Thực hành bí mật là thực hành Guru Yoga đích thực (phần 1) | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Thực hành bí mật là thực hành Guru Yoga đích thực (phần 1)

Trong khía cạnh thứ ba của sự thực hành là thực hành bí mật, chúng ta phải hòa nhập Guru Yoga vào mọi hoạt động của đời sống, dù là trong phạm vi nội hay ngoại đàn tràng. Ở đây tôi muốn chia sẻ thêm với các bạn về ba điểm cốt yếu của mọi pháp thực hành, bốn tư tưởng cần thấm nhuần và bốn giai đoạn thành tựu Tứ Quản đỉnh trong cuộc đời.  

Ba điểm cốt yếu khi tu tập nghi quỹ Kim Cương thừa

Trong khi hành trì các pháp tu Kim Cương thừa, hành giả phải nhất thiết ghi tâm ba điểm cốt yếu là thực hành với động cơ thanh tịnh, hành đàn thanh tịnh và hồi hướng công đức thanh tịnh.

Điểm thứ nhất là động cơ thanh tịnh. Trước khi tu tập, hành giả phải luôn quán chiếu về thân người khó được và giá trị hy hữu khi may mắn có được thân người quý giá này. Tiếp đến, hãy suy ngẫm quán chiếu về các đề mục Vô thường, cái Chết, quy luật Nhân quả và khổ Luân hồi. Hãy phát khởi Bồ đề tâm, tin tưởng vững chắc rằng từ chư Phật, Bồ tát đến tất thảy chúng sinh đều vốn sẵn đủ Phật tính, chỉ vì vô minh nên chúng sinh và bản thân mình cứ mãi trầm chìm trong khổ đau sinh tử luân hồi. Từ niềm tin Kim cương đó, hãy hướng cuộc sống của mình về mục đích tinh tấn tu tập vì sự giác ngộ và an lạc của hết thảy khổ não hữu tình.

Điểm cốt yếu thứ hai là hành đàn thanh tịnh với phạm vi bao gồm cả nội và ngoại đàn tràng. Hành giả nên nhớ rằng Mật thất hay Nội Đàn tràng chính là một Mandala giác ngộ của chư Phật, là không gian của ân phúc gia trì và công đức. Vì thế, cần bảo vệ năng lực gia trì của đàn tràng tránh những năng lượng tiêu cực có thể gây chướng ngại cho sự tu trì của mình và thánh hóa môi trường tu tập bằng cách quán tưởng cảnh giới Mandala Bản tôn. Trên thực tế, các bậc giác ngộ vẫn đang hiển diện khắp mười phương, song bởi vô minh, ám chướng che dày nên chúng ta không thể nhận ra. Vì thế, để có sự kết nối và thỉnh cầu sự hiển diện của các Ngài, hành giả nên tụng bài tán thán thỉnh nguyện Bản tôn giáng lâm và bài Bảy chi cầu nguyện Hạnh Phổ Hiền. Kế đến, khi hành trì, hành giả lưu ý ngồi theo bảy tư thế của Đức Phật Đại Nhật Như Lai, ngồi thẳng xương sống để khí lực trôi chảy tự nhiên, đầu để thoải mái trên cổ và hơi đưa cằm về phía yết hầu, vai cân đối và thư giãn, có thể ngồi kết già thế Kim Cương tọa, Cát tường tọa hay Hàng ma tọa, răng môi để tự nhiên lưỡi đặt lên nóc hàm, hai tay kết ấn đại định đặt trước rốn hay nếu trì tụng chân ngôn thì tay trái cầm tràng để khoảng giữa tâm, không quá xa, quá gần để thoải mái tự nhiên, mắt mở khoảng bốn mươi lăm độ để tâm dễ tỉnh thức, nhạy bén, không xao động.
Trong pháp thực hành Kim Cương thừa, hành giả hãy nhất tâm trì tụng chân ngôn. Trì tụng chân ngôn chính là trở về với thực tại một cách trực tiếp, đó chính là phương tiện và trung tâm hiển lộ năng lực của thực tại. Do chân ngôn là bản chất thực tại của Đức Phật và Bản tôn thiền định nên khi trì tụng lặp đi lặp lại những âm ba rung động của thực tại giác ngộ này và an trú trong đại trí tuệ, hành giả sẽ tạo ra một sự kết nối với chư Bản tôn bên ngoài và bên trong giúp sản sinh kết quả đầy năng lực. Vì thế, hành giả hãy nhất tâm trì tụng đưa những sóng rung động này di chuyển tràn ngập khắp trong thân, tịnh hóa tất cả những ám chướng nhiễm ô để thanh lọc thân, tâm vật lý và chuyển hóa toàn bộ huyệt đạo của chính mình. Hành giả cần hòa nhập toàn bộ tâm mình bất khả phân với sóng âm rung động của chân ngôn và thoát khỏi sự gượng ép giả tạo, có như thế mới thực sự đón nhận dòng ban phúc gia trì liên tục, giúp khai mở Từ bi, Trí tuệ nơi tự thân và bản tính của các sự vật hiện tượng.

Khi thực hành quán tự thân Bản tôn, hành giả luôn phải trưởng dưỡng duy trì ba phẩm chất quan trọng: tính rõ ràng, lòng kiêu hãnh kim cương và hiểu được ý nghĩa của hình ảnh quán tưởng. Trong thực tế, quán thân ánh sáng của thân Bản tôn là năng lực trí tuệ tỉnh thức cụ thể có khả năng dừng tất cả những cảm xúc vô minh phiền não. Vì thế, khi trì tụng, hãy quán tưởng sự hiển diện sống động rực rỡ của Đức Phật Bản tôn thiền định bất khả phân với bậc Kim Cương Thượng sư trong sắc thân cầu vồng với ba chữ chủng tử Om Ah Hung an trí nơi luân xa trán, cổ họng và tim nêu biểu cho thân, ngữ, ý giác ngộ tràn đầy năng lực đại bi, trí tuệ và oai lực của Bản tôn thiền định. Hãy quán tưởng Ngài an tọa phía trước mặt hay trên đỉnh đầu và ban cho mình những phẩm tính giác ngộ, gia trì thành tựu, hoặc quán sắc thân Ngài nhỏ bằng một đốt ngón tay an tọa trên Nguyệt luân tại tim trong khối cầu ánh sáng nhỏ và trong suốt, và tiếp tục nhất tâm trì tụng. Đó là tam mật gia trì thân, khẩu, ý không thể phá hủy bất khả phân của Bản tôn và hành giả. Nếu có bạn đồng tu, nên quán tưởng họ chính là sự hiển diện thân, khẩu, ý giác ngộ của Bản tôn thiền định.

Để thành tựu tu tập, theo quan điểm của Kim Cương thừa, việc hành trì bên ngoài Đàn tràng có tầm quan trọng không kém thời khóa thực hành nghi quỹ chính. Đây là cách đem sự tu hòa nhập vào đời sống thường nhật để chuyển hóa tất cả thân, khẩu, ý của mình tương ứng với thân, khẩu, ý của Bản tôn, tích lũy công đức và trí tuệ đem lại năng lực gia trì không gián đoạn. Trong nhịp sống hàng ngày của mình, hành giả có thể thực hành như sau: khi nghe những âm thanh đầu tiên lúc tỉnh giấc, thay vì nhận thức chúng là những âm thanh thông thường, hãy quán tưởng trên bầu trời trước mặt, Đức Bản tôn và các Daka, Dakani đánh thức mình dậy bằng âm thanh chân ngôn giác ngộ và tin tưởng rằng đó chính là bậc Căn bản Thượng sư hiển diện trong sắc tướng Bản tôn. Khi đánh răng, rửa mặt, tắm và mặc quần áo, hãy nhận thức tự thân mình trong tự tính tịnh quang của Bản tôn, cúng dàng tự thân tắm và mặc quần áo để tịnh hóa tâm nhị nguyên tiêu cực nơi chúng ta. Khi đi, hành giả vẫn phải luôn nhất tâm trì tụng chân ngôn, đồng thời quán tưởng Bản tôn an trụ trên vai phải của mình, bản thân mình đang đi nhiễu quanh Ngài và cảnh giới Mandala giác ngộ của Ngài. Như thế, mỗi bước chân của hành giả đang tích lũy công đức trí tuệ và là bước tiến trên con đường giác ngộ.


Đức Bản tôn Kim Cương Tổng Trì Vajradhara

Khi đứng và khi ngồi, hành giả trì tụng chân ngôn và quán tưởng Bản tôn hiển diện trên nguyệt luân hoa sen an trụ phía trên đầu của mình và hướng lòng thành kính lên Ngài thì ân phúc gia trì và sự an lạc sẽ tràn đầy trong hành giả một cách tự nhiên. Khi nghe âm thanh, hãy quán tưởng âm thanh là những lời cầu nguyện tới Thượng sư. Tất cả những hoạt động của bạn ngay cả đi đứng nằm ngồi đều trở thành phụng sự Thượng sư.

Khi bị ốm đau, hãy quán tưởng nước cam lồ từ thân Thượng sư chảy xuống xoa dịu những chỗ đau đớn trên cơ thể bạn và quét sạch mọi chướng ngại bệnh tật. Hãy thiền định rằng tất cả bệnh tật đều được chữa lành, tất cả nghiệp xấu và chướng ngại đều được tiêu trừ nhờ năng lực gia trì của Thượng sư. Thậm chí khi những thế lực xấu như ma quỷ xuất hiện, hãy quán tưởng đó là sự hiển bày những công hạnh của Thượng sư nhằm thúc đẩy bạn thực hành các công hạnh lợi tha.

Khi ăn, hành giả hãy quán tưởng Bản tôn an trụ ở luân xa cổ họng, bất cứ thức ăn gì đều quán là cam lồ thanh tịnh dâng cúng dàng lên Ngài và bất cứ thức ăn gì hành giả tiêu hóa là lòng Đại bi và trí tuệ Bản tôn, như thế sẽ giúp làm tăng năng lượng hỷ lạc trong hệ thống thần kinh của mình và mỗi bữa ăn sẽ đầy những trải nghiệm hỷ lạc không thể diễn tả.

Khi ngủ, hành giả hãy nằm trong tư thế sư tử, quán tưởng và triệu thỉnh Bản tôn trong suốt cả ngày an trụ phía trên đỉnh đầu của mình đi xuống luân xa tim an trụ trên đĩa mặt trăng hoa sen, kích cỡ nhỏ bằng ngón tay cái, chiếu sáng toàn bộ thân thể, căn phòng nơi mình đang ở và chiếu khắp tới những người có mặt ở phòng, sau đó chiếu sáng tới khắp vũ trụ. Tiếp đó, hãy quán chính mình tan thành ánh sáng hòa tan vào Bản tôn ở tim và Đức Bản tôn lại tan thành ánh sáng tràn ngập khắp bình đẳng pháp giới. Như thế, hành giả sẽ có thể đi vào giấc ngủ trong tính không, và việc ngủ một lần nữa trở thành bước tiến trên con đường giác ngộ. Nếu hành giả nhất tâm hành trì được như vậy thì ngay cả khi đi ngủ, trong giấc mơ, công đức và thiện nghiệp vẫn tăng trưởng.

Tóm lại, hãy quán tưởng tất cả những trải nghiệm tốt lành là sự gia trì của Thượng sư. Hãy quán tưởng tất cả những trải nghiệm đau khổ đều là lòng từ bi của Thượng sư. Điều quan trọng là bạn phải tận dụng tất cả những trải nghiệm này nhằm củng cố tâm chí thành và lòng tôn kính tới Thượng sư, chứ không phải tìm bất cứ một giải pháp nào cả.

Việc tu tập hành trì miên mật theo những điều kiện trên sẽ giúp hành giả không chỉ liên tục đón nhận trọn vẹn sự gia trì, tiêu trừ được hằng sa tội chướng, nghiệp báo, đạt được sự trường thọ mà còn sống được với Diệu quan sát trí, bản tính giác ngộ của tâm mình.

Điểm cốt yếu thứ ba là hồi hướng công đức. Trong kinh dạy: "Dù chỉ là giọt nước một khi nhỏ xuống biển sẽ không bị cạn kiệt cho đến khi biển khô cạn, và giọt nước ấy sẽ tồn tại chừng nào biển còn tồn tại. Nên nếu một người hồi hướng những thiện hạnh và công đức của mình với tâm Bồ Đề thì công đức đấy sẽ không bao giờ bị mất cho đến khi đạt được giác ngộ cho tất cả chúng sinh". Nói một cách khác nếu hành giả quên không hồi hướng công đức và thiện hạnh ngay sau thực hành thì những phiền não độc hại mạnh mẽ như sân giận, ghét bỏ hay tham muốn trong một giây phút bộc phát sẽ phá huỷ bất kỳ sự tích lũy công đức nào. Những đức hạnh và công đức chưa kịp hồi hướng giống như cỏ khô sẽ bị ngọn lửa tham lam, sân giận trong phút giây lơi lỏng thiêu trụi ngay tức khắc. Tuy nhiên, các đức hạnh tu tập đã được hồi hướng sẽ không bao giờ bị phá huỷ, vì những công đức ấy đã hòa trong biển đại dương tâm giác ngộ của tất cả chư Phật, và như thế sẽ được tăng trưởng mãi cho tới khi thành Phật.

Cách siêu việt để hồi hướng công đức sau mỗi thời khóa là hành giả hãy quán Tam luân không tịch, nhận thức bản thân mình, việc tu tập của mình và những chúng sinh được hồi hướng đều không thật, chỉ là duyên hợp như huyễn (nhằm mục đích xoá bỏ ngã chấp và chấp pháp). Sau đó, hãy an trụ trong trạng thái tâm bất nhị, an lạc, trong sáng, vô niệm càng lâu càng tốt.

Nếu hành giả chưa quán được như thế thì nên phát nguyện rằng “như chư Phật và Bồ tát trong quá khứ đã phát Bồ đề tâm và tuỳ hỷ, hồi hướng công đức và thiện hạnh của các Ngài như thế nào, con nay cũng xin hồi hướng như thế” và tụng bất kỳ bài kệ nào đã có sẵn trong nghi quỹ.

Hãy khắc cốt ghi tâm ba điểm cốt yếu trên! Nếu hành trì được như vậy hành giả sẽ có được kết quả thành tựu tối hậu!

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6328058
Số người trực tuyến: