất hiện thành thế giới bên ngoài và các chúng sinh bị chi phối bởi xu hướng tập khí vô minh và nghiệp lực được thể hiện qua hình thức của năm đại. Những hành giả tu tập biết, thấy được vạn pháp là sự hiển bày không ngừng nghỉ của Tâm. Chư Phật và Bồ tát thấu rõ vạn pháp là sự hiển bày của Trí tuệ. Cuối cùng, vạn pháp không có gì khác ngoài sự thể hiện của tinh túy tâm Đại Thủ Ấn.
Tất cả những hành động, tư tưởng nhận thức bên trong của tâm, đối với chúng sinh vô minh bất tịnh dựa vào sự chi phối của nghiệp, những xúc tình phiền não và những thói quen tập khí. Đối với các hành giả trên con đường tu tập, những tư tưởng, hành động, nhận thức của tâm thể hiện thành những khía cạnh khác biệt về kiến và thiền, trải nghiệm và chứng ngộ. Cuối cùng đối với Tam thân của chư Phật, sự giác ngộ, công hạnh và tỉnh thức của tâm là sự hiển bày trí tuệ và tình yêu thương vô điều kiện.
Mặc dù không có sự khác biệt nào, dù là nhỏ nhoi, về bản chất của tự tính tâm, sự khác biệt chỉ nằm ở việc tâm có bị bao phủ bởi những ám chướng vọng tưởng từ vô thủy (trường hợp của chúng sinh hữu tình), hay tâm dần dần được bóc tách ra khỏi lớp màng vô minh (trường hợp của hành giả trên con đường tu tập), hay tâm hoàn thoàn thoát khỏi mọi ám chướng vô minh (trường hợp chư Phật và các bậc Giác ngộ).
Như vậy, điểm căn bản và đích đến tối thượng của tất cả hành giả Mật thừa là chứng ngộ Đại Thủ Ấn, tự tính tâm không bị ngăn che, tự tính căn bản siêu việt từ vô thủy, siêu việt hiện tại và sẽ siêu việt tương lai đối với tinh túy của Căn Đạo Quả, hợp nhất của hai thân, hoặc bất khả phân với Tam thân Phật tính!
Cam lồ của sự thực hành Đại Thủ Ấn là quả vị giải thoát tương ứng với bốn năng lực thiền định của hành giả. Trong Kinh nói rằng chúng ta nên kiểm tra xem loại thiền định nào phù hợp với bản thân, sau đó thì nên rèn luyện chuyên nhất một loại với tất cả sự tinh tấn nỗ lực. Chúng ta sẽ trải nghiệm cơ hội giải thoát lớn lao nhờ những phương pháp thực hành cụ thể này.
Bốn quả vị giải thoát theo năng lực thiền định gồm:
Hành giả Đại Thủ Ấn đón nhận sự hướng đạo của bậc Thầy về tự tính tâm và chuyên tâm thực hành với sự chuyên cần nỗ lực lớn lao thì sẽ nhận ra những âm thanh ánh sáng và tia sáng là sự diễn tả của tự tâm mình. Đây là sự chứng ngộ Trí tuệ bản lai, trí tuệ bất khả phân với các hiện tượng và tính không. Hành giả yogi như vậy sẽ đạt được giải thoát trong Pháp thân trong Bardo chết.
Hành giả vĩ đại của Yoga Bản tôn giai đoạn Phát triển, thực hành thiền định về hình sắc, âm thanh và tư tưởng là tự tính của Bản tôn, Chân ngôn, và Trí tuệ sẽ nhận ra ánh sáng và tia sáng này là thân của các Bản tôn, chân ngôn và tùy tùng. Âm thanh là chân ngôn hay ngữ bí mật. Với sự thuần thục nhuần nhuyễn về thực hành thiền định các Bản tôn, hành giả này sẽ nhìn thấy và hòa nhập tất cả các Bản tôn và đạt được Báo thân trong trạng thái Bardo Pháp tính.
Lớp yogi thứ ba là những hành giả nhìn thấy hiện tướng là như huyễn, rỗng không sẽ chứng đạt sự giải thoát Hóa thân. Các vị rèn luyện và thực hành một cách mạnh mẽ, tinh tấn,để trưởng dưỡng thói quen thấy các hiện tượng là huyễn ảo, qua đó không còn bám chấp vào âm thanh, ánh sáng, màu sắc là thật mà đón nhận chúng một cách tự nhiên như là một giấc mơ không thật.
Loại giải thoát thứ tư là của bậc yogi đã nhận ra tất cả các hiện tướng trong luân hồi và Niết bàn đều xuất hiện từ chính chân tâm. Với thói quen này bậc yogi sẽ chứng ngộ các hiện tướng trong Bardo là sự hiển bày của tâm và sẽ đạt được giải thoát của sắc thân hay Thân tinh túy.
Như vậy, sự thực hành Kim Cương thừa có đặc trưng là dùng các phương tiện thiện xảo làm nhân tu để thành tựu quả vị Tam thân, hành giả Mật thừa lập tức dùng Hóa thân tái sinh chuyển thế trở lại luân hồi để viên mãn tâm nguyện vị tha lợi ích chúng sinh.
Lấy động cơ giác ngộ chúng sinh là mục đích cao cả nhất, các Ngài có thể dùng vô số phương tiện thiện xảo từ thị hiện các pháp thần thông đến thành tựu thân cầu vồng hay để lại xá lợi tự chứng đắc...tất cả chỉ là những bài pháp của các Ngài giúp chúng ta giác tỉnh, trưởng dưỡng tín tâm vào sự thực hành Phật pháp.
Một hóa thân đời trước của tôi, Ngài Gyalwang Drukpa đời thứ XI, là một đại hành giả và sinh thời Ngài có một ngón tay trong suốt. Mặc dù thân hình Ngài rất to lớn, song đôi khi các bậc thị giả thắt dây lưng cho Ngài đã rất kinh ngạc khi thấy vùng da thịt nơi ngang thắt lưng Ngài cũng hoàn toàn trong suốt. Đó là ví dụ của thành tựu thân cầu vồng. Theo kinh văn, thành tựu thân cầu vồng là biểu hiện của sự giác ngộ cao cấp. Hành giả chứng đạt thành tựu này khi thấu triệt được thân mình cũng như vạn pháp đều là như huyễn. Đồng thời, hành giả cũng phải thấu triệt được ngũ dục. Một cách tương đối, ngũ dục cũng giống như cầu vồng có năm màu. Khi xúc tình được chuyển hóa thành trí tuệ, trí tuệ cũng sẽ mang màu sắc cầu vồng. Tuy nhiên, cầu vồng năm màu này ở thể vi tế nên ta không thể nhìn thấy, vì thế mà thân thể trở thành trong suốt như vậy.
Đó là minh chứng mà chúng ta còn nhớ được. Ở đây, cũng như những trường hợp về xá lợi tự chứng đắc mà chúng ta biết được về các Đại thành tựu giả. Rất nhiều người dân trên dãy Himalaya cho đến nay khi gặp được tôi vẫn nhắc tới niềm xúc động và lòng kính tín vô bờ của họ khi được tận mắt chiêm bái các xá lợi hình thánh tướng Đức Quan Âm, Văn Thù và Kim Cương Thủ... mà Đức Pháp Vương đời thứ I Tsangpa Gyare đã để lại trước khi hóa thân chuyển thế sang đời tiếp theo!
- 1035
Viết bình luận