Giai đoạn Thành tựu
Sau giai đoạn tích lũy công đức và khởi tạo thiền định về sắc tướng và phạm vi trí tuệ bản lai của vị Bản tôn thiền định để tịnh hóa Tứ sinh, hành giả sẽ đi tiếp vào giai đoạn Thành tựu. Trước đó, ở giai đoạn Phát triển, ngoài những nhiễm ô bên ngoài khiến hệ thống kinh mạch luân xa bị đóng lại, chúng ta cũng chưa hiểu được năng lượng là gì và chưa được dạy về các phương pháp trú tâm để dẫn khí vào kinh mạch. Cùng với sự thực hành Tam mật tương ưng, thông qua quá trình làm quen với thực tại chân thật của tâm và tịnh hóa thân vi tế, các hệ thống này sẽ được hành giả nhận biết dần dần và trở thành phương tiện thực hành. Như thế, trong giai đoạn thứ hai này, hành giả sẽ tập trung tu Tuệ thông qua việc sử dụng kỹ thuật nhằm kiểm soát các dòng khí bên trong các kinh mạch năng lượng của thân đã được tịnh hóa.
Đặc trưng của giai đoạn Thành tựu là Yoga không tạo tác, bởi đối tượng thiền định lúc này không còn được khởi tạo bằng năng lực quán tưởng hay tâm tạo tác. Đây là tiến trình thiền định tự nhiên về thân vi tế thanh tịnh, cũng tương tự như quá trình tan rã bí mật của Bardo cận tử hướng tới sự hiển lộ của Pháp tính Diệu minh thường trụ trong Bardo Pháp tính. Lúc này, hành giả không cần sử dụng các phương pháp gián tiếp như các quán tưởng Bản tôn, trì tụng Chân ngôn, thực hành nghi quỹ,… để chứng ngộ bản tâm mình, chẳng còn gì ngoài việc trực tiếp soi chiếu bản chất và an trụ trong tự tính tâm được hiển lộ. Điều này cũng giống như sử dụng một con thuyền để đi qua sông, một khi đã cập bến rồi thì hành giả không cần nương vào phương tiện ban đầu là con thuyền nữa.
Giai đoạn Thành tựu cũng thường được chia ra làm hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, hành giả đánh thức trí tuệ qua việc luyện về khí mạch minh điểm, tức là thiền định về kinh mạch vi tế, nén khí đẩy vào kinh mạch trung ương để an trụ tâm. Giai đoạn Thành tựu cao hơn là hành giả không còn dùng thân vi tế như phương tiện mà an trụ trực tiếp tâm mình trong tự tính Đại Thủ Ấn.
Bởi giai đoạn Thành tựu gắn liền với sự thực hành thiền định về hệ thống luân xa, kinh mạch vi tế trong cơ thể, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kỹ hơn về các đặc điểm của tổ hợp Thân - Tâm nơi mình.
- 349
Viết bình luận