Thực hành bí mật là thực hành Guru Yoga đích thực (phần 3) | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Thực hành bí mật là thực hành Guru Yoga đích thực (phần 3)

Ở các phần trên chúng ta đã cùng tìm hiểu về ý nghĩa Quán đỉnh và tiếp đến là pháp Guru Yoga hay nghi thức tự thân thực hành Tứ Quán đỉnh qua pháp tu trì vi diệu này. Tiếp theo, tôi xin được chia sẻ về lộ trình để thành tựu Guru Yoga (hay Quả của sự thực hành).

Bạn cần biết rằng việc thụ nhận bốn Quán đỉnh chẳng hạn như quán đỉnh bình, nước ban phúc, cam lộ, thuốc trường thọ từ bậc Thượng sư… đều là sự ban phúc gia trì cho phép thực hành chứ chưa phải là thành tựu mục đích tối thượng của Quán đỉnh ngay trong đời này. Chúng ta gọi đây là nghi thức quán đỉnh gia trì để phân biệt với pháp thiền định Tứ quán đỉnh phần thực hành nghi quỹ Guru Yoga được gọi là tự thân quán đỉnh. Ngoài ra, Kim Cương thừa cũng nhắc đến các trường hợp hốt nhiên quán đỉnh. Các bậc căn cơ thượng thừa có thể giác ngộ trong một sát na nhờ năng lực khai thị của bậc Thầy. Câu chuyện đức Tilopa rút chiếc dép đánh vào má đức Naropa khiến đức Naropa bất tỉnh và ngay khi tỉnh lại Ngài chứng đạt giác ngộ là ví dụ như vậy. Còn thông thường, các hành giả phải trải qua quá trình thực hành rất dài để lần lượt thành tựu Tứ quán đỉnh. Việc thụ nhận và thành tựu Tứ quán đỉnh cuộc đời tùy thuộc vào căn cơ, năng lực và sự tinh tấn của mỗi người. Quá trình này có thể kéo dài hai mươi, ba mươi, bốn mươi năm hay lâu hơn nữa song cũng có thể chỉ mất sáu, bảy ngày. Việc thành tựu quán đỉnh mau hay lâu hoàn toàn tùy thuộc vào tín tâm chí thành dâng hiến của người đệ tử đối với bậc Thầy. Nếu người đệ tử có đức tin, trí tuệ rộng lớn thì chỉ trong một giờ đã nhận được quán đỉnh nhưng nếu không có trí tuệ và đức tin thì dù có mất hai mươi, ba mươi năm hay ba, bốn đời cũng không thể thụ nhận và thành tựu Tứ quán đỉnh này.

Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa truyền Quán đỉnh cho các Phật tử

Ngay các bậc Đại thành tựu giả như đức Milarepa cũng phải trải qua rất nhiều năm để viên mãn hoàn toàn các thứ lớp Tứ quán đỉnh. Dù Căn bản Thượng sư là ai, là một đệ tử Kim Cương thừa, chúng ta phải gần gũi lân mẫn và nương vào bậc Thầy tu học nhiều năm, bước đầu tiên là tu tập và thực hành giáo pháp Ngondro trong ba năm rồi bậc Thầy sẽ trao quán đỉnh đầu tiên như đức Milarepa đã phải xây nhà, bị Thầy la mắng, đánh đập… Ngài phải trì chân ngôn rất nhiều để tịnh hóa ác nghiệp, phải thiền định để điều phục tâm… rồi mới được Thượng sư Marpa truyền quán đỉnh Bình điểm đạo vào giai đoạn Phát triển. Đức Milarepa phải miên mật thực hành trong nhiều năm rồi mới thành tựu viên mãn Quán đỉnh thứ nhất này. Bây giờ chúng ta nói rằng mình thụ nhận quán đỉnh, được bậc Thầy trao cho liền một lúc tứ quán đỉnh thực ra không đúng ý nghĩa vì đây chỉ là nghi thức quán đỉnh gia trì cho phép thực hành chứ chưa phải là sự thành tựu Tứ quán đỉnh hay thành tựu giác ngộ một đời người. Như vậy, chỉ một quán đỉnh Bình thôi tức phần giai đoạn Phát triển phải thực hành tu tập trong vòng ba hay bảy, thậm chí chín đến mười năm, rồi thực hành quán đỉnh thứ hai, thứ ba về kinh mạch khí,… mỗi quán đỉnh phải cần chín đến mười năm trước khi chuyển sang phần quán đỉnh cuối cùng tức giai đoạn Thành tựu cũng lại cần từ chín đến mười năm nữa. Như vậy, thông thường hành giả phải mất bốn mươi năm mới tu tập xong phần Tứ quán đỉnh và khi thực hành chứng đạt được Tứ quán đỉnh một cách trọn vẹn là hành giả đã thành Phật giác ngộ.

Cứ như vậy thực hành quán đỉnh thứ nhất cần mười, hai mươi năm, quán đỉnh thứ hai mười đến hai mươi năm, quán đỉnh thứ ba và thứ tư cũng như thế. Tất cả sự tu tập thực hành theo Kim Cương thừa nằm trọn vẹn trong con đường của Tứ quán đỉnh. Tứ quán đỉnh nói chung và giản lược có nghĩa là như vậy
 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6450856
Số người trực tuyến: